Sức sống mãnh liệt của “Chuyện tình Lan và Điệp”

Thứ Ba, 22/12/2015, 08:00
Chuyện tình Lan và Điệp được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1933, qua tiểu thuyết "Tắt lửa lòng" của nhà văn Nguyễn Công Hoan, một trong những người đặt nền móng cho văn xuôi Việt Nam hiện đại. Câu chuyện nói về một mối tình lãng mạn, đầy trắc trở của cô gái tên Lan và chàng trai tên Điệp. 

Câu chuyện này nghe thật xót xa. Điệp là nạn nhân của lòng người nham hiểm, xấu xa, phải làm đám cưới với con gái hư hỏng của một phú hộ. Lan (người yêu của Điệp) ôm mối tình tuyệt vọng tìm đến nhà chùa cắt tóc đi tu. Cao trào của câu chuyện khi Điệp tìm đến ngôi chùa mà Lan đang tá túc thì cũng đúng lúc nàng trút hơi thở cuối cùng. Tác phẩm "Tắt lửa lòng" nhanh chóng thu hút sự chú ý của công chúng và được chuyển thể ra nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau.

Hơn bảy thập niên qua, kể từ ngày vở hát "Lan và Điệp" của soạn giả Trần Hữu Trang được trình diễn trên sân khấu Năm Phỉ vào năm 1936 thì phần lớn giới mộ điệu cải lương đã biết qua tình tiết lớp lang câu chuyện diễn tiến từ đầu đến cuối. Khi vở hát mới ra đời ấy, do cô đào Năm Phỉ đóng vai Lan, kép Tư Út đóng vai Điệp,  đôi nghệ sĩ tiền phong thượng thặng của sân khấu cải lương thời bấy giờ đã mở đầu cho hai nhân vật chính Lan - Điệp trở thành bất tử với thời gian. Trong lịch sử sân khấu cải lương chưa có vở hát nào được giới mộ điệu ưa thích nhiều đến thế, có sức sống bền bỉ với thời gian đến thế, đến tận hôm nay vẫn được mọi người yêu mến.

Nghệ sĩ Thành Được và NSƯT Thanh Nga trong vở "Lan và Điệp".

Đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, câu chuyện tình này được soạn giả Viễn Châu viết thành bản vọng cổ có tên gọi "Hoa rơi cửa Phật". Sầu nữ Út Bạch Lan và cô đào Mộng Tuyền từng được đánh giá rất thành công với bài vọng cổ này. Năm 1948, soạn giả Viễn Châu tiếp tục biên soạn thành vở diễn cải lương được hãng đĩa ASIA thu âm cũng với tựa đề "Hoa rơi cửa Phật" do các danh ca nổi tiếng của sân khấu cải lương thời bấy giờ như: cô Tư Sạng (vai Lan), kép Năm Nghĩa (vai Điệp), Tám Thưa (vai Hòa Thượng), Hồng Châu (vai chú tiểu Huệ Thông) thể hiện. Đĩa hát nhanh chóng phổ biến rộng khắp từ Nam chí Bắc. Thậm chí được bán qua Campuchia, Lào vì sang đây lập nghiệp có rất đông người Nam Kỳ lục tỉnh, cổ nhạc cải lương đã gắn liền với đời sống tinh thần của họ. Ngoài ra, bộ đĩa "Hoa rơi cửa Phật" còn được đưa sang Pháp bán rất chạy. Quyển bài ca "Hoa rơi cửa Phật" được bày bán ở các chợ miền quê cũng được bà con hoan nghênh, ủng hộ.

Giữa thập niên 60 của thế kỷ XX, giới mộ điệu âm nhạc lại được nghe 3 nhạc phẩm mang tên "Chuyện tình Lan và Điệp" 1, 2, 3 được đề tên tác giả là Mạc Phong Linh và Mai Thiết Lĩnh. Thật ra, đây là bút danh của nhóm tác giả Lê Minh Bằng (tức họ và tên ba nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc trữ tình thời điểm đó ghép lại gồm: Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng). Khi sáng tác "Chuyện tình Lan và Điệp", cả ba nhạc sĩ không dám lấy nghệ danh thật của mình vì sợ không biết công chúng có đón nhận đứa con tinh thần của mình hay không? Vì vậy, các ông quyết định lấy bút danh Mạc Phong Linh - Mai Thiết Lĩnh đề tên tác giả cho ca khúc. Không ngờ bốn bản nhạc này được khán - thính giả yêu thích ngót hơn nửa thế kỷ qua.

Hầu hết công chúng thích nghe bản tân nhạc "Chuyện tình Lan và Điệp" là những thính giả thân thuộc của chương trình cổ nhạc cải lương. Thế là hãng đĩa hát Hồng Hoa đã thương lượng với nhóm tác giả Lê Minh Bằng mua bản quyền tác phẩm và "đặt hàng" cho soạn giả Viễn Châu viết thêm lời ca vọng cổ vào, đồng thời chọn các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ như: Thanh Tuyền, Hồng Phúc, Thanh Nga, Thành Được, Tấn Tài thể hiện. Bản tân cổ giao duyên "Chuyện tình Lan và Điệp" sau khi phát hành nhanh chóng được mọi người đón nhận nồng nhiệt và trở thành một trong những tác phẩm đầu tiên và thành công nhất của soạn giả Viễn Châu ở thể loại tân cổ giao duyên.

