Kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2011)

Nữ nghệ sĩ quay phim đầu tiên Đặng Thu Vân: Một đời với nghiệp điện ảnh

Thứ Năm, 05/05/2011, 09:17
Rất tình cờ trong chuyến đi công tác Đà Nẵng, tôi gặp chị Đặng Thị Thu Thủy và được nghe chị thuật lại cuộc hội ngộ hiếm hoi và đẫm nước mắt vào buổi trưa ngày 29/3/1975 (ngày Tp Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng) giữa các thành viên gia đình chị với người cô ruột trong đoàn làm phim của Hãng phim Thời sự và tài liệu Trung ương...

Cuộc đoàn tụ ấy chỉ diễn ra vẻn vẹn 30 phút song không ngờ ít năm sau, khán giả Việt Nam và nước ngoài được biết đến trong bộ phim truyền hình dài tập: "Việt Nam, Thiên lịch sử truyền hình" do những nhà làm phim nước ngoài thực hiện. Với tôi, mỗi lần xem lại bộ phim này là một lần cuốn hút bởi những hình ảnh và lời bình khá chân thực, khách quan từ nhiều chiều, nhiều phía xoay quanh cuộc chiến gian khổ và hào hùng của nhân dân ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Có một nhân vật trong cuộc đoàn tụ hiếm hoi và cảm động này mà chị Thu Thủy kể đã kích thích sự tò mò của tôi, đó là người nữ quay phim đầu tiên ở nước ta - bà Đặng Thu Vân (cô ruột của chị Thu Thủy). Bà đã qua đời ở tuổi 55 bởi căn bệnh ung thư quái ác. Dẫu vậy, cuộc đời bà mãi là tấm gương về sự tận tuỵ với nghề. Hàng vạn thước phim mà bà đã thực hiện đang còn lưu giữ tại kho tư liệu của Hãng phim Thời sự và tài liệu Trung ương là minh chứng sống động về sự lao động nghệ thuật không biết mệt mỏi của bà.

Sinh năm 1936 trong một gia đình yêu nước ở Tp Đà Nẵng, năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, để đào tạo và nuôi dưỡng lực lượng cho cách mạng, cũng như nhiều thanh niên nhiệt huyết, bà Đặng Thu Vân được tập kết ra Bắc. Do có lòng say mê điện ảnh từ thuở thiếu thời nên từ một nhân viên đánh máy ở xưởng phim Thời sự và tài liệu Trung ương, bà đã được cử đi học lớp quay phim khóa 1 Trường Điện ảnh Việt Nam. Kể từ đó, nghiệp quay phim tài liệu dường như đã ngấm vào từng bữa ăn, giấc ngủ của bà. Mặc dù là một phóng viên thuộc phái yếu song với tư duy và sự mẫn cảm nghề nghiệp, ngay sau khi tốt nghiệp Trường Điện ảnh, bà đã được Ban Giám đốc xưởng phim giao cầm máy quay các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như lễ đón tiếp Thủ tướng Chu Ân Lai; đón đoàn chính phủ Rumani, Tiệp Khắc, đón Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nhật Bản… thăm Việt Nam. Tiếp đó là nhiều sự kiện quan trọng khác như hoàng thân Sihanúc thăm và đón Tết Nguyên đán tại Việt Nam, đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc và nhiều sự kiện chính trị cũng như các hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Trong các sự kiện mà bà được phân công thực hiện, có việc quay phối hợp Lễ tang Bác Hồ vào những ngày đầu tháng 9/1969, Lễ tang Bác Tôn và Lễ tang Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng. Mỗi sự kiện, mỗi thước phim tài liệu là sự đánh dấu công sức và lao động cần mẫn, miệt mài của nhà quay phim Đặng Thu Vân.

Nữ quay phim Đặng Thu Vân gặp lại mẹ sau 20 năm xa cách vào đúng ngày giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975).

