TS Thanh Tâm Nguyễn : Đi tìm những bí mật trăng tròn

Thứ Năm, 18/10/2018, 07:53
Tiến sĩ văn học Thanh Tâm Nguyễn là người chuyên nghiên cứu về văn học thiếu nhi. Mới đây, cuốn sách "Bí mật tuổi trăng non" viết về những rung cảm giới tính đầu đời trong văn học thiếu nhi đã được NXB Kim Đồng ấn hành.

Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề giáo dục giới tính cho lớp trẻ trong xã hội cũng như trong nhà trường đang được đặt ra bức thiết, "Bí mật tuổi trăng non" được ví như một cẩm nang dành cho các bậc phụ huynh và các em nhỏ, để các em có được những trải nghiệm xúc cảm tuổi mới lớn ngọt ngào, đẹp đẽ và giàu ý nghĩa.

- Người viết tác phẩm văn học thiếu nhi vốn không nhiều, người viết phê bình các tác phẩm văn học thiếu nhi càng ít hơn nữa. Đọc cuốn sách"Bí mật tuổi trăng non", một cuốn sách phê bình liên quan đến văn học thiếu nhi, biết chị rất dày công nghiên cứu dòng văn học này? Chị có thể nói gì về niềm đam mê văn học thiếu nhi của mình?

+ Tôi gắn bó với văn chương khi còn là cô học trò cấp 1 trường làng, nhưng chọn một địa chỉ riêng cho đam mê thoả chí đi về thì mãi đến cuối năm 2004. Sau khi tốt nghiệp đại học, được giữ lại công tác tại Trường Đại học Sư phạm Huế với chuyên môn chính là giảng dạy bộ môn Văn học thiếu nhi, tôi tìm thấy niềm vui trong lĩnh vực không được nhiều người coi trọng này.

TS văn học Thanh Tâm Nguyễn và Cuốn sách “Bí mật tuổi trăng non” vừa được NXB Kim Đồng ấn hành.

Những trang văn từng giúp tôi bình yên, vững vàng đi qua tuổi hoa niên giờ vẫn hàng ngày cùng tôi chăm chút, tưới tắm tâm hồn. Dành tâm huyết để nghiên cứu văn học thiếu nhi vừa là trả ơn riêng cuộc đời vừa là hi vọng kết nối sinh viên với mảng văn học này, để trong tương lai gần, các bạn tiếp tục chuyển di tình yêu văn chương đến các thế hệ học trò. Bởi điều đó, 14 năm qua tôi hạnh phúc được là lớp độc giả đầu tiên của những cuốn sách viết cho tuổi trăng non, hạnh phúc vì được nói và viết về những điều bé nhỏ.

- Trong "Bí mật tuổi trăng non", vì sao chị lại quyết định lựa chọn để nghiên cứu một ngách rất hẹp trong văn học thiếu nhi, là những rung cảm giới tính đầu đời của trẻ nhỏ thể hiện qua các tác phẩm đề tài này trong suốt hơn một thế kỷ văn học đã qua?

+ Tuổi thơ của những người thuộc thế hệ 8X như tôi thường thiếu thốn vật chất lẫn các phương tiện giải trí hiện đại, cũng không sẵn có truyện ngôn tình để đắm chìm trong mơ mộng… Có thể vì thế mà thời ấy, nội dung giáo dục giới tính chưa đẩy lên mức độ cấp thiết như bây giờ - thời điểm mà trẻ phát triển sớm về xúc cảm giới tính và nạn ấu dâm, xâm hại tình dục trở nên báo động.

Cần lắm một phương tiện phản ánh sinh động thực tiễn tâm hồn của những đứa trẻ đang trong quá trình lớn lên, và nếu có thể, sẽ dẫn trẻ đi qua cái mông lung của xúc cảm đầu đời mà không sa vào kiểu thuyết giáo khô khan cứng nhắc. Tôi nghĩ đến văn học.

Lại nhớ những lần mình như người khát nước lâu ngày bắt gặp được dòng suối mát khi tình cờ đọc các tác phẩm văn học thiếu nhi nước ngoài có đề cập đến chuyện tình cảm khác giới của trẻ con. Cái cảm giác gặp lại mình qua từng trang sách, thuở chơi vơi, bối rối, ngượng ngùng, hồ hởi, lo lắng… khi "cơn gió vàng mười" thổi đến, thật khó tả.

