Tháng Giêng, vịn câu bả trạo lần về... Nghinh ông

Thứ Ba, 22/03/2016, 08:03
Hát bả trạo ở xứ biển Phan Thiết còn có tên gọi khác như: chèo bả trạo, hò đưa linh, hò hầu linh… là một loại hình dân ca gắn với nghi lễ cúng tế thần Nam Hải, Nghinh Ông, Cá Voi… phổ biến nhiều nhất từ vùng biển xứ Quảng Nam đến Bình Thuận. Gọi là hát bả trạo vì hát kèm theo múa. Từ "bả" nghĩa là nắm chắc, còn "trạo" là mái chèo. 


Thường thì hát bả trạo vào dịp lễ Nghinh Ông, cúng tế cá Ông (cá Voi) và tổ chức lễ tang cho cá Ông bị chết dạt vào bờ. Về sau, hát bả trạo còn được dùng trong các nghi lễ khác của ngư dân như lễ cầu ngư và trở thành nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của ngư dân.

Bình Thuận là địa phương được thiên nhiên ban tặng cho dải bờ biển trên 192km, có nhiều làng vạn chài mang dấu ấn riêng của cư dân miền biển trong hơn 300 năm lịch sử hình thành và phát triển từ thời Chúa Nguyễn Phúc Chu lập ra phủ Bình Thuận năm 1697. Là miền đất của lưu dân từ nhiều nơi đến, nhiều thời gian khác nhau nên sự hình thành các làng chài và văn hóa, tín ngưỡng cũng có nhiều nét khác nhau.

Ngày nay, tại Bình Thuận, các làng chài dọc theo ven biển trong đất liền cho đến hải đảo hiện nay còn bảo lưu hàng chục ngôi dinh, vạn, lăng, miếu thờ cá Voi và nghi thức chèo bả trạo như: vạn chài Thủy Tú, Nam Nghĩa, Hiệp Hưng, Hưng Long. Hầu hết các lăng vạn được xây dựng từ thế kỷ XVIII-XIX, gắn với quá trình hình thành các làng chài. Mỗi lăng vạn đều lưu giữ và thờ phụng từ vài ba chục bộ xương cốt cá Ông trở lên. Vạn Thủy Tú (thành phố Phan Thiết, lập năm 1762 thời Lê Trung Hưng) và vạn An Thạnh (huyện Phú Quý, lập năm 1781) được coi là những ngôi vạn được xây dựng sớm nhất và có quy mô nhất ở Bình Thuận.

Hình ảnh cá Voi (cá Ông) xuất hiện độ mạng để thuyền ghe có chỗ tựa, tránh cơn hoạn nạn được ghi tạc trong lòng ngư dân, trở thành một tâm linh mang đậm tín ngưỡng. Do đo, tục thờ cá Voi ra đời. Các nghi lễ được tổ chức ngay các dinh vạn nghề cá và lập nghĩa địa chôn cất, lưu giữ xương cá trong dinh lưu truyền đời sau… Với ngư dân, ai là người đầu tiên thấy Ông lụy (chết) còn phải để tang 3 năm. Như vậy, bái vật giáo đã hình thành và tồn tại từ nhiều đời trong tập quán của dân làm biển, là nét độc đáo trong tín ngưỡng của ngư dân Bình Thuận.

Nội dung lời hát bả trạo chủ yếu ca ngợi công đức của cá Ông cứu người, giúp ngư dân đánh bắt nhiều cá tôm, mô tả quá trình lao động cực nhọc trên biển khơi trùng trùng, những tai họa tiềm ẩn luôn đe dọa con người, tinh thần đoàn kết một nhà của bạn ghe (người lao động) chung sức chung lòng chống chọi, vượt qua mọi thách thức, gian khổ để cùng vươn đến no ấm, bình an sau mỗi chuyến ra khơi…

Đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian mang đậm tính nghi lễ, tín ngưỡng của ngư dân nên người tham gia hát bả trạo nhất thiết phải là ngư dân, không thể thay thế bằng người khác được. Thành viên của đội hát bả trạo gồm có: Tổng Mũi, Tổng Khoang, Tổng Lái và từ 10 đến 20 con trạo (thành viên) nhưng bắt buộc phải là con số chẵn. Trang phục của Tổng Khoang phải áo dài đen lễ phục cổ truyền, quần dài trắng và khăn đóng đen. Tổng Mũi và Tổng Lái mặc trang phục sặc sỡ như một diễn viên tuồng hát bội, tay cầm cặp sênh điều khiển.

Tổng Lái thường mặc lễ phục cổ truyền áo dài đen, quần dài trắng, khăn đóng đen. Tổng Mũi mặc một bộ đồ màu sắc sặc sỡ như một diễn viên tuồng, tay cầm cặp sênh điều khiển, còn Tổng Khoang mặc áo ba màu, quần ngắn, tay cầm gàu tát nước. Các con trạo  thì mặc áo trắng, quần trắng (có quấn xà cạp) đầu chít khăn, lưng thắt vải đỏ, chân đi đất, tay cầm mái chèo dài 1m20, sơn đen trắng.

Đội hát bả trạo sử dụng các nhạc cụ: đàn cò, trống, kèn và sênh. Âm nhạc và sự phối hợp, điều khiển nhịp nhàng của Tổng Mũi, Tổng Lái, Tổng Khoang sẽ làm nền chính hợp theo nhịp chèo bơi và nhạc trưởng Tổng Mũi đứng ở mũi thuyền hát giữ nhịp cho thuyền nhấp nhô theo lượn sóng.

