Những tráng sĩ của thế kỷ hai mươi

Thứ Hai, 13/03/2017, 08:02
Nhớ Tướng Nguyễn Chí Trung, là tôi nhớ đến những ngày cuối cùng của nhà thơ Thu Bồn. Trong bài viết "Lá cỏ, đời xanh như thể chẳng vì ai" viết sau ngày Thu Bồn mất được in đầy đủ ở đầu tập "THU BỒN - GÓI NHÂN TÌNH" do Hoàng Minh Nhân biên soạn gần nghìn trang, bạn đọc có thể thấy rõ hình ảnh một Nguyễn Chí Trung gần gũi, thân thiết, chăm lo cho Thu Bồn khi mất như thế nào. 


Mà không chỉ khi mất, lúc còn sống, họ là một cặp đôi.. "như đôi đũa lệch", mà do phép vận hành kỳ diệu nào đó của cuộc sống, hai bánh răng cưa lệch nhau về nhiều phương diện đó lại luôn cuốn vào nhau, và đẩy nhau đi trong hơn nửa thế kỷ của mỗi cuộc đời. Bài thơ cuối cùng của Thu Bồn, "Gói nhân tình", viết vài ngày trước lúc ra đi, mà tất cả như những điều tiên tri, chuẩn xác một cách kỳ lạ:   

Về đi em chợ chiều sắp vãn
Nhớ mua cho anh một gói nhân tình
Non nước cách xa bạn bè lận đận
Anh nằm đây trò chuyện với riêng mình

Giông bão đầy trời và chớp giật
Cứ vào đây soi sáng "cuộc trường chinh"

………..

Trong số "bạn bè lận đận" mà Thu Bồn nhớ vào những ngày cuối đời ấy, chắc chắn có Nguyễn Chí Trung. Mặc dù bận nhiều công việc, nhưng những ngày cuối đó, Nguyễn Chí Trung đã luôn có mặt bên Thu Bồn. Buổi cuối chiều tháng 6-2003, khi bệnh viện báo hết hy vọng cứu chữa, theo di nguyện trước, nhà thơ muốn được đưa về nhà ở suối Lồ Ồ. 

Đưa được nhà thơ lên xe chuyên dụng của bệnh viện với bình oxy để thở, thì trời chuyển cơn giông lớn bất thường. Ông Trung và tôi cùng mấy người thân trong gia đình ngồi bên nhau nhìn Thu Bồn khó nhọc trong từng nhịp thở. Xe cứu thương hụ còi chạy với tốc độ cao. Đường phố Sài Gòn giờ nào xe cộ cũng đông đúc, giờ tan tầm, lại mưa như trút, sấm rền, chớp giật ầm ào, tất cả như trong một trận B52 dữ dội suốt chặng đường về nhà. 

Và một điều kỳ diệu nữa đã xảy ra, như câu thơ đã viết: "Giông bão đầy trời và chớp giật/ Cứ vào đây soi sáng "cuộc trường chinh", đúng lúc xe vào đến giữa sân, ai cũng đang lo làm sao cho khỏi ướt, thì cơn mưa chợt ngừng giây lát, kịp cho mọi người đưa được băng ca chở nhà thơ và bình oxy vào nhà.

Từ trái sang vợ chồng nhà thơ Thu Bồn - Lý Bạch Huệ, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và tác giả bài viết - nhà lý luận phê bình Ngô Thảo.

Suốt đêm đó, một đêm oi bức đến ngột ngạt, Tướng Nguyễn Chí Trung lúc đó đã ngoài 70, ở lại cùng gia đình và người thân để chăm lo cho phút ra đi của người đồng đội cấp dưới. Sáng hôm sau, sau nghi thức khâm liệm công phu của Nhà Chùa, một đoàn phu cáng đến 7 đòn khiêng chiếc quan tài nặng bằng một thân gỗ liền lên xe tang. 

Tôi ngồi cùng Nguyễn Chí Trung bên di hài Thu Bồn và vợ con, cùng người thân trong gia đình đưa Thu Bồn vào quàn tại Nhà Tang lễ Thành phố ở 25 Lê Quý Đôn. Nguyễn Chí Trung còn túc trực ở đó 2 ngày, 2 đêm để đón khách viếng. Đó là một đám tang lớn, với hơn 300 đoàn đến viếng, trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo cấp Nhà nước tới viếng và gửi vòng hoa. 

