Quan trọng là hiểu văn hoá

Thứ Hai, 11/07/2005, 07:24

Trong nửa đầu của thế kỷ XIX, Việt Nam và Mỹ đã có những động tác đầu tiên trong quan hệ chính thức giữa hai quốc gia, nhưng do những tác động về mặt khách quan và sự khác biệt về văn hoá cũng như các thủ tục, lễ nghi cũng như thái độ ngoại giao... của cả hai bên nên mối quan hệ này chưa được mở ra.

Thomas Jefferson (1743-1826) là Tổng thống thứ 3 của nước Mỹ. Năm 1787, khi đang làm Công sứ Mỹ tại Paris, ông đã để ý và tìm hiểu về 6 giống lúa của Việt Nam vì hạt gạo trắng đẹp, ăn rất ngon (có thể là ông đã từng được ăn cơm nấu bằng các loại gạo này).

Năm 1788, trong một cuộc tiếp tân ở lâu đài Versailles, Jefferson gặp phái bộ của Pigneau de Béhaine (tức Bá-đa-lộc), trong đó có Hoàng tử Cảnh, trưởng nam của Nguyễn Ánh. Hoàng tử Cảnh hứa sẽ gửi cho Mỹ các giống lúa mà Jefferson mong muốn. Nhưng do thời thế thay đổi, đường sá cách trở nên lời hứa đó đã không được thực hiện.

Trong cuốn "Lịch sử chuyến hành trình tới Biển Đông" do Nhà xuất bản Wells and Lilly tại Boston xuất bản năm 1823, tác giả John White đã ghi lại những điều thu nhận được trong cuộc hành trình bằng 2 con tàu Franklin và Marmion, ngược sông Đồng Nai đến thành Gia Định và 3 tháng ở thành Gia Định của ông vào năm 1819 (năm Gia Long cuối cùng). Ông đã được Tả quân Lê Văn Duyệt tiếp đón, tạo điều kiện thuận lợi trong ăn ở, buôn bán.

John White đã mua một số nông thổ sản của xứ đàng trong này như lúa, đường, vải lụa.... nhưng vì lênh đênh trên biển dài ngày nên khi về đến Mỹ thì lúa gạo bị sâu mọt phá hỏng cả! Đây có thể coi như là những động tác quan hệ thương mại đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam.

Trong cuốn "Việt Nam Pháp thuộc sử" của Phan Khoang cho biết thêm một tình tiết về quan hệ Mỹ - Việt thời gian này là: Cuối năm 1829, Eugene Chaigneau được vua Pháp cử sang Việt Nam làm phó lãnh sự nhưng Hoàng đế Minh Mạng không nhận. Sang năm1831, Chính phủ Hoa Kỳ của Tổng thống Andrew Jackson cũng dự định đặt một đại diện ở nước ta và đã dự kiến bổ nhiệm ông Shellaber làm lãnh sự ở Việt Nam nhưng cũng không được Minh Mạng chấp nhận.

Đến năm Minh Mạng thứ 13 (tức là năm 1832), một phái bộ ngoại giao Mỹ trên đường đến các quốc gia Đông Nam Á bằng tàu biển đã ghé qua Việt Nam. Con tàu mang tên Con Công (Peacock), do thuyền trưởng George Thompson chỉ huy đã mang nhà ngoại giao Mỹ Edmund Roberts đến Việt. Sau khi vào vịnh Xuân Đài thuộc tỉnh Phú Yên, ông này đã gặp tuần vũ tỉnh Phú Yên đặt vấn đề Mỹ mong muốn được giao thương với Việt Nam. Tuần vũ Phú Yên đã tâu việc này lên Minh Mạng và hoàng đế đã đồng ý đón tiếp Edmund Roberts.

Cuốn “Minh Mạng chính yếu” đã viết như sau: "Quốc gia Nhã - di - lý (tên phiên âm ra chữ Hán của nước Mỹ) sai sứ thần đến dâng quốc thư yêu cầu được giao hảo với nước ta. Thuyền của Sứ bộ bị sóng đánh dạt vào vùng biển tỉnh Phú Yên. Nhà vua hay tin liền sai quan phụ trách đối ngoại là Nguyễn Tri Phương tới nơi thăm hỏi, sứ bộ cho biết nước họ mong được giao hảo với nước ta. Về việc này, nhà vua nói với các quan trong triều rằng: Người ta từ xa tìm tới vậy bản tính là cung thuận, triều đình ta với tinh thần quý mến người phương xa không tiếc gì mà không dung nạp họ. Tuy nhiên, họ mới tới lần đầu chưa am tường về các chi tiết lễ nghi ngoại giao, có thể sai quan Thương bạc (viên quan coi về ngoại giao và thuế quan - TG) viết văn thư thông báo cho nước họ biết ta không cự tuyệt việc thông thương mậu dịch với họ, nhưng họ phải tuân theo những chế định đã có từ trước đến nay. Từ nay, nếu có thương thuyền tới thì cho phép được neo đậu ở cảng Đà Nẵng, Trà Sơn, không được tự ý lên bộ. Đó là để cảnh giác phòng gian nằm trong chính sách ngoại giao mềm dẻo của ta vậy".

