Thêu tình yêu lên khăn phiêu thương nhớ

Chủ Nhật, 14/02/2021, 07:00
Lên Mộc Châu, khi dọc hai bên đường hoa mận đã nở trắng ngất ngây, che khuất từng mỏm đá nhọn sắc thâm trầm, cũng là lúc đồng bào người Thái đã xong việc đồi nương, lúa ngô ngủ yên trong nhà, Tết đang là đà chạm tới.


Nơi chúng tôi dừng chân là Bản Dọi (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), một miền đất lành hiền, ấm áp. Mỗi chiều, đứng trên con dốc dẫn về bản người Thái đen, sẽ thấy đàn bò vàng gần trăm con đeo lục lạc, bụng căng tròn sau một ngày đi ăn ở đồng xa đủng đỉnh về bản. Con đường rộn rã chốc lát rồi lại trở về vẻ lặng lẽ. Các bà, các chị ngồi thêu khăn piêu trong ánh chiều nhập nhoạng, những mũi kim và chỉ len sắc màu tươi vui nhấp nháy in trên nền khăn mang màu chiều tím thẫm.

Xưa thêu cho mình, nay cho con

Tôi biết tới khăn piêu từ những bài hát, bức tranh… trước khi được chiêm ngưỡng tận mắt. Trước công đoạn thêu thùa, chiếc khăn đặc biệt kia sẽ được người phụ nữ Thái đen dệt từ sợi bông bằng khung cửi truyền thống, sau đó nhuộm chàm, hong no mềm nắng gió ngoài hiên. Khi từng mảnh vải lên màu đều đặn, trải dài thành dải xanh sâu, trượt qua tay xôm xốp, nhẹ nhõm mới có thể đặt kim thêu lên đó. 

Hỏi các bà, các chị: “Thêu một chiếc khăn mất bao lâu?”. Người phụ nữ nở nụ cười ấm áp, nhìn khách xa cười tươi, đáp: “Lâu lắm, mà cũng chẳng ai tính tháng, tính ngày”. Chúng tôi lại hỏi: “Khăn này bà con có bán không?”. Những giọng nói rộn ràng như suối chảy: “Không bán đâu mà, nhưng vui thì sẽ tặng…”.  

Nói rồi, nàng thiếu nữ có đôi má hồng căng như trái đào tiên nhận từ tay mẹ mình chiếc khăn đã thêu xong từ nhiều ngày trước đó, quàng qua vai tôi. Em bảo, quàng thế này cho hợp với người miền xuôi, chứ đồng bào không quàng mà sẽ đội. Sau khi người phụ nữ búi tóc gọn gàng, chiếc khăn được bàn tay khéo léo quấn hai vòng quanh đầu, thắt lại phía trên vầng trán. Như thế, một dải khăn sẽ vắt về phía sau, duyên dáng buông qua thắt lưng. Dải khăn còn lại được gấp để lộ mặt khăn thổ cẩm tuyệt đẹp, thành mảng sắc màu rực rỡ nhất đội lên đầu. 

Có ba chi tiết hoa văn được thêu trên mỗi chiếc khăn piêu là: “tà leo”, “cút piêu” và “sai peng”, trong đó, “tà leo” và “cút piêu” gắn với ý nghĩa tâm linh, biểu trưng cho sự che chở của đấng tối cao với người đội khăn trên đầu, còn “sai peng” được ví như dây tình yêu đôi lứa nên dải “sai peng” cứ nhấn nhá, dìu dặt bao quanh vuông thổ cẩm ở hai đầu khăn piêu.

Người phụ nữ Thái ngồi thêu trước cửa thềm nhà. Ảnh: Mai Lữ

Chiều muộn rồi, thế mà những người phụ nữ vẫn cứ miệt mài thêu. Hỏi ra, trong nhà cơm nước đã xong xuôi, họ chờ đàn ông đi làm thuê ở bản xa trở về thì quây quần ăn bữa tối. Phụ nữ Thái đen sẽ thêu mọi lúc, mọi nơi. Kể cả đi nương rẫy, hễ về tới nhà, lo toan hết việc chăn nuôi, bếp núc, lại thêu. 

