Thiên đường của Nguyễn Văn Thọ

Thứ Năm, 14/05/2020, 17:53
Tôi quen biết nhà văn Nguyễn Văn Thọ khoảng hơn mười năm, được anh tặng nhiều sách như “Quyên”, “Hương mỹ nhân”, “Vàng xưa”, “Vườn mộng”… nhưng quả thực tôi chưa từng đọc thơ anh. Mãi đến gần đây, đọc được bài giới thiệu chùm thơ 10 bài in trên Trang thơ Plus, tôi ngạc nhiên biết anh đã làm thơ in báo, in sách từ năm 1996.


Nguyễn Văn Thọ sinh năm 1948, quê Thái Bình. Từ nhỏ đã theo cha là hoạ sỹ lên Hà Nội; từng là người lính chiến đi suốt cuộc chiến chống Mỹ, nay về sống tại làng Ngọc Hà, Hà Nội. Nhiều người Việt ở Đức như tôi chỉ biết đến văn xuôi anh, đặc biệt là tiểu thuyết “Quyên”… Nhưng đọc thơ, thấy nếu văn xuôi của Nguyễn Văn Thọ mở ra phía bên ngoại cảnh, thì thơ anh lại ở phần hồn chính anh.

Số phận phiêu dạt của người lính Nguyễn Văn Thọ sau chiến tranh đưa anh tới Đông Đức làm Đội trưởng một đội lao động người Việt. Biến động lịch sử 1990, nước Đức thống nhất đã làm thay đổi bao nhiêu số phận người Việt. Hầu hết người Việt mất việc làm. Họ vừa hoang mang, vừa choáng ngợp trước sự giàu có và hào nhoáng của một nước Đức tư bản. Đồng tiền có sức hút mạnh mẽ. Sau phút choáng váng, người ta lao vào cuộc chiến kiếm tiền bằng mọi giá, đầy mồ hôi, nước mắt và cả máu. Là người trong cuộc, lại sẵn cái mẫn cảm khi đã từng cầm bút, lập tức cuộc sống tràn trang giấy, bằng những lời thơ rất thật:

Tôi sống giữa châu Âu
ăn ngon, mặc đẹp – Hơi thở tôi rất lạnh!
tôi mua- mua, bán – bán trên hè đường
ngày lại ngày...
nhiệt độ ngoài trời âm hai mươi nhăm độ
nước mắt chảy ra đóng băng gai nhọn
đồng D Mark trong ngực cứng như lưỡi dao
chém vào lòng...
nhận ra lời tha hương bạt xứ của ai!

Sau lưng cửa hàng hoa đầy hoa nhiệt đới sống trong lồng kính
lồng kính mong manh – con người dễ vỡ
tôi thương xanh lướt lả thân cành

(“Hơi thở”- Tập “Mảnh Vỡ”)

Có thể thấy, thơ Nguyễn Văn Thọ thuộc loại thơ tự sự. Đại từ nhân xưng “Tôi” luôn ở vị trí chủ đạo. Thơ Nguyễn Văn Thọ mộc mạc, dung dị như ngôn ngữ ngày thường. Hình ảnh trong thơ anh cũng vậy, đầy chất liệu sống. Và, thường sau mỗi cảnh tình thơ ấy, bao giờ cũng có câu thơ chốt, giàu cảm xúc, ẩn chứa một suy tư, đưa ra một triết lý “nhận ra lời tha hương bạt xứ của ai!”;  “tôi thương xanh lướt lả thân cành” làm cho bài thơ trở nên sâu sắc và hay hơn là nhờ những câu có tính tổng luận, đầy chiêm nghiệm như thế.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ kí tặng sách cho độc giả.

