Ông vua của thể loại tiểu thuyết trinh thám

Thứ Tư, 08/11/2006, 11:00

Thế chiến thứ hai bùng nổ, tác giả trẻ của thể loại truyện tranh được gọi nhập ngũ. Sau chiến tranh, Mickey Spillane trở về với việc sáng tác truyện tranh, nhưng không thu được kết quả đặc biệt. Ông quyết định thử sức trong lĩnh vực văn học trinh thám và đã thành công.

Ngày 17/7/2006, tại nhà riêng của mình ở Charleston, bang Nam Carolina, nhà văn trinh thám Mỹ Mickey Spillane, cha đẻ nhân vật nổi tiếng của văn hóa quần chúng Mỹ, thám tử tư Mike Hammer, đã từ trần ở tuổi 89. Ông là tác giả của những cuốn tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng như: “Súng lục dễ cướp cò”, “Vị ngọt của cái chết”, “Bannerman - tên súc sinh”.

Mickey Spillane được mệnh danh là “vua của tiểu thuyết trinh thám khắc nghiệt”, “chúa tể của những ấn phẩm giấy lộn”. Ông đã sống lâu hơn phần lớn các nhà phê bình và người hâm mộ tài năng của mình.

Ngay từ khi mới bắt đầu sự nghiệp văn chương, Mickey Spillane đã chọn những thể loại văn học đại chúng: truyện tranh và các tạp chí phổ thông. Ông biết một cách hoàn toàn chính xác rằng độc giả của ông là những con người giống như ông: “Tôi viết về những gì mà bản thân tôi thích đọc”.

Nhân vật của ông là một người hùng đơn độc, gan dạ, nhưng không phải không có khiếm khuyết, mê phụ nữ và đấu tranh vì sự công bằng với tất cả mọi phương tiện sẵn có. Mickey Spillane không gán cho các nhân vật của mình những động cơ phức tạp và những dao động tình cảm, họ được chính tác giả hoặc yêu mến hoặc không.

Ở Liên Xô trước đây, bạn đọc được tiếp xúc với các tác phẩm của Mickey Spillane vào thời kỳ cải tổ và chính các tác phẩm của ông đã trở thành biểu tượng của thời đại ấy. Độc giả của Mickey Spillane rất đông đảo và đa dạng: từ những người lái xe đến các em học sinh phổ thông, từ các nhà buôn đến những tên cướp...

Trong số 10 cuốn sách bán chạy (best-sellers) được xuất bản ở Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 1895 đến năm 1965 có 7 cuốn tiểu thuyết của Mickey Spillane. “Thật nhục nhã!” - một nhà nghiên cứu văn học nọ nói với Mickey Spillane. “Ông gặp may vì tôi còn chưa viết thêm ba cuốn nữa” - Mickey trả lời. Có một thời Mickey Spillne được công nhận là tác giả được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất thế giới.

Khác với các đồng nghiệp, nhà văn Mickey Spillane có thể kể nhiều chuyện về cuộc đời vì ông đã nhìn thấy nó ở những góc độ khác nhau.

Frank Morrison Spillane nổi tiếng khắp thế giới với bút danh Mickey. Ông ra đời ngày 9/3/1918 tại Brooklyn trong gia đình một chủ quán bar người Ireland. Tuổi thơ và tuổi thanh niên của ông trôi qua tại thành phố Elizabeth, ngoại ô New York. Sau đó bắt đầu thời thanh niên sôi nổi.

Một thời gian Mickey làm nghề diễn viên nhào lộn trong một gánh xiếc huyền thoại, rồi làm vệ sĩ, diễn viên đóng thế cho các đoàn làm phim, nói chung ông mê điện ảnh suốt đời. Mickey Spillane đã có ý định học để trở thành luật sư, nhưng không thành.

Thế chiến thứ hai bùng nổ, tác giả trẻ của thể loại truyện tranh được gọi nhập ngũ. Mickey đã từng phục vụ trong Binh chủng Không quân, ban đầu là huấn luyện viên ở Trường Hàng không, về sau trở thành phi công chiến đấu. Đã từng tham gia các hoạt động quân sự, nhận được huân chương, Mickey giải ngũ với quân hàm Đại úy lực lượng Không quân.

