Thiếu tướng, nhạc sĩ Trần Gia Cường: Niềm đam mê theo suốt cuộc đời
Nhạc sĩ Trần Gia Cường tâm sự rằng, sang năm 2012 là tròn 40 năm anh ở trong quân ngũ. 40 năm ấy biết bao kỷ niệm vui buồn, đối với một người nghệ sĩ hay hoài niệm như anh. Từ ngày mới chân ướt chân ráo vào Trường Trung học Cảnh sát nhân dân, trường An ninh Miền Nam rồi học lên Đại học An ninh với những khát vọng sôi nổi nhiệt tình thời trai trẻ say mê hoài bão, đến những năm tháng gắn bó với miền biên giới Lạng Sơn trước khi trở về công tác tại Hà Nội cho đến nay; trải qua nhiều cương vị công tác với biết bao thăng trầm của cuộc sống nhưng đối với Trần Gia Cường, đó đều là những ngày tháng đẹp đẽ và nhiều ý nghĩa. Nhân "dấu mốc" quan trọng này, nhạc sĩ Trần Gia Cường "bật mí" rằng anh có ý định sẽ tổ chức một đêm nhạc và một triển lãm mỹ thuật điêu khắc cá nhân như là một cách "tri ân" với cuộc đời.
"Tôi muốn qua đây nói lời cảm ơn với cuộc đời, với những người yêu mến quanh mình, bởi mỗi ngày được sống, lao động và trải nghiệm theo năm tháng đối với tôi đều lắng đọng thành một thứ phù sa. Thứ phù sa ấy tôi lại đem gửi gắm vào những tác phẩm âm nhạc cũng như điêu khắc của mình, những mong góp phần nhỏ bé tô điểm cho cuộc đời này... Âu cũng là cách thường nghĩ của những người ở lứa tuổi chúng tôi - lứa "ngũ thập tri thiên mệnh". Tuổi 50 đã đủ để biết mình ở đâu trong cuộc đời này và đã biết trời cho ta những gì. Lứa chúng tôi không chỉ gánh trên vai hành trang riêng mình, mà giờ đây còn chia sẻ trách nhiệm với đất nước, với ngành Công an cả đời gắn bó và còn phải lo toan cho chữ "Phúc" một đời người...".
Với nhạc sĩ Trần Gia Cường, âm nhạc gắn bó với anh như duyên trời định, thật khó giải thích. Con đường anh đến với âm nhạc đúng là đầy những truân chuyên nhưng có một điều không bao giờ thay đổi, đó là tình cảm, niềm đam mê của anh dành cho âm nhạc. Ngày ấy, mới lên 6 tuổi, cậu bé Trần Gia Cường đã được tuyển vào lớp Piano hệ 11 năm tập trung đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam. Nhưng năm 1965 xảy ra chiến tranh phá hoại miền Bắc, Trường Âm nhạc Việt Nam phải đi sơ tán về Hà Bắc (cũ) và phải giải tán lớp học măng non này. Rời xa cây đàn piano mấy năm, cùng gia đình đi lao động khá vất vả ở miền rừng núi Lạng Sơn, nên khi được gọi lại để tiếp tục học piano, thì thật đáng tiếc là đôi bàn tay của Trần Gia Cường đã trở nên thô cứng mất rồi.
Mặc dù giấc mơ được bay bổng trên phím đàn của anh bị dang dở, nhưng nó vẫn không ngừng ám ảnh anh. Học lớp 9, anh thi vào Đoàn Nghệ thuật Quân khu 1 như một cách để tiếp tục thực hiện ước mơ ấy. Do nhiều người thân, bạn bè cản ngăn nên ước mơ ấy đành một lần nữa không thành. Nhưng cũng chính vì thế, anh quyết định gia nhập lực lượng Công an, để rồi ngành Công an có thêm một vị tướng, thêm một người nhạc sĩ đã sáng tác nên những ca khúc đặc sắc về đồng đội của mình. Với những đóng góp về âm nhạc, Trần Gia Cường vinh dự là sĩ quan chuyên ngành An ninh đầu tiên được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2000.
Thiếu tướng, nhạc sĩ Trần Gia Cường bên một số tác phẩm tạo hình. |
Từ những bài hát đầu tiên như "Nghe tiếng loa quê hương trong chiều biên giới" đến sáng tác gần đây nhất là bài "Hà Nội ngàn năm thành phố của tương lai", Trần Gia Cường đã chạm đến những rung động sâu xa nhất trong tâm hồn người nghe. Chẳng thế mà bài hát "Nghe tiếng loa quê hương trong chiều biên giới", có đoạn: "Có những chiều dừng chân bên cột mốc/ Nghe vang trong không gian tiếng loa quê hương/ Ôi tiếng nói yêu thương như tiếng em thơ trong chiều mẹ ru hời ơi/ Bạn ơi, chẳng thể nào quên phút giây nghe tiếng loa quê hương trong chiều nay/ Khi tiếng bom thù vừa lặng câm/ Bao đồng đội tôi vừa ngã xuống/ Khẩu súng trao tôi trong ánh nhìn cuối cùng/ Là khi tiếng loa quê hương bừng lên...". Bài hát đã được trao giải Đặc biệt trong cuộc thi sáng tác ca khúc nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam. Hình ảnh người chiến sĩ công an tiền phương mà hình ảnh ấy còn trở đi trở lại nhiều lần trong các bài hát của anh. Những năm gắn bó với Lạng Sơn - phên dậu thiêng liêng của Tổ quốc thời còn bom rơi đạn nổ - đã để lại trong anh những dấu ấn không thể phai nhòa. Bài hát "Chúng tôi là chiến sĩ an ninh tiền phương" ra đời cũng đã gây nhiều xúc động bởi giai điệu cũng như ca từ vừa hùng hồn vừa tha thiết: "Tổ quốc mến yêu ơi, một niềm tin với chúng tôi. Có chúng tôi giữ yên cuộc sống. Có chúng tôi người chiến sĩ an ninh tiền phương...".
