Sự thật về tác giả vở kịch thơ "Bóng giai nhân"

Thứ Tư, 11/04/2012, 08:00
Lời tòa soạn: Về vấn đề ai là tác giả của vở kịch thơ "Bóng giai nhân", trong "Tuyển tập Nguyễn Bính" (NXB Văn học, 1986), những người biên soạn có ghi chú: "Nguyễn Bính soạn theo phác thảo ban đầu của nhà thơ Yến Lan". Vậy nhưng gần đây, một số tác giả khi nhắc tới vở kịch này vẫn chỉ nhắc tên một người là nhà thơ Nguyễn Bính...

Để làm rõ hơn vai trò của nhà thơ Yến Lan đối với vở kịch thơ "Bóng giai nhân", chúng tôi xin giới thiệu bài viết của tác giả Lâm Bích Thủy, là con gái của nhà thơ Yến Lan. Dẫu sao đây cũng mới chỉ là thông tin từ một phía. Tòa soạn mong nhận được sự trao đổi của các nhà nghiên cứu và các độc giả...

Vừa rồi, về thăm mẹ già đã 94 tuổi - vợ của cố thi sĩ Yến Lan, tôi nghe cô em nói là vô tình bật tivi kênh VTV1 thì nghe được cuộc nói chuyện về nhà thơ Nguyễn Bính nhân ngày sinh hay ngày mất gì đó. Hôm ấy, ông nhà văn ca ngợi công lao của nhà thơ Nguyễn Bính đối với nền văn học Việt Nam. và khi nhắc tới vở kịch thơ "Bóng giai nhân", phần tác giả ông nhà văn này chỉ nhắc đến Nguyễn Bính.     

Về việc này, khi con sống, nhà thơ Yến Lan - ba tôi cũng có lần vô tình đọc được trên báo mà buồn cho phận mình. Đây là trích đoạn thư ba tôi viết gửi nhà nghiên cứu văn học Đinh Tấn Dung - Khổng Đức:

"…tôi tự nhiên bỗng nghĩ đến những cái không may thường xảy đến trong đời làm thơ của bản thân, khi nhớ đến đoạn tiểu sử về Nguyễn Bính và chỗ giới thiệu tác giả chính in lên trên lời tựa của Tô Hoài mở đầu "Tuyển tập thơ Nguyễn Bính" (do Nhà xuất bản Văn hóa và Nhà Xuất bản Long An tái bản năm 1986). Ở đoạn tiểu sử ghi: Vở kịch "Bóng giai nhân" Nguyễn Bính soạn theo phác thảo ban đầu của Yến Lan (1942)… Ở phần tác phẩm chính ghi chỉ một tên Nguyễn Bính.

Trong việc sáng tác một tác phẩm, cái phác thảo ban đầu quyết định được gì trong việc hoàn thành tác phẩm ấy? Mà sao lại dám khẳng định ở ngay "tuyển tập" - một công trình dù thế nào đi nữa - vẫn cứ được mặc nhiên giành được ưu thế thuyết phục, thiếu gì kẻ lười nhác trong việc sưu tầm và giới thiệu tiếp sau, sẽ vin vào đó làm căn cứ tối hậu tổng kết. Tôi chưa rõ ngoài "Bóng giai nhân", Nguyễn Bính có viết "được" và "nêu" một vở kịch thơ nào khác nữa không? Vậy thì nay mai các nhà xuất bản trên kia in nó ra - tôi nghĩ còn có mục đích khác quan trọng nữa là lợi nhuận - vì sách sẽ chạy - thì các quyền lợi của tôi bị tước bỏ. Ngay cả quyền lợi thiêng liêng là cái danh nghĩa chính đáng làm tác giả. Từ trước đến nay "Bóng giai nhân" đã phải mang tên hai tác giả (là do lúc viết ra ở Huế, tôi và Nguyễn Bính ở chung một nhà, cả Vũ Trọng Can) - để cho đủ tên 2 nhà thơ để cho hấp dẫn. Giá lúc ấy Vũ Trọng Can lại là nhà thơ nữa thì có khi có cả tên vào đó.

…Ngay hiện nay ở nhà, tôi vẫn còn giữ một tập đánh máy từ ngày viết xong để trình kiểm duyệt và rã cả vai - có đề tên cả 2 người  tập ấy tôi gửi một bạn gái rất thân ở Hà Tiên nhân khi sắp diễn, và nhắn chị ấy chuyển cho anh Đông Hồ và chị Mộng Tuyết đọc. Sau này định diễn ở Thanh Hóa, tôi gửi thư vào mượn lại. Về Bình Định mang theo rồi gửi anh Quách Tấn giữ cho đến khi giải phóng trở về.

Nhà thơ Yến Lan (giữa) và các bạn văn.

