Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:

“Qua ngàn trang viết sẽ mọc lên ngọn lửa của hạnh phúc”

Thứ Bảy, 26/08/2017, 07:00
Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ thành đạt cả ở lĩnh vực văn chương và chính trị. Đã có nhiều năm lăn lộn sống chết ở chiến trường phía Nam và trải qua nhiều thăng trầm. Ở bài viết này, tôi chỉ mong khắc họa một đôi nét về những đóng góp của Nguyễn Khoa Điềm trong lĩnh vực đổi mới thi ca Việt Nam trong những thập niên qua.


Cách đây mấy năm, trong dịp vào Huế dự một hội nghị do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, trong một đêm thơ bên sông Hương, tôi ngồi cạnh nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Ông lặng lẽ tặng tôi tuyển tập thơ Nguyễn Khoa Điềm vừa mới xuất bản. Nhìn gương mặt điềm tĩnh, thanh thản nhưng thấm đẫm vẻ ưu tư của ông, tôi liên tưởng đến những bài thơ ông viết sau khi rời bỏ chính trường, những bài thơ giàu tính liên tưởng, chiêm nghiệm với cái nhìn đời sống thế sự rất sâu sắc và đầy nhân văn.

Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ thành đạt cả ở lĩnh vực văn chương và chính trị. Đã có nhiều năm lăn lộn sống chết ở chiến trường phía Nam và trải qua nhiều thăng trầm. Ở bài viết này, tôi chỉ mong khắc họa một đôi nét về những đóng góp của Nguyễn Khoa Điềm trong lĩnh vực đổi mới thi ca Việt Nam trong những thập niên qua.

Có thể nói, với tập thơ “Đất ngoại ô” in năm 1973 và trường ca “Mặt đường khát vọng” in năm 1974, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã mở một trang mới trong những thi điệu “tráng ca” có tính sử thi cổ vũ tinh thần dân tộc trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Dấu ấn đặc biệt đó được làm nên bởi một phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm: sâu lắng trữ tình và uyên bác kiến văn. Cái phần trữ tình trong thơ ông không mấy khi kể lể dông dài bằng cảm xúc mà nhiều lúc được soi xét bằng một lăng kính cảm quan tinh tế của tri thức. Cái chất công dân và tính thế sự trong thơ ông thường ẩn sâu dưới bề mặt chữ một cách điềm đạm, tỉnh táo để khơi gợi chứ không ồn ào, nóng gắt khi phản ánh.

Và, vượt lên trên dòng chảy của cảm xúc là nhịp điệu của một tư duy thơ được thiết lập để chuyển tải những ý tưởng chính của tác giả mà bài thơ “Những bài hát, con đường và con người” dưới đây là một ví dụ: “Những bài hát không ai hát nữa/ Đã vỡ trên môi anh ngọn gió dịu dàng/ Sẫm bên đường mỗi sợi cỏ hoàng hôn/ Nghe thương mến lại thắp từng ngọn lửa/ Những bài hát không ai hát nữa/ Đã vỡ trên môi anh ngọn gió dịu dàng/ Những con đường không ai trở lại/ Đã xuyên qua anh những mạch máu âm thầm/ Anh nghe đập những bước chân đồng đội/ Bao lối mòn chớp lửa chiến tranh/ Những con đường không ai trở lại/ Đã xuyên qua anh những mạch máu âm thầm/ Những con người không ai gặp nữa/ Đã đặt lên vai anh gánh nặng cuối cùng/ Bao khuôn mặt gầy xanh, mơ mộng/ Như cánh rừng, đã thuộc về anh/ Những con người không ai gặp nữa/ Đang sống cùng anh trọn tuổi xuân” .

