Nón vẫn thơ, sông La vẫn chảy…

Thứ Hai, 01/08/2016, 08:13
Công chúng yêu thích âm nhạc hẳn biết đến một bài hát nổi tiếng có tên "Gửi em chiếc nón bài thơ" mà mở đầu là những lời ca thật dễ thương, được chuyển tải bằng một giai điệu rất ngọt ngào, mượt mà, đậm phong vị dân ca: "Anh gửi cho em chiếc nón bài thơ xứ Nghệ/ Mang hình bóng quê hương/ Lợp vào đây trăm mến ngàn thương…".


Tên tác giả có thể nhiều người nghe chưa quen nhưng bài hát trên thì từ lâu đã có đời sống bền vững trong lòng công chúng. Ngoài ra, ông còn có một bài hát nữa cũng rất quen biết. Đó là bài "Gửi sông La" cũng dạt dào âm hưởng dân gian: "Ơ! Dòng sông La/ Ơi niềm thương, nỗi nhớ/ Em biết từ lâu quê hương anh nơi đó…".

Bản thân tôi khi chưa đến sông La, nghe bài hát đã rất yêu cảnh Hà Tĩnh nên thơ và người Hà Tĩnh đằm thắm. Hai bài hát này đã khẳng định vị trí xứng đáng của ông trong làng nhạc Việt Nam. Ông là Lê Việt Hòa, sinh năm 1935, quê Sơn Tây, mất năm 2014, hưởng thọ 79 tuổi. Gần như cả đời ông làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam (nhạc công đàn tỳ bà, rồi ghi ta. Sau khi học xong đại học âm nhạc, làm biên tập viên). Ngoài hai bài hát nổi tiếng trên, ông còn có một số bài khá nổi tiếng như "Rừng Hà Tuyên quê em", "Cô gái Na Hang", "Mùa xuân sông Tô"…và một số tiểu phẩm khí nhạc. Tuy nhiên, lĩnh vực ông sở trường vẫn là ca khúc.

Sáng tạo nghệ thuật là một lĩnh vực thần diệu. Số lượng tác phẩm nếu không đi liền với chất lượng thẩm mỹ thì không nói lên được điều gì ngoài sự chịu khó làm việc và ít nhiều hạn chế về tài năng của chủ thể sáng tạo.

Nhạc sỹ Lê Việt Hòa.

Rất may là Lê Việt Hòa có được hai bài vừa nói, đã đóng một chiếc đinh 10 phân khá chắc chắn vào tâm khảm người nghe. Những nhạc sỹ làm việc ở Ban biên tập Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam có thuận lợi hơn các nhạc sỹ khác không công tác ở đây là luôn được các cơ sở, địa phương, mời đi thâm nhập thực tế sáng tác, bởi một thời gian rất dài, trước khi có sự bung ra, nở rộ của các làn sóng truyền hình và các clip, đĩa nhạc như hiện nay thì làn sóng âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn là nơi gần như độc tôn trong việc tuyên truyền tác phẩm.

Vậy nên các nhạc sỹ ở Đài thường viết và thu thanh rất nhiều. Thuận lợi đặc biệt này đồng thời lại là "con dao hai lưỡi" vì số lượng thì quá nhiều, trong khi chất lượng dễ không tương xứng. Trước khi hai bài hát trên xuất hiện, tôi từng nghe loáng thoáng cái tên Lê Việt Hòa ở trên đài. Nhưng chưa để ý. Rồi mỗi lần lui tới Ban Biên tập Âm nhạc - nơi ông làm việc - để gửi sáng tác, tôi được diện kiến ông. Cũng vẫn chưa có gì đáng nhớ về một con người trầm tính, trông ít chất "nghệ".

Rồi một ngày kia, trên làn sóng bỗng vang lên: "Anh gửi cho em chiếc nón bài thơ xứ Nghệ…", ngay từ lần nghe đầu tiên, tôi đã bị cuốn hút vào một giai điệu đẹp, uyển chuyển, sâu lắng, đậm đà phong vị dân gian nhưng nghe rất mới mẻ.

