Tạ Quang Bạo - mỗi bức tượng như một lời tỏ tình tiếc nuối

Thứ Năm, 05/09/2019, 08:23
Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo là nghệ sỹ tạo hình đầu tiên thuộc thế hệ chống Mỹ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (năm 2016). Trong lịch sử tiếp diễn của Điêu khắc Việt Nam, ông có một vị trí riêng biệt - đó là đại diện cho vị trí tiếp nối giữa thế hệ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và thế hệ trẻ của đổi mới.


Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo sinh năm 1941, đến nay đã 78 tuổi trời. Học Trung cấp Điêu khắc trường Mỹ thuật Công nghiệp khóa I (1959 - 1963), sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, lúc này Bảo tàng mới được thành lập. Năm 1966, Tạ Quang Bạo được cử đi học tại Khoa Điêu khắc, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp, khóa 1966 - 1971. Năm 1971, ông nhập ngũ và phục vụ trong Quân đội  đến 1995 thì nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá.

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo.

Trong thời gian này, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã dành nhiều thời gian cho sáng tác và xây dựng tượng đài phục vụ nhiệm vụ chính trị của Nhà nước và Quân đội giao cho. Tượng đài của ông đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước với các chất liệu bê tông, đá, đồng. Có thể kể tới các tác phẩm như: “Tượng đài Chiến thắng Sông Lô”, chất liệu bê tông, cột biểu tượng cao 26m, nhóm tượng cao 7m, dựng năm 1982, đặt tại Núi Đồn, Đoan Hùng, Phú Thọ; “Tượng đài và phù điêu Tưởng niệm Noọng Nhai”, năm 1999, đặt tại xã Thanh Xương, Điện Biên, tỉnh Điện Biên; “Tượng đài Nghĩa trang Thanh Hóa” đặt tại tỉnh Thanh Hoá; “Tượng đài đặt tại Nghĩa trang Liệt sỹ Việt - Lào” năm 1982, tỉnh Quảng Trị; “Tượng đài Chiến thắng trên sông Cầu Sình” năm 2009, đặt tại tỉnh Hậu Giang... với số lượng những tượng đài ông trên các tỉnh thì ông là một quân nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với đất nước và quân đội.

Tạ Quang Bạo không chỉ là một trong số ít những nhà điêu khắc sáng tác và xây dựng được nhiều tượng đài nhất ở Việt Nam. Cùng với tác phẩm điêu khắc ngoài trời, Tạ Quang Bạo đã sáng tác hàng trăm tác phẩm điêu khắc tượng tròn với các chất liệu khác nhau, tham gia nhiều Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, Triển lãm 10 năm Điêu khắc Toàn quốc, Triển lãm Mỹ thuật về đề tài Lực lượng Vũ trang và Chiến tranh Cách mạng. Ta có thể kể tới các tác phẩm về đề tài Lực lượng Vũ trang và Chiến tranh Cách mạng, lịch sử tiêu biểu như “Cõng đạn”, “Đi học chữ Bác Hồ”, “Mẹ Trường Sơn”, “Hòa bình”, “Dòng sông Mê Kông”, “Buôn Ma Thuột 1975”, “Mẹ Lá Chắn 1”, “Hành quân qua thành phố”, “Hội nghị Diên Hồng”...

Đặc biệt là tác phẩm “Gò đồng Đảo tiền tiêu” được tặng Giải A tại Triển lãm 10 năm Điêu khắc Toàn quốc lần thứ hai, năm 1983... Các tác phẩm này phần lớn hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Nhà điêu khắc Lê Lâm nhận xét:  “Sự si mê của Tạ Quang Bạo đã hằn lên tất cả những tác phẩm của ông. Cái chất của ông là chất quan sát. Trường quan sát rộng, đến nhiều chuyển động xung quanh đời sống hiện đại. Ông xúc động bằng linh hồn thật, bằng những nỗi cô đơn và cả niềm yêu thương, suy tư về cuộc đời. Bởi thế, mạch sáng tác của ông được nối dài, như những bản tình ca không dứt”.

Nghỉ hưu, Tạ Quang Bạo trở lại với chính mình, ông sáng tác nhiều hơn với nhiều đề tài. Trong tử  vi của ông, có sao Đào hoa chiếu mệnh,  ông  yêu nhiều, có lẽ vì thế mà dành gần hết thời gian của mình để ca ngợi vẻ đẹp người thiếu nữ…

Tạ Quang Bạo yêu sự khỏe mạnh, chất phác ở người phụ nữ nông thôn Việt, ông  diễn tả tình yêu khác giới ấy bằng các khối điêu khắc 3 chiều. Tượng phụ nữ của ông khối căng tròn, no đủ… chuyển động liên tục, nhịp điệu mạnh mẽ. Tượng Phụ nữ của Tạ Quang Bạo từ chối những nét đẹp kiểu thành thị, đài các  mà phô ra  những nét đẹp đầy ứ, mãn nguyện…

Cả trăm bức tượng hiện đang bày tại xưởng  của ông - phần  lớn được làm từ sau khi ông nghỉ hưu,  mỗi bức giống như là một lời tỏ tình đầy tiếc nuối của ông với Nghệ thuật, với cuộc sống…

Tác phẩm Tình yêu - tượng đồng của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là cơ quan đầu tiên Tạ Quang Bạo công tác, thời gian làm việc ngắn nhưng ông thu nạp được rất nhiều những kiến thức từ những điêu khắc dân gian cổ. Những kiến thức này đã đi theo ông suốt cuộc đời sáng tác, ảnh hưởng lớn tới Nghệ thuật của ông.

Bốn năm qua, trải qua tai biến của bệnh tật, ông vẫn nặng nhọc lê từng bước chân để đến với “Người tình Điêu khắc”. Nghệ thuật của Tạ Quang Bạo có thể nói  là cuộc hành trình bền bỉ, đi từ hiện thực ấn tượng  tới phong cách điêu khắc biểu hiện mang mầu sắc dân gian. Với phẩm chất bản thể, giàu nội lực, cho tới nay các tác phẩm của ông  đã đạt tới giá trị của chính nó.

Tạ Quang Bạo nói rằng, làm tượng là cuộc sống của ông, hạnh phúc của ông, còn sống là còn làm tượng, sức nghĩ, sức sáng tạo của ông vẫn còn rất dồi dào, những bức tượng đẹp nhất, ưng ý nhất của ông vẫn còn phía trước. Nhà nghiên cứu Thái Bá Vân đã viết về nghệ thuật của ông như sau: “… Tạ Quang Bạo luôn lắng nghe tiếng nói của Nghệ thuật, tìm hình tượng điêu khắc , nhưng bao giờ cũng vậy, hễ vừa tìm ra sự bắt đầu thì ngay lập tức tại nơi đó có ngay một sự kết thúc. Cuộc diễn tiến không bao giờ đứng yên.

Việc rượt đuổi ý nghĩa của tác phẩm cứ tiếp diễn theo khối hình từ không gian này sang không gian khác, bởi rằng nghệ thuật không thể nói đến sự ổn định bất biến. Tất cả đang trở thành”.

Ngót nghét tám mươi tuổi người, rất nhiều danh hiệu, đầy mình giải thưởng,  vậy gọi là có Lộc. Con cháu phương trưởng, quây quần vậy gọi là có Phúc.

Người được ba điều đó trên đời thế là đã trọn vẹn… mấy ai đạt được! Nhưng với  Tạ Quang Bạo thì không phải, mà với ông “tất cả đang trở thành”… vậy thôi.

Tô Chiêm
.
.