Thu Bồn và những tráng ca bất tử

Chủ Nhật, 27/11/2016, 08:02
Sinh thời, nhà thơ Thu Bồn được mệnh danh là một tráng sĩ thơ, với cả hai ý nghĩa về tính cách sinh hoạt và giọng điệu thơ hào sảng. Ăn to nói lớn đúng chất Quảng Nam thứ thiệt. Đến như sóng và đi như gió. Thu Bồn được coi là người đọc thơ hay nhất trong cuộc trao giải thưởng “Hoa sen” (Văn học Á Phi-1973) cho chính tác phẩm “Bài ca chim Chơ-rao” của anh...


1.Với vóc dáng cao lớn, ngang tàng của một chàng trai của mảnh đất kiên trung Quảng Nam, mới 12 tuổi Hà Đức Trọng (tên khai sinh của nhà thơ Thu Bồn) đã tham gia cách mạng (1947). Anh tham gia chiến đấu trên các mặt trận Tây Nguyên và Quảng Nam-Đà Nẵng như những chiến binh thực thụ.

Bảy năm sau, Hà Đức Trọng được tập kết ra Bắc, sau hiệp định Giơ-ne-vơ. Anh trở thành cán bộ văn hóa của trường sĩ quan lục quân Sơn Tây, chuyên tổ chức những cuộc chơi thể thao và sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Tình yêu văn học bắt đầu nảy sinh và những vần thơ đầu tiên về người lính được anh viết một cách chân tình và cũng đầy trải nghiệm. Câu thơ nào cũng đậm mùi khói súng nơi quê hương anh.

Nhưng rồi ý chí của Hà Đức Trọng hướng về cuộc chiến đấu đầy sóng gió Quảng Nam. Năm 1960, sau những năm tháng học tập và rèn luyện, anh cùng đơn vị trở về chiến trường Liên Khu V và Tây Nguyên. Đây mới là mảnh đất anh sống, tràn đầy nỗi khát khao trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc.

Đặc biệt mảnh đất đỏ Bazan kỳ bí và trung kiên đã làm lay động tâm hồn của người chiến sĩ Hà Đức Trọng. Anh cầm bút viết và ấp ủ một nguồn mạch thơ dồi dào về cuộc chiến đấu của những người con Tây Nguyên. Ngôi làng Đê Pa Plech cùng những ngọn núi hùng vĩ và suối ngàn thơ mộng đã ngấm vào mạch thơ anh.   

Những vần thơ của bản trường ca ra đời trong lán trại ngập sương mù. Cứ thế hình tượng thơ ca tràn lên những trang vở học trò dưới ánh đuốc bập bùng cháy. Nghe kể lại ngày ấy một cậu bé Ê đê đã châm đuốc cho anh mỗi khi lửa tàn trong đêm tối. Đó là những đêm trắng, đầy lãng mạn của một trái tim nồng nàn yêu thương cuộc đời.

Và cái tên Thu Bồn cũng ra đời từ đây. Đó là cái tên con sông quê, nơi anh lớn lên và bơi lội suốt tuổi thơ đầy mơ mộng, cho dù cái nghèo đói luôn bủa vây xóm làng. Anh viết liền mạch trong bảy đêm đầy nhiệt huyết. Đó là bản trường ca phản ánh cuộc chiến đấu đầy gian khó của đồng bào Tây Nguyên nhưng tràn đầy niềm tin chiến thắng.

Câu chuyện kể về những người chiến sĩ, điển hình đó là Y Rin, Sao, Hùng bị giặc vây bắt; nhưng họ đã vượt qua mọi thử thách, từ dụ dỗ đến đe dọa và tra tấn dã man nhưng không khuất phục. Họ một lòng hiến dâng cuộc đời, hy sinh cho cách mạng và tràn đầy niềm tin vào chiến thắng.

Từ trái sang: Bà Lý Bạch Huệ vợ nhà thơ Thu Bồn và nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà văn Ngô Thảo.

Khi bản trường ca “Bài ca chim Chơ-rao” in trên báo Văn Nghệ năm 1964 đã gây chấn động trong làng văn chương. Đó là một chân dung thơ mạnh mẽ, gây dấu ấn mới lạ trên con đường phát triển thơ ca cách mạng, theo dòng trường ca. Ngay sau đó, nhà thơ Thu Bồn được trao giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu, và trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, khi mới 27 tuổi.

2. Nhà thơ Thu Bồn lại tiếp tục cầm súng chiến đấu. Anh luôn luôn xung trận, vào những nơi gian khó nhất. Không ngờ trong cuộc chiến xuân Mậu Thân, nhà thơ Thu Bồn bị thương và phải đưa ra Bắc điều trị. Đến năm 1971, anh được điều chuyển làm giáo viên trường bồi dưỡng những người viết văn tại Quảng Bá, rồi trở về làm việc tại tòa soạn tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Trong thời gian này anh liên tục cho ra đời những trường ca mới như “Ba zan khát”-1976; “Cam pu chia hy vọng”-1978; "Cran 76 ngọn”-1979; “Người vắt sữa bầu trời”-1985; “Thông điệp mùa xuân”-1985… Có thể nói tính đến nay, anh đã viết được 7 trường ca, 5 tập thơ; và lập kỷ lục là người viết trường ca nhiều nhất.

Trong khoảng 15 năm, nhà thơ Thu Bồn không những cho ra đời nhiều trường ca, dài hàng ngàn câu mà anh còn viết được nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn xuất sắc. Riêng năm 1986, nhà thơ Thu Bồn đã in tới 4 cuốn tiểu thuyết, trong đó có bộ in dầy hai tập, với ba bốn trăm trang. Đó là những tiểu thuyết: “Mắt bồ câu và rừng phi tiễn”; “Vùng pháo sáng”; “Cửa ngõ miền Tây”; và “Em bé vào hang cọp”.