Đêm cuối của nhà thơ ở trần thế, trong nhà tang lễ là một đêm thơ, đông đảo bạn bè tụ tập quanh quan tài đọc thơ và kể những kỷ niệm vui và cảm động về Thu Bồn. Sau tang lễ, Tướng Nguyễn Chí Trung đã viết một bài không thể hay hơn về Thu Bồn, và đặc biệt hơn, ông đã trở lại những nơi nhà thơ đã sống và chiến đấu để sưu tập những tặng vật của bè bạn, đồng bào, đồng đội gửi tới để kịp cho 100 ngày xây phần mộ cho nhà thơ trong nghĩa trang Thành phố. 

Hơn 160 kỷ vật đã được bàn giao cho chị Lý Bạch Huệ, một số kỷ vật đã được chôn theo mộ, một nghĩa cử có một không hai trên đời này. Một ý tưởng chỉ có Nguyễn Chí Trung mới nghĩ ra. Một công việc cần rất nhiều thời gian, tâm huyết mà chỉ Nguyễn Chí Trung mới thực hiện được và kêu gọi được sự hưởng ứng nồng nhiệt của bạn hữu bốn phương. Bởi họ gắn bó với nhau không chỉ trong công việc, trong nghề nghiệp, trong quan hệ cấp trên, cấp dưới, mà gần như ruột thịt trong cả cuộc đời, cuộc đời của những TRÁNG SĨ! 

Họ khác nhau nhiều lắm, mà lại giống nhau vô cùng. Họ tranh cãi, bất đồng, giận dỗi, xung đột nảy lửa, phê phán, chê bai nhau gay gắt, mà lại thủy chung gắn bó, yêu thương nhau đến người thường không ai hiểu nổi. Hơn Thu Bồn 5 tuổi, nhưng hai người sau ngày tập kết ra miền Bắc lại cùng trong tiểu đội trở về chiến trường thuộc loại sớm nhất. 

Suốt chống Mỹ, đến chống Pôn Pốt ở Tây Nam và chống Tàu ở biên giới phía Bắc. Thu Bồn phóng khoáng, tự do bao nhiêu thì Nguyễn Chí Trung kỷ kuật, nghiêm cẩn, mực thước bấy nhiêu. Thu Bồn yêu nhiều, được nhiều phụ nữ yêu, luôn thành công trong tình yêu, thì Nguyễn Chí Trung luôn rơi vào tình huống ngược lại. Thu Bồn viết nhanh, viết nhiều, viết vội và cả viết ẩu nữa. Phải có bàn tay Nguyễn Chí Trung, sự quyết liệt tận tình của ông, viên ngọc thô Thu Bồn mới có những tác phẩm như đã có. 

Ngược lại,Thu Bồn cũng kính trọng và yêu thương bạn hết lòng. Năm 1999, khi in Tuyển tập trường ca của mình, ở cuối tập, thay lời bạt là lời viết về Nguyễn Chí Trung với lòng khâm phục và sự biết ơn. Hình như phải có nhà tổ chức Nguyễn Chí Trung mới có nhà thơ Thu Bồn và Thu Bồn là thần tượng của rất nhiều người trong văn chương cũng như trong cuộc sống, nhưng người mà Thu Bồn thần tượng lại chính là Nguyễn Chí Trung, là Che Ghêvara của Việt Nam. Ông là nhà tổ chức và lãnh đạo văn nghệ hiếm hoi có khả năng phát hiện rất sớm những người có năng khiếu văn chương, gợi đề tài, chỉ công việc, gợi cảm hứng cho các nhà văn.

