Nữ nghệ sĩ Nam Kỷ và kỷ niệm một lần được gặp Bác Hồ

Thứ Năm, 31/05/2018, 09:10
Trên đời mấy ai được may mắn gần gũi Bác Hồ, dù chỉ là trong khoảnh khắc. Nhưng đối với nữ nghệ sĩ Nam Kỷ thì thật vinh dự vì bà từng một lần trong đời được Bác Hồ gọi thầy thuốc đưa thuốc cấp cứu cơn đau bụng đột xuất của mình trước khi lên sân khấu biểu diễn.


Tài năng và hạnh phúc

Tận trong lối nhỏ của Tổ dân phố 3, phường Bắc Nghĩa (Đồng Hới, Quảng Bình), gần với khu chợ Cộn, trung tâm mua bán của khu dân cư phía Tây Đồng Hới là nhà của cặp vợ chồng nghệ sĩ Hữu Ngụ - Nam Kỷ. Các con cái đều ở riêng, cặp vợ chồng nghệ sĩ già này vẫn nồng nàn tình cảm trong căn nhà chật chội, rêu phong nhưng sạch sẽ và tươm tất ấy.

Bị tai biến mạch máu não đã bốn năm, nay tròn tuổi 82, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Ngụ không phát âm được tiếng, nhưng khi thấy khách đến vẫn chống nạng ngồi dậy, nhoẻn nụ cười như để chào đón khách. Bà Nam Kỷ, kém chồng 7 tuổi, hiện vẫn lanh lợi, hoạt bát. Bà là đôi tay, đôi chân của chồng nên giường ông nằm luôn sạch sẽ, thơm tho, ngay ngắn.

"Ông ấy liệt cả người, mọi sinh hoạt đều tiến hành trên giường này", bà Nam Kỷ nói. Bà lo cơm cháo, thuốc thang, tắm rửa và tập luyện cho chồng mỗi ngày. Đó là chưa kể, trước đó, do diễn biến xấu của bệnh tình, bà đã đưa chồng đi điều trị từ bệnh viện Thành phố Đồng Hới đến bệnh viện đa khoa Trung ương ở tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Nghệ sĩ Nam Kỷ.

Nỗi nhọc nhằn, vất vả, tận tụy chăm chồng của bà khiến người nghe chuyện xúc động. Ai cũng cảm thấy câu ca "Con nuôi cha không bằng bà chăm ông" là chí lí. Bà Nam Kỷ, nghệ sĩ sân khấu, là một hình ảnh tiêu biểu của nếp sống đạo đức cao đẹp đó.

Bà được tuyển vào Đoàn Văn công Quảng Bình từ năm 16 tuổi. Chất giọng nữ cao của Nam Kỷ trong những bài ca vang tiếng một thời như "Xa khơi", "Câu hò bên bến Hiền Lương", "Tiếng đàn Ta-Lư" ....mà thời đó, người ta đã ví Nam Kỷ là "Tân Nhân của Quảng Bình" đã làm rung động trái tim bao người nghe. Và với nhan sắc mĩ miều, chị đã làm xao xuyến trái tim bao chàng trai và cả những tao nhân mặc khách.

Năm 1963, trong một lần theo đoàn lưu diễn tại Hà Nội, Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - ông Trần Lâm - thuyết phục Nam Kỷ để nhận chị ở lại, công tác tại Ban Ca nhạc của Đài. Nhưng, tình yêu quê hương, lại thêm lãnh đạo tỉnh Quảng Bình tha thiết mong chị ở lại nên chị đã không nỡ ra đi.

Năm 23 tuổi, nghệ sĩ Nam Kỷ lấy chồng. Đó là một họa sĩ tài ba quê làng Cảnh Dương - Quảng Trạch anh hùng. Khi bé gái, con của hai người mới 2 tuổi thì chồng chị bị đạn Mỹ từ máy bay bắn xuống giết hại trong một lần anh đạp xe về quê nội thăm con. Mấy năm sau, chị bắc lại nhịp cầu hạnh phúc với một nhạc công đánh đàn Ăngtô tài năng trong đoàn: anh Hữu Ngụ. Cặp nghệ sĩ này đã nhiều lần lên chốt biểu diễn cho bộ đội ta, lính ngụy đang cài răng lược ở chiến trường bên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị), trước, trong và sau những ngày Hiệp định Paris được ký kết. Tình yêu, trách nhiệm công tác đã càng lên men trong hạnh phúc của họ. Anh chị có bốn con, hai trai, hai gái.

Nghệ sĩ Nam Kỷ kể lại, mùa hè năm 1973 sau Hiệp định Paris vừa ký kết, một số diễn viên cốt cán của Đoàn Văn công Quảng Bình được điều vào chiến trường Quảng Trị để phục vụ bộ đội. Lính ta, lính ngụy lúc đó đan xen nhau, giữ nguyên vị trí. Chị hát những bài ca hòa bình, tình ca đất nước, dân ca quê hương ngay trên chốt.