Thủ pháp nghệ thuật lấy cảnh làm nền cho diễn biến tâm lý, biểu hiện tình cảm, suy tư và triết lý luôn được Nguyễn Văn Thọ sử dụng rất nhiều và khá thành công. Bài “Cửa sổ” như một tiểu phẩm điện ảnh, mô phỏng cuộc đời, người chiến binh đánh mất thanh xuân vì chiến tranh, buộc phải cầm súng bảo vệ đất nước, đến nay vào cái tuổi mệt mỏi,... qua cửa sổ nhận ra một thế giới quan khác, khác với bi kịch chiến tranh ở xứ sở anh. Bài thơ vang vang sự nhận thức, đầy tính ẩn dụ về sự tự giác ngộ để chính nhân vật thấy thời cuộc đã xoay chuyển, thế giới sẽ, hay đang tốt đẹp hơn. Đây là bài thơ hay, giàu về tư tưởng và hình tượng, kết cấu liên hoàn.

“Thiên Đường”, bài thơ khai Xuân Đinh Dậu, Nguyễn Văn Thọ viết gần đây khi anh trở về quê hương năm 2017. Như vậy là sau hơn hai mươi năm ra đi và sau vài năm trở về, đủ chín để anh nhận ra đâu là thiên đường của đời mình. Đoạn mô phỏng nơi anh về thật đẹp:

Vườn tôi xanh vẫn mùa trăng ở
tiếng cựa mình của đứa con trai
nghe tiếng ai, tiếng ai...
giấc mộng vẫn dài
giữa vườn xưa vẫn tôi màu gặp gỡ.

Dù vậy, vết thương lòng những năm bạt xứ vẫn lẩn quất như bóng ma ám vào hồn anh, đẩy anh về quá khứ với những tháng ngày lênh đênh ở tạm, ăn tạm, cô đơn, lạnh buốt:

Tôi ra đi
nói chuyện với cây
ở tạm, ăn tạm, ngủ tạm và yêu tạm.

...

Tôi trở về chân còn bụi trầm luân
còn tuyết trắng bay đau mộng mị...
phút quên rồi nói chuyện lại cùng cây

Thực ra, lối sống tạm bợ không chỉ riêng với Nguyễn Văn Thọ mà có ở hầu hết người Việt, ngay từ ngày mới tới Cộng hoà dân chủ Đức. Hợp đồng lao động với họ chỉ có bốn năm, sinh ra tâm lý cái gì cũng tạm bợ. Dù như thế, nhưng ở nước Đức vẫn là một “thiên đường” của nhiều người Việt lúc bấy giờ. Người ở đất nước chiến tranh, bị cấm vận, thiếu từ miếng cơm manh áo, đến nơi vật chất dư thừa, thì đấy là “thiên đường”. Nước Đức thống nhất, một “thiên đường” khác lại mở ra, nó hấp dẫn, mê hoặc người ta bội phần. Tham vọng của con người như con tàu chạy trên đường ray không bến đỗ. Đấy mới là bi kịch của loài người.

Có lẽ, Nguyễn Văn Thọ là một trong số rất ít người, ngay từ năm 1996 đã có những vần thơ cay đắng, day dứt của kẻ tha hương:

Những đêm mưa xa xứ
Một chốn dung thân chẳng đủ

(“Mưa” - tập “Mảnh vỡ” )

Những kiếp đời mơ sống bình thường
sao cứ trôi trôi trên sông “khách thợ”
Hà Nội thừa ăn, sao lại thiếu quê hương?

(“Thơ tìm tôi hay là” 1996- tập Mảnh vỡ)

Mùa xuân năm 2012, tôi nghe anh kêu lên trên điện thoại: “Lạnh quá! Cái phòng chết tiệt, không có lò sưởi...”. Tôi mời anh tới nhà. Đón một người bạn quắt queo, ốm so rời khỏi căn nhà không máy sưởi, tôi chạnh lòng liên tưởng đến Nguyễn Bính. Nguyễn Bính lữ khách phiêu bạt từ Hà Nội vào Nam. Nguyễn Văn Thọ từ Berlin xuôi về Nam Đức, Chemnitz.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ và vợ trong ngày ra mắt sách.

Nguyễn Bính ngủ đình ngủ quán, lấy rượu giải sầu, lấy chị Trúc để chia sẻ: “Tết này chưa chắc em về được/ Em gửi về đây một tấm lòng/ Chén rượu tha hương, giời: đắng lắm / Trăm hờn nghìn giận một mùa đông”.