Mà lạ, hiếm khi họ thêu một mình. Lạnh thế này, trước lúc ngồi thêu, người sẽ đi gom củi khô nhóm thành bếp lửa ven đường; người vào nhà chặt vài cây mía, nhổ khóm sắn chờ lát vùi trong than hồng; người đi giã muối chẩm chéo, bày chút rau thơm, quả rừng thái mỏng ghém ăn kèm, lại thêm dăm quả chuối, cam trong vườn nữa… Trước mắt tôi, đó như thể bữa tiệc đầy an vui và bình dị. Các bà, các chị ngồi thêu, nói chuyện bản làng, mùa màng và trẻ nhỏ. Vừa thêu vừa ríu rít cười. 

Tất thảy họ đều lấy chồng sớm, khi mới mười lăm, mười sáu tuổi. Bấy giờ, trong lỉnh kỉnh đồ đạc gùi về nhà chồng, không thể thiếu hàng trăm chiếc khăn piêu. Từng ấy chiếc khăn sẽ được tặng cho đầy đủ bà con, họ hàng bên chồng, cô gái nào khéo léo, đảm đang, nhìn mũi thêu là biết. 

Trong cuộc đời một phụ nữ Thái, khăn piêu xuất hiện từ lúc còn bé thơ. Một người phụ nữ sinh con gái, nghĩ ngay tới những chiếc khăn piêu nối nhau vượt núi, băng rừng. Nhưng bây giờ, các bé gái không thêu thùa sớm nữa, vì còn bận học ở trường nên hàng trăm, thậm chí có nhà là vài trăm chiếc khăn piêu kia đành trông cậy vào bà, vào mẹ. Tôi không rõ ở những vùng miền khác thì tục mang khăn piêu về nhà chồng còn giữ được không, riêng ở bản Dọi, nét văn hóa truyền thống ấy vẫn đậm đà muôn nỗi.

Thiếu nữ Thái đi du xuân.

“Chị là nhà báo à, có biết đọc thơ không? Đồng bào thích nghe thơ lắm!”, - Người chị vừa thêu vừa nhoẻn miệng chuyện trò. “Ta chỉ biết thương mãi về phương ấy/ Tiếng bạc reo trong khói bện nương chiều/ Thêu niềm nhớ vào khăn piêu chỉ đỏ/ Xưa em dệt cho mình, nay dệt cho con/ Tình yêu là những mũi đâm xuyên/ Làm sao thức trọn mùa sương trắng…”. Tôi đọc thơ mình, tất cả lặng im, một mái đầu vội vã quay về hướng mặt trời vừa lặn. Bấy giờ, tôi kịp nhận ra, đó là mái tóc duy nhất không tằng cẩu (búi tóc cao lên đỉnh đầu, phong tục dành cho người phụ nữ dân tộc Thái đen đã có chồng). 

Cô gái ấy tên là Lường Thị Biêng, ngoài hai mươi tuổi. Biêng lấy chồng sớm, sinh được hai con gái nhỏ nhưng chưa từng có đám cưới nào diễn ra, khăn piêu thêu đầy nhà cũng chẳng có cớ mang về bên ấy. Biêng kể, nhà cô và người yêu cùng bản, đều nghèo khó, không có tiền bạc để làm đám cưới nên nhà trai “chịu” lại nhà gái, đôi trẻ theo nhau, tảo hôn thì cũng chẳng có thủ tục đăng ký với chính quyền. 

Về nhà trai, Biêng thành lao động chính, ngày lên nương rẫy, tối về cám bã chăn nuôi và chăm sóc các con. Vì nghèo khó, bố đám trẻ phải xa nhà, đi làm công nhân. Lúc con gái đầu mới ba tuổi, con gái thứ hai được chín tháng thì chồng Biêng qua đời sau một tai nạn lao động. Đau đớn, xót xa, xong tang lễ, nàng dâu trẻ gạt nước mắt xin nhà chồng được “hạ tằng cẩu”, ôm con về nhà bố mẹ đẻ. 

Bố mẹ cô từ bản xa mang theo lễ vật vượt núi, băng rừng, xin nhà trai nhận lễ. Vì hoàn cảnh éo le, con gái nhỏ của Biêng bây giờ đã thành con nuôi gia đình khác. Nhìn tôi, Biêng nói, những chiếc khăn cô thêu là cho các con gái của mình. Những người phụ nữ xung quanh an ủi cô gái bằng đôi mắt thẳm sâu, đa cảm. Mẹ của Biêng năm nay 61 tuổi, có tới 14 đứa cháu, bà vẫn miệt mài thêu khăn.

