Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung: Một tấm lòng son dâng Tổ quốc

Thứ Bảy, 30/07/2016, 08:30
Ngày đầu tiên tôi đến giúp việc cho ông - Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung là ngày 10-10-2014, kỉ niệm ngày Giải phóng Thủ đô. Sáng hôm đó tôi đến rất sớm vì biết ông nghiêm khắc, không thích ai muộn giờ. Sau đó, ông và tôi nói chuyện, rồi ông khóc và kể chuyện về Cụ Hồ. Chính cuộc đời hy sinh cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm hóa ông. Những năm tháng tuổi già hiu quạnh, nhưng trong nội tâm ông lúc nào cũng đau đáu nghĩ về Tổ quốc, nhân dân. Ở ông luôn lặng lẽ đập một trái tim yêu nước. Cả cuộc đời ông thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn.


Những kỷ niệm ấm lòng

Khi biết quỹ thời gian trên cõi dương gian của mình không còn nhiều, sức khỏe yếu hẳn, thấy cần người giúp sắp xếp lại bản thảo, sách vở, đánh máy những tác phẩm mới, ông nhờ tôi đảm nhiệm công việc ấy. Nhà văn Nguyễn Chí Trung, thế hệ chúng tôi biết được qua truyện ngắn "Bức thư làng Mực", với nhân vật Nhật dám mang súng trường lên rẫy mai phục và bắn rơi một máy bay địch.

Thời bấy giờ, khi câu hỏi chúng ta có thể đánh thắng giặc Mỹ không? Thì chính anh du kích Nhật đã góp phần trả lời. Rồi gần đây, lại được đọc tiểu thuyết "Tiếng khóc của nàng Út". Nhà văn Nguyễn Chí Trung, qua hiện thực của cách mạng miền Nam, cụ thể là vùng đất Trung Trung Bộ, lại gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh, nếu để mất chính quyền sẽ phải trả giá bằng máu. Đó chính là máu của đồng chí, đồng bào. Có phải lời nhắn gửi ấy chăng mà tiểu thuyết này đưa ông đến giải thưởng Hội Nhà văn và giải Văn học Đông Nam Á. Được giúp việc cho một nhà văn như thế còn gì hãnh diện bằng.

Hôm tôi tới phòng làm việc của ông ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trước mắt tôi là một ông già đang ngồi say sưa đọc sách. Mới sáng sớm đã đọc sách? Tôi tự hỏi và cất tiếng chào. Ông bấy giờ người đã yếu nhưng đôi mắt sáng, sắc sảo. Làm việc lâu hơn với ông, tôi mới biết có hôm ông đọc sách cả đêm, đến sáng chúng tôi đến vẫn thấy ông ngồi bên bàn làm việc.

Ông bảo tôi ngồi xuống ghế rồi hỏi đã ăn sáng chưa, hôm qua ngủ có được không. Nhân ngày Giải phóng Thủ đô, ông kể chuyện về Bác Hồ, vừa kể vừa khóc, rất thương. Sau đó, ông nói về công việc ông cần nhờ. Cũng chẳng phải lâu, ông nhờ tôi đánh máy bài báo về cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Ngãi qua một người bị mù, nhưng là một chiến sỹ vận tải kiên cường, bằng chiếc gậy tre, với con đường núi, đường rừng quen thuộc, trong suốt mấy chục năm kháng chiến, người chiến sỹ này đã vận chuyển không biết bao nhiêu là hàng hóa, vũ khí cho bộ đội.

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung.

Thời bình, người chiến sỹ ấy sống một cuộc đời vô danh trong một căn nhà bên rẫy, hằng ngày trồng mì, sắn, gieo lúa. Đọc bài viết, chúng ta không cầm nổi nước mắt và thấy mình cần phải làm gì để cuộc đời có ý nghĩa hơn.

Trong quá trình giúp việc, tôi được biết nhà văn Nguyễn Chí Trung tham gia cách mạng từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thành công. Lúc ấy, Thái Nguyên Chung, tên khai sinh của Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung mới bước vào tuổi 15, được giao nhiệm vụ liên lạc Ủy ban Việt Minh chiến khu Đồng Bò. Một thế hệ chớm ngưỡng tuổi thanh niên hăng hái tham gia kháng chiến bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ.