…Anh nghĩ "Bóng giai nhân" có thể là một vụ án văn học không? Theo tôi thì có, nhưng già rồi, lực tận thế cô cũng đến bỏ cuộc thôi.

Thư viết lung tung, bút xấu mực nhạt, xin anh thông cảm. Chúc gia quyến anh vạn sự tốt lành.

Nay, ký tên

Yến Lan".

Nghĩ mà thương cha mình, người luôn đi trước mà vẫn bị tụt lại sau. Tôi xin trích một số đoạn trong bài viết "Ai là tác giả kịch thơ “Bóng giai nhân”? của nhà thơ Hoàng Cầm,  hy vọng rằng lịch sử sẽ phán xét và trả lại cho cha tôi cái quyền tác giả đã sinh ra vở kịch thơ "Bóng giai nhân":

"Từ cuối năm 1939, tôi đã đi vào cái nghiệp văn chương và bắt đầu xa gia đình ở tỉnh lẻ Bắc Giang, ra Hà Nội sống và làm việc cho Nhà xuất bản Tân Dân. Cuối năm 1941, tôi được xem vở kịch thơ đầu tiên trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, do anh Chu Ngọc dàn dựng, anh Vũ Trọng Can tổ chức các đêm diễn. Đó là vở kịch thơ có cái tên khá hấp dẫn: "Bóng giai nhân".

Tờ chương trình in ảnh người đạo diễn với ba vai sắm ba nhân vật của kịch bản, lại là tên ba thi sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ: Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính. Còn tác giả vở kịch thơ in chữ đậm trên tờ chương trình, đồng thời kẻ chữ to cũng rất đậm trên áp phích to bằng cái chiếu đặt ở cửa ra vào Nhà Hát Lớn: "Bóng giai nhân" - kịch thơ của Yến Lan và Nguyễn Bính…

…Dạo ấy, cái tên một thi sĩ nghe như tên con gái - Yến Lan, chưa quen thuộc với dân miền Bắc, dân Hà Nội. Ngược lại, chỉ nhắc đến Nguyễn Bính là người ta đọc vanh vách ngay những bài thơ nổi tiếng: "Lỡ bước sang ngang", "Xóm Ngự Viên"  hay là "Chân quê", "Quan Trạng".

…Sau hai buổi diễn "Bóng giai nhân" ở Hà Nội, kết quả cũng bình thường, vì anh Chu Ngọc chưa tìm ra phong cách diễn kịch thơ thế nào để cuốn hút khán giả, đến lượt chúng tôi, một nhóm anh em mê chơi sân khấu bên Kinh Bắc gồm Hoàng Tích Linh, Hoàng Tích Chù, Kim Lân, Trần Hoạt và tôi bèn mượn kịch bản "Bóng giai nhân" của anh Vũ Trọng Can đem về làng Phù Lưu, quê của các anh Linh, Chù, Kim Lân để diễn tập. Tôi rủ anh Nguyễn Bính về chơi. Trong bữa rượu đầu tiên, quanh mâm thịt chó cực ngon do vợ anh Chù chiêu đãi, tôi mạnh bạo hỏi vị "thượng khách, tân khách" Nguyễn Bính:

- Bính viết “Bóng giai nhân” từ bao giờ?

Sau một tợp rượu rất hào sảng, người thi sĩ chân quê bèn kể:

Năm 1938, ba thằng chúng tớ là Trần Huyền Trân, Bính và Yến Lan ngứa ngáy cái máu giang hồ, rủ nhau vào chơi Sông Hương, núi Ngự. Yến Lan thì từ Quy Nhơn ra "hội ẩm" chỉ mới được ba ngày thì sắp cạn tiền, mình mới tính cái nước viết kịch rồi diễn luôn ở ngay cố đô này. Dạo ấy thằng Vũ Trọng Can cũng ở Huế, nó cũng mê sân khấu, lại có tài tháo vát, xoay xở có thể tổ chức các đêm diễn ra trò lắm. Bàn tán một lúc thì thằng Trân nghĩ ra cái cốt truyện, nghe đâu như truyện thời Xuân Thu chiến Quốc bên Tàu, cũng khá mê ly!..

…   

Lại tợp đến ngụm rượu thứ bao nhiêu, Bính không nhớ nữa, anh gắp một miếng dồi chó đưa lên miệng còn lử lơ chưa muốn nhai đã nói dõng dạc:

Yến Lan nó viết cả ba màn, đến màn cuối này thì lời thơ của nó - vừa hào hùng lại vừa tình tứ, nghe đọc thôi cũng đã sướng tai rồi. Cái hơi thở lảng mạn lồng vào cái khí thơ bi hùng ca cũng khá nhuần nhị - tớ đọc xong còn nói đùa :

- Thôi hay lắm rồi, để tao thay mặt phòng kiểm duyệt của thằng Tây phê cho

một chữ được! và thêm cho ba chữ son nữa: Cho phép diễn. Rồi Bính cười vang.