Cũng là một người sáng tác nhưng khi đó mới chỉ là những bước đi ban đầu, tôi thực sự nể tác giả và coi "Gửi em…" như một ca khúc mẫu mực đáng để mình tham khảo, học tập, nhất là biết rõ tác giả hình thành ca khúc từ một bài thơ của nhà văn Sơn Tùng quê ở Nghệ An. Đọc bài thơ này mới thấy Lê Việt Hòa thật tài tình trong việc chuyển sang bài hát mà nếu không biết, cứ nghĩ nhạc sỹ làm cả phần lời, bởi sự thoát hẳn ra kết cấu và lời lẽ của bài thơ.

Trong bài thơ của mình, nhà văn Sơn Tùng nói về mối quan hệ kết nghĩa gắn bó giữa Nghệ An và Quảng Ngãi. Bài thơ đậm màu sắc chính trị gắn với sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng nhạc sỹ đã nhào nặn thành một ca khúc trữ tình, chính xác hơn là một bài tình ca, đem đến cho nó một giá trị vĩnh hằng bởi chủ đề này, nếu có giá trị nghệ thuật sẽ trường tồn vĩnh cửu.

Tuy nhiên, rất khéo léo, Lê Việt Hòa vẫn để lại một dấu mốc trong ca khúc của mình về ngày trọng đại của dân tộc. Đó là câu: "Nón bài thơ, em đội nón bài thơ đi đón ngày hội mới". Chỉ cần nói thế là người nghe đủ hiểu, không cần phải như một nhạc sỹ nọ, khi duyệt bài này đã đề nghị tác giả nói rõ "ngày hội mới" là ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng tác giả đã kiên quyết bảo lưu ý mình.

Ông kể lại là khi ấy đã nói: "Đó là ý nghĩ của tôi, còn nếu các vị thấy không ổn thì bỏ, tôi đành chấp nhận chứ không thể sửa". Sau đó, có người cho rằng Lê Việt Hòa bảo thủ. Nhưng cũng may là vẫn còn người ủng hộ ông. Thế là "Gửi em…" vượt qua được sự kiểm duyệt của cả một hội đồng mà trong đó có những thành viên vẫn còn nặng ý nghĩ giáo điều, máy móc.

Về sự ra đời bài hát "Gửi em…", có lần, tôi được Lê Việt Hòa tâm sự đôi điều liên quan. Ông có mối tình khá lãng mạn với một cô gái ở Sơn Tây, sau đó nên duyên chồng vợ. Giữa những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, cơ quan ông sơ tán ở Thái Nguyên. Mỗi lần về thăm vợ, ông phải đi xe đạp vượt qua chặng đường dài từ Thái Nguyên về Hà Nội, rồi lên Sơn Tây. Nhiều khi về hôm trước, hôm sau phải đi ngay để kịp làm việc.

Thế rồi do bận rộn, đi lại quá diệu vợi, có một dạo ông về thăm vợ thưa thớt. Người nhạc sỹ ngày đó đang ở độ tuổi hơn 30, đang dồi dào, sung mãn, lại đàn hát lai láng, cộng với bản tính người nghệ sỹ vốn không giỏi giữ mình nên đã không tránh được sự hiểu lầm từ phía "bà xã". Hạnh phúc của ông bà khi ấy từng có lúc "cơm không lành, canh chẳng ngọt".

Vợ chồng nhạc sỹ Lê Việt Hòa.

Nhưng sự "trục trặc"chỉ kéo dài một thời gian. Cả hai người sau đó đều nhận ra không thể thiếu nhau, nhất là cùng thương đứa con khi ấy còn nhỏ, sẵn sàng hy sinh tất cả vì nó nên cuối cùng đâu lại vào đấy. Vợ chồng Lê Việt Hòa lại hát bài … "Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay". Và từ bài thơ của Sơn Tùng, ông tạo nên bài hát "Gửi em…" còn với ý muốn gửi gắm đến người vợ rất đỗi yêu quý của mình lời tâm niệm về tình yêu, hạnh phúc, trong đó lòng chung thủy, son sắt luôn cần được đề cao lên hàng đầu: "…Nước dưới sông có khi đầy khi cạn/ Trăng trên trời có khi tỏ khi mờ/ Tình đôi ta từ bấy đến giờ/ Vẹn tròn như chiếc nón bài thơ…".

