Sen hồng một đóa ngát hương

Thứ Ba, 21/01/2020, 08:25
Tôi tìm gặp NSND Kim Liên (TP Nam Định) không dễ dàng, bởi chị luôn bận rộn với những chương trình đi diễn, cho dù nay tuổi đã cao. Mỗi khi nơi nào mời là chị chuẩn bị son phấn, áo khăn và tập luyện kỹ càng từ hôm trước. Giọng hát Kim Liên vẫn ngọt ngào. Chả thế vừa gặp tôi, chị cất tiếng hát làn điệu văn như mời chào và cũng như ngỏ lời bỏ qua lỗi hẹn đôi lần. Vẫn cái giọng trong vắt của “Cô đôi thượng ngàn” ngày nào, mà bây giờ nghe vẫn quên sầu.


Kỷ niệm những lần gặp Bác Hồ

NSND Kim Liên là một giọng hát chèo đặc sắc của Đoàn chèo Nam Định, nổi bật trên toàn quốc với nghệ thuật diễn xuất qua các nhân vật trên sân khấu. Chị là một trường hợp nghệ sĩ hiếm hoi đã có tới bốn lần được gặp Bác Hồ và biểu diễn cho Người xem. Nhắc đến lần gặp Bác đầu tiên vào ngày 21-5-1963 ở tuổi 20, chị bồi hồi kể: Khi đó Kim Liên được phân đóng vai cô Tâm trong một trích của vở chèo “Một lòng theo Đảng”.

Đây là một tiết mục trong chương trình phục vụ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng Nhà nước. Giọng hát ngọt ngào dễ thương của nghệ sĩ trẻ Kim Liên ngày đó được Bác Hồ khen ngợi. Bác đã lên tặng hoa Kim Liên và dặn dò: “Bác mong Kim Liên cố gắng như thế nào được như cô Tâm trong vở chèo”. Niềm vui thật khôn tả trong lòng nghệ sĩ. Anh em diễn viên trong đoàn truyền tay nhau lẵng hoa đẹp của Bác. Nghệ sĩ trẻ Kim Liên sau đó sống đúng như lời Bác dạy. Bởi ít lâu sau Kim Liên tiễn chồng vào chiến trường. Chị một mình ở nhà vừa nuôi con nhỏ vừa đảm nhiệm những vai diễn của đoàn.

Bà Kim Liên trong buổi lễ trao bằng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Lần thứ hai chị được gặp Bác Hồ cũng thật bất ngờ bởi không được báo tin trước. Đó là thời điểm Kim Liên đóng vai Thế Tử  trong vở “Trần Quốc Toản ra quân”. Đây là một vai độc đáo của Kim Liên khi thể hiện một trang Nam tử khá phức tạp (Kép ngang) trước nạn binh đao của nước nhà. Một nhân vật thể hiện rõ chất hai mặt đối nghịch trong ứng xử. Giọng ngâm thơ điêu luyện của Kim Liên đã chinh phục người xem. 

Khi được báo tin Đoàn chèo Nam Hà vào diễn cho Bác Hồ xem, ai nấy đều hồi hộp và háo hức lên đường. Đó là một ngày Kỷ niệm 44 năm thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1968). Sau buổi diễn, Kim Liên và ba nghệ sĩ được chọn đại diện cho đoàn tới gặp Bác. Kim Liên không ngờ Bác vẫn còn nhớ mình và hỏi thăm chồng con ra sao. Sự ân cần quan tâm của Bác Hồ làm Kim Liên và các nghệ sĩ rất xúc động.

NSND Kim Liên nghẹn ngào kể tiếp: Sau buổi diễn, chị có dịp được ngâm thơ cho Bác nghe. Kim Liên biết Bác là một nhà thơ nên rất chú trọng nghiên cứu và tập luyện kỹ. Khi ngâm hai bài trong những chương, “Kiều ở lầu Ngưng Bích” và “Kiều gặp Kim Trọng”, Kim Liên đã hóa thân vào nhân vật và lời ngâm giọt giọt sương sa, nghẹn lòng khôn tỏ. Thân phận nàng Kiều đã có sức thuyết phục qua giọng ngâm thơ rất ngọt ngào và sâu sắc.

Chính vì thế mà chỉ bốn ngày sau Kim Liên được cấp trên gọi lên Hà Nội nhận nhiệm vụ ngâm bài thơ chúc Tết Xuân 69 của Bác. Trước đó đã có hai nghệ sĩ nổi tiếng là Linh Nhâm và Trần Thị Tuyết ngâm và cùng thu âm.

Nhưng cuối cùng, giọng ngâm thơ của Kim Liên đã được chọn phát đúng đêm Giao thừa. Đến nay chị vẫn nhớ những lời thơ đầy hào khí của Bác: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc-Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

Chiếc thước kẻ và bài học sâu sắc trong đời

NSND Kim Liên đôi mắt đỏ hoe xúc động nhớ lại hai lần gặp Bác sau đó. Như một sự tình cờ, sau một chuyến đi phục vụ Việt Kiều ở nước ngoài vừa về, Kim Liên được chọn cùng với 5 người khác trong đoàn thuộc các bộ môn khác nhau vào Phủ Chủ tịch để nhận huy hiệu của Người. Đó là buổi sáng 16-7-1969. Kim Liên và anh em rất xúc động khi thấy sức khỏe của Bác đã yếu đi nhiều, không được như lần gặp trước. Nhưng ai nấy thấy vui vì Bác vẫn tỉnh táo và nhanh nhẹn trong giao tiếp.