Đến 1946, chàng thanh niên Nguyễn Chí Trung nhập ngũ và được cử vào Ban biên tập Báo Xung Phong của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ rồi làm báo chí, văn nghệ Ban Tuyên huấn Liên khu 5. Chính thời gian này Nguyễn Chí Trung gặp nhà thơ Trần Mai Ninh. Nhà thơ Trần Mai Ninh đã dạy Nguyễn Chí Trung làm báo, viết văn.

Khi nói về đời văn, đời báo của mình, nhà văn Nguyễn Chí Trung luôn xem Trần Mai Ninh là người thầy đầu tiên của mình. Với một người làm báo, viết văn, người thầy đầu tiên rất quan trọng, tạo nên cách tiếp cận hiện thực và văn phong. Văn bút ký Nguyễn Chí Trung mang chất chính luận, phảng phất hùng ca văn xuôi, chính là tiếp thu được ở thầy Trần Mai Ninh, tác giả "Gió Tuy Hòa", cùng nhiều truyện ký khác.

Nhà văn Nguyễn Chí Trung là người làm việc chuyên cần. Ngay khi tuổi đã ngoài tám mươi ông vẫn giữ thói quen đọc sách, ghi chép tỉ mỉ bằng nét chữ chân phương, nắn nót, suy nghĩ mải mê quên cả giờ giấc và cuộc sống xung quanh. Những ai đã làm việc cùng ông chắc không khỏi ngạc nhiên khi đi đâu về, dù rất lâu, vẫn thấy ông ngồi yên ở vị trí cũ, say sưa nghiên cứu, làm việc. Ông có tính đã làm việc gì là tập trung cao độ vào công việc ấy. Như không gì có thể ảnh hưởng đến mình. Đã làm việc gì là làm triệt để, đến cùng mới thôi.

Ông rất gần gũi với những người dân bình thường, bất hạnh. Mỗi lần đi Sài Gòn ông hay đến thăm các em bé bị ung thư tại bệnh viện Ung bướu, chơi cùng các em, mời các em đến nhà ăn cơm. Để sau này mỗi lần kể cho ai đó về hoàn cảnh các em, ông lại khóc, thậm chí khóc nức nở như một đứa trẻ. Tình yêu con người, tình yêu cuộc sống thấm thía, đượm nhuần trong từng suy nghĩ của ông.

Ông là người sống rất kiệm cần, liêm chính, giản dị trong cả cách ăn mặc. Có lần ông cùng một cô cháu đi công việc về muộn. Bảy, tám giờ tối rồi sợ cháu đói, ông bảo cháu xuống ăn phở, ông không ăn. Ông thích ăn cam, thích ăn phở nhưng chưa bao giờ mua ăn, trừ khi một số bạn bè thân thiết biết tính, thỉnh thoảng mua gửi đến cho ông. Vắt cam cho ông, ông chỉ ăn bã cam, còn nước thì để phần cháu. Rồi mùa đông trời lạnh, có lần ông nhờ tôi đi mua cho ông chiếc áo len. Khi về ông nói, đây là lần đầu tiên ông mua cho mình một chiếc áo. Cả đời ông không bao giờ mua quần áo, sau này vẫn mặc lại đồ mà quân đội cấp.

Ông là một mẫu mực về nhân cách sống: trong sáng, thanh bạch, lành mạnh, giản dị, tiết kiệm. Ông sống với tiện nghi sinh hoạt bình thường, khác với các cán bộ cao cấp khác. Căn phòng làm việc của ông chỉ có một chiếc giường cá nhân, một bàn làm việc, còn lại toàn bộ gian phòng là tài liệu và sách vở. Rất nhiều tài liệu từ năm 1975 được ông lưu giữ cẩn thận.

Tài liệu, sách vở lưu trữ để lâu ngày, không may mà bị mất một trang giấy thì ông lại kỳ cùng tìm cho bằng được mới thôi. Mà tôi không tìm được thì thế nào cũng bị mắng. Cuối năm, ông dọn dẹp giá sách, nâng niu từng cuốn sách, lau sạch bụi rồi mới cất lên giá.

