Peter Bille Larsen - Quyền của người A Rem

Thứ Năm, 11/03/2021, 15:58
Giáo sư, Tiến sỹ nhân chủng học Peter Bille Larsen, người Đan Mạch, hiện là giảng viên Trường đại học Zurichs và Geneva, Thụy Sỹ. Tôi gặp Peter khi anh đến Quảng Bình để thực hiện Dự án “Nghiên cứu về quyền con người và bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số trong khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng”.


“Chào mừng Peter đã đến Quảng Bình!” Rất bất ngờ, Peter đáp lại tôi với giọng Quảng Bình thiếu dấu rất dễ thương. “Không phải đến mà trở lại chơ. Em người Quảng Bình mà!” Thì ra Peter đã có hơn 20 năm gắn bó với quê hương tôi. 

Để tiếp cận người dân nhiều hơn trong quá trình nghiên cứu, Peter học tiếng Việt, nói tiếng Quảng Bình rất giỏi, kể cả phương ngữ Quảng Bình, mô tê răng rứa, eng ả cụ rì... Peter biết rất nhiều các di sản trên thế giới, nhưng “Đi mô thì đi, em vẫn thích Quảng Bình, thích Phong Nha - Kẻ Bàng nhất”. 

Đến Quảng Bình hôm trước, hôm sau anh chàng mang ba lô lên Phong Nha. Một ông Tây kềnh càng, mang chiếc ba lô trên lưng cũng kềnh càng không kém nhưng đi đường rừng nhanh thoăn thoắt. Đồng bào A Rem sống trong vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thân thuộc với Peter như người nhà. Thấy Peter, dân bản ùa nhau ra đón “Ô, Peter! Peter tề! ”. 

Lần nào cũng vậy, trong mớ bòng bong Peter nhồi nhét vào chiếc ba lô của mình có cả những phong socola anh mang từ Thụy Sỹ sang làm quà cho bọn trẻ. Không được nhiều vì lũ trẻ trong bản đông, mỗi đứa chỉ được bẻ một miếng vuông vuông nho nhỏ thế mà chúng nó hồ hởi, phấn khởi vô cùng, bu bám Peter suốt ngày, kể cả khi anh vào rừng sâu tìm hiểu những hang đá của người ARem.

Peter từng là cố vấn của Dự án “Bảo tồn Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng” do Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới thực hiện. Hiện nay, anh đang tham gia Dự án “Nghiên cứu về quyền con người trong hệ thống di sản thế giới”, tập trung vào các nước Châu Á – Thái Bình Dương. Công việc đòi hỏi Peter tiếp xúc nhiều với đồng bào tộc người A Rem. 

Anh đặc biệt thông cảm trước những biến động trong cuộc sống của đồng bào kể từ khi Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành Di sản của nhân loại. Mỗi lần Peter đến Phong Nha - Kẻ Bàng, thời gian là vàng. Anh di chuyển liên tục trong khu vực di sản, đến hầu khắp các bản làng và thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn đối với người dân. 

Biết tôi công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, Peter ngỏ ý xin rất nhiều sách. Chủ yếu sách nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc thiểu số. 

Theo anh, “Những hiểu biết về văn hóa địa phương, tri thức bản địa của cộng đồng các dân tộc rất cần thiết trong công tác bảo tồn di sản. Khi các mối quan hệ về văn hóa, sinh kế và sử dụng tài nguyên lâu dài trong khu vực được giải quyết hài hòa việc bảo tồn di sản mới bền vững”.  

Peter đặc biệt quan tâm đến tộc người ARem ở Phong Nha. Peter không nói, nhưng tôi nghĩ, anh có thể làm tất cả để bảo vệ tộc người này trước sự “xâm lăng” của nền văn minh hiện đại.

Người ARem thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều, sinh sống chủ yếu ở hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Già làng của người A Rem Đinh Rầu nói rằng: “Đất tổ của người A Rem là rừng. Rừng cho ta hình hài và linh hồn, lại cho ta tồn tại cả khi sống và khi chết. Nếu ta triệt phá rừng ta sẽ sống ở đâu? Khi chết, linh hồn ta sẽ trú ngụ ở đâu? Mỗi cái cây ở đây có thể cho ta nước để uống, cho ta lá tươi, trái ngọt để ăn. Mỗi cái cây lại là nơi trú ngụ của một linh hồn. Vậy nên người A Rem biết ơn rừng. Không thể rời xa rừng”. 

Lần theo dấu chân di thê của người A Rem, tôi hiểu hơn điều già làng Đinh Rầu nói. Kể từ điểm mốc đầu tiên đánh dấu sự hiện diện của người A Rem năm 1956 đến nay, có 3 lần người A Rem bỏ bản trở lại sống trong những hang đá giữa rừng sâu. 

Các cuộc chuyển nhà đơn lẻ diễn ra thường xuyên. Có gia đình ở bản vài ngày, ở hang vài ngày. Nhiều người già ở hẳn trong hang đá. Đinh Rầu cũng có một hang đá như thế. Tôi hỏi Đinh Rầu vì sao, ông trả lời  “Nhớ rừng!”.  

Đã từ lâu, Peter Larsen là bạn của Đinh Rầu. Lên Phong Nha, anh ở nhà ông ấy. Có lần Đinh Rầu còn rủ Peter ngủ trong hang đá của mình, nên Peter rất hiểu người A Rem. 