Khi giai điệu bài hát này trở nên phổ biến, bài hát đã được đổi thành "Chúng tôi là chiến sĩ an ninh Việt Nam", trước khi trở thành "Chúng tôi là chiến sĩ Công an Việt Nam" như hiện nay. Và như vậy bài hát đã đến được với tất cả các đơn vị mà không hề mang tính khu biệt, đặc thù theo lĩnh vực công tác nữa. Chính nhạc sĩ Trần Gia Cường cũng ngạc nhiên bởi "số phận" đặc biệt của bài hát này. Trải qua nhiều kỳ hội diễn toàn ngành, bài hát "Chúng tôi là chiến sĩ Công an Việt Nam" luôn được nhiều đơn vị chọn biểu diễn. Giai điệu hào hùng, khí thế của bài hát như thay một lời thề của Lực lượng Công an trước Tổ quốc, trước nhân dân. Ca khúc đã đoạt Giải Nhì (không có giải Nhất) do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng cho những sáng tác về ngành Công an.
Không chỉ thành công với những sáng tác về người chiến sĩ Công an nhân dân với những bài hát như: "Nỗi nhớ Hà Nội", "Bài ca người Cảnh sát giao thông", "Những ngôi sao không bao giờ tắt", "Những cánh sen thơm", "Có một thời như thế"...; nhạc sĩ Trần Gia Cường còn thành công với những khúc tình ca. Những tình khúc viết về Hà Nội, về tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương của nhạc sĩ Trần Gia Cường thường phảng phất buồn và nhuốm màu hoài niệm như "Thu Hà Nội", "Hà Nội mưa", "Mùa thu", "Những cánh diều trong phố", "Trở lại dòng sông ngày ấy", "Trầu cay"... Âm nhạc đã trở thành nơi để người nhạc sĩ giãi bày lòng mình. Ở đó, anh thấy mình được thăng hoa, được sống với niềm đam mê và sáng tạo. Ca khúc "Thu Hà Nội" từng đoạt Giải Vàng trong Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005.
Nhạc sĩ Trần Gia Cường tâm sự: "Tôi là người muốn khám phá cuộc sống đa chiều. Tôi tìm đến âm nhạc để được sống trong nhạc cảm vốn mang đến cho tôi sự bình yên và hạnh phúc. Sau này, tôi lại tìm đến nghệ thuật điêu khắc như một sự bổ sung cảm xúc khi những nốt nhạc không thể giúp tôi nói hết những tâm sự của mình... Nghệ thuật điêu khắc thực sự đã đem đến cho tôi một đời sống khác. Tất nhiên, nghệ thuật làm tượng thật lắm vất vả, lắm nhọc nhằn nhưng nó giúp tôi có được những giây phút thư giãn, yên bình cho riêng mình...".
Vậy là giữa những quãng nghỉ trong bộn bề công việc, bên cạnh cây đàn ghi ta, nghệ sĩ Trần Gia Cường lại tay búa, tay đục, mài mài, giũa giũa, đục đẽo, mang, vác, bê, nâng... để sáng tác nên những tác phẩm tạo hình đặc biệt của mình. Phòng làm việc của anh cũng luôn có sẵn búa, đục, khoan, cưa... và đó cũng chính là nơi anh lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật của mình như một cách thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Từ những rễ cây, gốc cây thô mộc xù xì có khi đã hàng trăm năm tuổi, người nghệ sĩ ấy đã hình thành nên những tác phẩm độc đáo như: "Thánh Gióng", "Khuất Nguyên", "Quan Công "Các Mác" "Sau ô cửa", "Khát vọng", "Thời gian", "Trống Tây Nguyên", "Vũ điệu Tây Nguyên"... và rất nhiều tác phẩm khác nữa. Nghệ sĩ Trần Gia Cường bày tỏ: "Với mỗi tác phẩm, tôi luôn cố gắng để giữ lại những vẻ đẹp tự nhiên của thiên nhiên, của đường gân, thớ gỗ. Đó là những gì tinh túy nhất mà một đời cây còn lại dâng đời...".
Gần 40 năm lao động miệt mài đầy say mê và sáng tạo, nhạc sĩ - nghệ sĩ điêu khắc Trần Gia Cường đã có được một "gia tài" khá lớn về âm nhạc và tác phẩm điêu khắc. Nhưng anh vẫn âm thầm lao động từng ngày, từng ngày, để chuẩn bị cho dự án âm nhạc và triển lãm mỹ thuật mà anh đang hướng tới