Tự hỏi, vận động trong một không gian văn hoá, lịch sử khác biệt, liệu văn học thiếu nhi Việt Nam có tồn tại những "chiếc phao cứu sinh" kiểu như thế không. Tôi quyết định đi tìm câu trả lời bằng cách nỗ lực tiếp cận các tác phẩm văn học từ đầu thế kỉ XX đến nay, bất chấp sự hoài nghi của nhiều người về sự hiện diện của cảm hứng ấy trong mảng văn học đã quen với những điều giản đơn, trong sáng. Và tôi đã tìm thấy, cái "ngách" rất hẹp ấy, trong văn học thiếu nhi Việt Nam.

- Lứa tuổi thiếu nhi là lứa tuổi đẹp, cất giấu rất nhiều bí mật trong cảm xúc. Nhìn vào văn học Việt Nam nói chung, theo chị, vấn đề rung cảm giới tính được các nhà văn viết cho thiếu nhi quan tâm ở mức độ nào?

+ Tôi đặt tên cho chuyên luận của mình là "Bí mật tuổi trăng non". Cách đặt tên ấy có mối liên hệ với cảm tình đặc biệt mà các nhà văn dành cho thiếu nhi - lứa tuổi đẹp và cất giấu nhiều bí mật dễ thương như chị nói. Trong các tác phẩm, trẻ em được nhìn ngắm, soi chiếu với nhiều mô thức xúc cảm. Tròn đầy, khuất lấp; ngọt ngào, xót xa; nghiêm túc, hài hước; chóng vánh, bền lâu;…

Chỉ với những mảnh ghép hình trái tim, các nhà văn đã phác hoạ thành công những đặc điểm tâm lý lứa tuổi có tính phổ quát. Rằng rung động đầu đời không phải là điều xấu xa; hãy biết trân quý cơ thể, trân trọng dục tính bằng cách hướng tâm hồn đi theo những xúc cảm trong sáng, phù hợp với tuổi học trò. Rằng người lớn hãy thấu hiểu và tự nguỵện làm điểm tựa tinh thần cho trẻ… Đó là tiếng vọng nhân văn từ các tác phẩm. Với văn học thiếu nhi, chúng ta cần những tiếng nói mang tính định hướng như thế.

- Theo khảo sát, nghiên cứu của chị, các tác phẩm văn học thuộc đề tài này trong những năm đầu thế kỷ 21 có những sự thay đổi nào đáng kể so với trước đó?

+ Thực tế, những mùa "hoa tím" rực rỡ nhất thuộc về thế kỉ XX chứ không phải những năm đầu thế kỉ XXI. Cái đặc biệt của văn học thiếu nhi đầu thế kỷ XXI về đề tài này không nằm ở số lượng tác phẩm mà ở cách tác giả kể lại câu chuyện ấy. Những rung động riêng tư được đặt trong mối quan hệ đa chiều với các vấn đề của xã hội đương đại lẫn quá khứ.

Có tác giả còn mạo hiểm để nhân vật bước đi trên lằn ranh mong manh giữa những rung động mang tính tinh thần và vấn đề dục tính. Hệ luỵ của việc không ý thức được giới hạn của tình cảm tuổi học trò cũng được đề cập. Chính vì thế mà nhân vật không còn giản đơn sống với "kết cấu sâu kín nhất của cõi lòng". Tuy nhiên, chúng ta có quá ít những tác phẩm như thế.

- Theo chị, hạn chế lớn nhất của nhà văn khi thể hiện những cảm xúc giới tính đầu đời của nhân vật trong các tác phẩm họ sáng tạo là gì?

+ Tôi rất trân trọng những nhà văn viết cho thiếu nhi và viết về đề tài xúc cảm giới tính trẻ. Qua trao đổi với một số tác giả (Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Nhật Ánh, Lê Phương Liên, Trần Đức Tiến,…), càng hiểu vì sao viết về xúc cảm giới tính trẻ chỉ là một dòng chảy hẹp trong tiến trình văn học Việt Nam. Vậy nên độc giả phải cảm thấy may mắn khi được đón đọc những tác phẩm văn học về nội dung này. Tuy nhiên, các nhà văn viết cho thiếu nhi thường tự giới hạn đối tượng tiếp nhận tác phẩm của mình là trẻ con (trẻ con trong sự khác biệt hoàn toàn với người lớn). Vì thế nhân vật cứ mãi bé bỏng, hồn nhiên.