Nguyễn Văn Thọ ốm, sốt, đi dưới tuyết rơi, kéo ba lô đầy tiểu thuyết “Quyên” đi bán trả nợ cho“căn nhà tình yêu” “mối tình lần thứ Ba”, ngủ trong phòng không có lò sưởi lạnh buốt, luôn lấy “Quyên” làm kẻ đồng hành. Ở bên nhau, thấy anh hay gọi điện về Việt Nam, có riêng một trang thơ với tựa đề “Nói với Châu Giang”: “Nghĩ mà thương thương lúc xa nhau / Cái hoang vắng ở trong ai nhiều thế”. Thì ra, trong cô đơn, anh lại tìm thấy hạnh ngộ, là vợ anh bây giờ - Châu Giang. Tôi tin, đấy là cú huých định mệnh, để anh trở về tìm thấy thiên đường của mình:

Thiên đường?
mỗi người ta mỗi cõi
với riêng tôi ở tận thẳm trong lòng
sớm tinh mơ một ý nghĩ vừa xong
một dòng viết vừa tan vào sương sớm
thiên đường
thiên đường
đứa con trai say ngủ
miệng cười tơ hay mộng
lại thiên đường.

Thiên Đường là một khúc ca khải hoàn về với tự do, về với cội nguồn. Thiên Đường, phần nào đã chạm tới cái làn ranh tư duy trong cõi Phật – loại bỏ vô minh để tiến tới giác ngộ. Biết đủ là đủ, cũng là sự giải thoát để đi đến cái an nhiên tĩnh tại. Nó là cả một quá trình nhận thức, chứ không phải cảm hứng nghệ sĩ nhất thời:

...trở về khi phù du phía trước
ngoảnh sau lưng, ồ cũng đoá phù dung

Hoặc, ngay từ năm 1996, trong “Hơi thở” anh đã viết:

Tôi trở về nhà, như tỉnh như say
đường mới mở gió còn lắm bụi
những ngôi nhà chưa lên mái ngói
ai đi trước cái cày, gầy cánh đồng khô

“Thiên Đường” - bài thơ vượt ra ngoài sự trói buộc của thế giới vật chất. Nó “ở tận thẳm trong lòng”. Và, chỉ có thể ở đó hơi thở anh, tâm hồn anh mới được ấm áp. “Việt Nam, Việt Nam/ Hơi thở tôi bỗng ấm” (Hơi thở). Hai tiếng Việt Nam vang lên trong thơ anh không phải là lời sáo ngữ, mà là tiếng vọng nhớ thương bật lên từ sâu thẳm cõi lòng của kẻ “vất vả, nổi chìm, khốn nạn”.

Như vậy, bài thơ mang thêm một thứ giá trị khác – tô rõ bản sắc trong bản ngã con người anh, cũng là trong một giống nòi. Giá trị ấy, không nơi nào tốt hơn ở chính cội nguồn đã nuôi dưỡng nó lớn lên: “Xin hòa hơi thở tôi vào hơi thở/ đồng nội/ phố phường” (Hơi Thở). Từ “thế giới nào của tôi ?” - Như vậy từ “Cửa sổ” đến “Thiên Đường” là cả một quá trình đấu tranh giằng xé nội tâm, loại bỏ vô minh đi đến giác ngộ, Nguyễn Văn Thọ đã tìm ra thế giới của mình, thiên đường của mình: Quê hương

Nguyễn Văn Thọ luôn không nhận mình là thi sỹ, tài năng thực sự của anh ở văn xuôi. Nó hiện thực, đầy kịch tính, hấp dẫn người đọc. Dù vậy, chất thi sỹ ẩn náu trong tâm hồn anh vẫn cứ bật lên khi bút văn bất lực. Nguyễn Văn Thọ không “mân mê” chữ, trong thơ đâu đó vẫn còn lẫn câu văn, nhưng là tiếng nức nở của trái tim, của đáy lòng đã yêu tha thiết, thuận bút mà viết ra, thành thơ!

Chemnitz, 26-1-2019

Phúc Nguyễn
.
.