“Chị biết không, đây là tộc người đối xử đặc biệt tôn kính với thiên nhiên hiếm hoi trên thế giới mà em được tiếp cận nhiều lần. Em rất thích cuộc sống của họ. Nếu di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng không có người A Rem và văn hóa độc đáo của họ, di sản sẽ mất hồn vía. Vậy nên, chúng ta phải cố gắng bảo tồn họ...”. 

Tôi cũng đã nhiều lần đến với đồng bào nên đồng cảm với Peter. Người A Rem coi núi là cha, rừng là mẹ. Đi cùng Đinh Rầu, nhìn cách ông xử sự với mỗi cái cây bên lối đi, cách ông rẽ từng sợi dây leo buông xuống trước mặt mới hiểu ông thượng tôn thiên nhiên đến thế nào. 

Họ biết đủ, không tìm ăn theo kiểu thảm sát. Họ biết nơi đâu là rừng thiêng để cúi đầu, nơi đâu có cây làm thuốc, có cây cho bột, có cây cho nước... để giữ gìn, đặng dùng trong tình huống khẩn cấp giữa mỗi chuyến đi đằng đẵng khắp ngày, khắp đêm, khắp rừng, khắp suối... 

Lấy bất cứ thứ gì từ rừng, con ốc dưới suối, quả chín trên cây, chiếc lá thuốc ven đường... cũng chỉ vừa đủ. Không tham lam vơ vét. Không ích kỷ cá nhân. Đó là văn minh A Rem. Từ khi Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành Di sản thiên nhiên thế giới, người A Rem không còn sống đời tự do săn bắt hái lượm mà phải thực hiện nhiều chế tài nhằm bảo tồn di sản. Điều kiện sinh hoạt hạn chế hơn.

Giáo sư, Tiến sỹ nhân chủng học Peter Bille Larsen trong nhà sàn của người A Rem.

Trong một cuộc hội thảo tầm quốc tế do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Lauzent - Thuỵ Sỹ tổ chức với chủ đề “Sự tham gia của cộng đồng và cách tiếp cận quyền tại các khu Di sản thế giới”, vấn đề quyền của người A Rem được Peter Larsen trình bày trên diễn đàn, làm thế nào để thiên nhiên và con người tồn tại giao hoà và tương tác tích cực chứ không biến thiên nhiên thành chiếc củi vĩ đại giam lỏng con người? Sẽ ra sao nếu Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng không có người A Rem và nền văn minh huyền bí của họ?   

Sau chuyến đi dài vào vùng lõi của Di sản Phong Nha - Kẻ Bàng trở về, Peter có vẻ không vui. Tôi hỏi bâng quơ: “Tình hình thế nào, Peter?” Anh nhún vai, lắc đầu: “Sống trong di sản nhưng người A Rem vẫn khổ. Người ta thu tiền từ dịch vụ du lịch rất nhiều nhưng chủ nhân của nó chẳng được tham gia vào guồng máy kiếm tiền ấy. Rất bất cập đấy!”.

Thực ra những gì Peter nói đã được Chính phủ khẳng định tại Quyết định 209/QĐ- TTg ngày 8 tháng 2 năm 2015 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030. 

Trong đó nhấn mạnh: “Việc bảo tồn văn hóa dân tộc, duy trì dân cư làng bản A Rem gắn với du lịch đặc trưng văn hóa dân tộc ít người, phát triển dịch vụ lưu trú tại nhà dân (stayhome), các không gian tổ chức hoạt động văn hóa, du lịch. Nghiên cứu phong tục, lối sống truyền thống để ứng dụng thiết kế không gian bản làng, nhà ở và các thiết bị công cộng phục vụ du lịch cộng đồng. Kết nối bản A Rem với các thôn bản của xã Thượng Trạch trên tuyến đường 20 Quyết Thắng đi cửa khẩu Cà Roòng...”. 

Các cấp chính quyền và ngành du lịch Quảng Bình cũng có nhiều trăn trở nhằm hài hòa mối quan hệ giữa quyền lợi của đồng bào với bảo tồn di sản, tuy nhiên người A Rem ở Phong Nha vẫn còn thụ động, bị động trong cuộc sống của mình. 

Có lẽ muốn đảm bảo “quyền con người” của người A Rem tại Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng cần có sự phối hợp từ hai phía, chính quyền và đồng bào A Rem, không thể đơn phương từ một phía nào. 

Tôi đề cập vấn đề này với Peter, có vẻ anh đồng ý, gật gật đầu với mái tóc vàng hoe của người Bắc Âu: “Ồ, vậy thì phải giáo dục nhận thức cho đồng bào nhiều hơn nữa phải không?!”.

Lần nào vào Quảng Bình, Peter cũng đến nhà tôi chơi. Anh thích không khí gia đình, thích ăn cơm với cá kho theo kiểu cay cay, mặn mặn của quê tôi và... nói chuyện người A Rem. Một ông tây từ đất nước Thụy Sỹ tươi đẹp, giàu có nhưng sống cả chục ngày trời với người A Rem, cùng ăn, cùng ở từ nhà sàn vào hang đá, cùng tắm suối với lũ trẻ trong bản với niềm hứng khởi vô cùng tận thì chỉ vì quá say mê văn hóa tập quán hoang dã, huyền bí của người A Rem mà thôi.

Trương Thu Hiền
.
.