Kỷ niệm 96 năm Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (7/11/1917-7/11/2013)

Thi hào Nga Vladimir Mayakovsky: Sức mạnh thiên tài vượt qua mọi thể chế

Thứ Sáu, 22/11/2013, 08:00
Được vị đứng đầu Nhà nước Xôviết bấy giờ là Iosif Stalin ghi nhận là "nhà thơ ưu tú nhất của chủ nghĩa xã hội", song khi Liên bang cộng hòa XHCN Xôviết sụp đổ, di sản của Mayakovsky vẫn được giới chức Nga trân trọng. Ông là một trong số 7 tác giả được in toàn tập tác phẩm dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin. Đây là điều lạ không dễ xảy ra...

Nếu xét về cả hai khía cạnh con người và thi ca thì Mayakovsky quả là một "khối mâu thuẫn lớn", một hiện tượng độc đáo hiếm gặp trong lịch sử văn học thế giới. Từ bỏ chủ nghĩa Vị lai với nhiều điều tiếng, ông nhanh chóng trở thành lá cờ đầu của nền thơ ca vô sản. Sinh thời, ông không nằm trong số những nhà thơ lọt vào mắt xanh của Lênin, thậm chí, như Lênin tâm sự, Người không thuộc trong số những độc giả "mến phục tài thơ của nhà thơ này", song chính Mayakovsky lại là tác giả có những vần thơ ca ngợi Lênin một cách sâu sắc, chân thành, có tâm và có tầm nhất.

Được vị đứng đầu Nhà nước Xôviết bấy giờ là Iosif Stalin ghi nhận là "nhà thơ ưu tú nhất của chủ nghĩa xã hội", song khi Liên bang cộng hòa XHCN Xôviết sụp đổ, di sản của Mayakovsky vẫn được giới chức Nga trân trọng. Ông là một trong số 7 tác giả được in toàn tập tác phẩm dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin. Đây là điều lạ không dễ xảy ra...

1.Nhà thơ Xuân Diệu khi viết về Mayakovsky từng đưa ra một nhận xét: Trong các bức ảnh còn lưu lại của Maykovsky, vẻ mặt ông thường căng thẳng, cặp mắt gườm gườm - như đang đấu tranh với ai đó - về quan điểm. Nhận xét đó hoàn toàn chính xác.

Không chỉ trong ảnh, ngay các bức tượng của ông được dựng sừng sững tại các quảng trường, đường phố lớn cũng vậy: Một cái nhìn cau có, cặp môi bặm lại, tay thủ trong túi áo… Có lẽ các nhà dựng tượng cho rằng, phải với gương mặt như vậy, dáng dấp như vậy, cử chỉ như vậy mới đặc tả được tầm vóc của thi nhân, sự dữ dội trong thế giới nội tâm của ông, người từng được coi là "nhà thơ quảng trường", là "diễn đàn Xôviết hùng tráng".

Tôi hoàn toàn tôn trọng ý tưởng của các nhà điêu khắc. Chỉ xin nói rằng, với những bức ảnh và bức tượng kiểu trên, nó đã ít nhiều làm nhòe mờ đi vẻ điển trai trên gương mặt thi nhân. Trước nay, trong các nhà thơ Nga, về vẻ đẹp trai, chúng ta thường tốn nhiều giấy mực để nói về Esenin. Điều đó không có gì sai.

Esenin là nhà thơ Nga sở hữu một gương mặt đẹp như thiên thần. Song bản thân Mayakovsky cũng sở hữu một gương mặt đẹp - đẹp một cách rất đàn ông. Thậm chí, vóc dáng của ông cũng rất thu hút người khác giới. Nhà thơ Tikhonov, lần đầu được trông thấy Mayakovsky đã phải trầm trồ thốt lên: "Nói ông đẹp trai chưa đủ. Phải nói toàn bộ con người ông toát lên vẻ đẹp rất cuốn hút. Phải! Con người đại diện cho nền thơ mới phải như vậy chứ".

