Tết ấy, tôi được nhà văn nổi tiếng xông nhà

Thứ Ba, 24/02/2015, 08:00
Có nhiều điều thật khó giải thích, ví như việc khách xông nhà ngày Tết, các bậc tiền nhân hay kiêng, hay chọn tuổi. Tôi thì chưa bao giờ làm việc ấy nhưng về mặt tâm lý, tuy không nói ra nhưng năm nào được người mình hằng kính trọng yêu quí đến xông nhà thì cũng thấy tâm lý thoải mái, phấn khởi hơn nhiều và tôi tin đó là điềm may mắn…

Cái Tết đầu tiên tôi về sống trong con ngõ nhỏ yên bình bên hồ Ngọc Khánh, được là hàng xóm của nhà văn nổi tiếng Ma Văn Kháng rồi lại được ông xông nhà Tết ấy. Khỏi phải nói vợ chồng tôi đã vui sướng biết nhường nào. Bởi việc được nhà văn nổi tiếng xông nhà không chỉ là niềm vinh dự tự hào, mà còn dường như báo trước nhiều điều tốt đẹp...

Nhớ lần đầu gặp nhà văn, nhìn dáng vẻ đôn hậu của người đàn ông xa lạ bên vai khoác chiếc túi - loại túi phổ biến từ thời bao cấp đói nghèo khiến tôi nhớ tới chân dung bà con ở miền đất xa xăm vùng sơn cước, lòng thầm nghĩ chắc ông này đến sai địa chỉ. Qua lời giới thiệu của chồng, tôi mới biết ông là nhà văn Ma Văn Kháng. Tôi không ngờ có ngày ông đến nhà mình!

Hôm ấy, ông làm việc ở Xí nghiệp đầu máy Hà Nội (đối diện với ngõ 1 Khâm Thiên, nơi có căn hộ của gia đình tôi). Ông bảo: "Hứa từ rất lâu rồi nhưng quá bận nên hôm nay mới đến thăm nhà các cậu…". Cũng nhờ được ông "khai quang" cho trong chuyến thăm ngày ấy, chúng tôi mới mạnh dạn nghĩ đến việc chuyển đổi khỏi căn hộ tù túng chật chội. Rất may được các cụ độ trì, cho chuyển từ chót vót tầng cao trong căn hộ khép kín không thang máy tới vùng đất đắc địa phát về đường văn chương, học hành.

Về nơi ở mới này, nhà chúng tôi chỉ cách nhà ông chưa đầy chục mét nằm bên số chẵn. Từ ngày ấy, tôi luôn dõi theo từng bước của nhà văn nhưng không phải báo nào chúng tôi cũng được đọc nên bất cứ bài viết nào của nhà văn trên tờ báo của ngành, dù ở thể loại nào, tôi cũng đọc, cũng suy ngẫm kỹ càng.

Nhà văn Ma Văn Kháng nổi tiếng bởi một khối lượng tác phẩm văn học đồ sộ với 17 cuốn tiểu thuyết, 200 truyện ngắn, mà trong đó tiểu thuyết "Mùa lá rụng trong vườn" đã thấm sâu vào hàng vạn con tim người Việt ở mọi lứa tuổi, mọi vùng miền. Mới đây, năm 2013, vào độ tuổi chuẩn bị bước vào ngưỡng "Bát thập", ông lại cho ra hai tác phẩm tên tuổi nữa là "Một mình một ngựa" và "Chuyện của Lý", cùng nhiều truyện ngắn khác. Được đọc tác phẩm nổi tiếng đã là niềm hạnh phúc, nhưng được ông quan tâm giúp đỡ về bài vở thì hạnh phúc ấy được nhân lên gấp bội. Và tôi là một trong số những người may mắn ấy.

Vợ chồng tác giả chụp ảnh cùng vợ chồng nhà văn Ma Văn Kháng nhân dịp Tết.

Nhớ lần đầu đặt bút viết về tuổi thơ nghèo vượt khó của mình. Số là vào một ngày tình cờ, tôi được cô bạn thông báo có cuộc thi viết về đề tài giáo dục. Sẵn nguồn cảm xúc dạt dào về cô giáo chủ nhiệm vô cùng yêu quí của mình từ thời học cấp 1 ở Trường Mạc Đĩnh Chi, thế là tôi cắm cúi viết.

