Tai nạn không chừa các vĩ nhân

Thứ Ba, 13/04/2010, 17:00
Chúng ta hẳn được nghe khá nhiều những giai thoại về sự lơ là, đãng trí của các nghệ sĩ cũng như của các nhà bác học, các vĩ nhân... Phải chăng, cái "yếu điểm" ấy là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây nên rủi ro, bất hạnh, những tai nạn khủng khiếp kết thúc cuộc sống của một số người trong đám họ?

Hẳn không ai dám khẳng định mười mươi như vậy. Những dẫn dụ dưới đây chỉ cốt để bạn đọc thấy được một điều: Nếu như tai nạn có thể xảy đến với con người ở bất kỳ tầng lớp nào, thì oái oăm nghiệt ngã thay, nó cũng không chừa các vĩ nhân! Đặc biệt là những tai nạn giao thông.

Emin Vêraren - nhà thơ lớn người Bỉ (sáng tác bằng tiếng Pháp) sinh năm 1855 và mất năm 1916, trong một tai nạn xe lửa. Aixêđora Đuncan, vũ đạo gia nổi tiếng người Mỹ, người từng có một thời là bạn tình của thi sĩ Nga Xergây Exênin, sinh năm 1878 và chết vì tai nạn xe hơi năm 1927. Số phận gia đình bà thật bi thảm. Trước đấy, con trai bà cũng từ giã cuộc đời vì tai nạn đắm thuyền.

Ngày 3/2/1937, một chiếc xe hàng đã cướp đi của nhân dân Hunggari nhà thơ vô sản lớn nhất của mình: Attila Giôdép. Năm ấy ông mới vừa 32 tuổi.

Magơrit Mitchel, nữ văn sĩ Mỹ nổi tiếng thế giới với cuốn tiểu thuyết "Cuốn theo chiều gió" sinh năm 1900 tại Atlanta (bang Giorgia, Mỹ). Bà đã để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng hàng triệu người đọc hâm mộ khi ngày 16/8/1949 cũng tại thành phố nơi bà ra đời, một tai nạn xe hơi đã kết thúc cuộc đời nữ văn sĩ tài hoa đang ở độ tuổi chưa đến năm mươi.

Nhà văn Pháp được tầng lớp bạn đọc thanh niên Pháp rất yêu mến qua các tác phẩm kì  diệu như "Bay đêm", "Hoàng tử nhỏ" là Xanh Eduypêri đã mất tích trong chuyến bay thám thính trên vùng trời có lính Đức kiểm soát ngày 31/7/1944. Nhiều nhân chứng hiện còn sống đã khẳng định cùng ngày hôm ấy, tại khu vực nói trên, họ đã tận mắt nhìn thấy một chiếc máy bay rớt ngoài vịnh.

Nhà văn Pháp đoạt giải Nôben về Văn học năm 1957 Anbe Camuy qua đời trong một tai nạn xe hơi vào ngày 4/1/1960. Cũng trong thập kỷ xảy ra cái chết thê thảm của văn hào Pháp, nước Nga cũng mất đi một trong những nhà bác học lỗi lạc nhất của mình: Lép Lanđao, trong một ca tương tự.

Tất nhiên là tôi còn có thể dẫn chứng ra nhiều nhiều nữa... nhưng sợ làm bạn đọc "mệt" vì những bất hạnh chung của nhân loại. Điều mà qua những trích dẫn trên chúng ta cần ý thức được cho mình là mỗi người hãy tự nâng cao cảnh giác, bảo vệ cuộc sống của mình. Còn trên hết thảy những điều như vậy, bất hạnh vẫn từ đâu ập đến thì cái đó, than ôi, đành chịu số trời!

Quốc Thái
.
.