Nhìn lại sự hình thành đội ngũ, và tác phẩm viết về chiến tranh trong chiến tranh và sau 1975, không thể không thấy công lao của Nguyễn Chí Trung trong việc tổ chức, xây dựng lực lượng sáng tác. Nhờ thế mà ngày nay chúng ta có một đội ngũ nhà văn từng trải qua chiến trận, có kiến thức cơ bản tương đối toàn diện,và mấy chục năm qua, họ đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm văn học thuộc mọi thể loại, chủ yếu về đề tài chiến tranh và lực lượng vũ trang, phản ánh cuộc chiến đấu của dân tộc ở khắp mọi chiến trường. Rất nhiều người trong họ, không chỉ là nhà văn, mà còn lần lượt thay nhau giữ nhiều cương vị lãnh đạo ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Hội Nhà văn Việt Nam, và các báo Văn nghệ, Văn nghệ Trẻ, Tác phẩm mới, Nhà Văn và tác phẩm, Nhà xuất bản Hội Nhà văn…

Nhưng, Nguyễn Chí Trung không dừng lại ở đó, không yên phận ngồi ngắm thành quả, mà đổi bao nhiêu bầm dập, bao nhiêu tâm huyết mới. Ông lặng lẽ rời Thủ đô, nhận nhiệm vụ làm Phái viên của Bộ Quốc phòng vào phía Nam, thực tế là sang chiến trường Campuchia, những năm ác liệt nhất.  Ông liên tục tổ chức cho những nhà văn trong và ngoài quân đội thâm nhập thực tế. 

Mấy lần chúng tôi bay sang bằng trực thăng, khi đi từ sân bay Tân Sơn Nhất, khi là ở Gia Lâm. Không thể quên được những chuyến về chở đầy các thương binh, mà hầu hết đều bị mìn hay rắn độc cắn... Sau đó, ông có mấy năm làm trợ lý Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, mấy cuốn sách vẫn hoàn thành, mà đi nhiều và làm rất nhiều công việc với tư cách và trách nhiệm một trợ lý. 

Thu Bồn vẫn là niềm quan tâm và yêu mến của ông. Trong bài phát biểu của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lúc sang thăm Cuba do Nguyễn Chí Trung chấp bút, ông có dẫn mấy câu thơ của Thu Bồn để kết thúc đã tạo một hiệu ứng khán giả hết sức bất ngờ:

Ơi Cuba

Ngọn gió qua đây thành mũi lao
Con thuyền qua đây thành tuấn mã
Tờ giấy qua đây thành trang sử đỏ
Quân thù qua đây mặt xanh như tàu lá
Chân vấp vào chân người ngựa ngã
Bạn bè qua đây cơn sóng lặng
Cánh chim thay sóng lượn quanh tàu.

Mấy năm gần đây, trong quan hệ ngoại giao quốc tế với nước ta, những câu thơ thường được dẫn là từ các tác phẩm cổ điển, họ mượn câu thơ như nhịp cầu để đi vào lòng người Việt. Nhưng một khổ thơ của nhà thơ hiện đại như của Thu Bồn được sử dụng trong một diễn văn quan trọng thật đáng tự hào.

Những năm cuối, ngoài vài dịp cùng nhà văn Trung Trung Đỉnh lên thăm Nguyễn Chí Trung ở  tòa nhà số 4 - Lý Nam Đế, rồi gặp gỡ với Văn nghệ Quân đội dịp cuối năm, ông đã ít nói hơn. Mỗi khi nằm Viện 108, anh em chúng tôi đến, có khi trò chuyện được, có khi chỉ biết nắm tay nhau...

 Nhưng tuổi 87 đã là một kỷ lục của lớp người sống và trực tiếp tham gia 4 cuộc kháng chiến lớn của dân tộc, luôn ở nơi hòn tên mũi đạn cùng mấy năm lập kỷ lục gánh đất xây dựng đại công trình Thủy lợi lớn nhất ở miền Bắc, Nguyễn Chí Trung được coi như một trong những con khủng long cuối cùng của thế hệ khai sinh chế độ mới. Mỗi người, bằng đóng góp của mình, đã tạo nên một thời huyền thoại trong lịch sử. Cuộc đời ông, một người Lính, một vị Tướng, một Nhà văn, không gia đình là mẫu người Tráng Sĩ, sản phẩm đặc biệt của đất nước trong thế kỷ XX.

Hà Nội 23-2-2017    
Ngô Thảo
.
.