Sắc xuân trong nhạc Trịnh
- Cuộc trò chuyện của sắc màu với âm nhạc Trịnh Công Sơn
- Dư âm nhạc Trịnh giữa “Khói trời mênh mông”
- Maya gây ấn tượng khi làm mới nhạc Trịnh tại The Remix
- “Đại tiệc” dành tặng người yêu nhạc Trịnh
1- Ngôi nhà với những khúc ru mùa xuân
Tôi không ngờ nghệ sĩ Hà Tuyên đã nghiên cứu khá sâu sắc về những quãng đời vật lộn, đầy u hoài của Trịnh Công Sơn. Anh nói, tuy sống với những cuộc tình không tới, cùng những hụt hẫng nuối tiếc, nhưng Trịnh Công Sơn luôn bay bổng mỗi khi niềm vui chợt đến.
Và, khi ấy những giai điệu bừng lên cho dù vẫn còn đó những ngừng ngắt, thấp thoáng một nỗi đau. Đó là những ca khúc về mùa xuân, cùng những giai điệu lãng mạn, ngọt ngào. Hà Tuyên cho biết, nơi ông ngắm cô Diễm xinh đẹp cũng là nơi ông thường thấy những người phu đêm đêm quét đường trong cơn gió buốt. Tâm hồn ông lắng đọng, xót xa cho thân phận con người và đã dùng âm nhạc và tấm lòng của mình để “Góp lá mùa xuân”.
Có thể nói, đây là một trong những ca khúc đầu tiên của Trịnh Công Sơn viết về mùa xuân cho những người cần lao. Những lời ca ẩn giấu nỗi niềm rung động trong tâm hồn nghệ sĩ. Hà Tuyên hát với chất giọng Huế rất chân tình: “Người phu quét lá bên đường, quét cả nắng hồng, quét hạ buồn tênh… Mùa xuân lót lá em nằm, lót đầy hố hầm lót lời đạn bom…”. Sự gắn bó với thân phận con người của người nhạc sĩ đa cảm và tài hoa bắt đầu từ đây.
Các nghệ sĩ ở Huế đang bàn công tác tổ chức buổi biểu diễn nhạc Trịnh. |
Tôi bồi hồi nhìn xuống con đường vắng dưới hàng long não gầy guộc cô độc rụng lá mùa đông. Nhưng trong căn phòng đầy hơi ấm và dấu ấn của Trịnh đã tiếp tục vang lên khúc hoan ca mùa xuân. Nhịp điệu xởi lởi với niềm vui “Hoa xuân ca”.
Một nỗi buồn phảng phất trong niềm vui của sắc xuân rằng: “Em cứ bay trong đời dịu dàng như cơn gió. Em cứ bay nhưng đừng bỏ tôi một mình…”. Những cuộc tình đã đi qua. Những bóng hồng đã để lại nỗi đau day dứt hay tình cờ cho trái tim ấm áp và dịu dàng của Trịnh Công Sơn. Từ đây những tình khúc ra đời và trong đó những giai điệu mùa xuân được hiện diện như một sự bù đắp cho những nỗi buồn thăm thẳm của cõi tình.
Hà Tuyên kể một loạt tác phẩm mà Trịnh Công Sơn đã từng viết tại căn nhà của một thời “Diễm Xưa” này. Đó là những tình khúc “Môi hồng đào”, “Gọi tên bốn mùa”, “Ru em từng ngón xuân hồng”. Hoặc còn đó có thể kể đến “Còn ai với ai” với những lời ca đầy thảng thốt: “Em đã đi đời có đâu ngờ. Mang trái tim mùa xuân héo khô. Không có em buồn vui với ai…”.
Tuyên còn nói cái tứ “Không có em buồn vui với ai” sau này đã trở thành một âm giai mẫu cho những sáng tác trẻ phát lộ trong những bản tình ca hiện đại, cho dù với tiết tấu nào hay phong cách nào. Sau đó Hà Tuyên hát đi hát lại cho tôi nghe những giai điệu xuân của Trịnh Công Sơn trong các ca khúc quen thuộc.
Đó là “Mùa xuân quá vội. Mười năm tắm gội. Giật mình ôi chiếc lá thu phai” (Chiếc lá thu phai); hoặc đầy ám ảnh với những thanh âm nặng trĩu suy tư: “Rồi mùa xuân không về, mùa thu cũng ra đi, mùa đông vời vợi, mùa hạ khói mây” (Gọi tên bốn mùa). Hay đó trong bài hát này, mùa xuân còn hiện diện như nỗi đau khó lý giải: “Tuổi xuân ơi sao lạnh giòng máu trong người”. Bên cạnh đó còn có những nỗi buồn rưng rưng: “Nghe tình chợt buồn trong lá xôn xao để mùa xuân sau mua riêng tình sầu” (Tôi ru em ngủ)…
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có khoảng 17 ca khúc mang hình ảnh và những suy tư về mùa xuân, với những ẩn dụ điển hình “Sen buồn một mình. Em buồn đến trọn mối tình”. Nhưng thực ra nét xuân ca luôn luôn hiện diện trong nhiều tình khúc cho dù ông không nhắc đến một chữ xuân nào.
