Nửa thế kỷ "Tình biển nghĩa sông"

Thứ Sáu, 15/11/2019, 07:30
Nhà thơ Hoàng Thoại Châu (tức nhà báo Ba Thợ Tiện) vừa ra mắt tuyển tập "Tình biển nghĩa sông" - những bài thơ được ông viết trong những năm tháng khói lửa chiến tranh. Sau đúng 50 năm, tập thơ yêu nước này mới được "khai sinh" đàng hoàng để chính thức nằm trong tay độc giả gần xa.


"Tình biển nghĩa sông" được in lần đầu vào tháng 9-1969. Nhưng là in... chui! Đây là tập thơ đầu tay của tác giả nhưng rồi lại biến thành tập thứ hai có mặt trên thi đàn. Suốt nửa thế kỷ, số phận tập thơ này ẩn chứa vô số điều ly kỳ. Hơn 30 bài thơ là hơn 30 tiếng lòng với những trăn trở, đau đáu rất đỗi chân thành, tha thiết của người thanh niên yêu nước khi sống trong cảnh chiến chinh.

Quá khứ và hiện tại, làng quê và thành thị, chốn thiền định và nơi trần tục… như mảng màu đối nghịch để làm bật lên khát vọng hòa bình, tình nghĩa đồng bào, nước non. Biết là liều nhưng Hoàng Thoại Châu vẫn nuôi hy vọng khi mang tập thơ đến Nha Kiểm duyệt tại Sài Gòn xin giấy phép in "Tình biển nghĩa sông".

Mới xem qua bản thảo, người đại diện Nha Kiểm duyệt là nhà văn Võ Phiến mời ngay vị tu sĩ trẻ tuổi của chùa Ấn Quang vào gặp: "Chúng tôi trân trọng tác phẩm của Đại đức nhưng chúng tôi rất tiếc. Nếu Đại đức gởi cho chúng tôi một tác phẩm nhẹ đô hơn, tôi sẽ ký ngay. Ký tại chỗ. Đã không đồng ý với nhạc Trịnh Công Sơn thì không có lý gì chúng tôi lại cho in thơ của Hoàng Thoại Châu".

Nhà thơ Hoàng Thoại Châu.

Nghe theo lời khuyên của nhà văn Võ Phiến, Hoàng Thoại Châu tập hợp ngay các bài thơ được viết từ thuở học trò thành tuyển tập "Áo trắng ngày xưa". Đương nhiên, tập thơ tình đầy mộng mơ và hoa bướm này nhanh chóng được cấp phép. "Áo trắng ngày xưa" đúng chuẩn là tuyển tập thơ mang hơi hướm Thơ Mới, đầy tình tự, lãng mạn.

Tuy vậy, ngay từ thuở khoác áo thư sinh, thơ tình Hoàng Thoại Châu đã nặng nợ quê hương, thấm thía nỗi đau mất nước. "Ngày xưa áo trắng ngây thơ/ Em ngoan tuổi mộng, anh chờ trắng canh/ Rồi tang thương ngập quê lành/ Anh đi. Từ đó… tan tành mơ hoa!". "Quê hương mình quá điêu tàn/ Nên tim anh hận như vàng lá thu/ Xóm thôn làng nước hoang vu/ Thương nhau xin hẹn… cho dù kiếp sau".

Song chí trai đâu thể thỏa khi tiếng nói của thế hệ mình bị cấm đoán, ngăn chia. "Tình biển nghĩa sông" không thể xuất bản vẫn là điều mà Hoàng Thoại Châu day dứt. Một lần lang thang trên đường, ông nhìn lên các số nhà, bỗng thấy cạnh số nhà 48 là số nhà 48 bis. Một ý tưởng táo bạo lóe lên. Lợi dụng vào số cấp phép của "Áo trắng ngày xưa", ông thêm vào chữ "bis" phía sau, thế là có giấy phép lậu để in "Tình biển nghĩa sông".

Ngày in sách, ông lén đưa thêm vào bản thảo bài "Mặt trời ngủ yên" - bài thơ thể hiện kín đáo nỗi đau của một người con miền Nam khi hay tin Bác Hồ qua đời: "Vũ trụ chuyển mình/ Địa cầu rung động/ Để báo hiệu sau bảy mươi chín vòng quay/ Bây giờ/ Ba - chín - sáu - chín/ Mặt trời ngủ yên". Tập thơ ra đời đã tạo nên tiếng vang lớn bởi những câu thơ mộc mạc, giản dị như ca dao mà tha thiết, chân thành, lay động lương tri.

