Nữ nghệ sĩ hò Đồng Tháp hay nhất thế kỷ XX

Thứ Ba, 05/04/2016, 08:06
Ai một lần đến với Đồng Tháp Mười, bơi xuồng dọc theo mé kinh hay băng đồng lúa trời mùa nước nổi, bất chợt nghe làn điệu hò rất độc đáo, đặc trưng của miền sông nước nơi đây, cất lên từ những cô gái mặc áo bà ba, chống xuồng đi vun vút, chắc hẳn không bao giờ quên được, dù nghe chỉ một lần… 


Ai về Đồng Tháp quê tôi
Chiều nghe cúm núm trao lời yêu thương.
Cánh cò giăng lẫn trong sương,
Gió đồng quyện lấy mùi hương đồng bằng...

Năm 1958, nữ nghệ sỹ Kim Nhụy từ miền Nam tập kết ra Bắc, đã đưa câu hò Đồng Tháp lên sóng Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam trong chương trình “Dân ca và nhạc cổ truyền” khiến cho hàng triệu trái tim lay động, bồi hồi. Ngày đó, từ thủ đô Paris của nước Pháp xa xôi, GS Trần Văn Khê tình cờ nghe câu hò Đồng Tháp mang đậm âm hưởng Nam Bộ ngọt ngào, sâu lắng, ông đã bồn chồn, quay quắt nỗi nhớ cố hương.

Năm 1966, điện ảnh cách mạng Việt Nam non trẻ cho trình làng bộ phim truyện “Nổi gió” (kịch bản Đào Hồng Cẩm, đạo diễn Huy Thành, Lê Huyến) đã làm nên những tên tuổi diễn viên điện ảnh nổi tiếng như: Trà Giang, Thế Anh, Thanh Loan, Lâm Tới… Ẩn trong phim là điệu hát ru rất kỳ lạ, tràn đầy cảm xúc, trữ tình của nghệ sỹ Kim Nhụy như giai điệu mở đầu …

Nghệ sĩ Kim Nhụy sinh ra và lớn lên ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) trong một gia đình nông dân nghèo, đông con. Hai tuổi đã mồ côi cha mẹ, 5 tuổi đã phải theo anh chị ra đồng mót lúa, mò cua, bắt cá rồi đi gặt thuê, cấy mướn… Quen với đồng sâu, nước lũ từ nhỏ nên những câu hò, điệu hát của người dân trong vùng đã ngấm vào máu thịt cô bé nghèo Kim Nhụy từ lúc nào không biết.

Khoảng 8 tuổi, Kim Nhụy đã thuộc rất nhiều bản đàn ca tài tử, tuồng cải lương và rất nhiều điệu hát, câu hò của Đồng Tháp. Cô có một trí nhớ rất tốt. Cưỡi trâu ngang nhà hàng xóm, nghe ai hát ru con câu hò, điệu lý, cô đều dừng lại nghe và thuộc nằm lòng. Tuổi thơ cực khổ của Kim Nhụy cũng là vườn ươm cho cô những mạch sống đầu tiên của làn điệu dân ca, hò Đồng Tháp mà sau này tuôn chảy thành suối nguồn nghệ thuật.

Lớn lên, Kim Nhụy tham gia kháng chiến, tham gia ca hát trong Đoàn dân công Long Châu Sa, một địa danh thời kháng chiến chống thực dân Pháp gồm ba tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang) và Sa Đéc (Đồng Tháp). Sau đó một thời gian, Kim Nhụy tham gia công tác binh vận ở các mặt trận địa phương, nhiều lần bị thực dân Pháp bắt, tra tấn nhưng không khai nửa lời.

Không tìm được chứng cứ buộc tội, chúng phải trả tự do cho Kim Nhụy. Năm 1954, Kim Nhụy tập kết ra miền Bắc, sau đó tham gia Đoàn Văn công Nam Bộ. Bộ đội thường ca ngợi: Tiếng hát Kim Nhụy át cả tiếng bom ở chiến trường ác liệt Khu 4. Kim Nhụy sống trong lòng người mộ điệu không chỉ vì cô hò hay, hát cải lương mùi mẫn mà còn là một diễn viên kịch nổi tiếng với vai Phồn Y trong vở “Lôi Vũ” (chuyển thể kịch của tác giả Trung Quốc Tào Ngu). Nhiều thế hệ học trò của cô cũng nổi tiếng thành danh như: Ngọc Mai (Đài Phát thanh Giải phóng), Trang Nhung, Thúy Đạt... (Đài Tiếng nói Việt Nam).

Năm 1960, tại Hà Nội, Kim Nhụy đoạt Huy chương vàng hội diễn nghệ thuật toàn quốc càng làm cho tên tuổi người nữ nghệ sĩ thêm tỏa sáng. Sinh thời, nhạc sỹ Trần Kiết Tường quê ở Ô Môn, Cần Thơ (tác giả bài hát nổi tiếng “Có anh Ba Hưng”) khi nghe Kim Nhụy hò Đồng Tháp trên đất Bắc đã xúc động rơi nước mắt: “Tôi yêu câu hò, điệu hát của Đồng Tháp nhưng chưa lần nào nghe mà thấm, mà xúc cảm trào dâng đến vậy”. Trong câu hò ấy, dường như có hơi ấm của cha, có mùi mồ hôi của mẹ? Nhạc sĩ đã nói với nghệ sĩ Kim Nhụy: “Chị hò... rất miền Nam làm tôi nhớ nhà, nhớ quê hương đến cồn cào khó tả”.