Lê Việt Hòa, trong mắt của bè bạn, đồng nghiệp là một người đàn ông nghiêm túc trong lĩnh vực…liên quan đến phụ nữ. Tôi từng có dịp cùng đi sáng tác với ông tại các địa phương thì thấy ông chỉ cặm cụi ghi chép, thai nghén rồi "chửa, đẻ" tác phẩm chứ chưa thấy ông dùng dắng, sa đà vào những chỗ có các bóng hồng bao giờ.

Trong sáng tác, Lê Việt Hòa thích tạo cho mình phong cách dân gian bằng việc tìm về những giá trị truyền thống hơn là hoàn toàn hiện đại. Và ông đã thành công ở hai ca khúc đã có dịp nhắc đến. Lúc đầu, khi nghe hai bài hát này, chưa biết rõ về gốc gác tác giả, lại nhìn ngoại hình, tôi cứ nghĩ ông quê ở Nghệ An. Vì cả hai bài đều thắm đượm chất liệu dân ca xứ sở này. Tôi đoán rằng phải quê trong đó mới đậm đặc chất liệu Nghệ - Tĩnh trong cả hai bài như thế. Sau này mới biết mình nhầm. Ông quê ở xứ Đoài, đồng hương với nhà thơ Quang Dũng - tác giả bài thơ "Tây tiến" nổi tiếng.

Lê Việt Hòa thuộc dạng hướng nội. Ông có tính cách kín đáo, khiêm nhường và làm thường hiệu quả hơn nói. Ông xuề xòa, mộc mạc, không chải chuốt cả về trang phục lẫn lời ăn tiếng nói. Mới tiếp xúc, dễ không mấy thú vị bởi ông không có những lời nói, ứng xử làm đẹp lòng người khác. Thậm chí nhiều người còn dễ dị ứng với cách góp ý nhiều khi thiếu tế nhị, có phần "thẳng ruột ngựa" của ông.

Một lần, một nhạc sỹ đồng nghiệp hát cho chúng tôi nghe một ca khúc vừa sáng tác và đề nghị chúng tôi nói cảm nghĩ. Bài hát nhạt, không có hiệu quả. Tôi chưa nói gì, Lê Việt Hòa đã không đắn đo,  nói luôn: "Ông vất bài này đi, làm lại nếu muốn giữ chút uy tín". Nhạc sỹ kia tự ái, cũng chẳng còn tế nhị mà đốp luôn: "Ông là nhạc sỹ mà tai chẳng khác mấy… tai trâu". Nhưng nếu chơi lâu, trở nên thân thiết, gần gũi thì thấy ông đáng quý bởi tấm lòng chân tình và khá cởi mở.

Một lần đi sáng tác cùng ông, thấy tôi viết nhanh, sớm hoàn thành sáng tác, trong khi thời gian còn nhiều, ông chân thành góp ý: "Này! Cậu đừng dại tiết lộ tác phẩm vội. Họ sẽ cho rằng chúng mình làm ăn dễ quá. Cứ nghiền ngẫm, gọt giũa cho đến ngày cuối cùng, không thừa…". Số là có lần, khi trả tiền tác phẩm cho các nhạc sỹ, một kế toán ở một địa phương nọ thấy chúng tôi đến và làm việc trong có vài ngày đã "trả" được tác phẩm bèn thốt lên với người thủ trưởng: "Họ chỉ có mấy ngày mà lĩnh khoản tiền bằng mấy tháng lương tụi em". Từ đó, cánh nhạc sỹ thường dặn nhau đừng hoàn thành tác phẩm sớm quá, dẫu có cái đầu siêu đến đâu!

Lê Việt Hòa đã ra đi. Chúng ta mãi mãi thiếu vắng ông. Nhưng những chiếc nón bài thơ vẫn còn đó, vẫn mãi đẹp và dòng sông La vẫn không bao giờ ngừng tuôn như những giai điệu của ông vẫn mãi chảy trong tâm khảm người nghe.

Nguyễn Đình San
.
.