“Nữ hoàng băng giá” và những cuộc cầu hôn bất thành

Thứ Bảy, 06/10/2007, 07:15
Ngày 17/11/1558, Công chúa Elizabeth, người thừa kế thứ ba trong di chúc của Quốc vương Enjoy VIII, được trao vương miện, trở thành Nữ hoàng nước Anh. Trong 45 năm bà trị vì, nước Anh có cơ hội phát triển vượt bậc về mọi mặt, xây dựng được lực lượng hải quân hùng mạnh, đủ sức đánh bại Hạm đội số 1 của Tây Ban Nha, giành địa vị bá chủ mặt biển. Nữ hoàng Elizabeth I toàn tâm, toàn ý cho sự phát triển của đất nước, đến mức “quên” cả lấy chồng!

Liên quan đến cuộc sống độc thân của Nữ hoàng Elizabeth I, có những kiến giải không giống nhau. Phần đông cho rằng, Nữ hoàng sống độc thân vì bà đã quyết hy sinh hạnh phúc của riêng mình vì sự hưng thịnh của đất nước.

Lại có một số người cho rằng, vì những ảnh hưởng không mấy tốt đẹp từ cuộc hôn nhân của cha mẹ, Nữ hoàng không dám gắn bó cùng ai. Số khác thì khăng khăng, Nữ hoàng khó lấy chồng, vì không muốn từ bỏ ngai vàng để làm dâu xứ người, lại không thể hạ mình lấy quan đại thần hoặc thứ dân. Thậm chí trong thiên hạ còn đoán già, đoán non, rằng có thể Nữ hoàng là người ái nam, ái nữ...

Từ chối lời cầu hôn của các quốc vương láng giềng

Công chúa Elizabeth trở thành Nữ hoàng khi mới 25 tuổi. Lấy chồng không còn là việc riêng của Nữ hoàng, mà là vấn đề được Quốc hội và thần dân luôn quan tâm, thúc giục. Ngay sau khi Elizabeth lên ngôi, quốc vương của các công quốc láng giềng tấp nập đến cầu hôn với Nữ hoàng, nhưng tất cả đều bị bà tìm cách thoái thác với lý do vẫn chưa tìm được ý trung nhân.

Sinh thời, Nữ hoàng đã từng nói: “Khi nghĩ đến hôn nhân của mình, điều đầu tiên chính là nhân tố chính trị... Nếu như sau khi tôi chết, trên bia mộ khắc hàng chữ “Vị Nữ hoàng này do đang trị thế thời đại này, mãi đến khi chết vẫn là gái trinh” thì tôi không có điều gì nuối tiếc cả...” .

Xét về quan hệ quốc tế thời Elizabeth cai trị đất nước, Tây Ban Nha và Pháp là hai nước lớn luôn gây cản trở đối với việc mở rộng lãnh thổ và nâng cao địa vị của nước Anh. Cả hai nước đều coi việc kết hôn với Nữ hoàng Anh là cơ hội để vươn lên làm bá chủ châu Âu.

Do đó, Nữ hoàng Elizabeth I chủ trương duy trì sự cân bằng các nước lớn, lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước đó, tạo cơ hội phát triển cho vương quốc của mình.

Vì vậy, việc kết hôn của Nữ hoàng phải tránh gây mâu thuẫn và sự đụng độ với Pháp và Tây Ban Nha, đồng thời phải tìm cách để cho việc từ chối kết hôn với quốc vương hai nước này không dẫn đến nguy cơ của một cuộc chiến tranh. Vì thế, Nữ hoàng không thể thẳng thừng từ chối lời cầu hôn của bất cứ một quốc vương nào, mà khéo léo kéo dài thời gian “tìm hiểu” độ dăm bảy năm. Khi đối thủ tỏ ra chán nản, Nữ hoàng mới kết thúc trò chơi “Mèo vờn chuột”.

Người đầu tiên đến cầu hôn với Nữ hoàng Elizabeth là Quốc vương Tây Ban Nha, Philip II, là chồng của chị gái đã quá cố của Elizabeth. Elizabeth biết rõ rằng, Tây Ban Nha là vương quốc có tiềm lực mạnh nhất thời đó, nước Anh cần lợi dụng.

