"Phôộc năng xừ" cổ vật của người Khùa

Thứ Bảy, 10/04/2021, 14:06
Mới cuối tháng ba mà gió Lào đã thổi. Tôi vừa ngược chiều những cơn gió nóng ấy để đến nhà Hồ Thoong, con trai của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND), đại úy Công an vũ trang Hồ Phòm ở bản Hà Vi, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình.


Giữa buổi sáng, ông đã vào cơn say, ngồi gục gặc mái đầu bạc bên bậu cửa. Đôi mắt chập chờn hoang dại. Có vẻ quá quen với những vị khách không mời mà đến nên vừa thấy chúng tôi, ông đã vẫy tay bảo “Lên đây!” có vẻ rất khinh khi. Tôi nói với ông rằng, tôi muốn tìm một cuốn sách cổ. Vừa nghe, Hồ Thoong bật dậy như lò xo nén chặt, nở nụ cười thiệt thà “Tưởng con buôn lên mua mật oong?!”. 

Tôi bật cười, tự nhìn lại cơ thể nhẫy nhụa mồ hôi, lấm lem bụi đỏ của mình. Có lẽ Hồ Thoong có lý. Không vì tiền chẳng can cớ chi mò mẫm đến chốn này giữa ngày nắng gió khốc liệt. Thay cho lời chào, ông đưa tôi chén rượu nồng chua, có lẽ đã được rót ra từ đêm qua, rồi lặng lẽ quay vào góc nhà, đầu cúi thấp đến nỗi mái tóc bạc trắng lòa xòa xuống sàn gỗ, hai tay cung kính chắp trước ngực và bắt đầu lầm rầm khấn vái... 

Thi thoảng Hồ Thoong lại thít lên một tiếng rất dài qua kẽ răng... Không biết Hồ Thoong đang cầu khấn điều gì nhưng ông đã kéo chúng tôi vào khoảng không gian linh thiêng được khu biệt trong ngôi nhà sàn bên sườn núi. Đột nhiên, một cơn gió mang hơi lạnh lùa vào khung cửa nhỏ. Hồ Thoong rùng mình. Tất cả chúng tôi rùng mình. Hình như nghi lễ xin thần linh mở báu vật của Hồ Thoong đã linh nghiệm. Ông kính cẩn lấy từ trên mái nhà xuống một ống nứa nâu bóng, nâng lên quá đầu và nói rất to:

Ông Hồ Thoong và sách lá.

- Phôộc năng xừ! Sách lá!

Cuốn sách mà mỗi trang là một phiến lá dài, được kết nối với nhau bằng cách đục hai lỗ tròn ở hai đầu và xâu lại bằng những chiếc dây rừng nhỏ mà bền dai. Trên mỗi trang sách là những hàng chữ ngoằn ngoèo rất lạ. Do đã rất lâu đời nên màu lá ngả úa vàng nhưng tuyệt nhiên không có dấu hiệu mối mọt, mục ruỗng. Những nét chữ khắc trên đó vẫn nguyên màu và sắc nét. Đó là cổ vật độc bản tôi đang đi tìm.

*

Khùa là tộc người thuộc nhóm Bru Vân Kiều. Ở Quảng Bình, người Khùa tập trung chủ yếu ở các xã vùng rẻo cao Trọng Hóa, Dân Hóa, huyện Minh Hóa. Quả nhiên, ở nơi đỉnh núi chạm mây trời đã mặc định tập quán sống, tính cách sống của người Khùa. Đó là cuộc sống huyền bí mà tự do, thảo dã mà tế nhị thủy chung. Người Khùa nhờ sức mạnh của núi để tồn tại. Ngẫu nhiên, chưa bao giờ những ngôi nhà của họ vượt ra ngoài bóng núi. Cũng như chưa bao giờ người Khùa kiếm sống vượt ra ngoài lòng núi. Núi ban cho họ linh hồn, lo cho họ nếp nhà, lo cho họ nguồn sống. 

Sách lá của người Khùa là sự kết hợp tinh tế của Thiên- Địa- Nhân. Lá cây ở trên rừng. Loại mực lấy từ mật của loài cá dưới suối. Và trí tuệ của người Khùa. Tất cả quyện hòa chan chứa vào nhau để tạo thành một sản phẩm văn hóa vật thể - phi vật thể để đời qua hàng thế kỷ. Lá vẫn nguyên lá, mềm mại và phẳng phiu. Mực vẫn tươi màu mực, đen nhức và sắc nét. Ở đây mọi khái niệm “hiện đại” và “công nghiệp”, “không gian” và “thời gian” đều bị khuất phục. 

Cội nguồn sách lá cho tôi những hoài nghi, lá cây nào có thể biến thành những trang sách?! Con cá nào có thể tiết ra thứ mật đắng để làm nên màu chữ?! Thứ dây rừng bền dai nào để kết nối những phiến lá nhỏ?! Người Khùa nào có bộ óc vỹ đại sáng chế ra cuốn sách mang tính hữu cơ toàn phần này?! 

Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Đinh Thanh Dự cho tôi hay: Sách lá ra đời cách nay khoảng hơn 200 năm, được viết bằng chữ Lào cổ bởi người Khùa vốn có gốc gác từ Lào. Sau một thời gian định cư trên đất Việt, người Khùa quen dùng tiếng Việt, quên dần tiếng Lào. Số người đọc được chữ Lào cổ ngày càng ít.  Sách lá trở thành ẩn số. 