Số phận ly kỳ của tập thơ này chưa dừng lại ở đó. Đã in chui, vậy mà Hoàng Thoại Châu vẫn tỉnh rụi đem "Tình biển nghĩa sông" dự thi "Giải Văn học - Nghệ thuật 1967-1969". Đây là giải quốc gia với dàn giám khảo gồm các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình đình đám của miền Nam lúc bấy giờ như nhà thơ Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá Lân...

Ngày nhận tin tác phẩm của mình đoạt giải nhất cùng với tuyển thơ "Lời gửi cây bông vải" của Trần Tuấn Kiệt, Hoàng Thoại Châu vừa mừng vừa run. Lên nhận giải mà chàng thanh niên Hoàng Thoại Châu cứ nơm nớp sợ người ta phát hiện giấy phép gian lận.

Là giám khảo hạng mục Thi ca, nhà thơ Vũ Hoàng Chương nhận xét những câu thơ trong "Tình biển nghĩa sông" mượt mà như lụa và xót xa như dao cắt. Đơn cử như câu: "Hỏi em hoa bưởi còn cài/ Môi hồng còn thắm, mắt ngài còn xanh/ Cúi đầu chẳng trả lời anh/ Em che mặt khóc bởi vành khăn tang/ … Má em xin chín hồng đào/ Môi em xin ngọt cho cao cánh diều/ Thương nhau kể chuyện nhiễu điều/ Máu hồng nửa giọt, hơn nhiều nước ao". Sẵn dịp hạnh ngộ tại buổi trao giải thưởng, Vũ Hoàng Chương đã vung bút tặng tác giả "Tình biển nghĩa sông" mấy câu: "Thêm dài tình biển nghĩa sông sâu (…)/ Một phen nhả ngọc phun châu/ Địa linh nhân kiệt từ lâu tiếng đồn/ Vang rền đợt sóng vũ môn/ Lắng nghe nước Việt thả hồn trong thơ".

Gia đình nhà thơ Hoàng Thoại Châu vốn có truyền thống cách mạng. Khi ông còn ẵm ngửa, cha đã theo phong trào Việt Minh, vắng nhà biền biệt. Lòng yêu nước tiếp nối các thế hệ anh em trong gia đình. Để tránh bị bắt đi quân dịch ở Điện Bàn, Quảng Nam, năm 1966 ông trốn vào Sài Gòn. Đô thành xa lạ với cậu thanh niên nghèo bỗng trở nên ấm áp khi cửa chùa Ấn Quang rộng mở cưu mang.

Chốn cửa thiền lánh xa trần thế vẫn không thoát khỏi nanh vuốt của chiến tranh. Khắp quê hương, từ thành thị đến nông thôn đều dậy lên tiếng khóc hờn oán, tang thương. Những ngày ấy, ông cất lại những bài thơ tình nông nổi thời đi học để cầm bút mà ghi lại bao phen điêu linh của dân tộc, mà tạc họa hình hài quê hương, thân phận nhân quần trong cơn binh lửa.

Đứng trước nỗi lầm than của muôn dân, Hoàng Thoại Châu tự nhận: "...Anh không là kẻ ban huấn từ/ Anh không nhân danh tu sĩ/ Anh không là nhà đại cách mạng xã hội/ ANH LÀ ANH/ Con người có chút tâm hồn, có tri giác/ Biết nhận thức, biết thương đau..." để chỉ mong "Xin xích gần nhau Đông - Tây bè bạn/ Nam - Bắc một nhà, đây đó có nhau/ Ruộng lúa trổ bông, mẹ hết ngậm ngùi/ Môi trẻ nhỏ thơm xuân hồng nắng mới…".

Sau khi "Tình biển nghĩa sông" được vinh danh, năm 1973, ông cho ra mắt tập "Tình biển nghĩa sông 2". Tiếng thơ lần này mạnh mẽ, quyết liệt, chỉ rõ sự tàn bạo của chiến tranh, dậy lên tinh thần phản kháng, thúc giục những người yêu nước xuống đường đấu tranh vì chính nghĩa, tự do dân chủ.

