Sen nở trên phù sa bến cũ

Thứ Sáu, 24/08/2007, 14:00

Không hiểu sao, cứ về Hưng Yên nhìn những hồ sen, tôi lại nhớ đến nhà thơ Hoàng Thế Dân. Anh hơn tôi gần chục tuổi. Khi tôi còn công tác ở Hải Hưng trước đây và Hưng Yên sau này, tôi vẫn coi anh là bậc đàn anh cả trong cuộc sống và trong lĩnh vực văn chương.

Một sáng đầu tháng bảy, chúng tôi về Hưng Yên. Trên xe, ngoài tôi ra còn có hai nhà thơ Phạm Khải và Bình Nguyên Trang. Xe gần đến thị xã Hưng Yên, chợt Bình Nguyên Trang reo lên: “Ôi sen đẹp quá!”. Chúng tôi cùng nhìn sang hai bên đường, những hồ ao nối tiếp, hoa sen đang vào vụ.

Không hiểu sao, cứ về Hưng Yên nhìn những hồ sen, tôi lại nhớ đến nhà thơ Hoàng Thế Dân. Anh hơn tôi gần chục tuổi. Khi tôi còn công tác ở Hải Hưng trước đây và Hưng Yên sau này, tôi vẫn coi anh là bậc đàn anh cả trong cuộc sống và trong lĩnh vực văn chương.

Về Hưng Yên nhìn sen nhớ Hoàng Thế Dân, có lẽ vì những hình ảnh sen trong thơ của anh đã thấm vào tôi chăng? Bài thơ “Mùa sen nở” của Hoàng Thế Dân có sắc màu bình dị nhưng cũng khá tươi sáng và có duyên riêng:

Làng tôi vào dịp mùa sen nở
Con gái dậy thì đẹp hẳn lê
Buổi sớm bơi thuyền, hai má đỏ
Ngỡ cánh sen thơm cứ mải nhìn

Hái hoa cho kịp ra chợ tỉnh
Vội mấy vẫn say chuyện tâm tình
Những câu ướm hỏi đầy tinh nghịch
Tiếng cười sóng sánh mặt nước xanh

Chẳng biết cô nào mê thành phố
Bỏ rơi lời hẹn ở bên hồ
Để mặc chàng trai ôm thương nhớ
Đẩy thuyền đi chở lá sen khô...

Bài thơ này đã được nhà thơ Trúc Thông coi là bài thơ hay và đã có viết bài bình riêng đăng trên một tờ báo hoặc tạp chí văn chương nào đó mà đã mấy năm rồi nên tôi không còn nhớ chính xác nữa; nhưng tôi cũng đồng tình với những lời bình có cánh của anh và sự đánh giá về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

Đúng là bài thơ có dư ba, đọc xong chúng ta thấy có thêm niềm vui sống, nhưng cũng bâng khuâng một điều gì đấy... Tôi hiểu, Hoàng Thế Dân đã thành công, bài thơ đã đi vào lòng người.

Nhưng tôi lại đánh giá cao một bài thơ khác có hình ảnh sen trong một câu thơ của anh hơn. Bài thơ này tôi đã viết lời bình. Nói đúng hơn là một bài nhận xét, đánh giá và có cả góp ý mong cho bài thơ được toàn bích hơn. Đó là bài “Chùa Chuông”. Phải hiểu tâm trạng của Hoàng Thế Dân khi viết bài thơ này mới hiểu sâu bài thơ, mới thấy hết cái hay, cái đẹp của từng hình ảnh, từng từ, từng chữ. Đó là khi anh có nỗi buồn riêng, đang chán chường trên bước đường công danh, có lúc muốn xin nghỉ việc về hưu sớm:

Nhà tôi ở cạnh chùa Chuông
Ngày Rằm, mồng Một hoa hương ngạt ngào
Lặng nghe tiếng gọi, lời chào
Các già thành kính bước vào chùa
trong
Mẹ nghèo bạc tóc cầu mong
Trên cao Phật có thấu chăng lòng
người?

Lẻ loi chỉ một mình tôi
Câu kinh chưa thuộc, nợ đời đa mang
Gió thu xao xác lá vàng
Bãi dâu se lạnh dở dang tơ tằm
Sen tàn trơ cuống trong đầm
Mình tôi với bóng chuyện thầm dưới
trăng...

Chúng ta hãy hiểu tâm trạng của một người mọi chuyện đang dở dang, muốn đi tu nhưng câu kinh chưa thuộc, muốn nghỉ hưu nhưng công việc chưa xong. Chán đời lắm rồi nhưng chưa được đi tu nên thấy rất “lẻ loi”. Có lẽ đây là tâm trạng khá bi kịch trong thời điểm nhất định của một con người. Bài thơ có hai khổ, thì khổ một chỉ là tả cảnh, còn khổ hai là tả tâm trạng buồn chán đến tột đỉnh.

Bây giờ, chắc không còn ai ấu trĩ suy diễn sao tác giả lại buồn chán trên bước đường công tác cách mạng. Chỉ biết rằng nỗi buồn ấy đã được ngưng đọng, kết tinh trong một câu thơ, mà tôi muốn tiến cử để thả lên trời trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 5 (Rằm tháng Giêng năm Mậu Tý 2008 sắp tới) của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu (Hà Nội): “Sen tàn trơ cuống trong đầm/ Mình tôi với bóng chuyện thầm dưới trăng”.