Tuy nhiên với phương thức truyền miệng dân gian, những huyền thoại ghi chép trong Sách lá vẫn được lưu giữ trong cộng đồng người Khùa Minh Hóa. Chủ yếu tập trung ba nhóm đề tài chính, gồm: Sách văn thơ chép những câu chuyện tình yêu lứa đôi, tình yêu cuộc sống; sách gia phả chép lại lịch sử, phong tục tập quán và những lời răn dạy hiếu- lễ- nghĩa...; sách võ thuật chép lại những kỹ năng rèn luyện và bảo vệ sức khỏe trước thiên nhiên, cách đối phó với thú dữ...

Sách lá của người Khùa.

Nguồn gốc ra đời và những câu chuyện thú vị của “Phôộc năng xừ” hấp dẫn tôi. Vượt qua sự e dè ban đầu, tôi xấn xổ đến ngồi bên Hồ Thoong để có thể nhìn rõ hơn cổ vật. Sỹ quan biên phòng Trương Vỹ Lê nhẹ nhàng níu tôi lại với lời nhắc rất nhỏ “Mình không được ngồi đó?”. Hồ Thoong gật đầu nhất trí. 

Thì ra tôi đã quên mất thân phận đàn bà của mình. Trong ngôi nhà của người Khùa, đàn bà không được phép lảng vảng trong gian chính. Bởi đó là chỗ thần linh ngự trị. Hồ Thoong vẫn ngồi xếp bằng tròn trên chiếc chiếu cũ và cáu bẩn. Những ngón tay khô khẳng của ông vuốt rất nhẹ lên những hàng chữ ngoằn nghoèo uốn lượn trên phiến lá dài và hẹp. 

Nghe nói ngày xửa ngày xưa có mấy vị nhà sư Lào sang dựng chùa mở nghiệp tu trên đất Minh Hóa mang theo những cuốn sách đặc biệt này. Tôi bỗng thấy thấp thoáng sau hàng chữ uốn lượn kia những ngón tay cong vút thuôn dài, những bắp chân trần thon thả, những eo cong, những mông uốn, ngực đầy của những cô gái Lào nở nang xuân thì đắm say vũ khúc Lăm Vông. Gương mặt Hồ Thoong, đôi mắt Hồ Thoong sáng lên ma mị và ông ta nói như nhập đồng về cuốn sách. Cụ thể nhưng đầy tính giáo dục. Đơn giản và không giáo điều.

Người Khùa tự hào có “Phôộc năng xừ”. Hàng trăm năm qua hay có thể là dài lâu hơn nữa, dù đọc được hay không đọc được, những câu chuyện truyền miệng từ “Phôộc năng xừ” trở thành ánh sáng soi rọi từng bước chân trần dò dẫm trên mỗi mỏm núi của người Khùa. Lũ trẻ nhà Hồ Thoong mới dang nắng từ dưới suối lên. Tất cả trần truồng và đen bóng. Thấy nhà có khách lạ, cả bọn bu kín cửa, râm ri bàn tán chuyện gì bằng tiếng Bru. Một lúc sau thì im bặt. 

Có lẽ chúng bị câu chuyện của Hồ Thoong thu hút. Những đôi mắt mi cong, mày rậm đen tròn mở to. Những cái miệng nho nhỏ há ra mặc cho nước dãi chảy tràn. Mũi xanh quệt ngang, quệt dọc. Nhưng có hề gì bởi chúng đang lớn lên dưới bóng núi, như người Khùa bao đời qua nấp trong nách của núi để tồn tại vững bền. 

Chuyện của Hồ Thoong không đầu, không cuối. Có chuyện nằm ở trong “Phôộc năng xừ”. Và có cả những chuyện ở ngoài dân gian. Từ chuyện vị thần Ku Lôông huyền thoại đi mây về gió, đội trời, đạp đất bảo vệ cuộc sống người Khùa đến chuyện cha ông, Anh hùng LLVTND Hồ Phòm - điệp báo viên gan dạ trên hai mái Trường Sơn cùng người Khùa tham gia đánh giặc cứu nước thời chống Mỹ. Hồ Thoong nói rằng, cuốn sách đặc biệt này là của ông cố trao lại cho cha ông, cha ông trao lại cho ông, một mai ông cũng sẽ trao cho con trai ông. Tất cả như nhất một lời dặn: “Cố mà giữ lấy. Đó là báu vật tinh thần của người Khùa”.

“Phôộc năng xừ!”. Trong thế giới của người Khùa là báu vật linh thiêng. Bởi thế cho nên dù đã quá tuổi trăm năm, “Phôộc năng xừ” vẫn không rêu phong cũ mốc. “Phôộc năng xừ” vẫn sống lung linh trong tâm thức người Khùa, thanh lọc cốt cách người Khùa bằng thứ văn hóa vô hình nhưng đầy uy lực, văn hóa thần. 

Mặc nhiên “Phôộc năng xừ” nói lên bản sắc văn hóa Khùa, triết lý nhân sinh Khùa. Hồ Thoong vẫn luôn tay lật giở những trang sách, mắt nhìn vợi xa lên đỉnh núi... Có lẽ đó là lúc Hồ Thoong tiếp thêm tinh thần Khùa từ “Phôộc năng xừ”. Cuốn sách mang dáng hình mảnh khảnh và tinh khiết như thân thể, như tâm hồn tân nữ Khùa buổi ban mai.

Trương Thu Hiền
.
.