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943, quê ở TP Huế, con trai của nhà cách mạng Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn; dòng dõi quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng, gốc Hải Dương cũ). Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, ông vào hoạt động ở chiến trường Thừa Thiên - Huế; năm 1996 làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam); năm 2001, là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa (nay là Ban Tuyên giáo) Trung ương. Cho đến nay, Nguyễn Khoa Điềm đã xuất bản các tác phẩm: “Đất ngoại ô” (thơ), “Cửa thép” (ký), “Mặt đường khát vọng” (trường ca), “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm” (thơ), “Thơ Nguyễn Khoa Điềm”, “Cõi lặng” (thơ). Nguyễn Khoa Điềm đã được trao các giải thưởng văn học: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam; Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật; Giải thưởng Văn học nghệ thuật của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Sau khi nghỉ công tác và rời xa sự nóng - lạnh của chính trường, điều đáng mừng là với tập thơ “Cõi lặng”, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã trở lại ngay được với nhịp điệu nội tại của thi - ca - cứu - rỗi trong tâm hồn ông, cái mà trước đó những độc giả yêu mến thơ Nguyễn Khoa Điềm tưởng chừng ông đã xao lãng và xa cách. Trở lại với một đêm thu ở Hội An, nhà thơ ngồi trên “bậc thềm giả cổ” của thời hiện đại để chiêm nghiệm tâm trạng của con người thời hiện tại như một chứng nhân trước những đổi thay chóng mặt của thời cuộc và sự mong manh của số phận con người: “Ngoài kia những chiếc thuyền câu đốt đèn trôi theo sông/ Đuổi theo một nghề nghiệp cũ/ Ở đây trên bậc thềm giả cổ/ Người thi sĩ không ngủ/ Ngồi đập muỗi/ Đợi một làn gió mặn/ Tất cả chúng ta rồi sẽ già nua/ Bên dòng sông tăm tối này/ Sẽ chết/ Mà không được đóng dấu kiểm dịch/ Đặng bình tâm trong miệng kẻ khác/ Ôi bác ngư dân già nua/ Anh ngư dân trẻ/ Đêm nay vợ anh nằm trên nửa chiếc giường hẹp/ Đợi anh về/ Quạnh quẽ quê hương nhiều thế kỷ/ Tìm một chỗ sống/ Người thi sĩ im lặng/ Quanh anh không vệt lân tinh dự báo/ Cả dòng sông không biết nói/ Cả cửa biển không lời thở than/ Mùa thu về trên bến vắng”.

Có lẽ bài thơ “Đêm thu ở Hội An” nói trên là một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Khoa Điềm trong hành trình thi ca gần bốn chục năm qua của ông. Đây là một bài thơ của thời “hiện đại” và cái hay của nó đã đạt tới mức… trở thành gần như “cổ điển” ngay lập tức khi dòng cuối của bài thơ khép lại.

Người đọc có thể thấy ở bài thơ này cái không khí chiêm nghiệm trầm mặc, tĩnh tâm và tự tại trong thơ cổ của: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Phan Bội Châu… Và, độc giả cũng nhận thấy một phát hiện rất mới, rất hiện đại và độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm khi nhà thơ trong đêm thu Hội An ấy, không ngủ, thao thức ngồi đập muỗi, đợi một làn gió mặn và chợt nhận ra rằng: “Tất cả chúng ta rồi sẽ già nua/ Bên dòng sông tăm tối này/ Sẽ chết/ Mà không được đóng dấu kiểm dịch/ Đặng bình tâm trong miệng kẻ khác”.

Đây là một trong số ít những câu thơ bình dị và lặng lẽ đau xót mà Nguyễn Khoa Điềm đã khắc tạc được vào tâm thế của người đọc hôm nay. Không chỉ có thế, với bài thơ này, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã một lần nữa xác định, trong những cách tân cho thi ca đương đại hôm nay thì xu hướng đổi mới thi ca trên bản sắc truyền thống vẫn sẽ là một hướng đi có nhiều độc giả nhất và có nhiều triển vọng nhất trong số những cách tân đang được cổ vũ hôm nay.

Theo tôi, những bài thơ mới nhất của Nguyễn Khoa Điềm trong tập thơ “Cõi lặng” và những bài thơ công bố gần đây của ông, cho thấy một năng lực thơ tiềm tàng với những mong muốn đưa thi ca Việt Nam đến gần với những cách tân của thi ca thế giới. Trong xu hướng ấy, cần khẳng định một ưu điểm nữa của thơ Nguyễn Khoa Điềm là sự tiếp cận của ngôn ngữ thơ hướng tới những vỉa tầng của hệ thống ngôn ngữ triết luận. Điều làm nên sự khác biệt giữa một nhà thơ và một triết gia chính là cái nhìn triết lý của nhà thơ được “mã hóa” bằng ngôn ngữ thi ca - ngôn ngữ của biểu tượng cảm xúc và tính suy tưởng.