Đó là những ca khúc luôn reo vui hoặc sâu đậm triết lý cho những cuộc tình hay một lẽ sống. Bởi trong tâm hồn người nghệ sĩ ấy luôn luôn “Gọi tên bốn mùa”. Có thể kể một loạt bài hát được hàng triệu người yêu thích như: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”, “Nắng thủy tinh”; “Để gió cuốn đi”, “Mưa hồng”, “Hãy cứ vui như mọi ngày”… và nhất là bài ca “Hãy yêu nhau đi”, với lời hát tràn ngập niềm vui mùa xuân của con người, đó là tình yêu. Sắc xuân cuộc đời tràn ngập trong thơ và nhạc của Trịnh Công Sơn. Sau giây phút yên lặng, Hà Tuyên nhắc đến một tổ khúc lạ lùng nhất và có thể coi đó là một trường ca về tình yêu mà Trịnh Công Sơn đã nhiều đêm thức trắng tại ngôi nhà này để viết.
2- Đóa hoa vô thường
Đó chính là bài hát mà Trịnh Công Sơn viết cho những cuộc tình đã qua và không tới của mình. Nghệ sĩ Hà Tuyên bỗng hát lên những lời ca đậm yếu tố tâm linh mà Trịnh Công Sơn đã suy ngẫm và say đắm với niềm hy vọng về một tình yêu: “Tìm em tôi tìm mình hạc sương mai…”.
Sau những cuộc tình chợt tới chợt vụt bay, Trịnh Công Sơn thường lấy âm nhạc để an ủi tâm hồn, và gửi gắm nỗi buồn dai dẳng. Đúng như Hà Tuyên nói, chỉ có một cuộc tình say đắm nhất mà trong bốn năm trời Trịnh Công Sơn đã sống trong hạnh phúc với tình yêu của Dao Ánh trao cho ông.
Một góc “Cà phê Gác Trịnh” ở đường Nguyễn Trường Tộ, TP Huế. |
Cho dù đó là một tình yêu trải qua một quãng đời xa cách nhưng luôn luôn hướng tới nhau. Hai trái tim đã dành cho nhau. Hai tâm hồn đồng điệu trong âm nhạc và thơ ca. Sau này, tập sách in ba trăm bức thư của Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh đã kể cho bạn đọc nghe chuyện bi tình giữa hai người. Trong đó có một bức thư mà Trịnh Công Sơn đã viết tại căn gác này với những lời cay đắng: “Chúng mình chấm dứt tình yêu ở đây đi” (thư ghi Huế 25-3-1967).
Nội dung thư còn được nhạc sĩ viết thêm: “Anh cảm ơn bốn năm trời ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng cảm ơn những buổi đợi chợ thật dịu dàng không bao giờ còn có được… Anh bất lực không còn cứu vãn được gì nữa cho tình yêu của mình. Thêm một lần đánh mất và thất lạc những vàng son”.
“Đóa hoa vô thường” ra đời trong niềm hy vọng đã bị đánh mất. Nó không chỉ là “Một lần yêu thương, một đời bão nổi” nữa mà tâm trạng nhạc sĩ đã chộn rộn trong nỗi đau vô thường, trở về với cát bụi. Tuy vậy “Đóa hoa vô thường” được mô tả nhiều cung bậc say đắm nhất về tình yêu đã qua: “Từ nay anh đã có nàng. Biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca. Mùa xuân trên những mái nhà. Có con chim hót tên là ái ân”.
Nhưng rồi cuộc tình đã lìa xa như một chút mây phù du đi thoáng qua đời người nhạc sĩ. Ông đã cất lên tiếng ca khắc khoải tự trong con tim, với nỗi buồn day dứt. Đó chính là đóa hoa vô thường được ngân vang: “Từ đó hoa là em. Một sớm kia rất hồng nở hết trong hoàng hôn. Đợi gió vô thường lên…”.
Tổ khúc kết thúc với hình ảnh đầy hoang hoải và cô đơn. Tác phẩm này được ca sĩ Khánh Ly hát đầu tiên với sự chia sẻ đến xót xa. Sau đó không mấy ai biểu diễn. Mãi tới ba mươi năm sau, ca sĩ Hồng Nhung là người thứ hai dàn dựng tổ khúc “Đóa hoa vô thường” trong một ánh sáng mới, một cảm xúc long lanh và hiểu được sự trở về của một cõi người. Cái còn và cái mất biến hóa khôn lường như tình yêu vậy. Đến và đi là một lẽ vô thường. Âm thầm chấp nhận cho dù đó là nỗi đau tận cùng của trái tim.
3-Những nụ cười còn lại
Trước mắt tôi trên ngôi nhà Gác Trịnh là bức ảnh Trịnh Công Sơn và Khánh Ly ngồi trên lan can nhìn xuống con đường Nguyễn Trường Tộ chụp hồi còn mới lập nhóm hát ở Sài Gòn năm 1967. Bên cạnh đó là tấm hình hai chị em Bích Diễm và Dao Ánh. Hình như tất cả đều nở những nụ cười trong tình yêu muôn thuở. Tiếng nhạc lại trào dâng.
Một cảm xúc về mùa xuân mà từ ngôi nhà này Trịnh Công Sơn đã để lại với một bằng chứng rằng: “Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối. Dù biết mai đây xa lìa thế giới. Mặt đất đã cho ta những ngày vui mới. Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời…”. Nghệ sĩ Hà Tuyên chỉ huy dàn tứ tấu đàn tranh rộn rã, trong mọi cung bậc tình yêu vĩnh cửu, mà Trịnh Công Sơn đã trao gửi cho con người. Đó chính là mùa xuân cuộc đời.