Hoa lại nở suốt miền mây trắng…

Bản Dọi, nơi đồng bào Thái đen quần tụ có nguồn gốc từ xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Khi công trình Thủy điện Sơn La được xây dựng, nhiều bản làng đã di cư, mỗi bản gần trăm hộ gia đình. Một trong những bản làng đó di cư về xã Tân Lập, sống cạnh đồng bào người Thái trắng. Bà con  thường gọi là Bản Dọi 2 để phân biệt với Bản Dọi 1 của đồng bào Thái trắng. 

Có buổi sáng tinh sương, chúng tôi đang dạo quanh bản thì nghe tiếng gọi: “Có đi đám cưới không? Đi thì mặc quần áo đẹp”. Hỏi ra, là một đám cưới cùng xã, trên bản Hoa, cách nhau dăm, bảy cây số. Họ từng là hàng xóm cũ của nhau, cùng di dời để lại đất cho công trình thủy điện lớn của cả nước. 

Có những khoảng thời gian, chính người dân sống cảnh xa quê, đóng góp cho ngành điện, đã phải chờ đợi nguồn sáng đến sau so với những vùng miền khác. Bà con bảo, ấy cũng là lẽ thường thôi mà, điều kiện vùng cao khó khăn, không phải cứ muốn là có điện. Họ chưa bao giờ coi sự chuyển dời của mình là nỗi hi sinh, thua thiệt. 

Nhưng, chạnh lòng thì không thể tránh. Cái tâm lý tha phương, cách trở nhau cứ da diết mãi. Những bếp lửa chung, những câu chuyện cũ, cả niềm đau đớn trong ký ức của người mẹ trẻ tên Biêng, đều thấp thoáng hình bóng bản làng xưa cũ. “Bản mình có đám cưới, toàn bản đóng cửa, đi ăn cỗ mấy ngày cơ”, bà con nói về đám cưới bản Hoa như chưa từng có sự tách rời. Vẫn là bản mình thôi, người mình cả thôi. 

Và tôi thấy Biêng chải lại tóc, mặc áo mới, đội khăn piêu, tay dắt con gái nhỏ. Cô rủ rỉ kể chuyện xưa, con gái Biêng làm con nuôi người cùng bản cũ. Cô vẫn khấp khởi muốn nhìn con, mà vẫn cứ sờ sợ, ngại ngần. Bản cũ vẫn như bản mình, mà đôi khi lại đan xen một nỗi gì khang khác…

Chúng tôi lên đường đi đám cưới. Dãy dài xe máy nối đuôi nhau. Phụ nữ Thái đen tằng cẩu nên có hẳn loại mũ bảo hiểm phù hợp cho mái đầu tóc búi cao. Năm nay, hoa mận nở sớm hơn thì phải, sương cũng đỡ buốt giá hơn. Trong sương mờ, nắng ấm cuồn cuộn bừng lên. Cảm tưởng, cả mây, sương và nắng đều quánh đặc, cuộn tròn như những khối bông gòn xốp tơi, mềm mại. Từ đó, có thể rút ra những sợi bông xanh đỏ tím vàng mà dệt mà thêu lên khăn piêu. 

Đẹp hơn cả, trên những cung đường, ấy chính là từng vạt khăn piêu rực rỡ, bay bay để lộ vùng thắt lưng đủ đường cong nhưng đầy đặn. Hình ảnh ấy cứ vương vít mãi trong lòng tôi khiến nỗi thương nhớ về những phận người bên đá núi lạnh băng càng sâu xa, quặn thắt. Mọi niềm vui, nỗi buồn của đồng bào cứ hôi hổi, bừng bừng như hơi rượu.

Buồn đấy, rồi lại gạt đi mà bước tiếp. Nhớ đấy, rồi sẽ tìm nhau thôi. Có lẽ, chẳng phải ngẫu nhiên mà hai đầu khăn piêu là vuông thổ cẩm như những mái nhà và những nỗi niềm khúc khuỷu… Cũng chẳng phải bỗng đâu có một vạt khăn piêu luôn ngự trên đỉnh đầu hướng về phía trước, vạt còn lại như dòng suối đổ qua gáy, qua lưng như trở lại những phần hào quang đã thuộc về dĩ vãng…

Lữ Mai
.
.