Nữ nhà báo có “duyên”với biển

Thứ Năm, 20/06/2019, 08:51
Những kỷ niệm với biển, với lính đảo cứ đầy lên trong ký ức của nhà báo Minh Hảo. Với chị, chỉ cần một lần được đặt chân đến Trường Sa, được hát vang bài Quốc ca giữa sóng nước bao la, đắm mình vào không gian đó, bạn sẽ thấy hai từ "chủ quyền" thiêng liêng đến thế nào. Kỳ diệu nữa là trong khắc nghiệt của biển cả lại là cuộc sống rất đỗi bình yên.


Gần 20 năm làm báo, tôi có một "điểm yếu" là rất sợ đi biển. Chỉ cần đứng trước biển, nhìn những con sóng bạc đầu vỗ gầm gào và phía xa là biển mênh mông diệu vợi, tôi đã có cảm giác cơn say sóng chực ùa đến. Nhưng sự "sợ hãi" này không làm tôi giảm tình yêu với biển và tôi luôn cảm phục những nhà báo sẵn sàng vượt qua những cơn say sóng tưởng có thể chết đi sống lại, để có được những tư liệu quý giá về lính đảo. Đây cũng là lí do tôi muốn dành bài báo nhỏ này cho nhà báo Hà Minh Hảo, công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, phụ trách chương trình An ninh biển đảo của Đài. Chị là một nữ nhà báo cực kỳ "có duyên với biển" và những hải trình lênh đênh đến với lính đảo đã góp phần giúp chị thay đổi về cách nghĩ, cách làm nghề sâu sắc và dấn thân hơn.

Tôi và nhà báo Hà Minh Hảo học cùng khóa tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Bốn năm chung giảng đường đại học, dù không cùng lớp (Hảo học báo hình, tôi học báo viết), nhưng tôi luôn cảm nhận ở Hảo sự hồn hậu, tốt tính, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè. Đặc biệt, tôi không thấy Hảo giận ai bao giờ, lúc nào chị cũng rạng ngời như bông hoa mới nở.

Nữ nhà báo Minh Hảo tác nghiệp trong chuyến công tác tại vùng biển Tây Nam năm 2015.

Cho đến bây giờ, sau 20 năm cùng nhau lăn lộn với nghề báo khắc nghiệt, gặp lại Hảo, tôi vẫn thấy ở chị sự chân thành, rộng lượng. Có lẽ vì sự phóng khoáng trong tính cách của Hảo mà tôi thấy Hảo thật hợp với biển, hợp với sự rộng dài của biển cả xa thẳm. Ở làng báo Hải Phòng và có lẽ cả làng báo Việt Nam, chưa có nữ nhà báo nào vượt qua được nhà báo Minh Hảo về khả năng đi biển. Chị đã 3 lần ra với Trường Sa, 1 lần ra với nhà giàn DK1, 2 lần đi tuyến đảo Tây Nam, 1 lần đi tuyến đảo Đông Bắc cùng lực lượng Hải quân Việt Nam.

Chị còn vinh dự 2 lần đi cùng Cảnh sát biển Việt Nam - Trung Quốc tuần tra chung trên Vịnh Bắc Bộ; nhiều lần đi cùng lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng trên các tuyến như đảo Bạch Long Vỹ (Thành phố Hải Phòng), đảo Cô Tô (Tỉnh Quảng Ninh) và đảo Cồn Cỏ (Tỉnh Quảng Trị), để thâm nhập đời sống muôn màu trên biển cả.

Nhà báo Minh Hảo xúc động kể, hải trình đầu tiên chị thực sự ấn tượng nhưng lại không phải là hải trình mang lại cho chị nhiều cảm xúc nhất. Lần đầu ra với Trường Sa mùa biển êm (tháng 3 âm lịch là mùa các phóng viên hay tếu táo là "bà già đi biển"), nên sự trải nghiệm khó khăn, vất vả với chị chưa nhiều.

