Tây bắc Rumani mùa thu bừng sắc đỏ trong tôi

Thứ Sáu, 06/10/2006, 14:30

Mùa thu vàng đưa tôi lên vùng tây bắc Rumani. Suốt từ Bucarét đến thành phố Đêva, mùa thu nhuộm vàng trên những hàng cây ven đường, rải lá vàng trên những lối đi. Tôi vẫn còn giữ một chiếc ảnh – do nhà thơ Trần Ninh Hồ chụp - đứng trên những lớp cỏ vàng kéo dài đến tận chân trời.

Con đường đi miền Tây Rumani, xe băng qua những vùng đồng bằng rộng lớn vừa thu hoạch ngô, đang cày ải. Rồi thảo nguyên mênh mông. Lại đi giữa những ngọn đồi xinh đẹp với những tầng cây lá biếc chen hồng như trong thơ Nguyễn Du, lượn bên những ngọn nguồn dòng sông uốn khúc xanh biếc. Tôi hỏi tên, người lái xe cười đáp lí nhí không nghe rõ.

Rừng ở Rumani không rậm, cây cối được chăm sóc kỹ lưỡng, uốn lượn như những thân rồng trên đỉnh đồi cao. Trên đó, theo tầm mắt nhìn, có lúc hiện lên những con đường nhỏ ngoằn ngoèo giữa bãi cỏ, lác đác có những chiếc hộp của những người gác rừng. Khi xe qua một làng nhỏ, tôi chợt nhổm người lên khỏi ghế, thấy một cô gái choàng khăn hồng, chăn một đàn cừu trắng dưới chân đồi cỏ úa vàng, in lên nền trời xanh thăm thẳm khiến tôi nhớ đến những bức tranh của Nicolai Grigorescu, một họa sĩ nổi tiếng nhất của Rumani thế kỷ XIX  với những bức tranh phong cảnh vẽ về quê nhà yêu dấu với nỗi nhớ khôn nguôi khi ông phải rời xa cố hương nhiều năm để học trên đất Pháp.

Thành phố chúng tôi đến là Đêva, một thành phố của tỉnh Huneđoara, kết nghĩa với Lào Cai. Ở đây có chi hội hữu nghị Rumani – Việt Nam. Đó là một thành phố nhỏ, không có nhà cao tầng nhưng sạch sẽ, khang trang, có nhiều vườn hoa và cây xanh. Đường phố rộng và sạch hơn ở Bucarét. Nhà văn Butulescu, một tác giả nổi tiếng ở Rumani, có sách in hàng chục thứ tiếng, từng được đề cử giải Nobel Văn chương với tập thơ danh ngôn đã đón và đưa chúng tôi đi thăm quê hương ông.

Huneđoara, một tỉnh có nhiều di tích cổ như Vĩnh Phú của ta. Đó là miền đất tổ của Rumani. Vùng này có nhiều lâu đài cổ bằng đá mà tiêu biểu là lâu đài đồ sộ Corivinesilor. Đi qua những tầng, những lâu đài vẫn còn gặp những bộ bàn ghế, quần áo, cung kiếm sang trọng của vị bá tước này. Butulescu chỉ cho tôi xem một bức tranh treo tường tả cảnh những đoàn người ngựa mang sản vật vào cung tiến cho bá tước. Tôi hỏi đùa:

- Sống thế này sướng thật. Anh có thích được sống thế này không?

Ông bảo:

- Nhà văn sống khổ mới viết hay.

Chúng tôi cười vang, bước ra sân lâu đài để chụp ảnh chung.

Đi quá Đêva độ chục cây số về phía tây là Bảo tàng Saruni Zege Tusa. Ở đây, chúng tôi gặp lại những hình ảnh ở Bảo tàng Lịch sử Rumani tại Bucarét mà chúng tôi được xem. Đó là những bức tường diễn tả sự xâm lược của đế quốc La Mã đối với Rumani từ năm 110 đến 108 trước Công nguyên và cuộc đấu tranh chống xâm lược của nhân dân Rumani. Còn đây những bức tượng, những bình tro, những giáo mác cung tên, những đồ dùng cá nhân của các tướng lĩnh La Mã và của nghĩa quân Rumani. Những vật xưa vẫn còn ấm nóng trên tay nhắc nhở ta về quá khứ đau thương và hào hùng của một dân tộc.

Cạnh nhà bảo tàng là thành phố do người La Mã dựng lên, có tên là thành Forul. Thành phố ấy bây giờ thành đống hoang tàn, phế tích. Nhưng vẫn còn đây bức tường thành bao bọc chung quanh bằng đá, các cột trụ nhà ở cũng bằng đá tròn, có trụ dài tới 16 mét. Những tảng đá xây tường vững chắc làm ta nhớ lại thời huy hoàng của đế chế La Mã từng đánh nam dẹp bắc khắp châu Âu. Chính phủ và nhân dân Rumani đã giữ nguyên vẹn những tảng đá, vị trí thành và vòng thành thời ấy.

Cách thành phố cổ chừng 15 km về phía đông nam là nhà thờ Thiên Chúa giáo Densus, nhà thờ cổ nhất Rumani và châu Âu, xây vào thế kỷ XI, XII.

Tại đây người xem thú vị khi bắt gặp Chúa Giêsu mặc quần áo truyền thống Rumani với những dãy nút bằng gỗ hay cột dây ở ngực áo. Nhà thờ đang được sửa sang. Chúng tôi chỉ được đứng ở cửa nhìn vào. Ông cố đạo tỏ ra băn khoăn vì việc ấy, tặng cho mỗi người một bức ảnh nhà thờ và đưa tiễn chúng tôi ra tận ôtô dưới cơn mưa bất chợt ào ạt của miền tây bắc Rumani.