…Đến đây tôi đã có thể chấm dứt bài viết để khẳng định một cách rất đanh thép rằng: tác giả đích thực của vở kịch thơ "Bóng giai nhân" là Yến Lan. Việc xây dựng cốt truyện là của hai anh Trần Huyền Trân và Yến Lan. Còn Nguyễn Bính chỉ là người sắm vai anh thợ đúc gươm lần thứ nhất trên sân khấu Huế rồi đến khi Vũ Trọng Can đưa kịch bản cho đạo diễn Chu Ngọc dàn dựng và đem trình diễn ở Nhà hát Lớn Ở Hà Nội, Nguyễn Bính vẫn sắm vai kịch ấy cùng với Vũ Hoàng Chương (vai tráng sĩ) và Trần Huyền Trân vai đạo sĩ. Chỉ có một điều cần chú ý là khi vở diễn đưa ra Hà Nội thì trong tờ chương trình in bốn trang phát cho khán giả, tên tác giả có đề thêm Nguyễn Bính... Sau đêm xem diễn ở Hà Nội, tôi hỏi về vấn đề tác giả kịch bản thì anh Chu Ngọc mà tôi cũng quen thân từ lâu, nói: "Ở Hà Nội, cái tên Yến Lan còn xa lạ với khán giả, nên theo ý Vũ Trọng Can mình thêm cái tên Nguyễn Bính vào, cốt để bán được nhiều vé. Vì Nguyễn Bính rất nổi tiếng ở cả ba miền, Yến Lan nếu có biết chuyện thêm tên tác giả chắc anh ấy cũng thuận tình, vì cùng là bạn thơ nghèo với nhau".    

Tôi không có ý định đi sâu vào nghệ thuật thơ của hai thi sĩ tài danh ấy. Nhưng một nhà phê bình văn học nào đó, chỉ cần đọc qua những lời thơ trong kịch "Bóng giai nhân" đã có thể nhận ra phong cách thơ ở đó khác hẳn phong cách Nguyễn Bính. Vậy nên từ đêm diễn "Bóng giai nhân" đầu tiên cho đến giữa năm 1948 mới chấm dứt, tôi sắm vai tráng sĩ hàng năm sáu chục lần, càng tin rằng Nguyễn Bính không phải là tác giả. Rõ ràng cái văn phong trong kịch bản là văn phong của nhóm thi sĩ Bình Định hồi bấy giờ.

Mãi đến năm 1954 tôi mới biết mặt Yến Lan và hai người nhanh chóng kết thành bạn thân. Hiểu nhau rồi tôi mới dám gạn hỏi anh sự thật về việc sáng tác vở kịch thơ "Bóng giai nhân". Anh thuật lại cũng đúng như lời Nguyễn Bính đã kể cho nhóm kịch Bắc Ninh trong bữa rượu thịt chó ở nhà anh Hoàng Tích Linh. Tôi có yêu cầu Yến Lan viết bài nói rõ về gốc gác vở kịch ấy, nhưng anh Yến Lan đã gạt đi với hai ý kiến như sau:

Một là, theo tác giả thì vở "Bóng giai nhân" cũng không phải là một tác phẩm xuất sắc gì, nó đã nằm trong sự lãng quên, bây giờ (1955) tự dưng bới nó ra, sợ người ta chê cười là tranh nhau tên tuổi.

Hai là, văn nghệ bây giờ (1955) đi theo hướng vô sản, những chuyện giai nhân, giai nhiếc, tráng sĩ, hiệp khách, hiệp khứa cổ lỗ sĩ mà bây giờ đưa ra công chúng chắc chắn sẽ bị phê phán là văn chương tư sản, lãng mạn, không hữu ích gì… Hơn nữa những tác phẩm như "Bóng giai nhân" thì còn bao giờ in lại, diễn lại được! Tốt hơn hết là quên nó đi!

Ấy vậy mà đến năm 1994, Hội Nghệ sĩ sân khấu lại cho sưu tập và xuất bản một tuyển kịch thơ gồm các tác giả Thế Lữ, Phạm Huy Thông, Hoàng Cầm, Thao Thao, Nguyễn Bính và Yến Lan, Vũ Hoàng Chương, Phạm Khắc Khoan, Lưu Quang Thuận… Năm ấy anh Yến Lan còn sống, đã về ở quê Bình Định.

Trước khi Hội Nghệ sĩ sân khấu ấn hành tuyển tập ấy (dĩ nhiên là có mặt vở "Bóng giai nhân" trong cuốn sách). Tôi, vì tôn trọng sự thật lịch sử trong nền văn học của ta, đã viết một bài đăng trên Báo Văn nghệ với đề mục "Đính chính những sai lầm trong văn nghệ", tôi đã nói rõ tác giả "Bóng giai nhân" là ai rồi

Lâm Bích Thuỷ (Tp HCM)
.
.