Nỗi niềm Nghệ sĩ "hạng trung"

Thứ Năm, 08/10/2020, 10:20
Với nhiều người, dấn thân vào showbiz là con đường nhanh nhất để trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên, nghệ thuật là hành trình đầy nghiệt ngã. Đối với những diễn viên "hạng trung", con đường này lúc nào cũng đầy những chông gai.


Bước chân theo đuổi đam mê

Đã 10 năm sống với nghề, với tất cả đam mê và nỗ lực, nhưng với mọi người, Gia Linh vẫn chỉ là một diễn viên "hạng trung".

Học Đại học Sân khấu điện ảnh, cơ duyên tìm đến với Gia Linh khi chị được mời diễn ở sân khấu Nụ Cười Mới. Với Linh, Nụ Cười Mới không chỉ là nơi học tập, rèn luyện mà còn như gia đình thứ hai. Ở đó, chị được vào vai trong không ít những vở diễn hài, cùng những anh chị có tên tuổi như nghệ sĩ Hoài Linh, Chí Tài, Trường Giang... Ở đó, từ khá sớm, chị được góp mặt trong những show diễn lớn nhỏ, tham gia vào cả những băng đĩa của dàn nghệ sĩ gạo cội.

Diễn viên - ca sĩ Gia Linh trong Chương trình "Khoảnh khắc cuộc đời".

"Hồi đó đi diễn mỗi suất được 150 nghìn, mà vui thiệt là vui" - Gia Linh kể lại. Mỗi lần diễn được khán giả cười, đối với chị là một niềm sung sướng, là động lực to lớn để chị tiếp tục với nghề. Không ngại bất kỳ vai diễn nào, Gia Linh chia sẻ một kỷ niệm đó là có lần chị được nghệ sĩ Nhật Cường mời diễn vai con chó trong vở kịch "Cướp biển vùng Cà Ri Bê", chị chẳng ngần ngại mà chấp nhận ngay. Không ngờ chính vai diễn này đã trở thành dấu ấn của cái tên Gia Linh trong lòng khán giả.

Diễn càng nhiều, áp lực cũng ngày càng tăng lên, Gia Linh luôn trăn trở phải làm sao để diễn cho thật hay, phối hợp ăn ý với các bạn diễn. Sau mỗi vở diễn, chị luôn lắng nghe góp ý của các anh chị đi trước để có thêm kinh nghiệm cải thiện bản thân. Nghe những chia sẻ về chặng đường lúc mới vào nghề, tôi thấy Gia Linh thực sự là một con người yêu và sẵn sàng hi sinh vì nghệ thuật. Với chị được diễn xuất không đơn thuần là một công việc mà còn là niềm vui sống, cảm xúc để chị thăng hoa. Đây cũng là đặc điểm chung của tất cả những người yêu nghệ thuật, làm về nghệ thuật. Được hóa thân vào nhân vật, được trình diễn trước khán giả là một khát khao, là lẽ sống của những người diễn viên trót dấn thân vào con đường nghệ thuật như Gia Linh.

Mác "hạng trung" và nỗi tự ti đeo bám

Đam mê và cống hiến hết mình là vậy, nhưng sự nổi tiếng vẫn chưa đến với Gia Linh. Nhiều người cho rằng Gia Linh là một "diễn viên hạng trung". Linh không ngần ngại đồng ý ngay với nhật xét này. Theo chị, đó là sự thật và chị không thể làm gì hơn ngoài sẵn sàng chấp nhận sự thật ấy. 

Đồng ý nhưng không có nghĩa là Gia Linh không tủi thân. Đã là nghệ sĩ thì mong muốn được nhiều khán giả biết đến và ái mộ là một nhu cầu chính đáng. Hạng nhì, hay hạng ba không quan trọng, Nghệ thuật thật ra không có thứ hạng, hoặc là có tất cả, hoặc không có gì cả. "Không có gì cả" chưa dừng ở việc nói đến danh tiếng mà còn là về thu nhập của nghệ sĩ. 

Ngày nay, sẽ là một chuyện rất đỗi bình thường nếu một ca sĩ vedette được trả hàng triệu hoặc thậm chí là chục triệu đồng cho một bài hát và cũng sẽ rất bình thường nếu những ca sĩ hát bè, diễn viên phụ, hay nhạc công chỉ nhận được mức cát xê vài trăm nghìn trong một đêm diễn. Cùng là lao động, cùng là đam mê nhưng sự chênh lệch đến hàng chục, hàng trăm lần trong thù lao như thế vẫn được xem là một điều bình thường, dù đó là sự "bình thường" chát đắng!

Mặc cảm "hạng trung" cũng mang đến trở ngại trong công việc khi Gia Linh không dám mạnh dạn thể hiện "cái tôi" trên sân khấu, chỉ cố gắng tròn vai theo yêu cầu của đạo diễn, ăn nhịp với bạn diễn. Sự thận trọng trong những diễn viên "hạng trung" như chị khiến cơ hội sáng tạo và tỏa sáng mờ dần. 

"Mình không có gì nhiều ngoài tự ti" - Gia Linh bình thản nhìn nhận. Sống với nghề hơn mười năm, chị nhận ra không chỉ mặc cảm khi đứng trước người nổi tiếng, chị còn tự ti với những đàn em trẻ tuổi. Bạn diễn trẻ ngày càng giỏi, ngày càng duyên, cơ hội của các em nhiều hơn so với diễn viên thế hệ trước. Có muốn cạnh tranh, thế hệ chị cũng không có nhiều lợi thế.

