Phan Nhân và mối tình sâu nặng

Thứ Bảy, 05/08/2017, 08:01
"Tôi chăm ông ấy gần 2 tháng trong bệnh viện, đã dặn kỹ là khi nào thấy sắp đi thì nhớ nhắc tôi. Vậy mà lừa lúc tôi vắng mặt, ông ấy ra đi liền. Chơi gì kỳ lạ. Đã hứa với nhau rồi!".


Đó là lời NSƯT Phi Điểu - phu nhân của nhạc sỹ Phan Nhân - nói với mọi người sau phút lâm chung của người nhạc sỹ tài hoa gắn với nhiều bài hát nổi tiếng làm rung động trái tim hàng triệu thính giả.

Số là cách đây 2 năm, ở tuổi 85, nhạc sỹ Phan Nhân rất yếu, phải vào bệnh viện điều trị. Tiên liệu được giây phút vĩnh viễn ra đi của chồng đã cận kề, bà Phi Điểu dặn đi dặn lại chồng rằng khi nào thấy sắp "đi" thì phải cho bà biết ngay. Nhưng khi ấy, Phan Nhân đã không còn tỉnh táo nên không thể nhớ lời vợ dặn.

Bà Điểu thì phải chạy qua chạy lại lo cho ông nên cũng có lúc không thể ở cạnh chồng. Thế là sau đó ông đã nhắm mắt đúng lúc bà không có ở bên khiến bà không thể nói với ông được điều gì ở cái giây phút cuối cùng đó. Và bà trách ông là "Chơi gì mà kỳ lạ. Đã hứa với nhau rồi". Một lời trách thật dễ thương, khiến ai dễ xúc cảm nghe có thể rơi nước mắt.

Công chúng yêu âm nhạc không thể không biết tên tuổi nhạc sỹ Phan Nhân (1930-2015) gắn với những bài hát sống mãi với thời gian như "Nhớ về Pác Bó", "Tiếng hát gửi dòng sông quê hương", "Tình ca đất nước", "Em ở nơi đâu?", "Chú ếch con" (ca khúc thiếu nhi)... Và đặc biệt là bài "Hà Nội - niềm tin và hy vọng" đã đưa ông lên hàng những nhạc sỹ nổi tiếng nhất trong làng sáng tác ca khúc ở nước ta. Bài hát này ra đời năm 1972 giữa những ngày B52 của giặc Mỹ quần thảo trên bầu trời Hà Nội và ném bom xuống phố Khâm Thiên, An Dương và nhiều địa điểm khác.

Trong khi tất thảy mọi người sau khi nghe tiếng còi báo động đều xuống hầm trú ẩn thì Phan Nhân ngược lại, đã leo lên tầng thượng ngôi nhà ở Hà Nội để nhìn cho rõ những luồng đạn của quân dân ta bắn máy bay địch và có thể sẽ được nhìn thấy máy bay Mỹ trúng đạn bốc cháy, rơi xuống. Quả đúng như vậy. Chứng kiến máy bay địch bị bắn rơi, ông vô cùng phấn khích.

Nhạc sỹ Phan Nhân.

Ngay trong đêm đó, ông đã hoàn thành bài hát có giai điệu rất đĩnh đạc, hoành tráng, dạt dào âm hưởng chiến đấu và chiến  thắng với lời ca dung dị nhưng vô cùng sâu sắc: "Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời/ Càng tỏa ngát hương thơm hoa thủ đô/ Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô/ Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau…". 

Với những thành tựu đáng kể trong sáng tác, năm 2001, Phan Nhân được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Sở dĩ ông làm nên sự nghiệp như vừa nói là do có được người vợ rất đỗi thủy chung, tảo tần, tận tụy chăm lo cho ông suốt một đời gắn bó. Ông bà đến với nhau từ những ngày cùng hoạt động trong Đoàn Văn công Giải phóng rồi cùng ra Bắc tập kết sau hòa bình lập lại (1954), lại cùng làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông ở Ban Biên tập âm nhạc, lo phát sóng các chương trình ca nhạc. Bà là phát thanh viên.

