Thi hào Petofi và bài thơ "Trăm bộ mặt thật"

Thứ Tư, 12/01/2011, 10:20
Mặc dù chỉ thoáng qua 26 năm trên cõi đời này, Sándor Petofi (1823 - 1849) đã để lại một vệt sáng không thể phai nhòa trong lòng nhân loại. Đó là một con người thực sự "sống oanh liệt, chết trẻ vẻ vang", là một biểu mẫu của sự kết hợp tuyệt vời giữa ngòi bút và thanh gươm, giữa trang đời và trang viết, giữa tình yêu riêng tư và tinh thần ái quốc.

Ngã xuống trong trận chiến Segesvar đánh quân áo, Petofi đã cuốn theo quanh cái chết của mình biết bao huyền thoại. Ông xứng đáng với danh hiệu mà nhân dân Hungaria suy tôn là thi hào và anh hùng dân tộc.

Ra đời trong thời kỳ đen tối và bão táp, thơ Petofi đã thể hiện được nhiều quan điểm mới, tiến bộ, rất gần gũi với chúng ta ngày nay. Phải chăng vì thế mà Petofi là một trong số ít các thi gia của thế kỷ XIX có mặt ở Việt Nam ngay từ những năm tháng chiến tranh? Bài thơ "Tự do và ái tình" của ông được nhiều người chép trong sổ tay, coi như một tuyên ngôn về lẽ sống - tình yêu của thanh niên trong thời trận mạc.

Bài "Vợ và gươm" lại là một cách triển khai những ý tưởng của bài thơ nói trên, chỉ có điều - thông qua một cốt chuyện giàu tính sáng tạo - nó được thể hiện một cách nhuần nhuyễn, tươi tắn hơn, và vì thế mà cũng tự nhiên và thuyết phục hơn. Bài thơ cho thấy không có gì phải ngăn cách giữa một bên là chuyện tình yêu riêng tư và một bên là trách nhiệm công dân. Con người vẫn có thể yêu, yêu một cách mạnh mẽ vì chính tình yêu ấy sẽ thúc giục, sẽ nâng bước người ta đến với một tình cảm lớn lao hơn: Đó là tình yêu Tổ quốc:

Đến khi nào Đất Nước
Cần ta ra chiến trường
Thì chính nàng đến trước
Tự tay nàng mang gươm
Thắt vào lưng cho ta

Mà nói lời từ biệt:
- Anh cùng gươm đi đi
Giữ cho tròn chữ tiết

(Bản dịch của Tố Hữu)

Bên cạnh "Vợ và gươm", trong bài viết nhỏ này, chúng tôi muốn giới thiệu cùng bạn đọc một bài thơ có tên gọi "Trăm bộ mặt". ở đây, Petofi không hề ngần ngại khi khẳng định sự "biến hoá" của mình khi đến với tình yêu. Con người có thể đến với tình yêu bằng trăm sắc vẻ, với trăm bộ mặt, cái chính là "đổi dáng hình, nhưng có đổi dòng đâu". Cách thức để đến thì khác nhau, nhưng mục đích và tính chất của tình yêu thì không thay đổi. Chỉ những người mà lòng yêu dạt dào, tâm hồn phong phú mới có thể sẵn sàng đến với tình yêu bằng trăm đường ngàn cách như thế (bản dịch do nhà thơ Vũ Tú Nam thực hiện):

Tình yêu anh mang trăm bộ mặt
Và dưới trăm dáng vẻ nhìn em
Một hôm em là hòn đảo mát
Mà anh là lớp sóng vây quanh 

Một hôm khác, em yêu, anh thấy
Ngôi nhà thờ cổ kính là em
Còn anh - thứ dây leo lì lợm
Bám trên tường nơi thờ phụng thiêng liêng 

Có khi em là phu nhân nọ
Đi dạo chơi, và anh hóa côn đồ
Tấn công em, hoặc cầu xin quỵ lụy
Xin tình yêu, van vỉ thẫn thờ 

Em là ngọn núi cao Cácpát
Sấm sét đánh anh thấu tim em
Em là một gốc hồng thắm ngát
Họa mi anh quấn quýt hót quanh 

Thế đó, mối tình anh mãi mãi
Đổi dáng hình, nhưng có đổi dòng đâu
Nếu dịu xuống chẳng phải vì yếu đuối
Sông hiền hòa là dòng sông sâu.

Đọc Petofi, ta thấy ông hay có những cách nói hình tượng và rất ấn tượng. Khi nói về khổ đau và hạnh phúc, ông ví khổ đau như biển cả mà hạnh phúc là ngọc trai. Người đi tìm hạnh phúc như người lặn mò dưới bể cả mênh mông, nhiều khi chết chìm giữa sự khổ đau mà trên tay vẫn chưa tìm ra được viên ngọc quý. Nói về nỗi thống khổ của loài người, ông thốt lên: "Trái đất hỡi, ăn gì mà quá khát/ Uống toàn nước mắt với máu rơi".

Những câu thơ như thế, những bài thơ như thế đã góp phần thể hiện tầm vóc lớn lao, cao cả của một thi nhân

Mạnh Hiền
.
.