Sự giao duyên giữa thơ, nhạc và mùa xuân

Thứ Sáu, 15/02/2019, 14:01
Bài viết này chỉ xin nói đến những bài hát đặc sắc bắt nguồn từ thơ, giữa nhà thơ và nhạc sỹ có sự đồng điệu cảm xúc về mùa xuân bất tận.


Bài hát ra đời sớm nhất là "Xuân và tuổi trẻ" của La Hối (1920 - 1945). Tác giả đồng thời là một chiến sỹ cách mạng quả cảm, từng là một trong những người lãnh đạo phong trào chống phát xít Nhật ở Hội An (Quảng Nam). Bị giặc Nhật lùng sục ráo riết, La Hối phải lẩn trốn để tiếp tục chỉ đạo phong trào kháng Nhật của quần chúng.

Trong hoàn cảnh như vậy nhưng người nhạc sỹ trẻ vẫn sáng tác nên bài "Xuân và tuổi trẻ" có giai điệu rất trẻ trung, yêu đời. Tiết tấu valse tạo nên vẻ uyển chuyển, điệu đà, rất lôi cuốn: "Ngày thắm tươi bên đời xuân mới/ Lòng đắm say bao nguồn vui sống/ Xuân về với ngàn hoa tươi sáng/ Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng".

Lúc đầu, bài hát này có tên Pháp ngữ là "Printemps et jeunesse" và do một người làm thơ là Hoa kiều đặt lời bằng tiếng Hoa (La Hối vốn có gốc là người Hoa, đến đời cụ nội của nhạc sỹ mới đến sinh sống, làm ăn ở Hội An).

Sau khi La Hối qua đời, một lần, nhà thơ, kịch sỹ Thế Lữ - Trưởng Đoàn kịch Anh Vũ - có dịp đưa đoàn vào biểu diễn ở Hội An, thấy bài hát quá hay, bèn xin phép gia đình nhạc sỹ cho làm lời mới bằng Việt ngữ. Được chấp thuận, Thế Lữ đã viết nên phần lời ca đậm chất thơ như ta biết. "Xuân và tuổi trẻ" chẳng những chỉ có sức lan tỏa ở trong nước khi ấy mà sau này còn được bà con Việt kiều ở nước ngoài rất ưa thích.

Nhà thơ Lưu Trọng Lư - tác giả phần lời của ca khúc "Cung đàn mùa xuân".

Nhà thơ Thanh Hải - tác giả phần lời của ca khúc "Một mùa xuân nho nhỏ".

Một bài hát rất nổi tiếng ra đời vào những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước: "Rừng cây xanh lá muôn đoá hoa mai mừng đón xuân về/ Vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa…". Đó là bài "Tình ca Tây Bắc" của Bùi Đức Hạnh, phổ thơ Cầm Giang.

 Bằng tiết tấu dàn trải với 4 câu nhạc tương đối dài, phần mở đầu bài hát như những nét chấm phá đầu tiên trong một bức tranh thuỷ mạc. Ngòi bút của các tác giả quả là tinh tế trong việc cảm nhận và miêu tả mùa xuân ở vùng rừng núi Tây Bắc. Nhưng đoạn mở đầu lại được nhạc sĩ viết ra sau, còn bắt đầu đặt bút, ông đã nghĩ ra những nét nhạc đầu tiên từ việc cảm thụ câu thơ của Cầm Giang: "Em là dòng sông Mã/ Anh là suối Mường Hung/ Cho thuyền em ngược dòng/ Gió đưa em về núi".

Nhạc sỹ Bùi Đức Hạnh kể: Năm 1957, ông là diễn viên hát của Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam). Tự thấy mình có giọng hát chỉ rất bình thường, ông nảy ý định chuyển sang nghề sáng tác hoặc nghiên cứu âm nhạc, bèn đề xuất với lãnh đạo lên Hoà Bình một thời gian để sưu tầm, nghiên cứu dân ca. Và được chấp thuận. Đến Hòa Bình, ông đọc được bài thơ của Cầm Giang in trên báo. Đồng cảm với tác giả thơ, ông đã tạo nên bài hát.