"Có mối tình nào hơn Tổ quốc"

Tại sao những năm tháng sống giữa rừng xanh, bản vắng... ông không hề sờn lòng, nản chí nghĩ cho mình một hạnh phúc riêng. Câu trả lời chỉ có thể tìm thấy là: Tổ quốc và nhân dân. Ông gửi trọn cuộc đời mình cho Đảng. Ông yêu Đảng đến giây phút cuối cùng. Với ông, tất cả mọi hạnh phúc, mọi chân lý ở đời đều nằm trong đó. Ông từng viết trong cuốn sổ của mình: "Có nhiều cái vui, nhưng làm việc cho thắng lợi mới của Tổ quốc, của Đảng là niềm vui cao quý nhất, là hạnh phúc rực rỡ nhất".

Tôi nhớ mãi Quốc khánh mùng 2/9 năm 2015, 3 giờ sáng ông gọi điện từ Sài Gòn hỏi, mai con có đi xem diễu binh không. Ông đã khóc, đã nấc lên: "Ông lúc nào cũng giữ một tấm lòng son với nước non"; "Ông tin rằng chân lý sẽ đến nhưng chỉ đến hơi lâu thôi. Ông tin rằng hạnh phúc chân chính sẽ đến với mọi người". Ông đã đi vào cuộc kháng chiến với tất cả nhiệt huyết, tràn đầy niềm tin, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì lí tưởng cao đẹp cho ngày mai.

Sau những ngày phấn đấu đến căng cả tim óc, khi tình cảm đã bắt đầu lắng xuống, bộ đội đã về hết, quán hàng đã đóng cửa, ông ngồi nhìn mãi theo dòng sông Hồng. - Nước mắt như cuốn cả tâm hồn. Cái cảm giác này đến với ông nhiều lần - Trên má mình, có cái gì âm ấm.

Gần như trọn cuộc đời của ông gắn liền với các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đầy hi sinh gian khổ, nhưng vô cùng oanh liệt và đáng nhớ. Ông nói, những ngày sống của chúng ta không bao giờ trôi đi mất, mà sẽ ở lại bên chúng ta, nếu như những ngày đó chúng ta sống cho ra sống: "Cuộc đời không phải tất cả những ngày chúng ta sống, mà chỉ kể những ngày sống đáng ghi nhớ lại". Những người sáng tạo vì lợi ích tập thể sẽ luôn trẻ mãi và sống mãi.     

Có những người trách ông tính khí khác thường. Nhưng nếu cuộc sống tình cảm của ông khác đi, nếu ông có một cuộc sống bình thường như mọi người, tôi nghĩ chắc chắn ông sẽ không như vậy. Lối sống khắc khổ của ông, tính khí thất thường đôi khi hay nổi nóng của ông, hoàn toàn trái ngược với bản chất hiền lành, đa cảm của ông.

Do tuổi cao, sức yếu, ông đã từ trần hồi 22 giờ 35 phút ngày 11-6-2016 tại nhà riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, người thân và bạn bè. Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tổ chức tang lễ Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung rất trọng thể.

Các đơn vị Quân đội nơi mà ông từng công tác đến viếng, thủ trưởng các đơn vị ấy bây giờ thuộc thế hệ sinh ra và lớn lên sau khi đất nước hòa bình, nhưng họ đã được nghe lớp trước kể những câu chuyện về nhà văn Nguyễn Chí Trung đã từng đến tận chiến hào trong thời giữ nước ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất nước Chùa Tháp. Chính trên đất bạn Campuchia, nhà văn Nguyễn Chí Trung đã bị thương trong khi làm nhiệm vụ quan trọng. Thương tật đã khiến cánh tay ông không được bình thường nhưng nhờ luyện tập, ông vẫn viết và cho ra đời những truyện ngắn, bút ký ấn tượng.

Không có một vinh dự nào lớn hơn đối với một con người là sau khi đã khuất, hình ảnh còn lại của con người ấy không hề bị gợn đục theo năm tháng. Không ai tìm thấy thuốc trường sinh để sống mãi trong cuộc đời này, nhưng mọi người đều có thể sống đẹp, sống vui đến những giây phút cuối cùng, và cho đến giây phút cuối cùng ấy, vẫn giữ trọn tình yêu với Tổ quốc, với nhân dân.

Trần Mai Anh
.
.