Nhưng bà Phi Điểu không chỉ là "cái bóng" đằng sau ông mà cũng có nhiều đóng góp trong công tác và hoạt động nghệ thuật. Một thời gian dài, người nghe đài rất quen thuộc giọng đọc với chất Nam Bộ ngọt ngào, truyền cảm của bà. Sau ngày đất nước được hòa bình, thống nhất (30-4-1975), hai vợ chồng bà chuyển về công tác ở Đài Phát thanh TP Hồ Chí Minh. Khán giả cả nước còn được "gặp" bà trên màn ảnh nhỏ với nhiều vai diễn trong các phim truyền hình. Bà thường được các đạo diễn mời đóng vai những người vợ, người mẹ nhân hậu, độ lượng, giàu lòng nhân ái, vị tha.

Tôi quen biết nhạc sỹ Phan Nhân từ rất lâu - những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Lúc ấy ông làm việc ở Ban Âm nhạc tại 58 Quán sứ, Hà Nội cùng với một số nhạc sỹ người miền Nam khác như Lưu Cầu, Bửu Huyền, Triều Dâng và các nhạc sỹ miền Bắc: Phạm Tuyên, Hồ Bắc, Lê Lôi…

Cũng bởi trước khi gặp Phan Nhân, tôi đã rất thích bài "Tiếng hát gửi dòng sông quê hương" của ông. Vì thích mà tôi đã chủ động làm quen. Khi ấy, tôi vừa mới tốt nghiệp Đại học Văn khoa, bắt đầu tập toạng sáng tác ca khúc nên rất thích được gặp và tiếp xúc với những nhạc sỹ có bài hát nổi tiếng mà mình ưa thích. Có vị có thể do bận rộn gì đó mà không mấy nhiệt tình tiếp tôi. Nhưng Phan Nhân thì khác hẳn.

Ngay ở lần đầu tiên tiếp xúc, đã thấy ông rất thân quen và tôi lưu giữ được ấn tượng sâu đậm nhất về ông là sự bình dị, khiêm tốn. Khi tôi nói bài "Tiếng hát gửi dòng sông quê hương" của ông rất hay, nghe thật bồi hồi, da diết, mới nghe qua một lần, tôi đã dễ dàng nhập tâm để rồi luôn hát bài này mỗi khi có dịp thì ông bảo đó là nhờ tài thể hiện của ca sỹ Trần Khánh, chứ bản thân tác phẩm của ông không có gì đặc biệt. Về điều này thì tôi thấy ông khác hẳn nhiều người sáng tác khác.

Thường thì dễ "văn mình, vợ người", tự đề cao tác phẩm của mình, còn thì coi thường sáng tác của người khác. Và không ít nhạc sỹ đã cho rằng tác phẩm của mình thì hay nhưng ca sỹ hát không tới, đã làm giảm sút giá trị. Phan Nhân thì ngược lại, rất ghi nhận tài năng của Trần Khánh.

Ngày ông còn trên dương thế, NSƯT Phi Điểu hết mực chăm sóc chồng.

Thời gian này tôi đã bắt đầu có một, hai bài được thu thanh, phát sóng nên rất hào hứng sáng tác. Trước khi nộp bài cho Ban biên tập nhạc để duyệt, tôi đều tìm cách gặp bằng được Phan Nhân để nhờ ông góp ý, có thể sửa chữa thêm. Không bao giờ ông tiếc thời gian để nhiệt tình chỉ bảo. Có bài ông nói thẳng với tôi: "Bài này không được. Em gửi sẽ bị từ chối". Ông nói rõ lý do là lời thì hay nhưng giai điệu có phần ủy mỵ, không phù hợp với không khí chiến đấu và chiến thắng khắp hai miền Nam, Bắc khi ấy.

Vì rất tiếc nên sau đó tôi đã không nghe lời ông, cứ gửi. Và kết quả là bài bị "đổ" với lý do đúng như ông nói. Sau đó, gặp ông ở Đài, tôi rất ngượng vì đã không nghe lời ông, "cố đấm ăn xôi" gửi bài lấy được để một lần "mất uy tín" với Ban biên tập (Phan Nhân cũng là một thành viên ngồi duyệt tác phẩm). Như đọc được tâm lý của tôi khi ấy, ông nói rất chân tình: "Người viết nào cũng dễ chủ quan và tiếc tác phẩm của mình nếu không được sử dụng. Lúc mới viết, anh cũng như vậy, còn không nghe người khác góp ý nữa kia".

