Nơi con người thật nhất với mình

Thứ Năm, 12/10/2006, 09:00

“Trong quá trình biên soạn toàn bộ nhật ký mà cha tôi để lại, tôi và một số nhà văn, nhà nghiên cứu văn học đều nhận thấy rõ rằng: Nguyễn Huy Tưởng quả đã cho ta biết nhiều hơn những gì ta đã được biết về ông lúc sinh thời, kể cả hơn 40 năm, sau khi ông mất”, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng kể.

Anh Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, hiện là Trưởng ban biên tập sách khoa học NXB Kim Đồng, đồng thời cũng là người biên soạn bộ nhật ký cho hay: Về kết cấu, bộ sách được chia làm 3 tập, dày 1.700 trang: Tập I - “Đến với văn chương và cách mạng”, bắt đầu với những trang nhật ký ông viết từ cuối năm 1930 cho đến tháng 7-1945 - khi ông bí mật rời Hà Nội lên chiến khu dự Quốc dân Đại hội; Tập II - “Những năm kháng chiến”, bắt đầu từ tháng 5/1946, khi âm vang cuộc kháng chiến ở Nam Bộ đã lan ra toàn quốc cho đến cuối năm 1953, thời kỳ ông tham gia phát động quần chúng tại một xã vùng trung du Phú Thọ; Tập III - “Nghệ sĩ và công dân”, bắt đầu từ cuối tháng 9/1954, khi ông cùng đoàn quân chiến thắng tiến về tiếp quản Thủ đô và kết thúc vào một ngày cuối tháng 6/1960, khi ông sắp phải lên bàn mổ chống chọi với căn bệnh ung thư để rồi sẽ ra đi mãi mãi một tháng sau đó.

- Theo anh, phần di cảo này có giá trị thiên về văn học hay chủ yếu là giá trị phản ánh hiện thực xã hội của đất nước ở nhiều thời điểm khác nhau trong lịch sử?

Nguyễn Huy Thắng (NHT): Ngay từ những dòng nhật ký sớm nhất viết năm 1930, khi cha tôi còn là một học sinh Trường Bonnal, Hải Phòng, ông đã xác định cho mình thiên chức “trở nên một người văn sĩ”. Chính vì thế mà nhật ký của ông đề cập nhiều đến các vấn đề văn học. Nhưng là người “ưu thời mẫn thế”, cha tôi cũng đề cập nhiều đến các vấn đề thời cuộc. Đặc biệt từ khi ông tham gia các hoạt động công khai hay bí mật trước Cách mạng như Truyền bá quốc ngữ (1938), Hướng đạo (1941), Văn hóa cứu quốc (1943), nhật ký của ông càng giàu tính xã hội.

Tháng 8/1944, khi nhóm Văn hóa Cứu quốc bí mật mà ông là một thành viên chủ chốt bị khủng bố, ông đã thuật lại trong nhật ký rất chi tiết việc các đồng chí của ông: Như Phong, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi… bị mật thám bắt, rồi bị giải đi Nam Định để đối chất. Trong cơn nguy hiểm, ông vẫn công nhiên nói tới các tài liệu cá nhân có thể khiến ông bị liên lụy do tính chất cách mạng của chúng. Sau này, khi đối mặt với nhiều vấn đề “nhạy cảm”, cha tôi vẫn giữ nguyên cách viết ấy.

- Nói như Giáo sư Phong Lê: Nhật ký, sổ tay ghi chép là nơi con người thật nhất với mình, và cũng là thật nhất với đời. Bởi ở đây, người viết có thể trang trải tất cả mà không bị vướng víu bởi một sự phán xét nào. Vậy anh có thể nói rõ hơn về những vấn đề được xem là “nhạy cảm” đã được nhà văn ghi lại trong nhật ký của mình.

