Thương nhớ Thu Xà

Thứ Sáu, 10/01/2020, 08:59
Trước khi đi, họa sĩ Bùi Nam (Hội Mỹ thuật Quảng Ngãi) cho tôi biết trước kia Thu Xà bên sông Vệ là những con phố giống như phố cổ Hội An (Quảng Nam). Đó là khu phố cổ tích với bao câu chuyện thơ mộng nhất của Quảng Ngãi. Những dấu vết cho dù không còn lại bao nhiêu nhưng hồn cốt và hình ảnh con phố trăm năm xưa vẫn hiện lên trong ký ức của nhiều người...


Bỗng dưng tôi có ấn tượng với Thu Xà thôn (Nghĩa Hòa,Tư Nghĩa,Quảng Ngãi) chỉ vì những câu thơ mà tôi đọc được khi về vùng đất "Núi Ấn sông Trà" này. Đáng lẽ tôi định rời thành phố thì hình ảnh: "Nơi đây làng cũ buồn thu quạnh.Anh có khi nào trở lại chưa. Ngày đi chậm lắm. Dòng sông biếc. Hừng sáng trong trời sợi sợi mưa" lại ám ảnh trong lòng. Vậy là tôi quay về Thu Xà (cách thành phố chừng mươi cây số) với tâm thế vừa xa lạ vừa thân quen.

Hoài niệm Phố

Trước khi đi, họa sĩ Bùi Nam (Hội Mỹ thuật Quảng Ngãi) cho tôi biết trước kia Thu Xà bên sông Vệ là những con phố giống như phố cổ Hội An (Quảng Nam). Đó là khu phố cổ tích với bao câu chuyện thơ mộng nhất của Quảng Ngãi. Những dấu vết cho dù không còn lại bao nhiêu nhưng hồn cốt và hình ảnh con phố trăm năm xưa vẫn hiện lên trong ký ức của nhiều người.

Thu Xà là mảnh đất mang hơi thở của Chăm bí ẩn. Nó còn lưu dấu những vết tích hoang hoải với thời gian qua tường thành đổ nát. Nơi đây nằm giữa những con sông, kênh rạch và cận kề với cửa biển nên nhiều sóng gió. Những thổ dân Thu Xà từ xưa chỉ sống bằng nghề chài lưới và trồng mía.

Thế rồi trong một đêm mưa gió bão bùng, dòng thuyền nhân từ Trung Quốc bị dạt vào cửa Lở phía hạ nguồn sông Vệ. Họ lên vùng sình lầy Thu Xà trú ngụ rồi định cư hẳn khi nhà Nguyễn cho phép (khoảng năm 1691). Đó là những người thuộc nhà Minh từ Phúc Kiến, Tiều Châu, Quảng Đông lang bạt tránh sự truy bắt của nhà Thanh (từ thế kỷ 17).

Núi Ấn sông Trà Quảng Ngãi.

Đất lành chim đậu. Từ đó những ngôi nhà san sát được mọc lên trên bờ sông tạo nên con phố trên đất Thu Xà thôn.   Dòng người Việt cũng theo chân vào kết hợp buôn bán. Thu Xà trở thành một thương cảng của Quảng Ngãi từ đó.

Người đến làm ăn ngày một đông. Nơi đây hình thành đội ngũ thương hồ khá hùng mạnh. Đội ghe bầu xuất phát từ nhiều ngả theo các triền sông vào cảng Thu Xà buôn bán. Từ đây họ dong thuyền chở đầy muối mắm, chiêng, ché vạc đồng lên các vùng mạn ngược bán cho đồng bào dân tộc H'rê, Cor, Ca Dong. Sau đó các đoàn thuyền trở về tập kết tại cảng Thu Xà. Họ đón mua mật đường, quế, trầm kỳ, sa nhân, mật ong để lên phương Bắc bán hàng.

Cảng biển Thu Xà như một chàng trai lực lưỡng của biển cả vươn cánh tay đi khắp nơi tạo thành một địa chỉ nổi tiếng. Thu Xà phố dần dần hình thành một nếp sống đô thị với những sinh hoạt văn hóa cộng đồng và lễ hội tâm linh trên nền tảng văn hóa Việt-Hoa khá sâu sắc.