Không chỉ sở hữu một vẻ đẹp hình thức, Mayakovsky cũng là người có giọng nói và cả cách nói - nhất là với nữ giới - đầy mê hoặc. Ilya Ehrenburg đã tả lại sự thay đổi trong ngữ điệu của Mayakovsky khi tâm tình với chị em: "Lúc bình thường thì đanh gắt, lúc này lại êm ru".

Mayakovsky (bên phải) và vợ chồng Lilia Brik.

Nhiều người đã biết mối tình của nữ thi Pháp gốc Nga Elsa Triolet và thi sĩ Pháp Louis Aragon. Những bài thơ Aragon viết tặng Elsa đã được đưa vào sách học và cuộc tình giữa hai người được xem là một "cuộc tình thế kỷ", là cặp Romeo và Juliette thời hiện đại. Vậy mà trước đó, người được Elsa "nhắm" tới không phải ai khác mà chính là Mayakovsky. Mayakovsky có nhiều điểm khiến nữ văn sĩ tương lai mê như điếu đổ, từ giọng nói tới thân hình vạm vỡ và khí chất quyết liệt. Tuy nhiên, vì bị bố mẹ ngăn trở, không muốn cô con gái được giáo dục theo lối truyền thống đến với chàng thi sĩ bấy giờ chưa mấy tên tuổi, lại có những hành xử bị cho là "ngỗ ngược" (thời còn hoạt động trong nhóm Vị lai, Mayakovsky từng ra tuyên bố đòi đốt cả thơ của Pushkin, thơ Lermantov…), Elsa đã phải nuốt nước mắt từ bỏ mối tình đầu.

Người thế chân Elsa, lạ thay lại chính là Lilia Brik, chị gái của Elsa. Đây chính là một trong những “nàng thơ” của Mayakovsky, là người mà trong chúc thư viết trước khi dùng súng tự sát, thi nhân có nhắc tới.

Kể lại điều đó để thấy, Mayakovsky là một người đàn ông đẹp trai và rất hấp dẫn. Đằng sau vỏ bọc của một "nhà thơ thép" là một thi sĩ của những “bóng hồng”.

2. Như ở phần đầu bài đã nói, Mayakovsky không may mắn thuộc vào số các nhà thơ được Lênin đánh giá cao về tài thơ. "Tôi không nằm trong số những người tán thưởng tài thơ của đồng chí ấy" - Lênin từng có lần thổ lộ như vậy, mặc dù trong việc khen chê, Người tỏ ra rất thận trọng. Đã có lần Lênin nói vui "Có lột da tôi, tôi cũng không làm được một bài thơ". Đối với Lênin, thơ Mayakovsky là loại thơ "đọc khó vào". Và Lênin từng khuyên sinh viên: Đó là thứ thơ không nên đọc, vì "Đơn giản, đó không phải là thơ".

Mặc dù thái độ của Lênin đối với thơ Mayakovsky là vậy, song - như một nghịch lý, khi Lênin mất đi, chính Mayakovsky lại là nhà thơ có những vần thơ khóc Lênin một cách xúc động, thống thiết nhất. Ngoài trường ca "V.Lênin" (viết năm 1924) trực tiếp ngợi ca vị lãnh tụ của giai cấp vô sản, thi nhân còn hoàn tất bản trường ca về Cách mạng Tháng Mười (lấy tên là "Tốt lắm"), trong đó, có những chương đoạn, hình ảnh Lênin hiện lên tuy thấp thoáng thôi mà thật ấn tượng:

Giữa 
        súng trường 
                            và vũ khí ngôn từ
Moskva -
              thành đảo nhỏ, 
                     còn chúng ta trên đảo đó
Chúng ta - 
                 đói khát
Chúng ta - 
                cùng khổ
Với Lênin trong đầu 
                              và súng lục 
                                              trong tay.

Nhân cách và tài năng của Mayakovsky đã giúp ông làm nên những tác phẩm lớn.