Đặc biệt Kim Liên rất cảm động khi Bác Hồ vẫn nhắc tới tên của hai cô con gái mình là Hồng và Ngọc. Một phần thưởng bất ngờ đến với Kim Liên ngay hôm sau lần gặp đó, chị được Bác mời ăn cơm tại Phủ Chủ tịch.

Cả đêm đó Kim Liên không ngủ được vì quá xúc động, bởi được Bác Hồ quan tâm đặc biệt. Một bữa cơm gia đình mà Bác nói là đạm bạc gồm những món ăn quê kiểng thân thuộc. Kim Liên ngỡ ngàng rơm rớm nước mắt khi được Bác chan canh cua vào bát. Đến giờ chị vẫn còn nguyên cảm giác xúc động. Một ký ức để đời vào ngày 17-7-1969.

Sau bữa cơm đạm bạc, Kim Liên được Bác dẫn đi thăm ngôi nhà sàn nơi Người ở trong Phủ Chủ tịch. Một chiếc giường đơn sơ với chiếc gối mây và chiếc quạt lá cọ đã bạc màu. Kim Liên không tin ở mắt mình khi vị Chủ tịch nước lại sống thiền tịnh đến như vậy. Nghe nói sự giản dị của Bác đã lâu nhưng tận mắt nhìn thấy căn phòng nghỉ của Bác, Kim Liên không ghìm được nước mắt. Chị khóc nghẹn, cố ghìm không nấc thành tiếng. Mấy phút sau Kim Liên theo Bác lên phòng làm việc.

Một không gian yên tĩnh và cũng đơn sơ hết sức. Trên bàn làm việc có hai chồng tài liệu được chặn bằng quả cân và chiếc thước kẻ gỗ to bản. Kim Liên đang ngơ ngác nhìn quanh thì bất ngờ Bác lấy chiếc thước gỗ đưa cho Kim Liên và nói, đó là một kỷ vật đã theo Bác sau bao năm bôn ba hoạt động cách mạng. Bác tặng lại cho Kim Liên làm kỷ niệm. Thấy trên chiếc thước gỗ Bác khắc ba chữ cái “SNK”, Kim Liên ngơ ngác không hiểu nghĩa là gì.

NSND Kim Liên.

Bác giải thích đây là ba chữ “Suy Nghĩ Kỹ” trước khi đưa ra một quyết định gì. Còn quả cân Bác dùng để luôn luôn phải “Cân Nhắc” khi giải quyết công việc. Kim Liên hết sức ngạc nhiên về phong thái làm việc của một vị Chủ tịch nước lại chi tiết đến như vậy.

Kim Liên ra về với chiếc thước gỗ mà trong lòng bùi ngùi khôn tả. Chị đã có được bài học sâu sắc khi được gặp Bác và nhận quà tặng của Người. Những bài học về sự khiêm nhường, giản dị và tình cảm ấm áp của Bác Hồ đã đi theo suốt cuộc đời nghệ sĩ Kim Liên. Hình ảnh quả cân và cái thước luôn nhắc nhở chị phải sống noi gương đạo đức của Bác Hồ suốt cuộc đời mình. Món quà của Bác, nghệ sĩ Kim Liên vẫn thường xuyên để trên bàn thờ trong 40 năm như một báu vật. Đến năm 2008, chiếc thước gỗ Bác tặng đã được NSND Kim Liên trao lại Bảo tàng Hồ Chí Minh theo yêu cầu của Nhà nước. Hình ảnh sau những lần gặp gỡ và những lời dạy dỗ của Người luôn là suối nguồn tươi mát gột rửa tâm hồn người nghệ sĩ mỗi khi bước lên sân khấu.

Vĩ thanh

Tôi đã có dịp gặp NSND Kim Liên trước đó vào năm 2008 trong chương trình “Người của công chúng” (VTV1-2008). Chồng chị - một Đại tá quân đội đã mất trước đó 10 năm. Đến nay NSND Kim Liên đã hơn 30 năm lẻ bóng thờ chồng nuôi con khôn lớn. Trong lòng chị vẫn còn nhớ đến lời dạy của Bác và học tập rèn luyện theo đạo đức của Người. Bất chợt tôi còn nhớ có lần nghệ sĩ Kim Liên đã ngâm bài thơ của cố Bộ trưởng Xuân Thủy sáng tác tặng chị nhân chuyến đi biểu diễn ở Pháp. NSND Kim Liên mỉm cười và ngâm lại mấy câu: “Nhớ nhung đôi lúc bồi hồi/ Yêu em chiến sĩ giữ lời thủy chung/ Kim Liên như một đóa hồng/ Nam Hà như nước hồ trong mùa hè/ Đêm trường thơm ngát Pa-ri/ Ai nghe ai hát mà mê giọng chèo”.

NSND Kim Liên cho tôi xem những hình ảnh còn được lưu lại  hơn nửa thế kỷ qua. Lại nhớ, khi Kim Liên được nhận danh hiệu NSND (2015), Trung tướng Trịnh Vệ - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nam Định đã sáng tác thơ tặng chị: “Một đời sân khấu gió sương/ Giọng chèo lay động những yêu thương/ Ca khúc chầu văn còn muôn thuở/ Vang mãi rạng ngời đất quê hương”. Ngẫm quả đúng. Giọng chèo ấy vẫn còn làm khắc khoải bao người. Một chân dung mặn mà tươi thắm làm dậy sóng hơn nửa thế kỷ trên sân khấu thành Nam.

Vương Tâm
.
.