Nhắc đến người hò Đồng Tháp hay nhất thế kỷ, không thể không nhắc đến một nhạc sỹ đồng hương của nghệ sỹ Kim Nhụy là nhạc sỹ Cao Văn Lý. Từng tham gia Đoàn văn công Long Châu Sa, năm 1954 ông cũng tập kết ra Bắc theo học tại Học viện Âm nhạc Hà Nội. Sau đó được sang Viện Âm nhạc quốc gia Traicốpxki của Liên Xô tiếp tục học tập.

Ông kể: “Trong thời gian ở miền Bắc, tình cờ được nghe nghệ sĩ Kim Nhụy cất giọng ngân nga điệu hò, tôi mới ngớ người ra bởi không ngờ ở quê hương Đồng Tháp mình lại có một điệu hò độc đáo như vậy. Cái cảm giác vừa ngỡ ngàng vừa xúc động ấy như đã in sâu vào trong tâm hồn tôi mãi cho tới bây giờ…”. Sau này khi trở về nước giảng dạy tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Cao Văn Lý đã góp phần không nhỏ làm cho nền âm nhạc dân tộc nước nhà càng thêm phong phú qua sự xuất hiện nhiều điệu lý mới, như Lý qua cầu, Lý Mỹ Hưng, Lý chim xanh, Lý bông trang…

Từ câu hò của nghệ sỹ Kim Nhụy năm xưa, ông đã cho ra đời dự án “Sưu tầm, nghiên cứu và phục hồi điệu hò Đồng Tháp”, ròng rã suốt 12 năm lặn lội khắp nơi trong tỉnh để sưu tầm, biên soạn, phục dựng câu hò Đồng Tháp góp phần để ngày hôm nay nó trở thành một di sản văn hóa phi vật thể.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đã có nhiều người tìm kiếm, hỏi thăm nhưng hình như không một ai tìm được nghệ sỹ Kim Nhụy - người hò Đồng Tháp hay nhất thế kỷ ở nơi đâu. Trong đó có GS Trần Văn Khê, một bậc thầy âm nhạc từ Pháp trở về.

Lúc tại thế, ông từng kể lại: Sinh sống và làm việc tại Pháp, ông đã từng nghe nghệ sĩ Kim Nhụy hò trong đĩa hát “Tiếng hát Việt Nam” do Nhà xuất bản Mỹ thuật âm nhạc thu thanh năm 1957. “Giọng hò ấy như hớp hồn tôi không phải vì ca từ, giai điệu mà vì giọng hò rất mùi, như chất chứa cả cái tình của người Việt, của người con gái quê”. Ông chỉ biết người hò là Kim Nhụy, còn mặt mũi, tướng tá... thì còn là một “ẩn số”. Chính vì cảm cái giọng hò kia mà GS Trần Văn Khê đã cất công đi tìm “ẩn số”.

Nữ nghệ sĩ Kim Nhụy và cuộc gặp với GS Trần Văn Khê.

Một sáng chủ nhật đẹp trời cuối năm 2012, GS Trần Văn Khê đã cất công “truy tìm tung tích người hò Đồng Tháp hay nhất” với sự giúp đỡ của bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Chủ nhiệm Hội quán Các Bà Mẹ. Rời bỏ con đường nghệ thuật, nghệ sỹ Kim Nhụy lặng lẽ lui về trong con hẻm nhỏ ở phường Tân Quy, quận 7, TP Hồ Chí Minh sống cùng người con gái duy nhất tên là Song Anh. Do đó, rất nhiều bạn bè, người mến mộ từ Bắc vào Nam không thể tìm được bà…

Trong dịp hạnh ngộ đầy cảm động tại nhà riêng, GS Trần Văn Khê ở tuổi 93 phải ngồi trên xe lăn đã xúc động giới thiệu với mọi người về nghệ sỹ Kim Nhụy đã 84 tuổi, cũng ngồi trên xe lăn cùng con gái Song Anh và cháu ngoại rằng: “Đây, người có giọng hò “ám ảnh” tôi suốt 57 năm nay... Nói về các câu luyến láy thì hò Nam Bộ chưa có chỗ nào uyển chuyển bằng hò Đồng Tháp. Tôi cầm đĩa hát đi giới thiệu cho nhiều sinh viên, nhiều người bên Pháp nghe. Ai cũng tấm tắc khen hay, nhiều người mượn đĩa để sao chép lại. Vậy là suốt mấy chục năm trời, tôi đi giới thiệu câu hò này ra nước ngoài mà không biết người hò đó là ai”.

Rêu phong thời gian đã in dấu 50 năm có lẻ, nhưng bà vẫn còn đó, câu hò Đồng Tháp cũng còn đó, còn có thêm một bậc thầy âm nhạc Việt Nam như GS Trần Văn Khê tỏ lòng mến mộ… Chính giáo sư là người đã giới thiệu các câu hò, điệu lý Việt Nam trong đó có hò Đồng Tháp đến với người mộ điệu của 67 quốc gia trên thế giới. Hai nghệ sỹ lão thành “gạo cội” ngồi bên nhau nhấn nhá những câu hò khiến cho người nghe, dù chỉ một lần mãi mãi không bao giờ quên dù mai sau tất cả đã hóa thành thiên cổ:

"Bên kia sông bụi tre khô/ Bên đây sông cây chuối ngã/ Nhìn sau lưng bụi sả lại tàn/ Đôi đứa ta sống trong hoàn cảnh nguy nan/ Dang tay em níu áo bạn vàng/ Dù sanh dù tử cũng một mình chàng mà thôi"…

Hoàng Châu
.
.