Khi viết bài này, ông hoàn toàn chỉ là nghiệp dư về sáng tác với chút ít hiểu biết về nhạc lý. Sau khi hoàn thành, ông có đưa cho "sếp" là nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương xem. Lúc này, Nguyễn Văn Thương đã rất nổi tiếng, vừa là cấp trên, vừa là bậc thầy nên Bùi Đức Hạnh muốn được ông chỉ bảo, góp ý cho tác phẩm của mình. Nguyễn Văn Thương đã khen nhưng nói Bùi Đức Hạnh sửa lại đoạn B. Tác giả đã nghe theo và hôm nay ông vẫn còn biết ơn mãi việc này.

Một bài hát luôn được vang lên trên các làn sóng phát thanh và truyền hình mỗi độ xuân về là "Cung đàn mùa xuân" của Cao Việt Bách, sáng tác dựa trên ý thơ của Lưu Trọng Lư - một tên tuổi lớn: "Em ơi vút lên một tiếng đàn/ Kìa đàn đã so dây, cung đàn đã lựa phím....".

Mở đầu, nhạc sỹ đã cho xuất hiện ngay những nốt nhạc ở âm khu cao - một điều không phải là thông lệ. Đó không phải vô cớ. Bởi một niềm vui quá bất ngờ khi cả dân tộc bước vào muà xuân 1976 thật đặc biệt - một dấu mốc vô cùng quan trọng, là mùa xuân đầu tiên sau 30 năm đổ bao xương máu mới giành được độc lập, thống nhất toàn vẹn non sông.

Ở thời điểm ấy, niềm vui đã vỡ oà và "em ơi vút lên một tiếng đàn" thì đương nhiên phải ở những nốt nhạc bay bổng. Cái tứ vận hội mới được chuyển tải vào bài hát đã hết sức tự nhiên dồn trong mấy câu: "Bình minh chiến thắng reo ca/ Xuân về non nước bao la/ Mầm sống ta ươm giữa đời…".

Bài thơ được Lưu Trọng Lư sáng tác vào mùa xuân 1976. Liền sau đó Cao Việt Bách phổ thành bài hát. Quả là rất sâu sắc và tinh tế khi nhà thơ viết: "Tay anh bưng ngọn đèn, em che ngọn gió. Anh nâng mầm trổ, em trút nắng vàng".

Chắc chắn ai cũng hiểu ngọn đèn ở đây không phải là đèn điện mà là đèn dầu. Chàng bưng đèn, nàng che gió, cùng nâng niu gìn giữ cái nguồn sáng rất dễ tắt ấy trong nhà mình. Cái "tứ" này của nhà thơ thật thú vị, tinh tế. Ở đây đã có sự giao thoa, đồng cảm tự nhiên giữa nhà thơ và nhạc sĩ.

Tôi nhớ rất rõ trong chương trình văn nghệ đêm giao thừa năm 1980, có một bài hát vang lên quá nổi trội, ấn tượng khiến những bài khác cùng phát trong chương trình trở nên lu mờ. Đó là bài "Một mùa xuân nho nhỏ" của Trần Hoàn, phổ thơ Thanh Hải - một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca chống Mỹ ở miền Nam.

Hai ca sĩ Thu Hiền và Kiều Hưng - cặp song ca thể hiện bài "Tình ca Tây Bắc" được đông đảo người nghe đánh giá hay nhất cho tới nay.

Bài thơ "Một mùa xuân nho nhỏ" được Thanh Hải sáng tác trên giường bệnh trong Bệnh viện Trung ương Huế những ngày cuối đời. Bài thơ là chút tâm sự, chiêm nghiệm của một nhà thơ đã dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Là bạn thân của Thanh Hải, nhạc sĩ Trần Hoàn đã ngay lập tức phổ nhạc khi nhà thơ vừa hoàn thành, mới ở dạng bản thảo.

