Thi sĩ Hoàng Cầm: Giữa cõi tình và cõi mộng

Thứ Năm, 16/07/2020, 18:08
Năm 2020 này, tròn một thập niên nhà thơ Hoàng Cầm qua đời. Nhắc đến ông, người ta không chỉ nhớ bài thơ "Bên kia sông Đuống" bất hủ, mà còn nhớ bài thơ "Lá diêu bông" đầy mê hoặc. Chuyện tình chị - em trong "Lá diêu bông" cũng là một huyền thoại được lưu truyền trong công chúng với không ít ngưỡng vọng và không ít ngậm ngùi.


Nhà thơ Hoàng Cầm, tên thật Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22/2/1922 tại thôn Phúc Tằng, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang trong một gia đình nhà Nho nghèo sống bằng nghề làm thuốc Đông y. Tên khai sinh Tằng Việt được ghép từ hai địa danh Phúc Tằng và Việt Yên, còn bút danh Hoàng Cầm do ông tự chọn theo một vị thuốc quý mà ông quen thuộc từ nhỏ. 

Sau khi đỗ Tú tài, Hoàng Cầm tham gia Vệ quốc đoàn và từng làm Trưởng đoàn Văn công của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Hoàng Cầm cũng là tác giả của vở kịch thơ "Kiều Loan" rất nổi tiếng.

Hoàng Cầm qua nét vẽ Trần Thế Vĩnh.

Cuộc đời 88 năm của nhà thơ Hoàng Cầm sống trong cõi mộng nhiều hơn cõi thực. Chính ông thú nhận từ năm 8 tuổi, ông đã biết yêu. Sự rung động khó tin và khó hiểu ấy, được Hoàng Cầm đưa vào thi ca. Trong bài "Cây tam cúc", ông viết: "Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm/ Em đừng lớn nữa Chị đừng đi/ Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa/ Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì". Còn trong bài "Quả vườn ổi", ông viết: "Em mười hai tuổi tìm theo chị/ Qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa/ Đi ngày tháng lụi tìm không thấy/ Giải yếm lòng trai mải phất cờ".

Người "chị" khiến Hoàng Cầm xao xuyến tên là Vinh. Trong hồi ký của mình, nhà thơ Hoàng Cầm kể: "Tôi say mê chị Vinh đến mức thờ thẫn, không ngó ngàng gì đến bài vở, học hành. Ngay từ phút đầu, mẹ tôi đã hiểu, hiểu rằng thằng con trai đầu lòng đã phải lòng. Chị Vinh hơn tôi 8 tuổi, năm ấy 16 tuổi, còn tôi lên 8. Tôi lẽo đẽo theo chị, suốt ngày đứng ngó sang bên kia đường số 1, nơi đó có "thiên thần của tôi" đang ngồi bán chè tươi, bánh đa bánh đúc. 

Bố của chị vốn là một ông Tú, vì thế chị rất giỏi chữ Nho, còn tôi chỉ biết chút ít tiếng Pháp. Đặc biệt, chị hát quan họ rất hay. Có lẽ khi mẹ tôi 17 tuổi cũng hát hay như thế. Còn đẹp thì, nếu chị ấy đẹp 10 phần, mẹ tôi may ra được 6-7 phần. Tôi cứ thế mê man cho đến khi 12 tuổi. Cuối năm tôi 12 tuổi đó, chị đi lấy chồng. Trước đó, tôi nào hay biết, cứ theo đuổi như thường. Chị ấy đi đâu, ra bến sông hay ra chợ, lên ga… tôi cũng bám theo, tất nhiên là không nói gì cả, có gọi cũng gọi bằng chị thôi. Trước tiên, đó là tiếng chị bình thường, về sau thành tiếng chị của thơ".

Nhà thơ Hoàng Cầm có vẻ đẹp trai lãng tử. Đặc biệt đôi môi lúc nào cũng đỏ hồng của ông có khả năng nói chuyện rủ rỉ rất quyến rũ. Vì vậy, những bóng hồng vây quanh Hoàng Cầm và nghiêng ngả vì Hoàng Cầm cũng không ít. Thế nhưng, liệt kê một cách chính thống, thì nhà thơ Hoàng Cầm có cả thảy ba người vợ.

Người vợ đầu tiên của nhà thơ Hoàng Cầm là một phụ nữ cùng quê có tên là Hoàng Thị Hoàn. Đó là cuộc hôn nhân do gia đình sắp đặt. Bà Hoàng Thị Hoàn tuy không mang lại cảm hứng cho nhà thơ Hoàng Cầm sáng tác, nhưng sinh cho ông hai người con, con trai Bùi Hoàng Kỳ và con gái Bùi Hoàng Yến. Con trai Bùi Hoàng Kỳ không làm thơ như cha, mà trở thành một nhà báo. Còn con gái Bùi Hoàng Yến là một kịch sĩ tài sắc, nhưng bạc mệnh qua đời khi còn rất trẻ. 

Duyên trăm năm của Hoàng Cầm và Hoàng Thị Hoàn, được con trai Bùi Hoàng Kỳ gợi mở: "Chuyện các cụ là bi kịch trong tình yêu đôi lứa. Hai con người không có tình yêu và cứ xa nhau mãi. Mẹ tôi mất năm tôi chín tuổi, tôi ở với ông bà".

Bà Lê Hoàng Yến do Hoàng Cầm vẽ năm 1955.

