“Quả trăng cũng chín” trong thơ Lê Hồng Thiện

Thứ Năm, 01/06/2017, 11:30
Trước hết tôi cảm nhận thơ thiếu nhi của nhà thơ Lê Hồng Thiện "trong veo tiếng Việt" (là tựa vào "tứ" của bài thơ "Trong veo bầu trời"). Thuần Việt là một đặc điểm của ngôn ngữ thơ trong thơ Lê Hồng Thiện. Tôi nghĩ đó là một sức mạnh của thơ ca. 


Đã hơn một lần tôi thẳng thắn thừa nhận mình không sành về thơ, chỉ chuyên chú về văn xuôi (nói đúng ra cũng đã có đôi lần cầm bút viết phê bình thơ, nhưng là "đành lòng vậy” cầm lòng vậy". Nhưng cái cơ duyên khiến tôi đọc 176 bài thơ của nhà thơ Lê Hồng Thiện (gồm 102 bài trong "Thơ Lê Hồng Thiện - Tác phẩm và dư luận"- NXB Hội nhà văn, thêm 74 bài trong "Cả nhà cùng vui", tập thơ thiếu nhi xuất bản gần nhất của ông) đã khiến tôi có đôi chút thay đổi trong tác nghiệp phê bình văn chương.

Nghĩa là cần mạnh dạn khai mở vào thế giới thơ, nghĩa là cần tiếp cận thơ của những tác giả ở xa Trung ương, sống giữa nhân quần và thiên nhiên. Nói theo cách của ngành Giáo dục, đó là những "nhà thơ cắm bản". Ở đây, tôi dành cảm tình tới nhà thơ Lê Hồng Thiện đang sống giữa bao la trời đất và trù phú cây cối của vùng quê Hưng Yên, của vùng "Nhất Kinh kỳ, nhì Phố Hiến".

Nhà thơ Lê Hồng Thiện và vợ.

Nhưng cái khó đến với tôi khi viết về thơ thiếu nhi của nhà thơ Lê Hồng Thiện chính là ở chỗ đã có nhiều lời bình giá (gần 150 trang trong sách "Thơ Lê Hồng Thiện - Tác phẩm và dư luận"). Liệu mình có góp thêm vào được điều gì mới mẻ trong tổng thể các ý kiến đánh giá thành tựu thơ của một nhà thơ, nếu có thể nói, suốt đời cống hiến cho trẻ thơ (ông đã công bố 11 tập thơ chuyên viết cho tuổi thơ)?

Trước hết tôi cảm nhận thơ thiếu nhi của nhà thơ Lê Hồng Thiện "trong veo tiếng Việt" (là tựa vào "tứ" của bài thơ "Trong veo bầu trời"). Thuần Việt là một đặc điểm của ngôn ngữ thơ trong thơ Lê Hồng Thiện. Tôi nghĩ đó là một sức mạnh của thơ ca.

Thực tế cho thấy tiếng Việt trong thời đại thị trường và kỹ trị đang bị "xả thịt" (tiêu biểu kiểu như "Sát thủ đầu mưng mủ", và không hiếm trong thơ của những người trẻ mới tập làm thơ). Tôi có điều kiện đọc được nhiều tác phẩm văn chương đương đại. Nếu là văn xuôi thì tác giả thường chú ý đến "chuyện" (người ta gọi vui là "câu - viu", mà thường quên mất văn). Nếu là thơ thì thường chú ý đến những lối cách tân kỳ  - hậu hiện đại chẳng hạn - tất cả tít mù và rối ren; xin quý vị thử chịu khó đọc lại tập thơ "Dự báo phi thời tiết" của nhóm Ngựa Trời sẽ thấy xót xa "thơ đi về đâu?" và "tiếng Việt đi về đâu?".

Tôi đã làm một việc rất chi là thủ công: Đếm. Đếm trong tổng số 102 bài thơ (với tổng số 948 câu thơ) trong "Thơ Lê Hồng Thiện - Tác phẩm và dư luận", có bao nhiêu phần trăm từ Hán Việt và từ ngoại nhập Âu-Mỹ? Một kết quả khiến không riêng gì tôi mà độc giả yêu thơ Lê Hồng Thiện nói chung sẽ phải "ngạc nhiên chưa?".

Xin đưa ra con số thống kê cụ thế: chỉ có 11 từ Hán - Việt (trung thu, mẫu giáo, thần thông, giao thừa, trực ban, ca sỹ, Trường Sơn, quân hiệu, chiến sỹ, hoàng hôn, cổ thụ ) và một từ tiếng Anh/Pháp (ăng - ten). Với đặc tính về từ loại tiếng Việt có đến bảy mươi (70) phần trăm là từ Hán - Việt, khi sáng tác thơ cho thiếu nhi, nhà thơ Lê Hồng Thiện đã có một nỗ lực phi thường để "Việt hóa" ngôn từ thơ. Không phải ai cũng ý thức được sâu sắc điều đó.