Đây có thể coi là sự kiện ngoại giao chính thức đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ. Về việc này, “Đại Nam thực lục chính biên” đã chép rằng: "Quốc trưởng nước Nhã - di - lý (nước này ở Tây Dương còn gọi là Hoa Kỳ, hoặc Ma - ly - căn) sai bọn bề tôi là Nghĩa - đức - môn  La - bách - đại  (Edmund Roberts - TG) và Uý - đức - giai  Tâm - gia (Georges Thompson - TG) đem quốc thư đến cửa Vũng Lấm thuộc Phú Yên xin thông thương. Vua sai Viên ngoại lang là Nguyễn Tri Phương và Tư vụ là Lý Văn Phức hội với quan tỉnh, lên trên thuyền thết tiệc và hỏi: "Lý do đến đây làm gì?". Họ nói: "Chỉ muốn đến giao hiếu thông thương". Cách nói năng rất cung kính nhưng khi dịch thư ra có nhiều chỗ không hợp thể thức. Vua bảo không cần đệ trình thư ấy, rồi cho quan quyền lãnh chức Thương bạc làm thư trả lời, đại ý nói rằng: Nước ấy muốn xin thông thương cố nhiên là ta không ngăn trở nhưng phải tuân theo pháp luật đã định. Từ nay, nếu có đến buôn bán thì cho đỗ ở vũng Trà Sơn, tấn sở Đà Nẵng, không được lên bờ làm nhà vượt quá kỷ luật".

Toàn văn bức thư của Tổng thống Mỹ lúc đó là Andrew Jackson (1767-1845, tổng thống thứ 7 của nước Mỹ từ 1829 đến 1837) mà Edmund Roberts mang theo như sau:

Andrew Jackson,
Tổng thống Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ

Kính gửi Người bạn vĩ đại và quý mến,

Thư này do một công dân cao quý của Hợp chúng quốc là Edmund Roberts dâng lên Hoàng thượng. Ông Edmund Roberts là Đặc phái viên của chính phủ chúng tôi được ủy quyền để thương nghị với Hoàng thượng về những vấn đề thương mại quan trọng.

Xin Hoàng thượng che chở, đối xử tử tế và tin tưởng ông ta khi thực thi nhiệm vụ. Tôi trân trọng xin Hoàng thượng tin tưởng vào những điều mà ông Edmund Roberts đệ trình lên ngài nhân danh Chính phủ chúng tôi, nhất là tình thân hữu và thiện chí của chúng tôi đối với Hoàng thượng.

Cầu Chúa phù hộ cho ngài.

Để chứng minh các điều nói trên, tôi cho in quốc ấn của Hợp chúng quốc trên bản văn thư này. Quốc thư này được làm tại thành phố Washington, ngày 31 tháng 1 năm 1832 và là năm thứ 56 trong nền độc lập của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Andrew Jackson.--PageBreak--

Đây là một quốc thư khống, không đề rõ gửi cho nguyên thủ nào, của quốc gia nào !!!  Có thể dùng để cho Edmund Roberts đem đến trình bất cứ nguyên thủ của quốc gia nào khi thấy cần thiết. Vấn đề khác nữa là triều đình nhà Nguyễn không chấp nhận quốc thư của Tổng thống Mỹ gọi Hoàng đế Việt Nam là "Bạn", là "Vua" mà phải được gọi là "Hoàng đế". Những việc này - Minh Mạng, một hoàng đế thông minh, nguyên tắc cho là "không hợp thể thức" ngoại giao, cho đây là hành vi coi thường nước nhận quốc thư nên không đón tiếp vị sứ thần đầu tiên của Mỹ.

Tuy vậy, theo cuốn "The Vietnam Experience" thì phái bộ Edmund Roberts được các quan triều Nguyễn đón tiếp nồng hậu, mời tiệc thịnh soạn, nhưng do lúc đó người Mỹ không quen thức ăn của người châu Á nên thủy thủ đoàn đều cho là thức ăn không ngon. Còn các quan triều Nguyễn muốn Roberts thêm vào đầu thư tên của Hoàng đế Minh Mạng và lời chào mừng là "muôn tâu Hoàng thượng" nhưng ông ta nhất quyết không chịu thêm vào. Do đó nên bức thư này không được chuyển về Huế cho Hoàng đế Minh Mạng. Như vậy là sứ mệnh của Edmund Roberts đã không được hoàn thành!

Năm 1836, Edmund Roberts lại được Tổng thống Mỹ Andrew Jackson phái đến Việt Nam, với sứ mệnh ký một hiệp ước giao thương giữa hai quốc gia. Lại chính con tàu mang tên Con Công (Peacock) dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng E.P. Kennedy chở Edmund Roberts, đã đến neo đậu ở vũng Trà Sơn, thuộc Đà Nẵng - Quảng Nam theo đúng quy định.