Thực ra, viết cho thiếu nhi là viết cho những "trăng non" đang trong quá trình trưởng thành và không thể tách rời không gian sống. Nếu các tác giả mạnh dạn đối diện với những "vấn nạn" của xã hội thì tác phẩm không thể tiếp tục ngủ vùi trong những điều trong veo nữa.

Tôi vẫn ao ước, giá như văn học thiếu nhi Việt Nam có nhiều hơn những tác phẩm đào sâu vào thế giới tinh thần trẻ em hiện đại chứ không dừng lại ở những miêu tả giản đơn, hời hợt. Lúc đó hẳn tiếng nói về xúc cảm giới tính trẻ sẽ đa thanh, đa sắc hơn và cũng sẽ đời hơn.

- Hiện nay, vấn đề giáo dục giới tính cho lớp trẻ trong xã hội cũng như trong nhà trường đang được đặt ra như một câu chuyện bức thiết. Ngoài những cuốn sách kỹ năng, hay những giờ giảng của thầy cô giáo trong nhà trường, thì việc giáo dục giới tính cho thế hệ trẻ thông qua những tác phẩm văn học dành cho tuổi mới lớn quan trọng như thế nào, thưa chị?

+ Nghệ thuật, trong đó có Văn học, không phải là lĩnh vực độc quyền thực hiện nội dung giáo dục giới tính cho trẻ, nhưng chắc chắn đấy là nơi câu chuyện tình cảm thuở đầu đời được kể một cách duyên dáng nhất, ý vị nhất. Các nhà văn có cách lưu hương cho những chuyện tình trẻ con, biến hạnh phúc riêng của nhân vật thành niềm vui của nhiều người.

Những điều vốn dĩ thô ráp, trần trụi, nhạy cảm, qua tài biến hoá của tác giả cũng trở nên mềm mại, hợp lý. Những tác phẩm văn học về đề tài xúc cảm giới tính là món quà ngọt ngào các nhà văn dành cho tuổi mới lớn.

Không thuyết giáo, không lí luận khô khan, chủ nhân của những món quà nhỏ xinh ấy đến với độc giả với tư cách là dẫn đường khôn ngoan, lấy cái duyên kể chuyện để hút trẻ đi cùng nhân vật và tự soi mình trong những nỗi niềm thơ dại. Tiếp xúc với những tác phẩm văn học thiếu nhi thuộc đề tài này, trẻ cứ thế mà tự nhiên được bồi đắp những xúc cảm giới tính nhân văn. Và tôi nghĩ, đấy là điều mà khoa học giáo dục khó làm được.

- Để mọi trẻ em có được một "mùa trăng xanh" đẹp đẽ với những xúc cảm đầu đời được nâng niu, cha mẹ cần phải thấu hiểu và giáo dục con như thế nào, thưa chị?

+ Cho phép em gửi lời mời độc giả đến với chuyên luận"Bí mật tuổi trăng non" để biết cụ thể hơn thông tin trả lời cho câu hỏi này. Không thể đầy đủ như mong muốn, vì "một bàn tay bé nhỏ khó ôm trọn một thực thể quá lớn lao" (đánh giá của tác giả Vân Hoàng về chuyên luận), nhưng những điểm sáng của văn học thiếu nhi xét về mảng đề tài này đã được nhắc đến trong "Bí mật tuổi trăng non".

Các tác phẩm của Nam Cao, Thạch Lam, Hồ Dzếnh, Duyên Anh, Hoàng Ngọc Tuấn, Từ Kế Tường, Đoàn Thạch Biền, Mường Mán, Thuỳ An, Nguyễn Thái Hải, Lê Phương Liên, Trần Thiên Hương, Trần Đức Tiến, Nguyễn Nhật Ánh, Lê Văn Nghĩa, Bình Ca, Lê Hoàng,… và của nhiều cây bút khác nữa đã gián tiếp gửi những thông điệp ý nghĩa đến các bậc phụ huynh, nhà trường, xã hội. Những lời nhắn nhủ kín đáo, kiểu như: "Để sống tốt hơn, đôi khi chúng ta phải học làm trẻ con trước khi học làm người lớn"… đáng để chúng ta lắng nghe và suy ngẫm.

- Cảm ơn TS văn học Thanh Tâm Nguyễn về cuộc trò chuyện.

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.