Sau chiến tranh, Mickey Spillane trở về với việc sáng tác truyện tranh, nhưng không thu được kết quả đặc biệt. Ông quyết định thử sức trong lĩnh vực văn học trinh thám một cách cầu may và đã thành công.

Năm 1947 tiểu thuyết đầu tay của ông “Tòa án đó là tôi” ra đời, đã trở thành một quả bom thực sự và được xuất bản với một tirage hầu như chưa từng thấy thời bấy giờ: 2 triệu bản sau hai năm. Sáu năm sau tại Hollywood, tác phẩm này đã được chuyển thành bộ phim cùng tên.

Thị trường sách đã lên “cơn sốt” bởi sự xuất hiện của nhân vật mới- thám tử tư Mike Hammer. Nơi mà Sherlock Holmes phải vắt óc suy nghĩ rất lâu thì Mike Hammer chẳng nói chẳng rằng thụi một quả đấm vào mặt đối thủ để tìm lời khai.

Những cuộc phiêu lưu tiếp theo của Mike Hammer diễn ra trong rừng rậm New York – các cuốn tiểu thuyết: “Trả thù - quyền của tôi”, “Súng lục dễ cướp cò” (1950), “Vòng máu”, “Một mình vào ban đêm” (1951) - đã gây ra một cơn sốt thực sự. Thậm chí người ta còn kể rằng có một phi công trong lực lượng không quân thậm chí đã đổi đường bay để hạ cánh xuống một thành phố gần nhất có bán cuốn tiểu thuyết mới của Mickey Spillane.

Đương nhiên giới phê bình tỏ ra hết sức giận dữ. Từng có lúc tác giả bị buộc tội là thiên về những cảnh đấm đá tàn bạo, còn bản thân nhà văn thì quả là không mấy đoái hoài tới ý kiến của giới phê bình.

Rất nhiều lần Mickey Spillane thú thật rằng, thứ nhất, ông viết văn chủ yếu vì tiền. “Tấm séc ghi một khoản tiền lớn - đó là tất cả những gì tôi cần thiết, còn âm thanh của chiếc máy đếm tiền trong cửa hàng sách, khi khách hàng xếp hàng lần lượt trả tiền mua tác phẩm của tôi, đối với tôi giá trị hơn bất cứ lời khen nào của các nhà phê bình đạo cao đức trọng”.

Thứ hai, Mickey Spillane chỉ viết lúc nào cần tiền. Chính vì vậy mà khi đã “vớ” được một cục tiền lớn nhờ những cuốn tiểu thuyết đầu tiên về thám tử Mike Hammer, ông đã biến mất 10 năm, để rồi lại xuất hiện vào những năm 1960.

Năm 1970, sau khi xuất bản cuốn “Những chàng trai tàn nhẫn”, Mickey Spillane lại im hơi lặng tiếng gần hai mươi năm trời, để rồi lại lộ diện vào những năm 1990, và sau đó lại xuất hiện một cách tình cờ.

Lao động văn học đủ để Mickey Spillane sống một suộc sống khá sung túc. Thuở hàn vi, khi chưa xây được nhà, ông ngồi viết sách trong lều bạt. Đã từng đóng vai Mike Hammer trong bộ phim “Tay săn gái” và đóng chính mình, một thám tử đang điều tra một vụ giết người trong phim “Vòng vây sợ hãi”, Mickey Spillane thường quảng cáo bia trên màn ảnh. Ông đã ba lần lấy vợ. Ngoài ra, Mickey Spillane còn viết sách cho thiếu nhi, ông tự gọi mình là chiếc kẹo cao su của nền văn học Mỹ.

Vào năm 85 tuổi, nối gót Hemingway, ông đã viết một cuốn sách về đề tài vĩnh cửu “Ông già và biển cả”. Tất nhiên, nhân vật ông già là một cựu nhân viên CIA về hưu, còn lọt vào giữa ông và con cá mập khổng lồ là những tay găngxtơ, nhà tình báo....