Trong hai thế kỷ 18 và 19 cho tới nửa đầu thế kỷ 20, Thu Xà trở thành trung tâm văn hóa kinh tế lớn của Quảng Ngãi. Kiến trúc cảnh quan khu phố bên sông đa dạng tạo nên không gian thương mại sầm uất đến mức Thu Xà còn được gọi là thành phố (Quảng Ngãi tỉnh chí - năm 1933)

Vậy mà chỉ từ năm 1940, khi người Pháp cho dựng đường sắt chở hàng đi về phía Nam, thương cảng Thu Xà gặp bao phen sóng gió. Thêm nữa, cửa biển nối liền với sông Vệ bị hẹp dần do phù sa bồi lấp. Đặc biệt những con sông đào vào bến cảng cũng bị xóa sổ. Tàu thuyền lớn không thể vào ra như xưa. Cánh lái buôn khai thác đường bộ và đường sắt nhanh chóng hơn đường biển.

Những nhà buôn lớn bỏ Thu Xà dịch chuyển làm ăn trong thành phố Quảng Ngãi, Quảng Nam và Huế. Thu Xà nhanh chóng như người đàn bà bị bỏ rơi bên cửa biển già nua. Chẳng bao lâu sau đó, khu phố Thu Xà cổ kính bị hoang tàn đổ nát vì chiến tranh.

Mãi sau ngày giải phóng (1975) người dân mới bắt tay xây dựng lại nhưng vẫn còn đó dòng sông bến cũ. Chùa Ông là di sản hơn 300 năm còn lưu lại duy nhất trọn vẹn tại nơi đây. Hàng ngày mọi người hay rẽ qua thắp hương như thể muốn bái vọng hồn cốt của con phố cổ ngày nào. Trong lòng người dân cồn nổi này luôn hoài niệm rằng: "Trăng sáng giữa trời trong/ Soi về miền cổ độ/ Lòng ta bến đò xư/. Bóng trăng sao chẳng tỏ" ("Trăng sáng bến đò xưa" - thơ Bích Khê) 

Thi sĩ đất Thu Xà

Thi sĩ Bích Khê (1916-1946) tên thật là Lê Quang Lương. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu cho dòng Thơ Mới, kế cận nhà thơ Hàn Mạc Tử (1912-1940) và cùng lứa với Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu. Thi sĩ là người sống từ những năm thương cảng Thu Xà phồn thịnh nhất cho đến khi bị quên lãng. Sự phai tàn của Thu Xà đã đem lại nỗi buồn day dứt trong tâm hồn thi nhân.

Sau những năm bôn ba đó đây sau khi bỏ dở học tú tài ở Hà Nội, thi sĩ trở về Thu Xà sinh sống và làm thơ. Do ảnh hưởng của thi pháp tượng trưng và siêu thực phát triển trên thế giới khi đó, Bích Khê chuyển hướng khá nhanh. Thi sĩ đã dứt bỏ những bài thơ lãng mạn cổ điển. Ông mạnh dạn theo đuổi nghệ thuật tượng trưng và siêu thực rất chông chênh khi mới bước vào tuổi 20 (năm 1936).

Bích Khê sớm tìm đến Hàn Mặc Tử và bắt đầu thay đổi thi pháp. Đặc biệt số phận của Bích Khê rất giống Hàn Mặc Tử. Cả hai cùng bị bệnh nan khi đó. Hàn Mặc Tử bị bệnh phong, còn Bích Khê bị lao phổi. Bích Khê tìm gặp Hàn Mặc Tử như được chắp thêm cánh thơ sáng tạo. Hàn Mặc Tử đã khích lệ Bích Khê sau khi đọc một số thi phẩm của bạn.

Phố xưa Thu Xà trong một họa phẩm.