Năm 1970, khi phong trào kịch nói lớn mạnh, ban kịch Kim Cương đã trình diễn vở kịch nói "Lan và Điệp" do chính nghệ sĩ Kim Cương thủ vai Lan. Vở kịch cũng thu hút được sự chú ý của khán giả không kém vở diễn bên sân khấu cải lương. Cùng thời điểm này, kịch bản cải lương "Chuyện tình Lan và Điệp" của soạn giả Loan Thảo với sự trợ giúp của soạn giả Thế Châu được Hãng đĩa Việt Nam của bà Sáu Liên thu thanh và trở thành bản ghi âm chuẩn mực nhất cho vở tuồng tính đến thời điểm hiện tại. Tham gia vở diễn là các giọng ca nổi tiếng như: Chí Tâm (vai Điệp), Thanh Kim Huệ (vai Lan), Tú Trinh (vai Thúy Liễu), Hữu Phước (vai ông Tú - ba của Lan)...

Nhờ vở tuồng này mà tên tuổi của NSƯT Thanh Kim Huệ "nổi như cồn" khi mới 16 tuổi và cho tới bây giờ, đã hơn 40 năm, công chúng vẫn còn nhắc đến. "Tôi rất mang ơn chú soạn giả Loan Thảo, vì chú là người đã đứng ra bảo lãnh cho tôi trước bà chủ hãng đĩa để đóng vai Lan. Nhân vật này đối với tôi có nhiều kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm mà tôi nhớ nhất đó là lúc thu âm màn chót của vở. Khi tôi ca điệu "Tứ đại oán" cổ họng cứ nghẹn ngào. Hễ ca tới đoạn đó là tôi khóc. Thu âm năm lần bảy lượt tôi mới ca được hết điệu nhạc này. Không ngờ khi đĩa phát hành, khán - thính giả lại cảm động. Nhờ vậy mà tôi có một vai diễn để lại nhiều kỷ niệm trong lòng giới mộ điệu cải lương"- NSƯT Thanh Kim Huệ tâm sự.

Cũng trong thập niên 1970, câu chuyện tình "Lan và Điệp" được Hãng phim Dạ Lý Hương khởi quay. Bộ phim đen trắng do Lê Dân làm đạo diễn, với các diễn viên: Thanh Nga (vai Lan), Thanh Tú (vai Điệp), Bạch Tuyết (vai Thúy Liễu), Ba Vân (vai Quan Án), Ngọc Giàu (vai Bà Án), Năm Châu (vai Ông Tú), Kim Cúc (vai Bà Tú)… đã có doanh thu cao nhờ ảnh hưởng từ các loại hình nghệ thuật viết về câu chuyện tình này trước đó. Cuối thập niên 80, một lần nữa bộ phim màu "Lan và Điệp" được khởi quay và trình chiếu vào năm 1990, do Trần Vũ và Nguyễn Hữu Luyện làm đạo diễn, với thành phần diễn viên tham gia như: Như Quỳnh (vai Lan), Trần Thạch (vai Điệp), Hoàng Yến (vai mẹ Điệp)… cũng thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả yêu thích điện ảnh Việt Nam.

Bìa CD cải lương “Chuyện tình Lan và Điệp”.

Với cốt truyện thật cảm động, sâu sắc, năm 2006, một lần nữa kịch bản cải lương "Chuyện tình Lan và Điệp" của soạn giả Loan Thảo được tái dựng với sự tham gia diễn xuất của: NSƯT Hoàng Nhất (vai Điệp), Hà My (vai Lan), Chấn Cường (vai Xuân), Bình Mập (vai bếp Sạc), Uyên Thảo (vai Thúy Liễu). Cùng thời điểm này, trên sân khấu Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng mang đến khán giả bản dựng lại của kịch bản cải lương "Lan và Điệp" với hai diễn viên chính là NSƯT Tấn Giao (vai Điệp) và NS Ngân Quỳnh (vai Lan). Năm 2008, vì quá yêu thích chuyện tình "Lan và Điệp", ca sĩ Minh Thuận đã đầu tư tái dựng lại vở diễn cảm động này do NSƯT Hoa Hạ dàn dựng, quy tụ nhiều ngôi sao ca nhạc tham gia như: Minh Thuận, Đàm Vĩnh Hưng (vai Điệp), Cẩm Ly, Phương Thanh, Hồng Ngọc, Thanh Thảo (vaiLan), Thu Minh (vai Thúy Liễu), Hữu Bình (vai ông Tú), Trung Dân và Cát Phượng (vai ông bà Cử), Vũ Hà (vai bếp Sạc), Quốc Đại (vai chú tiểu).

Nhiều người cho rằng, sở dĩ "Chuyện tình Lan và Điệp" vẫn còn sức sống cho đến ngày hôm nay là vì nội dung câu chuyện khá cảm động. Nó ca ngợi tình yêu chân thành, thủy chung của con người Việt Nam trong tình yêu đôi lứa. Mặt khác, các nhân vật trong câu chuyện được các tác giả xây dựng khá chân thật và gần gũi với tâm tư, tình cảm của người dân Việt Nam. Có lẽ chính vì vậy mà "Chuyện tình Lan và Điệp" tạo được sự đồng cảm của nhiều độc giả, khán giả qua nhiều thế hệ.

Có thể nói rằng, "Chuyện tình Lan và Điệp" là một tác phẩm kinh điển, đã quá quen thuộc với tất cả mọi tầng lớp khán giả. Từ nguyên tác văn học, "Chuyện tình Lan và Điệp" đã được chuyển thể thành kịch nói, cải lương như dạng tích kinh điển được diễn đi diễn lại nhiều lần, thậm chí dựng thành phim. Bên cạnh đó, cùng sự phổ biến bởi âm nhạc, có thể nói, khắp nước Việt Nam không ai không biết đến câu chuyện tình nổi tiếng này. Chắc chắn, "Chuyện tình Lan và Điệp" là một câu chuyện tình sống mãi với thời gian. 

Phạm Thái Bình
.
.