Đọc "Tình biển nghĩa sông", nhà văn Sơn Nam cảm khái: "Đã có thành kiến cho rằng thơ của lớp trẻ trong thời chiến thường giống nhau với ngôn ngữ khó hiểu, với thứ triết lý chán đời giả tạo của kẻ thích hưởng thụ, và nhất là thái độ kênh kiệu. Thơ của Hoàng Thoại Châu là sự trả lời rất xây dựng, để đánh tan thành kiến trên.

Tập thơ "Tình biển nghĩa sông" (NXB Hội Nhà văn, 2019).

Còn gì dễ thông cảm cho bằng tình yêu Tổ quốc, một Tổ quốc rất cụ thể với "Biển ôm vách đá, đèo hanh da trời". Còn gì đơn giản hơn tình đồng bào với lời dặn dò "Thiếu cơm thì được, thiếu thơ xin đừng". Tuổi trẻ đã nhận thức sâu sắc được vị trí của mình: "...Hỏi có tuổi trẻ nào phải chịu nhọc nhằn như tuổi trẻ Việt Nam/ Mười năm/ Hai mươi năm/ Rồi ba mươi năm/ Chưa một lần bình yên cho đỉnh hồn ngơi nghỉ/ Chưa một lần bình yên cho đỉnh nhớ tròn thương". Phải làm gì? Câu trả lời không dành riêng cho kẻ chuyên làm chính trị soạn thảo...".

"Tình biển nghĩa sông 2" do nhóm Hướng Dương - nhóm nhà văn, nhà thơ sinh viên chống ngoại xâm, đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc - xuất bản. Nhóm cũng in lại "Tình biển nghĩa sông 1" và coi hai tập thơ như một phần tuyên ngôn của nhóm. Cố nhiên, tất cả đều in chui.

Bên cạnh những cái tên nổi bật như Phan Viên Hoài, Hàng Chức Nguyên, Huỳnh Ngọc Trảng… thì Hoàng Thoại Châu cũng góp phần làm nên linh hồn của nhóm. Nhóm thường xuyên tụ họp để cùng nhau ngâm thơ, đọc văn hay hát vang những bài ca tranh đấu được thế hệ học sinh, sinh viên hưởng ứng lúc bấy giờ như "Dậy mà đi", "Người mẹ Bàn Cờ"…

Đầu 1974, nhóm Hướng Dương tổ chức buổi ra mắt tập truyện ngắn "Những trái tim hồng" tại quán cà phê Mù U, quận Tân Bình. Những sinh viên yêu nước không hề biết buổi họp mặt đã bị cảnh sát Việt Nam Cộng hòa theo dõi. Hoàng Thoại Châu cùng hơn 20 gương mặt cộm cán của nhóm Hướng Dương bị bắt. Dùng đủ đòn tra tấn dã man, cảnh sát cũng không khai thác được thêm gì.

Với những cuốn truyện, thơ văn yêu nước, chính quyền quy nhóm sinh viên vào tội phổ biến, tàng trữ, lưu hành ấn loát phẩm và tài liệu có hại đến an ninh quốc gia rồi đày ra địa ngục trần gian Côn Đảo. Trong lao tù, những vần thơ yêu nước thương nòi của Hoàng Thoại Châu vẫn ra đời. Thơ như đốm lửa thắp sáng đêm đen đọa đày tù ngục, để chàng trai trẻ tin tưởng vào một ngày cờ tự do tung bay.

Những bài thơ trong hai tập "Tình biển nghĩa sông" 1, 2 và "Áo trắng ngày xưa" hồi ấy được ông tuyển lại trong cuốn sách "Tình biển nghĩa sông" (NXB Hội Nhà văn) lần này. Sau 50 năm, tập thơ mới chính thức có tấm giấy phép thông hành đàng hoàng.

Cuộc đời Hoàng Thoại Châu là năm tháng đấu tranh không ngừng nghỉ. Sau giải phóng, được trả tự do, ông dùng ngòi bút để viết báo, viết phiếm luận chống lại thói hư tật xấu của người đời. Bút danh Ba Thợ Tiện xuất hiện từ đó. Nhưng với ông, năm tháng của những vần thơ "in chui in lủi" vẫn là kỷ niệm đầy tự hào để nhớ về. Bởi nó gắn với một thời thanh niên sôi nổi, đầy nhiệt thành và quả cảm.

Mai Quỳnh Nga
.
.