Thêm một chuyến du hành của Jules Verne

Thứ Tư, 20/08/2008, 08:30
Vào trung tuần tháng 7 vừa qua, nhiều rạp ở Pháp đã đồng loạt khởi chiếu bộ phim "Cuộc du hành vào trong lòng trái đất" được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà viết truyện khoa học viễn tưởng nổi tiếng Jules Verne (1828- 1905). Đây là bộ phim đầu tiên sử dụng công nghệ Fusion System - một hệ thống camera đời cuối do đạo diễn phim "Titanic" James Cameron và Vince Pace cùng phát triển.

Hệ thống này gồm hai camera có độ phân giải rất cao, hỗ trợ nhiều cho thị giác của khán giả. Với sự tham gia của Brendan Fraser - từng là diễn viên chính của phim "Xác ướp" (trong phim này, anh vào vai Giáo sư Trevor Anderson) cùng dàn diễn viên tên tuổi, khán giả sẽ hồi hộp dõi theo từng bước chân của họ để khám phá một thế giới với nhiều bất ngờ kỳ thú mở ra trong lòng trái đất.

Chúng ta đã biết, hơn một trăm năm nay, Jules Verne luôn là tác giả được bạn đọc mến mộ bởi những trang văn làm phiêu bồng trí tưởng tượng của tất thảy mọi người. Rất nhiều ý tưởng mới lạ, có tính hư cấu của ông sau đó đã trở thành hiện thực. Như khi ông viết tiểu thuyết "Hai vạn dặm dưới đáy biển" (năm 1869), thế giới chưa có phát minh đèn điện, và điện chưa phải là năng lượng chủ yếu của công nghiệp, song trên chiếc tàu ngầm Nautilux đã có điện thắp sáng và toàn bộ con tàu được điều khiển bằng điện năng. 

Cũng vậy, Jules Verne viết "Từ trái đất lên mặt trăng" (năm 1865), khó ai hình dung được chỉ chưa đầy một trăm năm sau, con người   đã có thể bay lên mặt trăng bằng con tàu vũ trụ. Ở thời của Jules Verne, đó gần như là một sự… không tưởng.

Cách đây ít năm, cuốn tiểu thuyết "Paris ở thế kỷ XIX" của Jules Verne lần đầu tiên được ấn hành bởi Nhà xuất bản "Aset" của Pháp, lại một lần nữa khả năng dự báo thiên tài của nhà văn này làm kinh ngạc bạn đọc. Thì ra, cuốn sách được Verne sáng tác từ năm 1863, tức là ở đầu văn nghiệp của ông. Cuốn sách bị một nhà xuất bản thời đó từ chối và nó đã phải chịu số phận nằm "tồn kho" từ bấy tới nay.

Điều đáng kinh ngạc là, ở cuốn tiểu thuyết này, Jules Verne cũng đã lại có những dự báo thiên tài về một số phương tiện máy móc trong tương lai. Ngoài dự báo về sự ra đời của thang máy, dự báo về sự xuất hiện của một cái tháp mà sau đó người ta xác định là tháp Eiffer, Jules Verne còn tiên đoán về sự ra đời của máy tính như sau: "Giống như chiếc đàn piano to, ta chỉ cần ấn các nút trên bàn phím là có thể tính được các phép cộng, trừ, nhân, chia, hệ số, tỉ lệ… của bài toán".

Và đây là phương thức hoạt động của máy photocopy mà Jules Verne "tưởng tượng" ra: Đó là một loại máy "sao chép các loại giấy tờ văn bản mà 500 người cung cấp cho nó…".

Nhắc lại những điều ấy để bạn đọc thấy rằng, hầu như tất cả những điều Jules Verne "vẽ" lên đang dần dần trở thành hiện thực, có tác dụng hỗ trợ cho cuộc sống. Điều này không chỉ nói lên trí tưởng tượng tuyệt vời của Jules Verne, mà còn cho thấy ở ông một vốn liếng khoa học đáng kính nể. Không dưng, ngay khi còn sống, Verne đã được xem là "một thiên tài khoa học".

Jules Verne khởi đầu văn nghiệp vào năm 1863. Tiểu thuyết "Cuộc du hành vào trong lòng trái đất" được ông sáng tác năm 1864, tức là chỉ một năm sau đó. Nếu như, so với nhiều tiểu thuyết khác (của cùng tác giả), Jules Verne chưa làm được một điều là biến những bối cảnh trong trang sách thành hiện thực ngoài đời thì việc cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thành phim, và được các công cụ kỹ thuật hiện đại hỗ trợ nhằm đem đến cho cả độc giả lẫn khán giả một sự tiếp cận mới đầy thuyết phục, hẳn đó cũng là điều mà Jules Verne mong ước

Trịnh Minh Hùng
.
.