Song nếu kết hôn cùng Philip II, quan hệ Anh – Pháp sẽ bị phương hại, quyền lợi nước Anh bị tổn thất. Vì thế, Elizabeth khéo léo lấy lý do tôn giáo để từ chối lời cầu hôn của Philip II.

Năm Nữ hoàng 30 tuổi, vấn đề người thừa kế ngai vàng luôn được nêu ra trong chương trình nghị sự của Quốc hội. Nhất là sau khi Nữ hoàng bị bệnh đậu mùa, vấn đề hôn nhân của Nữ hoàng lại càng được đặc biệt quan tâm. Đúng lúc đó, vương thất Pháp hướng đến Nữ hoàng nước Anh với những toan tính chính  trị khác nhau.

Từ quốc vương đến các công tước đều náo nức tìm con đường đến trái tim của Nữ hoàng nước Anh. Đi  đầu là Quốc vương Charles IX, tiếp đến là các Công tước An Chang, Công tước Arunson. Tất cả đều chịu sự hướng dẫn và chi phối của Hoàng thái hậu Medici –D-Kesselring. --PageBreak--

Bà muốn, một trong ba người con trai của mình đính hôn với Elizabeth, liên minh với Anh để đương đầu với Tây Ban Nha. Song, cả ba người con trai của bà đều không tìm thấy con đường dẫn đến trái tim “băng giá” của Nữ hoàng.

Elizabeth vì muốn lợi dụng nước Pháp, kiềm chế Tây Ban Nha, bề ngoài đã cố tỏ ra không có ý định cự tuyệt thịnh tình của vương thất Pháp. Thoạt đầu, Nữ hoàng làm ra vẻ rất quan tâm đến chuyện hôn nhân với Quốc vương Charles IX.

Trước mặt các sứ giả, Elizabeth sôi nổi bàn đến các điều kiện của hôn nhân, sau đó lại mềm mỏng cự tuyệt. Sau khi Charles IX qua đời, Công tước An Chang, người kém Nữ hoàng Elizabeth 15 tuổi, lên làm Quốc vương, lại phái sứ giả đến nước Anh cầu thân.

Lần này, Nữ hoàng Elizabeth tỏ rõ là một chuyên gia ngoại giao tầm cỡ, nhiều lần đưa những điều khoản của hôn ước ra tranh luận, tiếp đến lại đòi xem mặt vị hôn thê, đề nghị sửa chữa chỗ ở và thảo luận về vấn đề tôn giáo...

Tất cả những điều đó được đưa ra bàn thảo trong 5 năm. Dưới sức ép của Quốc hội, cuối cùng, đến năm 40 tuổi, Elizabeth quyết định kết hôn cùng An Chang. Quyết định này của Elizabeth khiến nước Pháp vô cùng mừng rỡ. Các tu viện khắp nước Pháp gióng chuông, người dân Pháp đốt pháo ăn mừng.

Nhưng thật oái oăm, đúng lúc cử hành hôn lễ, Elizabeth đột ngột tuyên bố hủy hôn. Công tước An Chang bị bẽ mặt, bèn tháo chiếc nhẫn cưới quăng xuống đất và giận dữ mắng Nữ hoàng Elizabeth là “một mụ già kỳ quái”!

Đến khi Nữ hoàng Elizabeth 46 tuổi, Hoàng thái hậu nước Pháp, vì quyền lợi quốc gia vẫn nén giận, tiếp tục phái sứ thần đến nước Anh làm mối cho người con trai khác của bà là Arunson mới 25 tuổi. Đây là nỗ lực cuối cùng của vương thất Pháp.

Arunson là một chàng trai xấu xí, mặt rỗ, lùn, mũi như đầu củ tỏi, có biệt danh là “Hoàng tử ếch”, chỉ đáng tuổi con của Nữ hoàng. Vẫn chiêu thức cũ, Nữ hoàng giả vờ nhiệt tình thết đãi, nói cười vui vẻ, lại cùng Arunson tay trong tay tản bộ trong ngự hoa viên. Elizabeth lại “vờn” “Hoàng tử ếch” trong 2 năm.

Đó là khoảng thời gian để Nữ hoàng tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao cân bằng các nước lớn, ngăn ngừa liên minh giữa Pháp và Tây Ban Nha, tạo ra những năm tháng hòa bình để phát triển đất nước.