Lần đầu cầm bút, tôi dồn bằng hết cảm xúc của mình ra 17 trang giấy, sau đó ngỏ ý với chồng: "Đọc giúp em xem có được không". "Ôi dào, văn xuôi thì phải nhờ anh Kháng". Chồng tôi vì không mấy tin vào khả năng cầm bút của vợ nên đã chối từ một cách thẳng thừng, nhưng sợ mất lòng vợ nên nói vậy thôi, đâu ngờ vợ mình "điếc chẳng sợ súng", dám cả gan quấy nhiễu nhà văn. Được là hàng xóm của ông và cũng là đàn em tin cậy của vợ ông, tôi chẳng chút ngại ngần vác cả tập bản thảo sang nhà ông bà…

Đức nhân hậu của cả hai ông bà, tôi đã từng được nghe mọi người ca ngợi, vả lại từ khi mua được căn hộ mới này, lúc sửa nhà với bộn bề công việc, lại lạ nước lạ cái, từ việc đun cho ấm nước uống đến cho mượn chiếc ghế ngồi, chiếc mâm đặt đồ cúng Thổ Công… đều  được vợ chồng ông quan tâm giúp đỡ tận tình, chu đáo. Biết là ông rất bận vì sáng sáng gặp ông đều đặn lên xe buýt đến trụ sở Hội Nhà văn, chiều chiều và ngày nghỉ thì chẳng mấy khi vắng khách. Khách của ông là những nhà văn trẻ đến biếu sách. Việc biếu sách của họ cũng là dịp để được ông đọc tác phẩm của mình, được những lời nhận xét ngọc vàng của một nhà văn dày kinh nghiệm. Đôi lúc cũng ngại ngùng nhưng cách sống chân tình giản dị, dễ gần của nhà văn khiến tôi bớt đi mặc cảm mỗi lần tiếp xúc.

Ông đặc biệt coi trọng văn hóa đọc, biết bà cháu tôi ham đọc, ông giao nhiệm vụ cho cô cháu nhà ông thường xuyên trao đổi sách truyện cho bà cháu tôi. Nguyên tắc của ông là cho mượn đọc thoải mái nhưng phải biết giữ gìn, không gấp nếp, không làm nhàu, đọc hết cuốn này lại được đổi để đọc cuốn khác. Trong số những cuốn sách ông cho mượn có nhiều cuốn của các tác giả tôi không quen biết. Khi đọc những cuốn này tôi thực sự kính nể ông vì trách nhiệm với lớp đàn em. Giờ tôi không nhớ tên từng tác giả nhưng ở mỗi cuốn truyện, đều còn dấu tích dày đặc những lời nhận xét tinh tế nhưng thẳng thắn và chân tình của nhà văn Ma Văn Kháng. Nhờ đọc sách, đọc cả những lời nhận xét quí báu ấy với các nhà văn trẻ mà tôi có cơ hội tự mình rèn luyện để câu văn của mình trong sáng, ngắn gọn hơn.

Truyện ngắn đầu tay của tôi được ông sửa cẩn thận tới từng từ nhưng qua cách ghi chép và đánh dấu một cách tế nhị của ông, tôi hiểu mình phải cố gắng nỗ lực, phải gọt tỉa đi rất nhiều thì mới có thể thành công được. Từ những tiếp xúc ban đầu ấy, đối với tôi - một người đã về nghỉ hưu, lại làm công tác kỹ thuật chẳng dễ dàng chút nào, nhưng những lời khích lệ của ông, sự giúp đỡ tận tình của ông, ví như việc đặt lại một đầu đề đối với tôi là vô cùng quan trọng.

Đáng nhớ nhất là câu truyện về tuổi thơ tôi, sau khi đọc và sửa câu từ, ông đã đặt lại cái đầu đề "Dưới gốc bàng ngày ấy" thành "Dưới tán bàng xanh" đầy trẻ trung, mơ mộng của tuổi học trò. Và truyện ngắn đầu tay ấy dự thi tuy không có giải nhưng cũng đã được lên mặt báo. Tuy chỉ là báo của ngành thì người đang tập tọe viết như tôi đã cảm nhận được niềm vui hạnh phúc vô bờ! Tiếp sau đó, vào dịp Tết, trong niềm xúc động dâng trào nhân xuân mới, tôi đã đặt bút viết dự thi cho mục Nét đẹp người Hà Nội do Báo Phụ nữ Thủ Đô tổ chức và đã nhận được một giải thưởng đầu tiên trong đời với bài "Gánh tào phớ đầu xuân".