Có một sự kiện đã ghi dấu ấn đậm nét trong tâm trí của nhiều đồng nghiệp trong giới điện ảnh là những thước phim do bà Đặng Thu Vân quay được trong 12 ngày đêm chiến đấu với không lực Mỹ trên bầu trời Hà Nội vào cuối tháng 12/ 1972. Đây có thể coi là thời khắc lịch sử hào hùng của quân và dân ta. Những ngày ấy, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, để góp phần cùng đồng nghiệp xây dựng bộ phim tài liệu quý "Tội ác tột cùng, trừng trị đích đáng", nữ quay phim Đặng Thu Vân tự coi mình như người lính, không quản hy sinh, ngày cũng như đêm có mặt ở các trận địa, những địa bàn trọng điểm đánh phá huỷ diệt của máy bay B52 Mỹ để kịp thu vào ống kính cảnh máy bay Mỹ bị các lực lượng phòng không của ta bắn rơi; cảnh nhân dân ta bắt sống giặc lái; cảnh những khu phố, bệnh viện, trường học… ở Thủ đô bị bom Mỹ tàn phá. Không hề kém cạnh các đồng nghiệp thuộc phái mày râu, mặc dù con còn nhỏ, song nữ quay phim Đặng Thu Vân vẫn miệt mài với công việc được giao. Trong hoàn cảnh gia đình khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi, vợ chồng đã ly hôn, nhà chỉ có một mẹ, một con, bà thường phải gửi con cho bà con hàng xóm để thực hiện niềm đam mê nghề nghiệp của mình.

Chị Phương Nga, con gái nghệ sĩ ưu tú Đặng Thu Vân hiện đang công tác tại Hãng phim Thời sự và tài liệu Trung ương trong lần gặp tôi đã cho biết thêm: "Trong suốt thời gian chiến tranh phá hoại, là phóng viên quay phim, mẹ tôi phải thường xuyên xa nhà. Những ngày đó, tôi vẫn còn nhỏ nên mỗi lần mẹ đi công tác là một lần mẹ phải gửi tôi cho các cô, các bác sống cùng khu tập thể. Có thời điểm, mọi người phải đi sơ tán về các địa phương ở xa Hà Nội, mẹ cũng gửi tôi đi theo. Vậy mà không hiểu sao, trong thời điểm đánh máy bay B52 của Mỹ ác liệt là thế, tôi lại có mặt bên mẹ ở Hà Nội. Đêm đó, máy bay B52 của Mỹ đánh phá phố Khâm Thiên. Sáng hôm sau, theo sự phân công của Ban Giám đốc, mẹ theo xe của xưởng đến hiện trường. Thời khắc ấy có lẽ do mọi gia đình đi sơ tán hết, không gửi tôi cho người khác trông nên mẹ cho tôi đi theo. Nhờ đi theo mẹ tác nghiệp trong buổi sáng đó mà tôi thấu hiểu sự khốc liệt của chiến tranh. Đó là cảnh đổ nát của những ngôi nhà, cảnh những con búp bê và đồ chơi của trẻ em lẫn trong đống đổ nát của gạch vữa, cột điện đổ nghiêng, đường phố bị bom Mỹ cày nát… Giờ đây, sau gần 40 năm, những cảnh tượng ấy vẫn chôn chặt trong ký ức của tôi. Nhớ về những giờ phút ấy, tôi càng thương và kính trọng người mẹ của mình. Có thể nói cả cuộc đời bà là sự cống hiến hết mình cho ngành điện ảnh".