Ấy là còn chưa kể đến tập truyện ngắn “Dưới tro” cũng in vào năm 1986. Quả là phi thường. Với những thành tựu văn học xuất sắc đó, nhà thơ Thu Bồn đã được Nhà nước trao Giải thưởng về Văn học Nghệ thuật, năm 2001.

Nhà thơ Thu Bồn dường như làm việc kiệt sức với sự nỗ lực vượt tới 200% sức lao động. Anh viết ào ạt đúng như con người anh vậy, sống cũng dầy đặc sự kiện, yêu cũng rậm rịt phong trần. Với cá tính mạnh mẽ, cao ngạo, nhưng thơ anh cũng đắm say hết mình. Chính vì thế mà anh có sức quyến rũ kỳ lạ, nhất là với những bóng hồng.

Nghe đồn thổi cũng lắm, nhưng có những nỗi buồn sâu thẳm trong lòng anh thì ai cũng rõ. Đó là chuyện về hai người con đã bị nhiễm chất độc da cam mà do chính nhà thơ truyền lại sau những năm tháng quần quật nơi chiến địa. Đó là nỗi đau không thể nguôi ngoai khi có người con đã bỏ anh ra đi. Người còn lại cũng lận đận trên giường bệnh. Và, anh cũng bị kiệt sức sau những năm tháng làm việc miệt mài. Anh đã gục ngã vì một cơn tai biến sau 10 năm chung sống với nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Lý Bạch Huệ. Anh trở về cõi vô thường, trong nỗi cô đơn mênh mông.

Nhiều người hẳn còn nhớ những câu thơ trữ tình đầy bi kịch mà nhà thơ Thu Bồn như thể viết sẵn cho mình: “Xin giông bão đừng vào đây nữa. Và gió mưa thôi hãy ở ngoài sân. Vì trái tim đã trụi trần thân xác. Người hỡi người xin hãy nhẹ bàn chân”. Hơn nữa nơi nấm mộ anh còn khắc ghi lời nhắn lại cho những cuộc tình: “Rồi mai mưa gió qua đây. Anh còn ở với cỏ cây em về”.

Nhà thơ Thu Bồn.

3. Năm 2016, nhà thơ Thu Bồn đã được đề cử nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, với bốn tác phẩm; đó là “Tuyển thơ Thu Bồn”, Tập truyện ngắn đặc sắc “Dưới tro”, cùng hai tiểu thuyết “Chớp trắng” và “Vùng pháo sáng”. Đây là những tác phẩm xuất sắc trong hàng chục tác phẩm của nhà thơ cùng với 7 trường ca về đề tài cách mạng.

Sự nghiệp văn học đồ sộ của Thu Bồn gắn với cuộc chiến đấu của dân tộc ta trong quá trình giải phóng đất nước. Tác phẩm nào cũng bừng lên ánh sáng cuộc sống của người chiến sĩ cộng sản và đức tính tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ. 

Những tác phẩm được đề cử nhận giải của nhà thơ Thu Bồn đã phản ánh điều sâu nặng trong cuộc chiến đấu đầy cam go của dân tộc ta. Tiểu thuyết “Chớp trắng” là một trong số đó. Tác phẩm mô tả cuộc chiến đấu của bộ đội đặc công đánh tàu Mỹ ở Cảng Đà Nẵng, vào thời điểm năm 1968. Các nhân vật hai phía có số phận và những cá tính độc đáo.

Đáng chú ý những nhân vật có tâm lý xáo trộn, dao động giữa hai chiến tuyến tạo nên những góc khuất, nhưng hết sức sinh động và chân thật. Đó cũng là sự khám phá và hấp dẫn của tiểu thuyết.

Còn riêng “Tuyển thơ Thu Bồn” lại càng thể hiện một tâm hồn dồi dào cảm xúc lãng mạn và tràn đầy lạc quan. Đúng như nhà thơ quan niệm về chức năng công dân của nhà văn chiến sĩ rằng: “Thơ là khát vọng của tâm hồn, là giếng nước trong sa mạc tâm linh; Thơ có sức mạnh cứu vớt những cơn mơ của con người trong thực tại dâu bể lắm nỗi hoài nghi…”.

Và, những câu thơ trong bài “Hành phương Nam” đã thể hiện khát vọng của tâm hồn thi sĩ: “Xưa kia tráng sĩ hề da ngựa. Ta nay uống cạn mấy rừng mưa. Độc huyền tráng sĩ xưa ca cẩm. Ta ôm xích đạo gảy vòng cung. Môi hôn ngọn gió thơm hoa trái. Núi cũng chiều ta đứng trập trùng…”. Hoặc còn đó: “Có đêm tung súng lên trời hát. Hỏa pháo soi từng cổ họng khô. Em có đem về thêm giọt nước. Rưới cho bạn khát dưới nấm mồ”.

Nghệ sĩ Lý Bạch Huệ kể, khi mắc bệnh hiểm nghèo nhưng nhà thơ Thu Bồn vẫn còn nặng tình nhân thế, đã viết ra những câu thơ xuất thần gửi cho mình: “Về đi em chợ chiều sắp vãn. Nhớ mua cho anh một gói nhân tình. Bạn bè cách xa, dòng đời lận đận. Anh nằm đây trò chuyện với riêng mình”.

Nỗi niềm đó như cơn mộng mà anh vẫn cho rằng thơ là giếng nước trong sa mạc tâm linh. Món nợ “Gói nhân tình” ấy luôn luôn hiện hữu. Mọi người yêu thơ đến đây ngả mũ chào và thầm cảm ơn Thu Bồn, một thi sĩ đem lại những khát vọng không cùng về một chân trời mới. 

Chung Tử
.
.