Nữ thi sĩ Pôxvatốpxka với bài thơ "Em và tình yêu"

Thứ Ba, 29/03/2011, 10:37

Có biết bao trang viết ca ngợi sức mạnh "thực tế" của tình yêu. Và nữ thi sĩ Pôxvatốpxka (1935-1967) đã khẳng định lại điều này bằng cách đặt tình yêu vào những môi trường giả định.

Em bẻ một cành tình yêu đã chết
Chôn vào trong lòng đất
Và anh hãy nhìn xem
Hoa lại nở bừng trong mảnh vườn em 

Tình yêu không thể gì giết chết
Nếu anh đem chôn vào lòng đất
Nó sẽ lại chồi lên
Nếu anh quăng vào không gian
Nó mọc liền đôi cánh
Nếu anh dìm xuống nước
Nó sẽ ánh bạc lên
Và trong đêm
Nó sẽ toả ngời lấp lánh 

Vậy nên em đã chôn tình yêu vào trong
trái tim
Nhưng trái tim lại từng là ngôi nhà của 
                               tình yêu đó
Nên trái tim mở rộng cửa tim mình
Và thành tim lại vang lên tiếng hát
Và tim em lại đưa chân nhảy nhót 

Vậy nên em đã chôn tình yêu tận vào trong óc
Và mọi người hỏi
Tại sao đầu em mang hình bông hoa
Tại sao mắt em như hai vì sao lấp lánh
Tại sao môi em đỏ hơn bình minh 

Em đã siết tay định bẻ gãy tình yêu
Song tình yêu dai làm tay em rối
Và tay em bị tình yêu thắt không gỡ nổi
Mọi người lại hỏi
Em là tù nhân của ai?

                        (Tạ Minh Châu dịch)

Với chị, sức sống tình yêu thật vô cùng mãnh liệt! Nó nảy chồi trong đất, mọc cánh giữa không gian... Bị "dìm" trong nước, nó hoá ánh trăng, đẩy vào "tù ngục" trái tim, nó biến trái tim thành ngôi nhà hạnh phúc. "Vùi" tình yêu vào trong trí não, tình yêu làm bừng nở nét hoa trên gương mặt người, ánh sao trong mắt người, bình minh trên môi người. Thậm chí tình yêu còn biến kẻ  xua đuổi nó, tấn công nó... trở thành tù nhân của nó.

Pôxvatốpxka là một nữ thi sĩ mà cuộc đời đầy bất trắc buồn thương (dịch giả Tạ Minh Châu đã đặt cho tập thơ của chị xuất bản tại Việt Nam tên gọi "Tiếng nấc trái tim" (NXB Văn học, 1994). Con người từng muốn đem tất cả sức mạnh trái tim mình ra để che chắn, bảo vệ tình yêu, trớ trêu thay lại là người có trái tim ốm đau, bệnh tật. Năm 23 tuổi, Pôxvatốpxka đã phải sang Mỹ để phẫu thuật tim (trước đấy, chồng chị cũng bị bệnh này và ra đi. Chị trở thành goá phụ lúc mới vừa 20 tuổi). Từ đây, Pôxvatốpxka như mang trong mình "trái bom nổ chậm". Chị sống, làm việc bằng tất cả nghị lực và sức vóc còn lại, và đã để lại một sự nghiệp tuy chưa đồ sộ nhưng thật đáng khâm phục. Tiếc rằng cái sự thật nghiệt ngã mà đôi lúc chị muốn lãng quên ấy cuối cùng cũng đã đến.

Ngày 11/10/1967, ít hôm sau lần mổ tim thứ hai, người phụ nữ được xem là một trong những nhà thơ tình hay nhất của đất nước Ba Lan đã vĩnh viễn từ giã cõi đời. Trái tim sau 32 năm đập nhịp đớn đau bấy giờ mới thực sự được hoàn toàn thanh thản

Mạnh Hiền
.
.