Không những thế, trong khi phải lo chữa trị bệnh tật khá gian nan, Hàn Mặc Tử vẫn nhận lời viết đề tựa cho tập thơ đầu tay của Bích Khê. Quan hệ giữa hai người không chỉ dừng lại một tình bạn thông thường mà đã trở thành tri kỷ sâu sắc. Bích Khê ngưỡng mộ Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử cũng thể hiện sự trân trọng đối với lớp đàn em qua tập thơ "Tinh huyết" (In năm 1939 tại Hà Nội). Hàn Mặc Tử còn đánh giá cao thơ Bích Khê đến mức là "Thi sĩ thần linh".

Sự đánh giá của Hàn Mặc Tử về thơ Bích Khê ngỡ như quá lời. Nhưng xem các trích dẫn thơ và lời bình rất công phu và tận tâm của Hàn Mặc Tử ta mới thấy thật linh diệu. Có thể nói Hàn Mặc Tử đã phát hiện ra một ngôi sao thơ ca mới và có cách phân tích tác phẩm rất khoa học về thi pháp.

Hàn Mặc Tử viết: "Thi sĩ Bích Khê có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo, nhìn vào thực tế thì sự thực sẽ trở thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu…".

Quả nhiên những bài thơ của Bích Khê được nhiều nhà thơ sau này rất ngạc nhiên. Bởi cái nét huyền diệu và bí ẩn của thơ Bích Khê không giống ai ngay cả so với Hàn Mặc Tử. Người đọc thật sửng sốt khi đọc những câu: "Ta vồ người như một miếng mồi ngon/ Miệng ngậm hờn riết chặt lấy môi son/ Mắt đổ lửa lườm qua làn sóng sắc… Tôi giật nẩy rồi cười lên sặc sặc/ Hai tay cào đôi vú trắng như bông" (Xác thịt).

Cho đến nay, không ai không nhớ tới câu thơ của Bích Khê như: "Ô! Hay, buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi; Thu mênh mông" (Tỳ bà). Đó là câu kết của bài thơ đầy diễm ảo về âm nhạc và không kém phần mê hoặc trong tình yêu. Bài thơ "Tỳ bà" là một trong những tác phẩm điển hình cho thi pháp của Bích Khê. Đó là sự "cắt dán" những hình ảnh chẳng ăn nhập gì mà vẫn thu hút người đọc với những câu: "Vàng sao nằm im trên hoa giấy/ Tương tư người xưa thôi qua đây", hoặc "Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc/ Vài chút trăng say đọng ở làn môi". Thủ pháp "cắt dán" trong hội họa đã được đưa vào thơ. Bích Khê đặt những hình ảnh hoàn toàn khác biệt nằm cạnh nhau thể hiện thi pháp tượng trưng độc đáo.

Vườn thơ ảo mộng

Nay ngôi nhà xưa nơi thi sĩ Bích Khê sống và lớn lên đã trở thành một vườn thơ của Thu Xà. Đó chính là Nhà lưu niệm thi sĩ Bích Khê (khánh thành tháng 6-2016). Với lời tuyệt mệnh khi ở tuổi 30, thi sĩ Bích Khê vẫn còn lưu dấu cho quê hương với lời thơ: "Sau nghìn năm nữa trên trần thế/ Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi". Nối liền với ngôi nhà lưu niệm là khu vườn thơ khắc lên những phiến đá. Tôi thẫn thờ đi trong vườn thơ ảo mộng. Một nấm mộ đã được đề từ ở tuổi xuân yểu mệnh.

Những ký ức Thu Xà đầy gió biển ắt sẽ lưu giữ trong tôi cùng với những vần thơ ám ảnh đến suốt đời của một thi nhân bị lãng quên trong một thời gian dài. Đứng lặng trước nấm mộ với cành hoa cúc vàng, tôi cúi đầu tưởng niệm và nhớ tới những câu thơ của ông: "Gió tiêu sẽ quạt buồn thanh tịnh/ Về chốn thôn già viếng mả tôi/ Đầy cỏ xanh xao mây lớp phủ/ Trên mồ con quạ đứng im hơi" (Nấm mồ).

Vương Tâm
.
.