Những hải trình đáng nhớ là phải đi vào mùa biển động, mùa mang Tết ra với các cán bộ chiến sỹ nơi đảo xa, mới thực sự là kinh khủng nhưng vô cùng ý nghĩa. Chị đã hai lần ra Trường Sa, một lần ra nhà giàn DK1 vào đúng mùa biển động. Cứ gió mùa đông Bắc nổi lên là biển động dữ dội. Chị được phân công ngủ trên tầng 2 của tàu, mà mỗi lần mở mắt là thấy sóng trắng xóa đánh vào mạn tàu.

Mỗi lúc sóng to, chỉ có một âm thanh duy nhất là tiếng "kệch kệch" của vỏ tàu va với sóng. Có đêm chị gần như thức trắng, đếm từng tiếng vỗ của sóng vào mạn tàu. Không ai bước nổi khỏi giường vì thấm mệt, vì nhộn nhạo, chao đảo đầu óc. Các phóng viên không cười đùa, mà chỉ có tiếng nuốt nước bọt, kiềm chế cơn buồn nôn. Có lúc nằm trên giường mà mồ hôi vã ra như tắm, cảm giác lạnh buốt. Ai đã say sóng thì thật là khủng khiếp, nhất là với phụ nữ, nôn cả mật xanh lẫn mật vàng, nhưng kỳ lạ là chỉ cần tàu dừng lại thì tất cả lại như có một sức mạnh tinh thần to lớn từ đâu trỗi dậy. Chị và các đồng nghiệp bật dậy, lại xung phong đi xuồng vào đảo, lên nhà giàn DK1 trong điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt.

"Đi biển thú vị nhất là nhìn thấy các chiến sỹ vừa say vừa phục vụ nấu nướng trên tàu như một nghệ sĩ. Nồi cơm lắc qua lắc lại, nồi canh hai người giữ cũng không nổi, bị trôi vì sóng quá to. Thương nhất là các chiến sỹ trẻ mới đi biển, chưa quen sóng dù say đến mấy vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ", chị tâm sự.

Rõ ràng, đi biển rất cần sự dũng cảm và những hải trình có lẽ không dành cho những người yếu sức khỏe. Nhà báo Minh Hảo kể, chuyến đi cuối năm tác nghiệp ở các vùng biển đảo, Bộ Tư lệnh các vùng của Hải quân đều tổ chức khám sức khỏe cho phóng viên. Năm 2017,  chị ra nhà giàn DK1 thì chuyến đi này có hai nhà báo không được tham gia vì bị bệnh tim và huyết áp.

Những kỷ niệm với biển, với lính đảo cứ đầy lên trong ký ức của nhà báo Minh Hảo. Với chị, chỉ cần một lần được đặt chân đến Trường Sa, được hát vang bài Quốc ca giữa sóng nước bao la, đắm mình vào không gian đó, bạn sẽ thấy hai từ "chủ quyền" thiêng liêng đến thế nào. Kỳ diệu nữa là trong khắc nghiệt của biển cả lại là cuộc sống rất đỗi bình yên.

Nhà báo Minh Hảo đã từng đến chùa Song Tử Tây vào ngày mồng một, nghe tiếng chuông chùa quen thuộc ngân vang, chị cảm giác bình yên đến lạ. Đó là những cảm xúc không gì có thể đong đếm được tại một nơi chỉ có sóng nước và lòng quả cảm. Tháng 4 năm 2010, nhà báo Minh Hảo được tham gia đoàn công tác của thành phố Hải Phòng thăm và tặng quà cán bộ chiến sỹ tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Thời điểm đó, chị đang bị "stress" nặng vì nhiều lẽ, rơi vào trạng thái sống không mục đích, không phương hướng và cảm giác chán nản luôn bủa vây.

Nhưng khi đặt chân lên Trường Sa, thực sự chị bị sốc khi lần đầu tiên được chứng kiến cuộc sống của cán bộ chiến sỹ trên đảo. Họ quá khó khăn, từ vật chất đến tinh thần. Vậy mà sự lạc quan, tình yêu cuộc sống luôn ngập tràn ở trong họ.