Người vợ thứ hai của nhà thơ Hoàng Cầm là diễn viên Tuyết Khanh. Khi vở kịch thơ "Kiều Loan" diễn tại chiến khu Việt Bắc năm 1947, thì diễn viên Tuyết Khanh đóng vai nữ chính. Nhan sắc của Tuyết Khanh và tài hoa của Hoàng Cầm không cần ai mai mối cũng đổ ập vào nhau. Kết quả là cô con gái ra đời, được đặt tên theo đúng tên vở kịch thơ là Kiều Loan. Hiện nay, cô con gái Kiều Loan đang sống ở Mỹ.

Người vợ thứ ba của nhà thơ Hoàng Cầm là bà Lê Hoàng Yến. Họ đến với nhau khi cả hai đều đã có lần dang dở hôn nhân và có con riêng. Họ cưới nhau vào năm 1955. Bà Lê Hoàng Yến lớn hơn Hoàng Cầm 2 tuổi, được xem là chỗ dựa rất lớn trong thời gian Hoàng Cầm lao đao vì Nhân Văn Giai Phẩm. 

Nhà thơ Hoàng Cầm cảm khái về vợ: "Bà là người hiền thục, thật thương yêu chồng con. Tôi đã trao cái gánh nặng cuộc đời cho Hoàng Yến, bà đã giúp tôi đẩy chiếc xe thơ về Kinh Bắc đi trọn đoạn đường thiên mệnh của nó".

Cuộc sống gia đình của nhà thơ Hoàng Cầm hiển lộ trong bài thơ "Bên kia sông Đuống" khá rõ nét: "Bên kia sông Đuống/ Ta có đàn con thơ/ Ngày tranh nhau một bát cháo ngô/ Tối ríu rít chui gầm giường tránh đạn/ Lấy mẹt quây tròn/ Tường làm tổ ấm/ Trong giấc ngây thơ dồn tựa sấm/ Ú ớ cơn mê/ Thon thót giật mình/ Bóng giặc dầy vò/ Những nét môi xinh...".

Thế nhưng, với nhà thơ Hoàng Cầm cũng như với đông đảo người yêu thơ ông, thì mối tình ám ảnh nhất vẫn là chuyện "Lá diêu bông". Một thứ lá của thi ca, của mộng mị được bắt đầu từ những ngày Hoàng Cầm bám theo chị Vinh ra đồng: "Chị ấy tìm bới thứ gì đó trong những búi cây dại, những búi cỏ to ở những bờ ruộng, những gò nấm mấp mô trên đồng. Khi lên tìm ở một cái gò, chị ấy quay lại, đứng thẳng người lên, mà không phải là nhìn tôi, hai mắt ngó lơ đễnh về phía chân trời như đang ngắm một dải mây nào xa lắm. Chị ấy mắng tôi như thế này, gọi là mắng nhưng hình như là chị ấy tự nói với chính mình: "Ơ, sao mày cứ theo tao lẵng nhẵng thế nhỉ?". Đúng ngần ấy chữ, không sai một từ đâu! Máu trong người tôi bỗng chảy rất đều, rất mạnh, rất nhịp nhàng từ chân lên tới đầu. rần rật, rần rật. Người tôi ấm lên, nghe như có tiếng reo trong máu.

Tôi im lặng. Chị ấy lại tiếp tục đi tìm. Đến một cái gò khác, sau khi đã đi qua những mảnh ruộng chỉ còn trơ gốc rạ, tôi hỏi "Chị tìm gì đấy?". Lần nầy, chị ấy đứng thẳng, nhìn thẳng vào mắt tôi mà nói rằng: "Chị tìm cái lá… ấy đấy!". 

Tôi nghe chị nói rõ ràng tên lá gồm hai tiếng, sau đó chỉ ít lâu là tôi quên, nhưng tôi đoán cái lá đó là có thật nhưng cực kỳ khó tìm. Phải có thật thì chị ấy mới tìm khổ sở thế chứ? Có thể cái lá đó có thể chữa một bệnh hiểm nghèo gì đó, hoặc có tác dụng nào đó tăng thêm nhan sắc chăng? Tôi chỉ nghĩ được đến thế thôi! 

Tên lá thì tôi quên rất nhanh, nhưng câu nói của chị thì tôi nhớ rành rọt vì chủ từ nó rất khác nhau: "Chị đi tìm lá... ấy đấy. Ðứa nào tìm được lá ấy, ta gọi là chồng!". Không phải tao như nhiều người vẫn nhớ và đọc mà là "ta". Câu nói ấy của chị làm mặt tôi nóng bừng nhưng chân thì lạnh, lạnh vô cùng".

Đó là khi Hoàng Cầm còn nhỏ. Mãi đến năm 1959, thì hình ảnh "Lá diêu bông" mới xuất hiện trở lại và thành tác phẩm, như lời Hoàng Cầm chia sẻ: "Một đêm, tôi ở Lý Quốc Sư - Hà Nội, có lẽ quá nửa khuya rồi, tôi trằn trọc nửa thức nửa ngủ, nửa mê nửa tỉnh… Trong cái đêm bồn chồn ấy, tôi chợt nghe tiếng văng vẳng bên tai như có ai nói, giọng phụ nữ, không phải giọng chị Vinh, không phải xa xôi lắm như tự kiếp nào chứ không phải của kiếp này…. Tôi quơ giấy bút chép lại cái giọng đọc xa xôi kia. Cho đến câu cuối cùng, người tôi nhẹ nhàng như trút được một gánh nặng, rất thảnh thơi".

Tâm Huyền
.
.