Ngoài hai cường quốc Pháp và Tây Ban Nha, các công quốc khác ở châu Âu cũng không bỏ qua cơ hội kết hôn với Nữ hoàng Anh, mưu cầu lợi ích cho đất nước. Sau khi Nữ hoàng Elizabeth chối từ lời cầu hôn của Quốc vương Tây Ban Nha, Hoàng đế La Mã đã thay mặt cầu hôn cho hai người con trai là đại công tước Fernande và đại công tước Charles.

Trở ngại lớn nhất trong việc cầu hôn của Hoàng đế La Mã là về tôn giáo. Hai vị đại công tước này tôn thờ Thiên Chúa giáo, trong khi Nữ hoàng lại theo Tân giáo.

Vì vậy, Nữ hoàng lại lấy lý do tôn giáo để chối từ nhã ý của La Mã. Nhưng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, Nữ hoàng lại cố ý làm hòa dịu quan hệ đôi bên bằng việc muốn xem mặt hai vị đại công tước của La Mã. Khi điều kiện này không được thỏa mãn, bà tuyên bố không muốn kết hôn với người chưa từng biết mặt.

Trong số những người đến cầu hôn với Nữ hoàng Elizabeth, Erik- Hoàng tử Thụy Điển là người tỏ ra cuồng nhiệt nhất. 5 lần ngỏ lời cầu hôn, 5 lần bị Nữ hoàng từ chối, song không vì thế mà ông từ bỏ ý định.

Erik còn phái em trai ông đến ở hẳn London một năm làm sứ giả cầu hôn. Bản thân Hoàng tử đích thân 2 lần theo thuyền vượt biển đến Anh, song cả hai lần đều thất bại vì gặp bão lớn, cuối cùng đành từ bỏ ý định.

Và những người đàn ông của riêng mình.

Người đàn ông đầu tiên có tên trong cuộc đời của Nữ hoàng Elizabeth là Robert Dudley. Đó là một người đàn ông đẹp trai, phong độ, là người chăm sóc và quản lý ngựa của Nữ hoàng. Tuy đã có vợ, nhưng do công việc nên Robert Dudley luôn ở kề cận Nữ hoàng, trong khi vợ ông lại ở thôn quê... Ngoài vai trò của một người hầu tận tụy, Robert Dudley còn đóng vai một người tình, thỏa mãn những đòi hỏi của một tình yêu đích thực.

Nữ hoàng yêu Robert Dudley đến mức, Robert Dudley có thể hôn tay bà bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, thậm chí còn được tự do vào phòng ngủ của Nữ hoàng. Khi vợ của Robert Dudley bệnh nặng qua đời, nhiều người những tưởng Nữ hoàng sẽ bất chấp mọi khoảng cách và rào cản để cưới người đàn ông mình yêu. Nhưng cuối cùng, để bảo vệ thanh danh và sự đoàn kết của vương thất, vì lợi ích của đất nước, Elizabeth đã không kết hôn cùng Robert Dudley.

Điều này khiến Nữ hoàng bị giày vò đau khổ trong nhiều năm.Theo những lời đồn đại từ trong cung, Nữ hoàng còn đem lòng yêu say đắm một vũ công trong triều. Người đàn ông này tên là Chirstopher Hantton, được Nữ hoàng nhận làm vệ sĩ cho ở kề cận bên mình.

Chirstopher Hantton cũng biết dùng lời ngon ngọt để làm đẹp lòng Nữ hoàng: “Được phục vụ cho người còn hạnh phúc hơn được lên thiên đường. Mất người thì còn đau khổ hơn xuống địa ngục”.

Ngoài ra, còn có một người rất phong tình, chuyên làm thơ ngâm hầu Nữ hoàng. Ông tên là Walter Roli. Dưới ngòi bút của Roli, Nữ hoàng dẫu đã ngoài 50 tuổi, trở thành thiếu nữ đáng yêu, nhưng khi Roli kết hôn, Nữ hoàng nổi giận đuổi hai vợ chồng Roli ra khỏi hoàng cung.

Ngày 24/3/1603, Nữ hoàng Elizabeth qua đời. Vì không có con nối dõi, các đại thần và Quốc hội nước Anh quyết định lập James - con trai của Mary - kẻ kình địch chính trị trong quá khứ của Elizabeth, lên làm Quốc vương mới

Minh Hằng
.
.