Thơ chúc Tết của nhà thơ Thợ Rèn

Thứ Bảy, 08/02/2014, 08:00
Nhà thơ Thợ Rèn quê gốc Thái Bình, sống ở Hà Nội. Ông tên thật là Phạm Văn Huyến, sinh năm 1923, mất năm 2008. Ông là người khởi xướng và giữ mục "Chuyện lớn, chuyện nhỏ" của Báo Nhân Dân nhiều năm. Chuyên mục này, có ảnh hưởng lớn tới công chúng, vì nó mạnh dạn phê phán thói hư tật xấu của xã hội...

Sinh thời, hễ cứ Tết đến, nhà thơ Thợ Rèn lại có những bài thơ chúc Tết in báo và được truyền tụng trong người đọc khá rộng rãi. Thơ ông nặng lòng nhân thế, với cách phê bình, châm biếm nhẹ nhàng mà sâu sắc, nhưng cũng lắm chua xót. Bài thơ "Chúc tết" của nhà thơ Thợ Rèn viết vào dịp Tết Mậu Dần (1998) có những câu:

Chúc ai nói ít làm nhiều
Chúc cho công quỹ chi tiêu thăng bằng
Chúc tre già mọc nhiều măng
Chúc cân công lý thẳng băng mực tầu.

Đó là tâm thế của nhà thơ trước một xã hội đang có nhiều chuyển động. Cuộc cải tổ nào cũng có mặt được và mặt chưa được. Nhà thơ viết, như một lời căn dặn:

Gọi là chúc tết vài câu
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.

Trước cuộc sống đổi thay tới mức chóng mặt, cái tốt cái xấu còn song hành, nhân ngày xuân đi xem rối nước, nhà thơ Thợ Rèn đã viết:

Vào tuổi bảy lăm tớ vẫn say
Say trò rối nước thật là hay
Banzắc trò đời nghìn trang sách
Bây giờ dối giả chỉ vài dây.

Đối mặt với cuộc sống đang đổi thay còn đầy rẫy rối ren, nhà thơ liên tưởng tới nhà văn hiện thực nổi tiếng Banzắc với bộ tiểu thuyết "Tấn trò đời" bất hủ và thốt lên: Cái tấn trò đời ngày nay nó còn biến hóa tinh vi hơn, thủ đoạn hơn nhiều với cái tấn trò đời ngày trước. Vì "Bây giờ dối giả chỉ vài dây". Cũng trong một bài thơ Tết năm 1998, mang tính tự họa trào lộng, nhà thơ Thợ Rèn đã viết như lời tự thán:

Cơm áo nhân dân đã phí hoài
Công cha nghĩa mẹ cũng bằng toi
Bút nghiên một kiếp phên che gió
Sự nghiệp trọn đời hít mía voi

Trong một bài thơ chúc Tết khác, nhà thơ Thợ Rèn lại viết:

Trời còn để sống dăm năm nữa
Quyết sống cho ra cái giống người.

Câu thơ tự chúc mình của nhà thơ Thợ Rèn, người hậu thế mất sau nhà thơ Tú Xương 102 năm, lại có gì gần nhau về cốt cách của người cầm bút "Sao được cho ra cái giống người". Thì ra thời nào cũng thế, sống cho ra sống, sống có ý nghĩa, sống thật mình mới khó làm sao!

Suy nghĩ về nghề văn, trong tập sách kỷ yếu Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Thợ Rèn đã viết "Văn học với tôi là khó quá". Ông khiêm nhường tự nhận vậy, nhưng qua một số bài thơ chúc Tết của ông, đã neo lại trong lòng người đọc cái nỗi niềm da diết yêu thương và những trăn trở của một nhà thơ luôn có trách nhiệm trước cuộc sống. 

Ngoài phần thơ chúc Tết, trong mảng thơ hiện thực trữ tình của nhà thơ Thợ Rèn, bài thơ bốn câu với tiêu đề "Cố hương" đã khắc họa cái đổi thay đáng quan ngại ở làng quê chúng ta.

Mái bằng, mái bằng lại mái bằng
Tôi đi như cá lạc vào đăng
Ba mươi năm lẻ về quê mẹ
Cả làng là một cục xi măng

Đương nhiên, cuộc cách mạng bê tông hóa nông thôn có nhiều điểm tốt. Nhưng hình như sự chuyển đổi vội vã không định hướng đã dẫn tới sự băng hoại vẻ đẹp thanh bình cố hữu của làng quê nghìn năm. Âu cũng là điều đáng suy nghĩ trong ngày đầu năm

Vũ Từ Trang (Xuân 2014)
.
.