Một lần, một sĩ quan ngụy sau khi nghe chị hát và anh Hữu Ngụ đệm đàn đã quắc giọng oang oang: "Đàn bà Bắc Cộng hát hay quá ta! Lính Cộng Hòa nghe mà lịm cả tim, ha!". Lính ngụy hưởng ứng, nổ vài phát súng chỉ thiên lên trời cổ vũ đồng tình. Việc làm đó là  ngược với tinh thần hiệp định đình chiến đã được đôi bên ký kết. Nhưng phía ta cũng phớt lờ, vì cho rằng, đó là lối ứng xử của thứ quân đội thiếu kỷ cương. Những lần như thế làm niềm tự hào và tình yêu của hai người, Nam Kỷ và Hữu Ngụ càng lên men say đắm.

Nghỉ hưu, nghệ sĩ Nam Kỷ và Hữu Ngụ mở tiệm chụp ảnh nơi mình sống để mưu sinh, nuôi dạy con khôn lớn. Hai vợ chồng đều là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình. Nhiếp ảnh gia Hữu Ngụ từ năm 1999 là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Dẫu bận rộn chăm chồng, chăm cháu, nghệ sĩ Nam Kỷ vẫn sẵn sàng lên đường góp thêm tiết mục văn nghệ cho các tổ trong khu phố nếu có sự kiện diễn ra. Tiếng hát của nghệ sĩ Nam Kỷ ở tuổi ngoài 70 vẫn còn làm xao xuyến bao khán, thính giả trong hội trường.

Nghệ sĩ Nam Kỷ và chồng (người đánh đàn) đang biểu diễn trên chốt tại mặt trận Quảng Trị năm 1973.

Kỷ niệm một lần được gặp  Bác Hồ

Giữa tháng 4 năm 1966, theo điều động của Bộ Văn hóa, Đoàn Văn công tổng hợp Quảng Bình vượt bom đạn ra công tác ở các tỉnh phía Bắc. Đoàn đã lưu diễn mấy đêm ở Hải Dương, Hải Phòng. Sau đó, đoàn trở về Hà Nội.

Theo kế hoạch, tối 1-5-1966, đoàn sẽ biểu diễn mừng ngày Quốc tế Lao động tại Hội trường Câu lạc bộ Thống Nhất. Mọi tiết mục cũ và mới tập, chương trình đã sắp xếp hoàn tất. Bỗng có lệnh tối nay, đoàn hoãn diễn ở đây để đi diễn nơi khác. Nơi đâu? Cho ai? Mọi người trong đoàn hỏi nhau. 5 giờ chiều, hai chiếc xe ca đến đón đoàn đi. Xe chạy vào Phủ Chủ tịch. Lúc này mọi người hiểu ra, thế là tối nay sẽ biểu diễn cho lãnh đạo Chính phủ và Trung ương Đảng xem.

Trong phòng hóa trang, Nam Kỷ làm xong phần mình thì chị thấy nhoi nhói đau và sau đó là cơn đau quặn bụng. Chị nói nhỏ với người bạn đứng cạnh, tỏ rõ sự lo ngại, băn khoăn: "Mình đau bụng quá, không biết lát nữa ra diễn có sao không?". Thế mà một lúc sau, bỗng có một người lạ đưa đến cho chị một lọ thuốc và bảo chị hãy uống đi mấy viên cho khỏi đau bụng. Chị làm ngay và hiệu quả lạ thường.

Giờ diễn sắp bắt đầu thì bất ngờ Bác Hồ nhẹ nhàng bước vào. "Bác Hồ! Bác Hồ! Bác Hồ muôn năm! Muôn năm!...". Mọi người trong đoàn tưởng như mơ nhưng đang là thực, vì Bác Hồ đang hiển hiện trước mắt họ. Vỡ òa niềm vui đột ngột, mọi người đã hô vang như thế đến líu lưỡi.

Sung sướng quá, mấy cô văn công Quảng Bình òa khóc, nước mắt giàn giụa. Bác nhẹ nhàng nói: "Thôi, các cháu khẩn trương lên. Các đại biểu đã đến đủ rồi đấy". Rồi Bác hỏi: "Cái cháu lúc nãy đau bụng ở đâu rồi, đã đỡ chưa?". Nghe Bác hỏi, nghệ sĩ Nam Kỷ rưng rưng rồi bước tới đứng trước mặt Bác và cất tiếng: "Dạ thưa Bác, con đã đỡ rồi ạ".

"Sau này, tôi mới nghe các anh lãnh đạo nói: Nghe tôi nói đau bụng, Bác Hồ đã gọi bác sỹ bảo vệ sức khỏe của mình đến. Bác bảo đưa gấp thuốc cấp cứu cho tôi. Nhờ thế mà tôi cắt được cơn đau bụng và lên sân khấu được", bà Nam Kỷ kể lại.

Buổi biểu diễn hôm đó thành công tốt đẹp và đã để lại bao nhiêu kỷ niệm cho toàn Đoàn. Cuối buổi biểu diễn, Bác Hồ đã chụp ảnh kỷ niệm với toàn đoàn, nghệ sĩ Nam Kỷ được xếp đứng cạnh Bác. Đó là một kỷ niệm vô giá với bà và con cháu mỗi khi nhìn lại tấm ảnh này.

Đồng Hới, ngày 5/5/2018

Hồ Ngọc Diệp
.
.