Tuy chỉ là giải khuyến khích nhưng sau lễ trao giải, tôi được các đồng chí lãnh đạo tòa soạn và nhà thơ Giáng Vân đặt viết mục Góc phố Hà Nội và Câu chuyện tình tôi. Đó là niềm hạnh phúc tuổi già vì từ đó, dường như tôi thường xuyên có tên trên tờ báo này và cũng nhờ cách giúp đỡ ân cần thầm lặng của nhà văn Ma Văn Kháng qua việc thường xuyên cho mượn tác phẩm trẻ có bút tích của ông mà tôi đã tự tin cầm bút. Khi đã quen viết rồi, vào những lúc bí tư liệu, tôi lại nhớ tới chuyến đi thực tế của các nhà văn.

Ngày ấy cũng đã xa lắm rồi, ngành Đường sắt tổ chức cho anh em tòa soạn báo (được kèm theo một người trong gia đình), trong chuyến đi ấy có một số cộng tác viên thân thiết, trong đó có nhà văn Ma Văn Kháng. Ấn tượng nhất với tôi là được chứng kiến cách ghi chép rất tỉ mỉ của ông. Tới bất cứ địa danh nào, từ những dòng chữ khắc trên bia đến những dòng lưu giữ trong hoành phi câu đối treo trên tường…, tôi đều thấy ông chăm chú ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ mini. Tôi thầm cảm phục cách nhà văn làm việc, làm việc nghiêm túc cả trong sao chép tư liệu ở bất kỳ nơi chốn nào để thêm vào vốn sống đã đầy ắp của cuộc đời một người nổi tiếng ngay từ thời tuổi trẻ.

Điều đáng ngạc nhiên nữa là ông rất bận, phần lớn thời gian phải dành cho các tác giả trẻ cần sự giúp đỡ, chỉ bảo rồi ông còn phải đi, phải viết, vậy mà trong từng bước đi chập chững của tôi những ngày qua cũng được ông quan tâm động viên rất đúng lúc, rất kịp thời. Lần tôi được giải nhì (giải cao nhất cuộc thi viết Những vấn đề về gia đình năm 2011) của Báo Phụ nữ Thủ đô với đầu đề "Ngôi nhà mơ ước, lĩnh giải rồi tôi không dám khoe khoang, vậy mà chiều hôm ấy gặp ông trên cầu vượt Nguyễn Chí Thanh, từ xa ông đã nói lời chúc mừng và khích lệ, cứ như là tôi vừa được nhận phần thưởng cao quí về văn học. Không phụ lòng ông, tôi đã tiếp tục hành trình cuộc thi này và đã có thêm hai giải nữa.

Chẳng mấy nữa lại kết thúc một năm cũ. Khi bước vào năm mới thì ở mỗi tuổi lại mang theo rất nhiều cung bậc cảm xúc. Năm mới với tuổi trẻ là niềm vui, là cả trời xuân rực hồng sắc thắm đầy tương lai hứa hẹn, còn với tuổi già, năm mới đến là trên vai lại thêm gánh nặng về ốm đau bệnh tật. Những ngày vừa qua, biết chồng tôi tự dưng bị tăng huyết áp, ông luôn thăm hỏi, lấy kinh nghiệm cả chục năm chống chọi với bệnh, chỉ dẫn chu đáo cách thuốc thang và giúp chồng tôi ổn định tâm lý.

Với người từng bước qua thử thách ngặt nghèo như ông, tôi không mong gì hơn là cầu chúc cho ông bà an bình hạnh phúc. Riêng ông lại "hồi xuân" để có thêm những đứa con tinh thần mà mọi người mong đợi. Còn tôi, tuy chuẩn bị bước vào "thất thập" nhưng việc cầm bút thì dường như vừa thoát khỏi vỡ lòng, lại rất mong có cảm xúc, có nhiều may mắn để được viết. Tôi thầm ước: Giá như Tết này lại được ông đến xông nhà.                                                                                                                            
Giáp Tết 2015 

Dương Ngọc Vân
.
.