Ngôn ngữ nội dung hát bả trạo rất đa dạng, thường được đan xen, chế tác theo từng phương ngữ, sử dụng từ Hán, Nôm… để phù hợp với lời ăn, tiếng nói người bản xứ. Bên cạnh đó còn kết hợp rất nhuần nhuyễn, khéo léo các kiểu nói lối, lối hát, như: Nam, Thán, Phù... trong nghệ thuật tuồng cổ, cùng các làn điệu hò kéo neo, lý trong dân ca, pha trộn các làn điệu tán, kệ trong âm nhạc Phật giáo đã được tiếp biến, kế thừa và vận dụng sáng tạo. Do đó, hát bả trạo về nghệ thuật ai nghe cũng thấy quen quen nhưng không giống loại hình nào, tạo ra một sản phẩm đặc trưng riêng. 

Hầu như mọi người dân biển đều biết đến hát bả trạo và câu cửa miệng:

"Thuyền nan gặp sóng ba đào
Kêu Ngài, Ngài đã đưa vào cứu con"

Hát bả trạo là một bức tranh tuyệt đẹp, hoàn hảo của ngư dân miền biển, chứa đầy chất lãng mạn, thăng hoa của những người nghệ sĩ "vạn chài" trước cái đẹp thiên nhiên, ẩn chứa bao huyền bí, sâu thẳm, mênh mông của biển khơi: thiên giang hữu thủy, thiên giang nguyệt, vạn lý vô vân vạn lý thiên… Đặc biệt, sau mỗi lời hát xướng của "Tam Tổng", đội quân trạo hò đệm thêm bằng chất giọng đầy: hù… hô… hù... hù… là… khoan… như tạo thêm sức mạnh cho toàn đội nâng thuyền vượt sóng. Hò bả trạo có nhiều điệu hát thể hiện cốt cách hào sảng, tình cảm chân thành, yêu chuộng nhân nghĩa của người dân biển.

Nếu như "Kệ" trong nghệ thuật âm nhạc Phật giáo được các sư sãi thể hiện như một hình thức Tán, Tụng và sử dụng nhạc cụ Mõ làm tiết tấu thì trong nghệ thuật diễn xướng dân gian hát bả trạo - lễ hội cầu Ngư được thay thế bằng cặp "sanh tiền" (sênh) của ông Tổng Tiền… các lối hát vận dụng này được thể hiện như một thể loại hò: Có vế kể, vế xô theo động tác nhịp chèo, tiết tấu (mỗi phách tương ứng với nhịp tay đưa lên và chân bước lên hoặc ngược lại) là một quá trình cách điệu hóa, làm cho "Kệ" không còn mang chất nguyên thủy của nó như khi còn trong âm nhạc của Phật giáo.

Giống như Kệ, làn điệu "Tán" cũng được vận dụng thoát ra khỏi âm nhạc Phật giáo, để trở thành một chủ thể độc lập riêng biệt mà không còn dáng dấp nguyên thể. Đây chính là cái riêng độc đáo, minh chứng ở sự giàu có về giai điệu, đa dạng về tiết tấu và nghệ thuật của các làn điệu Kệ, Tán được dùng trong hát bả trạo.

Lời ca của Kệ được lấy hoàn toàn trong kinh Phật, nhưng câu Kệ do Tổng Tiền hát bằng tiết tấu thường không ổn định, nhịp điệu chậm, màu sắc âm nhạc của Kệ gần giống với Tán. So với phần xướng của Tổng Tiền (nhịp điệu không ổn định) thì phần xô tiếp nối của tập thể Trạo, nhịp điệu rất đều, chậm, dứt khoát, mỗi phách là một nhịp chèo (tay đưa lên và chân bước lên hoặc ngược lại).

Trong hát bả trạo, "Tán" được sử dụng là "Tán trạo", âm nhạc mang màu sắc buồn man mác, tán dương Đức Phật Bồ Tát, Thần Nam Hải Ngọc Lân Tôn Thần… Theo cố Giáo sư Trần Văn Khê: "Trong bài Tán nhịp phức tạp, chữ quan trọng trong câu kinh thường được xướng theo nhịp ngoại…".

Trong kịch bản hát bả trạo, làn điệu Tán chỉ xuất hiện một lần duy nhất ở đầu vở diễn. Đây cũng là lời tán dương, cầu cúng thần thánh, đức Phật,… đầu tiên trước khi diễn ra đối với một cuộc hát trước lăng, miếu, dinh Ông Nam Hải. Giai điệu của Tán chậm rãi, mang màu sắc cúng bái tâm linh, cao độ phụ thuộc chủ yếu vào vần điệu của câu Tán. Âm nhạc của mỗi câu Tán được tách riêng độc lập, không liên quan đến câu trước và sau nó, sau mỗi câu Tán thường có phần rung hơi bằng hư từ "ư" như đang thể hiện lời cầu khẩn.

Trích đoạn, lời hát Tán: "Lò hương ngui (nghi) ngút, cửa Phật thảnh thơi. Biển Đông minh, giúp đỡ nơi nơi. Thần Nam Hải, oai phong lẫm lẫm. Công tế độ, dán theo bia gấm. Cõi vô thường còn đọng lòng vàng. Cảnh án diên có vạn có làng. Kiêm chúng đẳng chỉnh tề bái yết…".

Hát bả trạo là loại hình nghệ thuật dân gian đã được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Hát bả trạo trong lễ cầu ngư của ngư dân Bình Thuận, Ninh Thuận.

Hoàng Châu
.
.