Nữ sĩ Ngân Giang: Trăm năm lối mộng…

Thứ Tư, 06/12/2006, 16:00

Trong ký ức của nhiều văn hữu cùng thời, nữ sĩ Ngân Giang - Đỗ Thị Quế (1916 - 2002) là một giai nhân của đất Hà thành: da trắng, má hồng, mắt to và lóng lánh như nước hồ thu.

Chuyện kể rằng, mỗi sáng sớm sau khi trang điểm cẩn thận, nữ sĩ ra mở hộp thư trước cửa nhà. Hộp thư đầy ắp, nhiều đến nỗi đọc không sao xuể, người con gái đành chọn những phong bì đẹp giở ra xem. Hằng đêm, vẫn có những người đứng lặng qua đêm để chờ được thoáng thấy bóng hồng bên ô cửa nhỏ.

“Tinh anh phát tiết”, ngay từ thuở lên sáu tuổi, thỉnh thoảng cô bé Quế đã thốt ra những lời thơ khiến người lớn cũng phải giật mình. Đến năm mười sáu tuổi, với bút danh Ngân Giang, tập thơ “Giọt lệ xuân” ra đời khiến tên tuổi cô được nhiều người biết tiếng. Tưởng rằng với tài nghệ ấy, nhan sắc ấy, nữ sĩ sẽ được cuộc đời ưu ái dành cho những phần suôn sẻ. Nhưng không, Ngân Giang đã sống một cuộc đời trầm luân nhiều mưa gió.

Ngân Giang được nhiều người ái mộ không chỉ bởi nhan sắc và hay thơ mà còn vì bà đàn giỏi, biết uống chút rượu, tâm hồn thì mộng mơ, sương khói mà gia chánh cũng đảm đang... Sinh thời, bà từng đấu cờ với nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Vũ Hoàng Chương, đã có lần bà đánh đàn cho vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu nghe, tiếng tăm dậy cả một vùng.

Bà cộng tác cùng lúc với nhiều tờ báo như “Tiểu thuyết Thứ Bảy”, “Phụ nữ thời đàm”, “Tân văn”, “Tri tân”... Bạn văn của bà có ở khắp trong Nam ngoài Bắc đều hết sức yêu mến bởi sự tài hoa và cách sống phong lưu, khảng khái của bà. Đến khi tập thơ “Tiếng vọng sông Ngân” ra đời năm 1944, tên tuổi của bà đã thực sự nổi bật trên thi đàn.

Có bậc thức giả nhận xét “Người đàn bà làm thơ Đường chuẩn mực nhất, vừa tình cảm bay bướm nhưng cũng rất cổ kính, trang nghiêm”. Ngân Giang cũng là một trong số ít nữ văn sĩ trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ngay từ khóa đầu tiên (1957). Suốt đời thơ của mình, bà đã cho xuất bản 9 tập thơ và năm 1994, bà đã vinh dự được nhận giải thưởng của Hội liên hiệp VHNT Việt Nam.

Người ta cũng nói rằng, nữ sĩ Ngân Giang có duyên với thơ và cũng vì thơ mà nên nông nỗi đoạn trường, mà nên những khổ lụy, buồn đau, những hờn ghen, sầu muộn. Với bốn lần “sang sông” vậy mà chẳng lần nào tìm được bến đậu an lành cho mình, cho đến cuối đời vẫn thành lẻ bóng. Rõ là “Tóc trắng mơ màng thương thế sự/ Trăm năm lối mộng bước bơ vơ” - như lời một bạn văn đã cảm tức tặng bà.

Những nỗi đau trong đời ăn sâu vào từng mạch máu, rồi từ trong huyết quản lại chảy tràn lên những câu thơ và cũng chỉ có thơ mới làm cho lòng bà dịu lại, cảm thấy được sẻ chia, trìu mến. Bà tự họa về mình qua những vế đối đầy tâm sự như: Thân không trời đất mà mưa gió/ Lòng chẳng binh đao cũng chiến trường hay Mưa trong lòng biết bao xiết lạnh/ Còn mưa ngoài nữa não nùng chưa

Ngân Giang có lần tâm sự: “Tuổi cầm bút của bà có lẽ nhiều gần bằng tuổi đời nhưng những truân chuyên trong đời còn nhiều hơn cả tuổi đời và tuổi cầm bút”. Bà cũng thường nói với bạn văn rằng, chắc kiếp trước bà đã giết nhầm một nhà thơ, cho nên kiếp này bà phải trầm luân trả nợ. Có một thời gian dài, bà phải làm nghề thêu khoán - ngón nghề kiếm sống của gia đình mà bà đã học được từ cha mẹ thuở còn  thơ để nuôi một đàn con và nuôi mình. Tay theo đường kim mũi chỉ, nhưng tâm trí bà vẫn dành cho thơ, miệng nói ra thơ. Thi nhân chật vật với gánh nặng áo cơm, không biết bao nhiêu là khó nhọc, nhưng hễ có bạn văn đến nhà, nữ sĩ lại vui ngay.

Với Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ V.

Bao năm, trải qua nhiều khó nhọc, nữ sĩ Ngân Giang vẫn luôn giữ một thói quen đài các là khi có khách văn đến là lại “khơi đỉnh trầm lên”, pha một ấm trà thơm. Trầm cứ lặng lẽ tỏa hương, trà cứ tỏa hương, thơ cứ âm vang và nhạc cứ nỉ non, thánh thót. Thói quen ấy bà vẫn giữ cho đến ngày ra ở quán lá bên bờ sông Hồng (từ năm 1970 đến 1980) mở một quán bán nước chè và bầu bạn với gió trăng. Thứ nam của nữ sĩ là ông Đặng Thế Quang kể lại rằng, nhà văn Nguyễn Tuân mỗi lần đến thăm bà ở đây, miệng đọc thơ từ cửa, tay gỡ cây tam thập lục treo trên vách xuống trao vào tay bà. Có lần Nguyễn Tuân - người nổi tiếng về sự khắt khe trong nhận xét văn chương còn trân trọng nhận xét: “Đọc mỗi bài thơ Ngân Giang có thể vẽ được một bức tranh”.

Dẫu có lúc giai nhân một thời cũng tự giễu mình rằng: “Mười năm quét lá bên sông/ Hình hài để lại cái còng trên lưng” và cho dù “Sầu riêng riêng nỗi ngậm ngùi/ Sầu chung trĩu nặng một đời thi nhân”, nữ sĩ Ngân Giang vẫn dùng thơ để chở gánh tình, gánh đời, xót xa cho phận mình cũng là xót xa cho thân phận người. Bài thơ “Trưng Nữ vương” mà nhiều nhà phê bình tôn là “tuyệt bút của Ngân Giang” chính là minh họa rõ nét nhất cho điều này: “Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa/ Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi/ Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá/ Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi... ” .

Kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nữ sĩ Ngân Giang, Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học kết hợp với Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Tây, Câu lạc bộ UNESCO thơ Đường Việt Nam và gia đình nữ sĩ đồng tổ chức “Hội thảo về nữ sĩ Ngân Giang” vào ngày đầu tháng 12, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Cùng ngày, vào buổi tối “Đêm thơ Ngân Giang” sẽ diễn ra tại cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội với những bài thơ đã làm nên tên tuổi “Nữ hoàng đường thi Việt Nam” một thời. Ngân Giang một lần nữa lại được tôn vinh và ở nơi không còn lấm bụi hồng trần, chắc hẳn bà vẫn lắng nghe được những lời tri âm đồng vọng

Việt Hà
.
.