Sáng tác cuối cùng của nhà văn Hòa Vang

Thứ Bảy, 25/08/2007, 17:02
Uống vài cốc bia, khác mọi ngày, hôm nay Hòa Vang lặng lẽ hẳn đi. Một lát, tôi thấy anh xé tờ bìa màu xanh của quyển vở học trò trong túi, hí hoáy viết, rồi đưa cho tôi bài thơ: Vịnh Huy Quang (Lê)... Và rồi, chỉ một thời gian ngắn, sau khi tổ chức đám cưới trọn vẹn cho con gái út lên xe hoa khoảng tuần lễ, Hòa Vang đã thanh thản ra đi đúng vào năm tuổi của mình.

Những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đọc một cái truyện ngắn trên báo Văn nghệ ký tên Hòa Vang, tôi rất thích, mới nghĩ bụng “Cái tay nào nghe tên lạ hoắc, mà viết quá hay; không biết có phải người Đà Nẵng hay không” (vì bút danh Hòa Vang).

Thế rồi, trong một cuộc rượu tình cờ buổi trưa tại nhà một người bạn công tác ở Viện Văn học, tôi được gặp Hòa Vang. Tôi nồng nhiệt bắt tay, nâng chén rượu, chúc mừng, rồi vẽ chân dung anh.

Vừa cạn chén, Hòa Vang vừa cười ha hả, bỗ bã nói: “Ông là thằng nghệ sĩ mà quan liêu, vì bây giờ mới biết tôi. Còn anh Lê Huy Hòa, và anh em nhà ông, thì tôi biết lâu rồi, vì có đận, tôi cũng làm việc ở Xưởng phim hoạt họa cùng anh Hòa…”.

Lát sau, tôi mới biết tên thật của anh là Nguyễn Mạnh Hùng, còn Hòa Vang là bút danh, vì có thời anh chiến đấu ở miền Nam. Từ đó, chúng tôi là bạn của nhau - cùng làm văn chương, nghệ thuật; cùng thích bia rượu, thuốc lá; cùng thích cá tính mạnh; và càng sau này tôi càng nghiệm ra, cái tính cách bỗ bã của Hòa Vang là một nét rất đáng nhớ, rất riêng của anh.

Tháng 3/2000, tôi triển lãm hội họa cá nhân tại Hà Nội. Ngày khai mạc, không thấy Hòa Vang, mãi hôm sau anh mới đến.

Thấy thái độ của tôi như sắp cao giọng quát mắng (chúng tôi vẫn hay đùa nhau như thế), Hòa Vang cười khì khì: “Tao muốn tránh đông người. Hôm nay đến xem kỹ, để còn “chơi” cho mày một bài chứ. Có “tứ” rồi. Mắt và trăng là ám ảnh hội họa của Lê Huy Quang”.

Và sau đó, bài viết của anh chỉ có mấy trăm từ, in trên Tạp chí Tia Sáng, được nhiều người rất thích.

Chiều tối, Hòa Vang kéo tôi đến nhà Nguyễn Đình Chính để uống rượu mừng phòng tranh của tôi. Rượu vào, bốc lên, chuyện văn rồi chuyện đời, cho dù đã mười một giờ đêm, Hòa Vang vẫn bắt Chính gọi điện thoại cho “cụ Nguyễn Đình Thi”.

Rồi cứ thế, bằng cái giọng tê-no trầm khàn nhưng rất vang xa và ấm, Hòa Vang đã hát hết cả bài “Người Hà Nội” rất nổi tiếng của Nguyễn Đình Thi cho ông nghe qua điện thoại. Khuya đó, Hòa Vang hát rất hay, bằng tất cả cảm xúc của lòng mình.

Nhưng điều quan trọng nhất, phải là một người cá tính như Hòa Vang mới làm được cái việc độc đáo như thế. Mấy hôm sau, gặp Nguyễn Đình Thi, ông cũng cười vui thừa nhận rằng: “Đó là một việc đáng nhớ trong cuộc đời văn nghệ của ông”.

Một ngày cuối tháng 10/2005, Hòa Vang hẹn tôi ở quán bia số 7 Hòa Mã: “Chỉ tao và mày thôi, thi thoảng tránh đám đông văn nghệ, cho đỡ buồn”. Uống vài cốc bia, khác mọi ngày, hôm nay Hòa Vang lặng lẽ hẳn đi.

Một lát, tôi thấy anh xé tờ bìa màu xanh của quyển vở học trò trong túi, hí hoáy viết, rồi đưa cho tôi: “Tao vịnh mày đây. Đọc, cất đi để kỷ niệm. Không cần biết hay, dở”. Tôi đọc đi đọc lại, cũng tự nhiên thôi, cứ thấy lòng mình cám cảnh: mọi ngày, có bao giờ thằng bạn mình rầu rầu như hôm nay đâu!    

Hai tháng sau (theo Hòa Vang kể lại, đúng vào ngày Toàn quốc Kháng chiến: 19-12); cũng tại quán bia Hòa Mã, ngồi uống một mình,  không hết một cốc bia, thấy mệt mỏi, anh đã đi siêu âm, và biết mình bị ung thư, di căn giai đoạn cuối.

Và rồi, chỉ một thời gian ngắn qua tết âm lịch, sau khi tổ chức đám cưới trọn vẹn cho con gái út lên xe hoa khoảng tuần lễ, Hòa Vang đã thanh thản ra đi đúng vào năm tuổi của mình (anh tuổi Bính Tuất, sinh 1946). Những dòng viết ngắn này của tôi, gợi lại đôi ba kỷ niệm nhỏ như là một nén tâm hương ngậm ngùi tưởng nhớ tới anh!

Lê Huy Quang
.
.