Và ông động viên tôi chớ nản, cứ tiếp tục gửi bài, nhưng nên tự chọn lọc và khó tính với mình. Sau đó, có đến cả năm tôi không gửi bài nào nữa. Ông nói với tôi: "Sau lần đó, em nản rồi à? Thế thì không thành công được đâu. Nhiều nhạc sỹ nổi tiếng vẫn bị đổ bài đấy".

Thế rồi sau ngày 30-4-1975 một thời gian, đến Ban Biên tập Nhạc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi không thấy có Phan Nhân nữa. Hỏi ra mới biết ông đã chuyển vào Sài Gòn làm việc và sinh sống. Thế là từ đó, tôi không được hỏi ý kiến của ông về tác phẩm của mình mỗi khi có ý định gửi bài đến Đài. Và tôi rất nhớ ông.

Tuy có nhiều dịp gặp Phan Nhân thời gian ông còn làm việc ở Hà Nội như đã nói, nhưng tôi chưa một lần hỏi thăm ông về gia đình, gia cảnh. Chỉ biết đó là một nhạc sỹ người Nam Bộ có giọng nói rất tình cảm, có bài hát mình ưa thích và chắc chắn phải là người tập kết ra Bắc hồi sau năm 1954 như nhiều cán bộ miền Nam khác. Và tôi đã không thể biết người phụ nữ có giọng phát thanh cũng tiếng Nam Bộ trên Đài lúc ấy là Phi Điểu chính là vợ ông.

Bẵng đi khá lâu, cho tới mấy năm gần đây, tình cờ tôi xem được một bộ phim truyền hình dài tập có tên "Blu trắng" về đề tài ngành y. Theo ý của riêng tôi, cho đến lúc đó, đây là bộ phim truyện truyền hình Việt Nam hay nhất. Trong mấy nhân vật xuất hiện nhiều trong phim, tôi đặc biệt có cảm tình với nhân vật người mẹ của bác sỹ Thanh. Diễn viên vào vai này có thể nói là xuất sắc với lối diễn dung dị, rất nhập vai, diễn mà như không, để lại cho người xem ấn tượng thật thú vị.

Gương mặt diễn viên này trước đó (trước khi bộ phim "Blu trắng" ra đời), tôi chưa thấy xuất hiện. Sau đó, một nhạc sỹ cho tôi biết đó là Phi Điểu - vợ của nhạc sỹ Phan Nhân, đồng thời từng là phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đó về sau, thỉnh thoảng tôi lại thấy bà xuất hiện trong các phim truyền hình, toàn những vai phụ nữ có tuổi, là những bà mẹ đôn hậu, lam lũ.

Bà Phi Điểu hoạt động nghệ thuật khá thầm lặng, không bao giờ người ta thấy bà lên báo chí phát biểu gì. Bà giống chồng - nhạc sỹ Phan Nhân - ở điểm này. Và bà chăm sóc chồng cũng âm thầm, lặng lẽ, tận tụy hết mình để chồng yên tâm sáng tác. Khi Phan Nhân đổ bệnh, sức khỏe đã yếu nhiều, biết chồng thích ăn cháo nấu cá lóc, sáng sáng bà tìm đến chợ mua bằng được  cá lóc về nấu cho ông ăn. Bà đã dừng hẳn việc đóng phim để chăm sóc ông 24/24 tiếng. Đây là một trong không nhiều những cặp vợ chồng cùng là nghệ sỹ, sống thủy chung, trọn vẹn nghĩa tình, yêu thương đằm thắm cho đến phút chót của cuộc đời. Hai người đều rất trân trọng công việc của nhau và tạo mọi điều kiện để cùng đạt được những thành tựu cao nhất trong khả năng của mình.

Vậy nên lời trách chồng của NSƯT Phi Điểu sau khi nhạc sỹ qua đời thật cảm động làm sao.

Nguyễn Đình San
.
.