Thực chất, thủ pháp chính của Mickey Spillane không có gì mới: ông lấy nó từ các cuốn truyện tranh vốn không đòi hỏi độc giả tưởng tượng và suy nghĩ thêm gì, tất cả đã được tác giả nghĩ ra thay họ. Các cốt truyện mẫu (báo thù cho bạn, chiến đấu vì phụ nữ), các nhân vật điển hình truyền thống (những nhân vật quả cảm, gan dạ, những người phụ nữ bất hạnh, những tên vô lại đáng ghê tởm) và những hoàn cảnh bất thường.

Mickey Spillane rất gần với Karrow John Daily, người sáng lập ra thể loại tiểu thuyết trinh thám tự nhiên, “khắc nghiệt”, tác giả của một số cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng trong những năm 1920. Daily là người đầu tiên đưa  những gã cao bồi của miền Tây hoang dã hai tay cầm hai khẩu súng lục với nguyên tắc “sự công bằng cao hơn luật pháp” tới những đô thị lớn. ở đấy các nhân vật nổi tiếng của văn hóa đại chúng đầu thế kỷ XX đã tìm thấy chỗ đứng thích hợp của mình.

Tất nhiên, Mickey Spillane còn là người kế tục trực tiếp của những nhà văn trinh thám cổ điển nổi tiếng hơn như R. Chandler và D. Hammett. Có điều nhân vật chính của Mickey Spillane, Mike Hammer, hành động một cách thẳng thắn và quyết đoán hơn, anh ta hoàn toàn nhận trách nhiệm về những gì mình làm. Anh ta chỉ phục tùng những quan niệm của mình về lẽ công bằng, không ngần ngại giết chết kẻ đã chịu thua và thu nhặt tất cả những “chiến lợi phẩm” rơi vào tay, không một chút đắn đo. Nếu như nhân vật Philip Marlow của Chandler thích chơi cờ và thơ ca, thì không thể hình dung Hammer với những công việc rất đời thường kiểu đó.

Ở Daily, Spillane vay mượn ý tưởng hành động liên tục, ở Hammett và Chandler - nghệ thuật cốt truyện, bổ sung thêm ngôn ngữ hè phố và sự say sưa những cuộc ẩu đả của mình. Kết quả là Spillane đã xây dựng thành công nhân vật gây được thiện cảm đối với một số lượng độc giả khổng lồ.

Các cuốn sách của Mickey Spillane thực sự là những kịch bản có sẵn đối với điện ảnh, và các đạo diễn hiểu rất rõ điều đó. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên về Mike Hammer xuất hiện năm 1946, còn bộ phim chuyển thể đầu tiên của nó là năm 1953. Đối với những năm sau chiến tranh đó là một khoảng thời gian rất ngắn. Như trên đã nói, bản thân Mickey Spillane đã nhiều lần xuất hiện trong các bộ phim về Mike Hammer. Các tiểu thuyết về thám tử khắc nghiệt đã được chuyển thành ba bộ phim truyền hình dài tập nổi tiếng trong những năm 1950, 1980 và 1990.

Nhìn chung,  Mickey Spillane tỏ ra hài lòng với những gì ông đã làm được. Ông viết: “Tôi được trả nhiều tiền với những tác phẩm viết không tồi... Tôi không có những kẻ hâm mộ. Nhưng bạn biết tôi có gì không? Những người mua sách. Mà những người mua sách là bầu bạn”.

Những năm cuối đời, Mickey Spillane ít xuất hiện ở châu Âu. Năm 2004, ở tuổi 86, trong một bài phỏng vấn ông nói một câu nổi tiếng như sau: “Cho dù tôi không còn khắc nghiệt như những năm xưa, nhưng cho đến nay tóc trên đầu tôi vẫn là tóc thật và mắt không phải đeo kính”.

Quả đúng như vậy

.
.