Tác giả không sử dụng hẳn một chất liệu dân ca vùng nào để tạo nên bài hát. Ta cũng chỉ cảm thấy loáng thoáng chất ví giặm Nghệ Tĩnh ở chủ đề âm nhạc, rồi được biến hóa đi ngay: "Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc/ Ơi con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời…".

Ngôn ngữ âm nhạc của "Một mùa xuân nho nhỏ" thật độc đáo bởi tạo dựng được một hình tượng khiến người nghe cảm thấy bồi hồi, xao xuyến, thắc thỏm, lại pha chút bùi ngùi. Đặc biệt ở đoạn B, những dấu lặng đơn được đặt sau mỗi tiếng "xuân" gây cho ta cảm giác đúng là những giọt sương long lanh rơi từ những tán lá, nhành cây, mái tranh mà tác giả đã miêu tả ngay từ đầu: "Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay hứng về".

Năm 1964, tôi vào học năm thứ nhất khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp thì Diệp Minh Tuyền đã học năm cuối cùng. Anh làm thơ, sáng tác ca khúc từ những ngày này. Một lần, anh đọc cho tôi nghe bài thơ mới viết, chưa kịp đặt tên: "Khi gió đồng ngát hương rợp trời chim én lượn/ Cây nảy đầy chồi xanh, mây trắng bay yên lành/ Em chợt đến bên anh dịu dàng như cơn gió nhẹ/ Mà lòng anh để ngỏ cho tình em mơn man…".

Tôi rất thích và nói với anh rằng, nghe cứ như ca từ của một bài hát. Sao anh không tự phổ nhạc luôn? Diệp Minh Tuyền nói để khi có thêm cảm xúc sẽ làm việc này. Thế rồi anh ra trường. Mấy năm sau, đi B (vào miền Nam). Từ đó, chúng tôi không có dịp gặp nhau nữa. Thế rồi, bỗng một ngày của thập niên 80 thế kỷ trước - không nhớ rõ năm nào - tôi nghe được bài hát có tên "Mùa chim én bay" từ bài thơ trên nhưng do Hoàng Hiệp phổ.

Bài hát cứ xoáy mãi vào người nghe một cảm giác bồi hồi, tha thiết nhưng dịu nhẹ, không náo nhiệt, bốc lửa mà cứ ngấm dần, ngấm dần như vị ngọt của tình yêu. Bài hát quá hay, không khó hát nhưng kén người thể hiện vì từng nốt nhạc lẫn lời ca đòi hỏi sự diễn tả tinh tế, không một chút ồn ào.

Công chúng Việt Nam từ lâu đã biết đến bài thơ nổi tiếng có tên "Mùa xuân" của nhà thơ Xôviết Êlêna Supeman (1908-1942). Nhưng đến năm 1983, nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn mới đọc được. Đồng cảm với những người vợ thủy chung son sắt, luôn mong ngóng chồng nơi tiền tuyến khói lửa, ông đã phổ thành bài hát có sức lay động lòng người: "Anh - người chiến sỹ và chiếc áo năm tháng dãi dầu/ Anh - người chiến sỹ và chiếc áo mưa nắng bạc màu/ Đôi tay bâng khuâng nâng cành hoa tím/ Và anh nói tặng em mùa xuân".

Một điệp khúc cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần để kết bài khiến người nghe lưu giữ mãi ấn tượng về nỗi khắc khoải chờ đợi của những người vợ lính trong chiến tranh: "Ôi! Ngày ấy sẽ đến. Anh sẽ về phải không anh?...". 

Ngày xuân, điểm lại một số ca khúc phổ thơ xuân xuất sắc, sống mãi theo thời gian. Dù ra đời từ lâu nhưng đến hôm nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị cả về tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ, không lớp bụi thời gian nào có thể phủ mờ.

Nguyễn Đình San
.
.