Đêm ấy, chúng tôi nghỉ tại khách sạn 3 sao Decebal. Khách sạn có 3 tầng, nằm trong một vườn cây, dưới chân một dãy núi đá. Trên đỉnh núi đá hiện lên một tu viện cổ bằng đá, chắc là của một dòng tu khổ hạnh nào. Vì chỉ mỗi việc lấy nước thì các tu sĩ cũng phải vất vả lắm rồi.

Đêm ở miền tây bắc rất lạnh. Tôi nằm ở tầng hai nghe tiếng gió hú bên ngọn núi đá. Có gì âm âm như tiếng của những năm tháng xa xưa vọng về. Trùm lên tiếng gió là tiếng chân dậm thình thịch, tiếng hú hét từ một điệu van, tiếng cười vang của một đám cưới từ tầng một vọng lên. Hồi đầu hôm, ông Butulescu đã nói với chúng tôi:

- Đêm nay có thể các anh sẽ mất ngủ đấy. Họ sẽ vui chơi nhảy múa cho tới sáng – Rồi ông cười tiếp - Đời người có một lần, cho đôi trẻ nó vui. Còn mình thì nhớ lại…

Và tôi nằm trong chăn ấm, thao thức nhớ lại…--PageBreak--

Trưa hôm sau, chúng tôi trở về Bucarét. Trên đường về, chúng tôi dừng lại ở Braxốp để thăm lâu đài cổ Peles và lâu đài Đracula, nằm trong những thung lũng đẹp nhìn xuống những dòng suối hiền hòa. Trước khi vào các lâu đài, ở bên đường, chúng tôi thích thú xem những sản phẩm của những người dân địa phương bày bán. Đó là những tấm len, dạ, đồ gỗ và những kỷ vật như xắc da, áo phông, có cái in hình bá tước Đracula đội mũ phớt, dáng uy nghiêm, có cái in hình con quỷ Đracula có 2 cái răng nanh dài hù dọa người khác.

Chiều xuống, một màn sương trắng nhẹ phủ lên cánh rừng, lâu đài, dòng suối làm cho cảnh vật thêm âm u, mơ màng. Trong màn sương ấy, người ta như nhìn thấy những nhân vật xưa hiện ra từ những chân trời huyền thoại, những chân trời cổ tích. Người ta chợt mơ mộng hơn, nghĩ ngợi hơn về những năm tháng thăng trầm của loài người. Chỉ có các cháu bé là vẫn vui vẻ. Chúng nó, đứa mặc áo phông in hình bá tước Dracula, đứa mặc áo phông in hình con quỷ Dracula, nắm tay nhau chạy vào lâu đài, chỉ chỏ cái gì đấy rồi hô lên bằng tiếng Rumani mà chúng tôi không hiểu. Nhiều năm tháng sau, có lẽ tôi sẽ quên cách bài trí của các căn phòng trong lâu đài, những giường tủ, quần áo, mũ mão, bàn ghế, cung kiếm của các ngài bá tước, nhưng những tiếng cười đùa của các chú bé và những gương mặt trầm tư của các cụ già đến thăm lâu đài sẽ mãi mãi khắc sâu vào tâm trí.

Con đường trở về hình như không phải con đường đã đi hôm qua nhưng cũng lại qua những dải rừng tuyệt đẹp, những thảo  nguyên và những cánh đồng mênh mông của miền tây bắc nước Rumani. Thỉnh thoảng xe đi qua những thung lũng, những suối hoa vàng như mùa thu và những hang động đá vôi, từ đó có những con thác đổ trầm trầm xuống dòng suối ven đồi của các vùng Apuseni. Chỉ mới có 2 ngày mà mùa thu dường như đã già đi, nhuộm lá vàng rực trên những cánh rừng và trên những hàng cây ven đường. Hình như mùa đông rình rập ở đâu đó bên một hẻm núi, một bờ khe để ùa ra bén theo gót chúng tôi.

Tại thành phố Sibiu, hình như con đường hôm qua đi và con đường về bỗng nhập lại. Thành phố này là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa của miền tây bắc. Nó không lớn mà đẹp xinh với những ngôi nhà thấp, vài ba tầng, núp trong những vườn cây, ở bên ngoài cài then cửa như những ngôi nhà ở miền thôn quê. Những cửa hàng vải vóc, quần áo, máy móc, thực phẩm rộn rịp người mua. Tôi thấy dáng dấp của những phụ nữ nhà quê trùm khăn, áo váy thùng thình, tay xách nách mang những túi hàng. Các đường phố hẹp, lề chật, có khi chỉ vừa đủ một người đi, len qua những dãy phố như giữa một cái làng. Tôi đi nước ngoài không được nhiều, nhưng có lẽ, tôi nghĩ, ở châu Âu, người ta chú ý đến các thủ đô nhiều hơn những thành phố khác. Hình như ở các nước Châu Á, các thành phố lớn rải đều trên đất nước nhiều hơn, để “giữ tình đoàn kết dân tộc” nhiều hơn chăng?

Ấn tượng sâu sắc nhất mà tôi gặp ở Sibiu chiều ấy, khi xe lướt qua một quảng trường, tôi bắt gặp một khóm hoa hồng đỏ, rất nhiều bông, cháy rực trên một vuông cỏ xanh, chẳng hiểu vì sao mùa thu không nhuộm vàng nổi. Tôi xa miền tây bắc Rumani mang theo sắc đỏ ấy như mang theo những lời nhắc nhở để tôi nhớ mãi về một miền đất của xứ bạn...
Thanh Quế
.
.