Hoàng Thế Dân không chỉ có thơ viết về sen, hoặc qua hình ảnh sen để nói nỗi buồn. Anh còn có bài thơ viết về một địa danh đã thành cổ tích về tình yêu bất tử của Đồng Tử - Tiên Dung.

Trong hàng trăm bài thơ viết về truyền thuyết đẹp này, chắc mỗi người sẽ thích một bài thơ khác nhau, nó phụ thuộc vào gu thẩm mỹ, tâm thế riêng mỗi người. Riêng tôi, tôi lại yêu thích bài thơ “Chuyện tình bên sông” của Hoàng Thế Dân:

Mùa xuân trẩy hội Đa Hòa
Nghe sông Hồng hát bài ca về Người
Dập dìu én liệng, mây trôi
Đầm xanh nỗi nhớ, bãi bồi mêng mông

Phải chăng Đồng Tử - Tiên Dung
Mở đường đi đến tận cùng tình duyên
Bao nhiêu oan trái, ưu phiền
Nhận vào lòng để cháy lên lẽ đời
Tự mình xây đẹp, lứa đôi
Mơ màng nước chảy, bồi hồi cát êm

Long lanh đôi mắt em nhìn
Ai đem cuộc sống tạc nên tượng thờ
Nào ai tha thiết, hững hờ
Tượng tình yêu đến bây giờ còn đây
Phải đâu sông nước vơi đầy
Nổi chìm nếm trải mới say nhân tình

Hội đền sao lắm người xinh
Em cầm tay sợ chúng mình lạc nhau.
 

Có thể 16 câu trong ba khổ thơ đầu, hay có thể nói hầu hết bài thơ không có gì thật đặc sắc, nó chỉ là những câu thơ trung bình khá mà nhiều nhà thơ khác cũng có. Nhưng hai câu thơ cuối cùng có độ tinh tế, hóm hỉnh thì không phải nhà thơ nào cũng viết được.

Thực tình, tôi chỉ nhớ hai câu thơ này mỗi lần đi lễ hội, không chỉ riêng lễ hội đền Đa Hòa: “Hội Đền sao lắm người xinh/ Em cầm tay sợ chúng mình lạc nhau”. Không phải lạc nhau vì hội đông. Đó là một câu thơ hay viết về tình yêu.

Hoàng Thế Dân có những bài thơ viết về cuộc sống, về quê hương cũng rất đậm đà, thấm thía, giàu tình cảm. Thơ anh không mới, nhưng nghĩa tình thì có bao giờ cũ? Anh viết về dòng sông mùa cá mòi với tình nghĩa của người nhà quê mà tôi đã xa quê lâu rồi, đã ở thành phố lâu rồi nhưng khi đọc vẫn bồi hồi xúc động:

Làng hai đứa ở bên sông Hồng
Xanh đôi bờ sức xuân màu mỡ
Em nướng bắp bập bùng ngọn lửa
Má ửng hồng trong gió rét mùa đông

Tháng ba náo nức cùng mặt nước
Thức với trăng sao đón cá mòi
Con cá nướng tỏa mùi thơm phức
Ngọt ngon ngay từ miệng em mời

Thấm thoắt đã sang mùa cá bột
Bên em mưa gió lại càng vui|
Bạn hàng tíu tít chào nhau vội
Vẫn không quên tán chuyện mỉm cười

Tháng năm qua phố phường vẫy gọi
Bạn bè đi tôi ở lại nhà
Mấy ai biết lòng tôi như bến cũ
Dạt dào sóng vỗ đỏ phù sa...

(Phù sa bến cũ)

Từ những câu thơ trên của Hoàng Thế Dân, tôi bỗng nhớ cuộc đi thăm nhà văn Phù Thăng của chúng tôi cách đây ba hôm. Tôi cùng các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Phúc Lai, Hà Cừ, Phạm Khải và Bình Nguyên Trang về tận nhà ông ở thôn Tất Lại, xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Phù Thăng đã rời thủ đô về quê sống hơn bốn chục năm nay. Cuộc sống của ông giản dị và dân dã, nhưng ông vui sống, thấy ông vừa ý với cuộc sống ấy lắm.

Trong khi trò chuyện, nhà văn Nguyễn Phúc Lai nói đại ý có những nhà văn có nhà bảy tầng ở thành phố lớn nhưng tâm không yên thì chắc gì đã sướng bằng Phù Thăng? Anh làm tôi nhớ câu thơ của Nguyễn Trãi trong bài “Côn Sơn ca”: “Làm sao cho thỏa được như ý mình”. Cuộc sống trong thơ Hoàng Thế Dân đúng là như “Em nướng bắp bập bùng ngọn lửa” có sức gợi ý liên tưởng, lan tỏa...

Thơ hay có nhiều dạng. Nhưng thơ hay ở dạng nào thì trước hết cũng phải có chất thơ, có chất thi sĩ. Chất thơ là keo dính, là nhựa sống cho các ý tưởng bay cao bay xa. Mừng là trong thơ của Hoàng Thế Dân có chất thi sĩ ấy. Nó cứ mơ hồ, nó cứ thấp thoáng, nó cứ mờ tỏ, nhưng đúng là có cái gì đó để người yêu thơ có thể đọc:

Mặc người chạy trốn heo may
Tôi vun hoa rụng rải đầy lối đi.

Lạnh lùng cơn gió tái tê
Mặc người xa lánh lời thề bỏ quên

Lá vàng dồn lại ngoài hiên
Tôi nhen ngọn lửa ngồi nhìn tàn canh

Trách chi người đã bạc tình
Nỗi buồn tôi giấu cho mình về sau

(Tâm tư)
.
.