Tự ti không có nghĩa là dừng lại

Trong nghệ thuật, buông xuôi là đặt dấu chấm hết, Gia Linh biết mình phải nỗ lực hết mình để theo đuổi đam mê. Chị vẫn hằng tin: "Nhiều diễn viên về già mới nổi mà, chỉ cần mình đừng bỏ cuộc". Gia Linh đã tạm hài lòng với những gì mình đang có. Chị biết ơn những người đã luôn bên cạnh ủng hộ chị. Chị không còn quá khao khát đua tranh danh vọng, chỉ muốn được sống với nghề, tiếp tục cống hiến cho nghề và đem lại niềm vui cho khán giả. Khát khao thể hiện, khẳng định mình trên con đường nghệ thuạt luôn cháy bỏng trong Gia Linh.

Gia Linh thể hiện ở chương trình "Tình Bolero 2020".

Mơ ước nổi tiếng không đồng nghĩa với làm mọi thứ để được nổi tiếng. Hia Linh không muốn đi lên nhờ những chiêu trò hay làm phiền người khác. Chị quan niệm nghệ thuật dù rất khó, song đã làm nghệ thuật thì phải đi lên từ nghệ thuật chân chính.

Gia Linh đã quyết định trở lại với công chúng bằng một bước rẻ ngoặt. Chị không chỉ xuất hiện với danh nghĩa là một diễn viên hài, mà tham gia vào chương trình "Tình Bolero 2020", thử sức mình dưới màu áo một ca sĩ. Tên tuổi của chị đã dần góp mặt trong các gameshow với tần số xuất hiện dày hơn. Các nhà sản xuất cũng đã tìm đến Gia Linh nhiều hơn, đủ để chị tự tin vào bản thân hơn và sẵn sàng cho những dự án sắp tới.

Chị tiết lộ, rẽ sang ca nhạc để tự làm mới mình nhưng đau đáu trong chị vẫn là ước mơ được diễn chính kịch. Ngày nay, trên nền tảng Youtube, những gameshow, những tiểu phẩm hài ngắn đang trở thành thị hiếu, chúng xuất hiện dày đặc và lấn át chính kịch. Nhưng người yêu kịch vẫn khao khát được xem những vở kịch không chỉ đơn thuần mang lại tiếng cười mà còn phải khai thác được nhiều khía cạnh của đời sống thường nhật đương đại. Khán giả đến với kịch không đơn thuần chỉ để giải trí mà còn để tìm kiếm những ý nghĩa nhân văn. 

Gia Linh đã và đang ấp ủ, dành dụm kinh phí để sản xuất một series chương trình thật cảm động trên Youtube. Chị muốn tạo ra một sản phẩm mà mọi lứa tuổi đều có thể xem, đồng cảm và chia sẻ những giá trị đằm sâu trong cuộc sống. Không ít đồng nghiệp có ý can,  cho rằng "làm cái này, theo hướng này thì không có ăn", bởi những sản phẩm như vậy khó mà thu hút bằng hài. 

Tuy nhiên Gia Linh quan niệm rằng, trước khi nghĩ đến lợi nhuận, thì phải nghĩ đến giá trị mà tác phẩm đem lại cho khán giả. Có thể chị không thành công ngay, không thu hút khán giả được ngay, nhưng chị tin với mỗi một vở kịch sẽ mang lại giá trị nhân văn, và nhiều vở kịch thì thành quả mà chị cống hiến sẽ là không hề nhỏ. Với chị, ước mơ đó, kế hoạch đó là một việc tốt, nó vừa là đóng góp, vừa thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật.

Nhiều người quan niệm rằng làm nghệ sĩ thì không chỉ kiếm được nhiều tiền, mà còn được đi đây đi đó, được fan theo đuổi và lúc nào cũng được sống sung sướng dưới ánh hào quang. Nhưng đó chỉ là đối với những nghệ sĩ có tên tuổi trong giới showbiz. Đối với diễn viên hạng trung như Linh, được làm nghề, được mang đến niềm vui cho khán giả đã là quá đủ. Sự ủng hộ của đồng nghiệp và khán giả sẽ là sức mạnh để họ vượt qua nỗi tự ti và vững bước trên con đường theo đuổi niềm đam mê của mình. 

Diễn viên - ca sĩ Gia Linh đã góp mặt trong nhiều gameshow, liveshow, phim, tiểu phẩm kịch như:

"Những tên cướp biển vùng Cà-ri-bê", "liveshow Trường Giang", "liveshow Hoài Linh", kịch "Ông Ngoại Bà Nội", "Ba Anh Kua Má Em", "Tôi tuổi teen", "Phụ nữ ngày nay", "Đẹp để tự tin", "Kịch cùng Bolero mùa 1",... 

Là một trong số bạn diễn ăn ý của Trường Giang trên sân khấu, Gia Linh biến hóa với rất nhiều vai diễn. Trong năm 2020, Gia Linh còn đến với khán giả với tư cách là một ca sĩ qua chương trình "Tình Bolero 2020", và nhận được không ít lời khen đến từ công chúng và giới chuyên môn.

Danh Phạm
.
.