NHT: Trong quá trình biên soạn toàn bộ nhật ký mà cha tôi để lại, tôi và một số nhà văn, nhà nghiên cứu văn học đều nhận thấy rõ rằng: Nguyễn Huy Tưởng quả đã cho ta biết nhiều hơn những gì ta đã được biết về ông lúc sinh thời, kể cả hơn 40 năm, sau khi ông mất. Ông là người cả nghĩ, nhưng vụng nói, vụng ứng xử. Đời văn của ông cũng lắm gian truân, vui ít buồn nhiều. Rất nhiều điều ông muốn viết mà không viết được, phần thì do ước muốn chủ quan có khi vượt quá khả năng thực tế, phần thì do không ít những ràng buộc nằm ngoài phạm vi văn chương... May sao, nhật ký đã là nơi ông ký thác những tâm sự của mình một cách thoải mái nhất, thành thực nhất, sòng phẳng nhất.

Nhà văn Tô Hoài, trong cuốn “Cát bụi chân ai” có viết về ông đại ý, Nguyễn Huy Tưởng là người chịu khó viết nhật ký, nhưng ông “đã không ghi lại những trăn trở, những khủng hoảng...” vì “bấy giờ (những năm sau hòa bình lập lại - N.H.T.), những ý kiến khác lạ không mấy ai dám nói ra và ghi lại”.

Có thể, luôn luôn và bao giờ, người ta không dễ gì nói ra những ý kiến khác lạ. Là một người trọng kỷ luật, Nguyễn Huy Tưởng chắc chắn không bao giờ khinh xuất đến độ để cho những điều mình nói ra có thể gây phương hại cho mình cũng như cho người, cái riêng cũng như cái chung. Nhưng là người cả nghĩ, sống có trách nhiệm, Nguyễn Huy Tưởng cũng không dễ gì bỏ qua những điều mà ông tự thấy mình phải có thái độ.

Nhật ký ngày 7/6/1956 của ông có đoạn nhắn nhủ mình: “Nói với cuộc sống một cái gì. Đừng có nghe và trông thôi, mà phải nói”. Cũng nhật ký của ông cho biết, trước những vấn đề bức xúc, Nguyễn Huy Tưởng đã từng viết thư cho đồng chí Trường -Chinh, các ông Lê Liêm, Hồ Viết Thắng...

- Trải qua hai cuộc chiến tranh với những biến động lớn lao của lịch sử, làm thế nào mà gia đình anh lại có thể lưu giữ hầu như còn nguyên vẹn những trang nhật ký của ông cụ?

NHT: Trước hết đó là do ý thức trân trọng những gì viết ra của cha tôi. Sinh thời, ông đã giữ lại tất cả các tập nhật ký lớn nhỏ của mình, từ những trang viết thời “đèn sách” đến những tập nhật ký thời kỳ sau này nặng trĩu những băn khoăn, trăn trở về thời cuộc. Sau khi cha tôi qua đời, mẹ tôi đã thu thập tất cả những gì ông để lại, trong đó có các tập nhật ký của chồng mình. Mẹ tôi vốn không xin xỏ ai cái gì bao giờ. Nhưng bà đã xin cơ quan bằng được một cái hòm sắt to để cất giữ toàn bộ các kỷ vật của ông, bao gồm các vật dụng cá nhân, các tập bản thảo và đặc biệt là các tập nhật ký.

Đến khi Mỹ ném bom miền Bắc, mẹ tôi đã bảo chị tôi bấy giờ đang học ở Cộng hòa Dân chủ Đức, gửi về cho bà một chiếc va li con. Mỗi khi đưa con cái đi sơ tán, bà lại cho tất cả các tập nhật ký của ông vào chiếc va li đó mang theo như một vật bất ly thân. Tôi vẫn hình dung mẹ tôi đã lo toan bảo vệ những đứa con tinh thần của chồng mình không khác gì những đứa con do mình rứt ruột đẻ ra

Hương Thảo (thực hiện)
.
.