Thơ Hồ Xuân Hương qua hướng khai thác mới

Thứ Sáu, 03/10/2008, 11:06
Từ trước tới nay, thơ Hồ Xuân Hương đã được nhiều nhà xuất bản công bố. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên bạn đọc được tiếp cận với một ấn phẩm khác biệt hẳn với những gì đã được công bố về tác phẩm của Bà Chúa Thơ Nôm. Đó chính là cuốn "Thơ Nôm Hồ Xuân Hương" do GS-TS. Kiều Thu Hoạch khảo cứu văn bản và phiên âm, khảo dị, chú thích, từ góc nhìn văn bản học. 

Có thể nói, tác giả Kiều Thu Hoạch là người rất quan tâm nghiên cứu lịch sử văn bản, do đó, đã không tiếp nhận một cách xô bồ những bài có dấu hiệu tồn nghi về văn bản học, như các bài: "Đánh đu" (vốn được chép trong "Hồng Đức quốc âm thi tập"), "Bà Đanh" (vốn được ghi ở văn bản Nôm "Sự tích ông Trạng Quỳnh", và cũng có ở văn bản "Hồng Đức quốc âm thi tập"), "Đồng tiền hoẻn" (vốn là thơ của Yên Đổ) vv…

Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với cách làm khoa học này. Cùng với việc khảo cứu văn bản kỹ lưỡng, tác giả còn đề xuất được những tiêu chí lựa chọn thơ Nôm Hồ Xuân Hương một cách có cơ sở khoa học - thẩm mỹ thỏa đáng. Nhờ đó đã loại trừ những bài tục nhảm rẻ tiền, có phần chắc là thơ "giả mạo" trong hệ thống thơ Nôm họ Hồ, chẳng hạn như bài "Ông cử võ"…

Điểm khác biệt nữa: Tác giả Kiều Thu Hoạch là người đầu tiên đã chứng minh một cách có sức thuyết phục trên cơ sở tổng kết ý kiến của các bậc tiền bối như Dương Quảng Hàm, Trần Văn Giáp, Trần Thanh Mại, với cả "bàng chứng" và "nội chứng" văn bản học, rằng thời điểm hoạt động sáng tạo văn học của Hồ Xuân Hương là vào đầu thời Nguyễn, rằng văn bản thơ Nôm Hồ Xuân Hương được xuất hiện sớm nhất là vào thời Minh Mệnh (1820 - 1840). Đồng thời, tác giả công trình cũng là người phát hiện được một số bài thơ trữ tình - trào phúng có giá trị của Hồ Xuân Hương.

Về phần giới thiệu các văn bản thơ Nôm cụ thể, tác giả cũng là người đầu tiên tiến hành một cách nghiêm túc các thao tác văn bản học, đó là khảo dị và chú thích tỉ mỉ, kỹ càng với đầy đủ các cứ liệu khoa học đáng tin cậy. Việc khảo dị đầy đủ sẽ góp phần quan trọng vào quá trình nghiên cứu lịch sử văn bản, và trước hết là cung cấp cho độc giả những tư liệu cần thiết để soi sáng nội dung tác phẩm.

Việc chú thích các câu khó hiểu, các từ cổ, các điển cố… cũng là công đoạn không thể thiếu của người biên soạn văn bản, đặc biệt là văn bản Hán - Nôm. Trong công trình của mình, tác giả Kiều Thu Hoạch dường như đã bỏ khá nhiều công sức vào việc chú thích, chú giải.

Có thể nói, không một bài thơ Nôm nào có những câu chữ cần lý giải, giải nghĩa mà lại không được chú giải; chẳng những thế, còn được chú giải hết sức tường tận và nhờ vậy, đã cung cấp cho người đọc nhiều tri thức bổ ích, mới lạ.

Tiếp cận thơ Nôm Hồ Xuân Hương từ góc nhìn văn bản học là một hướng nghiên cứu mới mẻ, đầy thách thức. Người thực hiện loại đề tài này đòi hỏi phải có vốn Hán Nôm vững vàng, đồng thời phải có vốn tri thức liên ngành cần thiết.

Theo chỗ chúng tôi được biết, thì ngay từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, khi nhà văn Trần Thanh Mại bấy giờ là Tổ trưởng Tổ nghiên cứu văn học cổ cận đại - Viện Văn học bắt đầu triển khai nghiên cứu các đề tài Tùng Thiện Vương và Hồ Xuân Hương, thì tác giả Kiều Thu Hoạch khi ấy là cán bộ phụ trách công tác tư liệu dịch Hán - Nôm của tổ này, cũng đã tham gia cung cấp tư liệu về các đề tài này cho tổ trưởng.

Chính tác giả Kiều Thu Hoạch cũng từng tham gia dịch "Lưu Hương ký sự" cùng các bài thơ chữ Hán trong đó. Đồng thời, ông còn tham gia cả chuyến đi khảo sát điền dã tại làng Quỳnh Đôi cùng với Tổ trưởng Trần Thanh Mại để tìm hiểu lai lịch Hồ Xuân Hương… Như vậy, rõ ràng là tác giả Kiều Thu Hoạch đã có cơ duyên tham gia đề tài Hồ Xuân Hương từ khá sớm.

"Thơ Nôm Hồ Xuân Hương"- thành tựu hôm nay là kết quả tất yếu của cả quá trình nhiều năm nghiên cứu công phu, nghiêm túc của tác giả. Đó là thứ "trái chín cây" đích thực với nhiều hương vị khác lạ...

Nguyễn Cử
.
.