Trở lại câu chuyện về cuộc đoàn tụ giữa nghệ sĩ ưu tú Đặng Thu Vân với các thành viên trong gia đình vào buổi trưa ngày 29/3/1975 tại Tp Đà Nẵng, nơi mà bà đã sinh ra và lớn lên. Cuộc đoàn tụ hiếm hoi và đẫm nước mắt ấy bắt đầu từ chuyến đi chiến trường của bà Đặng Thu Vân. Chả là vào dịp ấy, trước những diễn biến của chiến trường miền Nam, xưởng phim Thời sự và tài liệu đã cử nhiều đoàn làm phim đi theo các cánh quân để ghi lại khí thế "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của quân và dân ta. Nhà quay phim Đặng Thu Vân là một trong những phóng viên được cử đi   theo các cánh quân hành quân từ các tỉnh miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau hơn một tuần hành quân trên đất Bắc, đoàn làm phim của bà được phân công bám theo cánh quân vào giải phóng Tp Đà Nẵng và các tỉnh Nam Trung Bộ. Trong đoàn, còn có đạo diễn Phạm Thự. Sau 20 năm xa cách kể từ ngày tập kết sống trên đất Bắc, đây là dịp bà trở lại nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Sau khi quay được những thước phim về cuộc hành quân thần tốc của quân và dân ta trong các cuộc chiến đấu để giải phóng thành phố; cảnh tháo chạy hỗn loạn của tàn quân ngụy, cảnh người dân đất Quảng ào ra đường đón chào đoàn xe của quân giải phóng tiến vào thành phố, bà Đặng Thu Vân tìm đường trở về căn nhà xưa của mình. Bà thật không ngờ trong giờ phút hiếm hoi ấy, bà đã gặp được mẹ cũng như các thành viên trong gia đình mình.

Một cảm xúc vỡ oà, những giọt nước mắt lăn chảy. Những người trong gia đình đâu có ngờ trong đoàn quân tiến vào giải phóng Đà Nẵng - một căn cứ quân sự lớn thứ hai ở miền Nam lại có cả người thân của mình - bà Đặng Thu Vân. Sau 20 năm cách xa, cuộc đoàn tụ hiếm hoi, cảm động và đẫm nước mắt ấy đã được đạo diễn Phạm Thự, các phóng viên trong đoàn làm phim ghi lại. Cuộc đoàn tụ chỉ diễn ra chừng 30 phút, vì nhiệm vụ, bà Đặng Thu Vân và các thành viên trong đoàn làm phim lại phải bám theo các cánh quân tiến vào giải phóng các tỉnh phía Nam.

Mọi chuyện ngỡ tưởng chỉ dừng lại ở 30 phút ấy, ai ngờ ít năm sau có một đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam tìm gặp các phóng viên chiến trường năm ấy. Sau khi trực tiếp xem các thước phim do bà Đặng Thu Vân và các đồng nghiệp của Hãng phim Thời sự và tài liệu Trung ương thực hiện, các nhà làm phim nước ngoài rất cảm kích và đã ký hợp đồng mua lại những thước phim tư liệu quý giá đó của các đồng nghiệp Việt Nam. Trong những cảnh phim mà đoàn làm phim nước ngoài ký hợp đồng mua có những cảnh về cuộc đoàn tụ hiếm hoi trong gia đình của nhà quay phim Đặng Thu Vân vào buổi trưa ngày 29/3/1975. Những cảnh quay ấy mọi người trong gia đình bà Vân lại được xem lại trong bộ phim truyền hình dài tập: "Việt Nam - Thiên lịch sử truyền hình" do các nhà làm phim nước ngoài thực hiện (bộ phim đã được Đài Truyền hình Việt Nam mua bản quyền).

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, người nữ quay phim Đặng Thu Vân lại dồn tâm lực vào mặt trận mới. Bàn chân của bà lại đến với mọi miền đất nước để thu vào ống kính của mình những thước phim phản ảnh công cuộc khôi phục và xây dựng đất nước sau 30 năm chiến tranh tàn khốc. Nhiều tác phẩm điện ảnh do bà và các đồng nghiệp thực hiện đã đoạt giải cao trong các cuộc liên hoan phim trong nước và quốc tế

L.V.
.
.