Với bài thơ “Nói với các nhà văn quá cố”, Nguyễn Khoa Điềm đã làm nên sự khác biệt ấy:

Tôi có điều may mắn/ Là sau ngày các anh ra đi/ Còn đọc được đôi ba quyển mới các anh chưa đọc/ Vui với trận bóng đưa Việt Nam vào vô địch/ Chăm chú theo dõi cuộc bầu cử tận nước Mỹ xa xôi/ Nhận ra nhiều người già đi quá nhanh sau ngày vắng mặt/ Tôi còn có thể đi bộ một mình trên phố dài/ Từ hiệu sách đến quầy bán thức ăn cảnh/ Để hỏi thăm về chữ nghĩa, cách cá đẻ trứng, đôi khi chỉ số thị trường chứng khoán (cái mà tôi mù tịt)/ Và yên lòng mình chưa thua thiệt/ Ngày cuối năm buồn tẻ/ Tôi may mắn hơn các anh/ Còn gặm được khúc xương chớm mùi hóa thạch/ Trên những bản tin kinh tế ngọt ngào/ Của đủ loại báo, đài, internet/ Tôi nói thầm/ Giá như các anh sống lại/ Ngồi vào bàn viết, bên tôi/ Chắc các anh sẽ nheo mắt cười/ Tha thứ cho chúng tôi đã sống dai đến vậy

Xả rác ở các nhà xuất bản nhiều đến vậy/ Mà được gì cho cuộc sống hôm nay?/ Còn tôi/ Trong cơn mưa lạnh cuối năm như vãi cát vào mặt/ Cúi xuống tờ giấy trắng trơ như cánh đồng sau vụ gặt/ Nhớ đến những thợ cày lực lưỡng đã đi xa/ Lòng quặn đau rằng đất không thể ở không/ Giấy phải làm ra chữ/ Kẻ đến sau lại phải vun trồng/ Cho đến chết với từng hạt, từng hạt…

Qua sự liên tưởng giữa người cầm bút và người cày ruộng trong bài thơ trên, cái điều mà Nguyễn Khoa Điềm muốn gửi gắm, tâm sự với các bạn văn trên cánh đồng văn chương ấy chính là sứ mệnh cao cả, là công việc vô cùng khó nhọc “lao tâm khổ tứ” của người cầm bút trong những tháng năm qua, khi nhà thơ tưởng nhớ tới những đàn anh văn chương đã một đời lao lực vì chữ nghĩa như “những thợ cày lực lưỡng” trên những thửa ruộng ngôn ngữ đã nhiều năm “mất mùa” với mơ ước chăm sóc, vun trồng từng hạt văn chương khi “đất ruộng không thể để không và giấy phải làm ra chữ”.

Và, có lẽ sự chiêm nghiệm của thi ca đang hướng Nguyễn Khoa Điềm tới những chân trời mới của sự sáng tạo và bài thơ “Kính tặng Nguyên Hồng” dưới đây là một chân dung nhà văn đích thực đã được ông khắc họa như một thợ cày lao lực trên cánh đồng nhọc nhằn của ngôn ngữ:

Ông ngã xuống như một người lao lực trên trái đất/ Ngã xuống thớ đất mình vừa lật lên/ Không có nghĩa bóng ở đây/ Bởi vì/ Ông là Nguyên Hồng/ Nhà văn Nguyên Hồng/ Nhà thơ Nguyên Hồng/ Và ngoài cái đó/ Ông chỉ là con người lao lực Nguyên Hồng./ Tôi tin tưởng/ Trên mặt đất này/ Mọi điều ác, sự giả trá, sự vô tâm sẽ rơi xuống/ Cả sự nản lòng sẽ rơi xuống/ Bởi vì trên thớ đất mà ông lật lên/ Qua ngàn trang viết/ Sẽ mọc lên ngọn lửa của hạnh phúc/ Ôi giá chi anh có thể băng qua nửa triền đất nước/ Đến dưới mây trời tháng Năm của Yên Thế ngàn lau/ Được bưng trên tay một tảng đất ông vừa cày cuốc/ Phút cuối đời/ Còn run rẩy/ Ấm nồng/ Cảm nhận hết sức nặng đất đai, cuộc sống.../ Bây giờ lòng đất đỏ tươi/Ấp ủ cho ông

Cũng như ông ấp ủ cho mỗi chúng ta/

Trên từng trang viết mới...

Có lẽ đúng như vậy, không phải chỉ với cố nhà văn Nguyên Hồng mà ngay với cả nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, trên cánh đồng ngôn ngữ văn chương nhọc nhằn gắn với số phận thăng trầm của mỗi người cầm bút - những người thợ cày lực lưỡng vẫn mơ ước: “Qua ngàn trang viết/ Sẽ mọc lên ngọn lửa của hạnh phúc”.

Nguyễn Việt Chiến
.
.