Việc này được “Đại Nam thực lục chính biên” chép như sau:

Tháng tư năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (tức năm 1836 - TG).
Tỉnh thần Quảng Nam tâu rằng: Có thuyền sứ thần nước Ma - ly - căn đậu ở vũng Trà Sơn thuộc Đà Nẵng - Quảng Nam, nói có quốc thư cầu giao hảo, xin được vào chầu. Vua hỏi thị lang Bộ Hộ là Đào Trí Phú rằng: "Xem ra ý tứ, lời lẽ của họ tỏ ra cung kính thuận hòa, có nên chấp nhận hay không?". Trí Phú thưa là: "Họ là người nước ngoài, tình ý giả dối không thể lường được. Thần nghĩ rằng hãy cho họ vào Kinh, lưu ở công quán Thương bạc, phái người đến khoản đãi để thăm dò ý họ trước đã". Thị lang nội các là Hoàng Quýnh tâu rằng: "Nước họ xảo quyệt muôn mặt, nên cự tuyệt đi! Một khi đã dung nạp sẽ để nỗi lo cho đời sau". Vua nói: "Họ xa cách trùng dương trên 4 vạn dặm đến sao lại cự tuyệt, chẳng hoá ra tỏ cho người ta thấy mình không rộng rãi ư?", liền sai Đào Trí Phú cùng thị lang Bộ Lại là Lê Bá Tú làm thuộc viên Thương bạc đến tận nơi thăm hỏi úy lạo. Khi đến nơi thì viên trưởng sứ cáo là bị ốm không ra tiếp kiến được. Ta sai thông ngôn đến thăm, họ cũng sai người ra đáp lễ, rồi ngay ngày đó giương buồm ra đi. Bọn Trí Phú đem việc đó tâu lên vua rằng: "Chợt đến, chợt đi thật chẳng có lễ nghĩa gì!". Vua bảo rằng: "Họ đến ta không ngăn, họ đi ta không đuổi theo. Lễ phép của ta văn minh, họ là người ngoài nên không biết, trách cứ làm chi!".

Theo nhà sử học người Mỹ Ellen Hammer trong cuốn "A Death In November", khi tàu Peacock bỏ neo ở vịnh Đà Nẵng, tàu hết lương thực, một phần tư thủy thủ đoàn bị ốm liệt giường, những người may mắn thì cũng vô cùng yếu đuối vì chưa hoàn toàn bình phục sau những trận ốm. Riêng ông Roberts đang hấp hối. Điều đáng tiếc là họ không hề hay biết gì về quyết định rất thuận lợi của Hoàng đế Minh Mạng về việc đồng ý giao thương với Mỹ.

Cho đến ngày 10/5/1845 (tức là năm niên hiệu Thiệu Trị thứ tư), chiến hạm Mỹ Constitution do Đại tá Hải quân John Percival chỉ huy đã tiến vào vùng biển Đà Nẵng, cùng một đơn vị lính thủy đổ bộ lên bờ can thiệp vào vụ triều đình nhà Nguyễn, bắt một vị giám mục người Pháp tên là Dominique Lefevre vì ông này vi phạm pháp luật. Lính Mỹ đã tấn công vào đồn trú và bắt một số quan quân nhà Nguyễn buộc phải thả giám mục Dominique. Đây có thể coi là việc sử dụng vũ lực bằng quân sự đánh Việt Nam lần đầu tiên của Mỹ.

Đến năm 1849, Tổng thống Mỹ đã phải cử ông Balestier, cựu lãnh sự Mỹ từ Singapore đến Huế xin lỗi về sự kiện trên. Theo cuốn "The Vietnam Experience", năm 1849, đô đốc Mỹ  Matthew Perry, một chuyên gia về Á Đông đã đề nghị với Tổng thống lúc đó là James Knox Polk (1795-1849) rằng: Mỹ nên chiếm một vài hải cảng ở Á châu làm căn cứ quân sự ở khu vực này. Ông Perry nói nhiều về lợi điểm của hải cảng Đà Nẵng, nên đề nghị Tổng thống Polk chiếm ngay Đà Nẵng làm căn cứ cho Mỹ ở khu vực này. Tuy nhiên, Tổng thống Polk đã bác bỏ đề nghị trên vì cho rằng "Thiết lập chủ quyền của Mỹ trên đất Á châu là không thích hợp với hệ thống chính trị của chúng ta". Từ đó, Việt Nam và Mỹ không có mối quan hệ nào chính thức nữa mặc dù sau đó, có một số nhà buôn người Mỹ ghé đến một số hải cảng của Việt Nam để buôn bán, đổi chác.

Mãi cho đến năm 1873 và 1875 mới có các chuyến đi của đoàn sứ thần Bùi Viện, do vua Tự Đức cử vượt Thái Bình Dương sang Mỹ tiếp kiến Tổng thống Ulysses S. Grant (1822-1885), nhằm đề nghị thông thương và muốn Mỹ giúp Việt Nam chống Pháp. Tuy nhiên, đề nghị đó đã không được phía Mỹ chấp nhận!

Những sự kiện trên đây cho thấy chỉ có thật sự tôn trọng lẫn nhau, hiểu được văn hóa của nhau thì mới có quan hệ bền vững, toàn diện được

Phạm Thị Việt Hà
.
.