Không phải ai cũng dụng tâm lao động nghệ thuật được như thế. Vì văn chương nói chung, thơ ca nói riêng, với tuổi thơ không phải là "hàng hóa" mà là "quà tặng". Giản dị, trong sáng, giàu hình ảnh và nhịp điệu là đặc trưng thơ Lê Hồng Thiện viết cho trẻ thơ. Đúng như tiên đề "Cái Đẹp là sự giản dị".

Đọc bài thơ "Ngủ" của nhà thơ Lê Hồng Thiện, tôi như được nhập vào thế giới lung linh, trong veo tâm hồn của tuổi thơ: "Âm thanh ngủ ở cây đàn/ Ngọt ngào ngủ ở muôn vàn trái cây/ Nước mưa nằm ngủ trong mây/ Hương thơm nằm ngủ cả ngày trong hoa/ Bóng râm ngủ dưới gốc đa/ Trẻ con ngủ dưới mái nhà ấm êm/ Chỉ riêng có một trái tim/ Chẳng bao giờ ngủ cả đêm lẫn ngày". Bài thơ lục bát chỉ có 8 câu mà chứa đựng được biết bao nhiêu điều thấm thía cả về tạo vật, cả về con người, lại đượm triết lý nhưng rất may mắn là không sa vào "triết lý vặt", như ai đó nói, rất hay nổi phềnh trong thơ ca đương đại nói chung, thơ trẻ nói riêng.

Bìa tập sách mới của nhà thơ Lê Hồng Thiện.

Nhưng cơn cớ nào đã khiến cho tiếng Việt trong thơ Lê Hồng Thiện rất "thuần Việt" và như cách bình của tôi là "trong veo tiếng Việt?". Tôi nghĩ bệ phóng, chân rễ của sự trong veo, thuần khiết ấy là một tâm hồn thơ đậm đà chất "mục đồng". Nói thế không biết có chạm tự ái nhà thơ? Kính mong nhà thơ đừng tự ái! Đọc thơ, như tôi kinh nghiệm, đầu tiên phải tìm ra cái "điệu hồn" của nhà thơ. Cảm hội của riêng tôi khi đọc bài thơ "Đề từ" (trong tập thơ "Cả nhà cùng vui"), là ở đó phát lộ điệu hồn thơ Lê Hồng Thiện.

Bằng chứng là: "Mỗi người một mảnh vườn riêng/ Thị Mầu bạn mến…Tôi kiêng Thị Mầu/ Rễ bèo tôi bảo là râu/ Biển sóng bạc đầu nói biển đùa nô/ Cả đời yêu tiếng bi bô/ Tóc càng bạc trắng ngây thơ càng nhiều/ Hồn tôi thả một cánh diều/ Căng dây, đón gió:chạy theo mục đồng".

Đọc thơ Lê Hồng Thiện, tôi lại liên hệ tới cái SLOGAN của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel: "Hãy nói theo cách của bạn". Cái chất "mục đồng" trong thơ Lê Hồng Thiện không cần phải đính chính, nếu cần phải nói như thế. Là bởi chỉ cần đọc 102 bài thơ (như là tinh tuyển) của nhà thơ sẽ thấy ông từ đầu đến cuối luôn mở lòng mình với thiên nhiên, tạo vật. Đây là một thế mạnh của nhà thơ. Con người hiện đại đang tự mình chôn mình vào những "hố đen", đang tự mình tạo ra nhân tai, đang tự lìa xa bà mẹ thiên nhiên vĩ đại bằng cách tàn sát không thương tiếc nó (gần 800 nhà máy thủy điện và nạn xả lũ là một ví dụ sinh động, Tây Nguyên 40 năm qua mất trắng một phần hai (1/2) diện tích rừng bởi con người, thêm một ví dụ).

Thơ của nhà thơ Lê Hồng Thiện, nếu nhìn từ góc độ văn hóa, là một đóng góp khi giúp con người ngay từ thuở ấu thơ phải biết yêu thiên nhiên, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên, biết cách hòa mình với thiên nhiên. Nhân cách con người có thể bắt đầu từ ứng xử với thiên nhiên. Đó là ứng xử của con người không chỉ thông minh mà là có văn hóa.

Sở dĩ tôi nói đến cái điệu hồn "mục đồng" trong thơ của nhà thơ Lê Hồng Thiện viết cho trẻ thơ là vì nhân cách con người hình thành chính ngay trong giai đoạn ấu thơ. Lúc măng mới mọc thẳng. Nếu nói Lê Hồng Thiện là một nhà thơ "chân quê" theo cách nói của Hoài Thanh - Hoài Chân trong "Thi nhân Việt Nam", cũng phù hợp. Nhưng có lẽ hơi bị… cũ và sáo mòn chăng? Nên tôi muốn như là người đầu tiên đọc thơ Lê Hồng Thiện và rất yêu thích cái chất "mục đồng" trong thơ ông. Và nêu nó lên như một phẩm tính, một cách định vị thơ của nhà thơ Lê Hồng Thiện trên văn đàn.

            Hà Nội, tháng Năm, 2017

Bùi Việt Thắng
.
.