3. So sánh giữa khuynh hướng sáng tác của Boris Pasternak (người được Giải Nobel Văn học năm 1958 nhưng phải khước từ vì những áp lực từ chính quyền Xôviết khi ấy) và Vladimir Mayakovsky - người được xem là nhà thơ cộng sản số một, hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng đó là những thi sĩ hoàn toàn khác "kênh" nhau, và như vậy, ở ngoài đời, họ khó có thể là bạn của nhau. Sự thật không phải vậy.

Với biệt nhãn của mình, ngay từ những năm hai mươi của thế kỷ trước, chính Mayakovsky đã là người nhận ra dấu ấn sáng tạo của Pasternak. Ilya Ehrenburg kể lại: Buổi tối hôm Mayakovsky ra mắt công chúng ở Bảo tàng Mỹ thuật, ông đọc bài thơ "Ống sáo - cột sống", mặt hướng về Pasternak.

Vốn là người rất tiết kiệm lời khen, vậy mà ngay từ năm 1926, Mayakovsky đã suy tôn Pasternak là "thiên tài". Khi nói chuyện với Pasternak, Mayakovsky đã sử dụng một ngữ điệu hết sức dịu dàng, trìu mến, với một thứ tình cảm mà bình thường ông chỉ dành riêng cho phụ nữ.

Về phần mình, Pasternak cũng rất ngưỡng mộ Mayakovsky. Trong bài "Tấm hộ chiếu", ông bộc bạch: "Tôi yêu Mayakovsky đến mê mệt. Ông là đỉnh cao của nền thơ ca". Khi Mayakovsky tự kết thúc cuộc đời bằng một phát súng oan nghiệt, Pasternak cho biết, ông đã "khóc rống lên như từ lâu tôi muốn làm điều đó". Pasternak cũng chính là một trong những tác giả viết những vần thơ hay nhất, ấn tượng nhất về cái chết của người bạn thơ: "Phát súng của anh chẳng khác nào một hỏa diệm sơn/ Bên thềm núi của lũ ươn hèn, nhút nhát".

4.Nếu như trước khi đi đến quyết định tự tử, thi sĩ Esenin đã để lại mấy dòng thơ (gọi là tâm sự trước khi chết): “Chết không có gì là mới/ Song sống cũng chẳng có gì mới hơn”, thì với Mayakovsky, trước khi từ biệt cuộc đời, ông cũng có những dòng thơ chua chát: “Vấp đời phàm tục/ Tan vỡ chiếc thuyền tình”. Kết thúc cuộc đời ở tuổi 37 bằng một phát súng lục tự sát, Mayakovsky đã vô tình để phủ lên cuộc đời mình một màn đen bí ẩn mà họa chăng chỉ có một đôi bạn hữu thân gần mới có thể hiểu được.

Theo báo chí đương thời tường thuật, đám tang của Mayakovsky được tổ chức trọng thể trong ba ngày 15, 16, 17 tháng 4/1930, đã có gần hai chục vạn người đến nghiêng mình trước linh cữu ông. Đặc biệt hơn, trong số các vòng hoa viếng nhà thơ, có một vòng hoa được kết nối bằng đinh ốc, búa, ổ trục, với dòng băng tang "Vòng hoa thép viếng nhà thơ thép". Tận mắt chứng kiến dòng người đông đảo đi theo xe tang tiễn đưa nhà thơ vĩ đại về nơi an nghỉ cuối cùng, một người bạn thân của Mayakovsky đã phải day dứt thốt lên rằng: "Cả anh, cả chúng tôi đều không biết chúng ta yêu anh đến vậy…".

Được biết, tháng 7 vừa qua, nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Mayakovsky, tại nhiều nơi trên lãnh thổ hai nước Nga và Gruzia (nơi Mayakovsky sinh ra) đã diễn ra nhiều hoạt động phong phú nhằm khẳng định và tiếp tục tôn vinh những đóng góp to lớn của Mayakovsky vào sự nghiệp phát triển thi ca nói riêng và văn học nói chung

Trần Đắc Danh
.
.