"Và thế là tôi như bừng tỉnh. Tại sao họ khó khăn hơn mình rất nhiều mà họ lại lạc quan thế? Mình đã có khó khăn gì đâu mà bi quan với những thăng trầm của cuộc đời vốn yên ả này. Vậy là 10 năm qua, dù có rất nhiều biến cố xảy ra, nhưng tất cả những ai biết tôi đều thấy ở tôi một tinh thần lạc quan, một tình yêu cuộc sống cháy bỏng. Và đó là điều tôi có được lớn nhất từ nghề báo của mình. Tôi yêu biển, yêu những người lính biển theo cách của riêng mình", nhà báo Minh Hảo trải lòng.

Nữ nhà báo Minh Hảo tác nghiệp trên Tàu 264 Vùng 2 Hải quân

Có một kỷ niệm mà nhà báo Minh Hảo không bao giờ quên, đó là một chuyến ra nhà giàn DK1. Đi biển mùa cuối năm, lên DK1 cực kỳ khó khăn, đoàn công tác hôm đó chỉ có bảy người được vào. Khi chị xung phong, cậu thuyền thưởng còn gàn, lo chị không lên được giàn.

Nhưng thấy chị cương quyết quá, cậu ấy đành đồng ý và dặn dò kỹ lưỡng các cán bộ, chiến sỹ lái xuồng phải an toàn tuyệt đối khi chở các phóng viên vào nhà giàn. Từ tàu to, chiếc xuồng như chao liệng trên mặt biển, rồi từ từ cập mạn nhà giàn. Nhiều lúc tưởng chừng không thể cập nổi vì sóng quá to, nhưng biết anh em chiến sỹ trên nhà giàn mong mỏi gặp đoàn, các cán bộ, chiến sỹ chở xuồng lại kiên nhẫn chờ con nước.

Khi biển êm, các nhà báo leo được lên giàn trong sự xúc động, reo vang của tất cả cán bộ, chiến sỹ. Giữa không khí quân dân ấm tình đồng đội đó, một cậu lính trẻ lại gần nhà báo Minh Hảo, nói giọng run run: "Lần đầu cháu đi lính, xa gia đình, xa mẹ, cô cho cháu ôm cô một cái như cháu được ôm mẹ cháu ở nơi này".

Chị đã ôm người lính trẻ vào lòng, rơm rớm nước mắt, thấy quyết định lên nhà giàn của mình thật sáng suốt. Đi biển, với chị chưa bao giờ là khó khăn, mà hơn cả, chị chỉ mong mình mang được chút hơi ấm đất liền đến với cán bộ chiến sỹ nơi tuyến đầu đầy vất vả.

Nhà báo Minh Hảo cho tôi xem một con ốc biển vô cùng lộng lẫy và khác biệt, gọi là "ốc đuôi công", do một người lính đảo đồng hương Hải Phòng tặng chị. Con ốc đuôi công này do chính cậu ấy bắt được dưới biển. Chị mang con ốc về đất liền, nâng niu như một món quà vô giá, nó khiến chị thường xuyên nhớ về tình cảm trong sáng của người lính đảo.

Sự chân thành của họ đã truyền cho chị biết cách sống cùng đam mê, biết chấp nhận khó khăn, coi khó khăn là điều vốn dĩ của cuộc sống. Những chuyến đi biển giúp quan niệm sống của chị dần thay đổi theo hướng tích cực, trong làm nghề thì luôn cháy với đam mê. Sau mỗi chuyến đi biển, nhà báo Minh Hảo đã có những tác phẩm báo chí đầy ắp tư liệu sống động, chân thực và chứa chan tâm huyết.

Có một khán giả sau khi xem xong phóng sự của chị về Nhà giàn DK1, đã nhắn cho chị rằng: "Phóng sự của chị giúp em hiểu hơn công việc của chồng em trên biển, em thấy mình phải có trách nhiệm giữ gìn sự bình yên cho gia đình nhỏ, để chồng em yên tâm công tác". Với nhà báo Minh Hảo, dành được tình cảm của công chúng, khơi lên trong họ cảm hứng tích cực với cuộc sống, có lẽ cũng là món quà vô giá mà nghề báo mang lại cho chị…

Thu Phương
.
.