Những thông tin sai lạc về Giáo sư Phạm Huy Thông

Thứ Bảy, 20/05/2017, 08:07
Đó là bài “Báo cáo bổ sung lý lịch” của Giáo sư Trần Đức Thảo viết năm 1987 nhắc đến Giáo sư Phạm Huy Thông không chính xác, làm sai lệch tiểu sử nhà trí thức lớn từng là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội , Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). 


Trần Đức Thảo viết về Phạm Huy Thông

Cuốn sách “Triết gia Trần Đức Thảo – Di cảo, Khảo luận, Kỷ niệm” do dịch giả Nguyễn Trung Kiên sưu tầm và biên soạn, NXB Đại học Huế cấp phép (2016) có thể nói là một tập đại thành về Giáo sư Trần Đức Thảo. Tuy nhiên, phần viết của Giáo sư Trần Đức Thảo về Giáo sư Phạm Huy Thông không đúng. Tôi thấy cần phải trao đổi với người biên soạn và NXB Đại học Huế là đơn vị cấp phép cho cuốn sách này ra đời.

Đó là bài “Báo cáo bổ sung lý lịch” của Giáo sư Trần Đức Thảo viết năm 1987, có đoạn: “Về Việt Bắc một thời gian, thì tôi nghe tin Phạm Huy Thông ở Paris mới bị bắt và đưa về Sài Gòn. Tôi hỏi anh em về việc này, chúng ta sẽ đấu tranh ra sao. Tôi đã chuẩn bị viết bài phản đối chính phủ thực dân Pháp. Nhưng anh em trả lời rằng không rõ lập trường ông Thông ra sao. Ngày ấy cơ quan tuyên truyền báo chí của ta hầu như không nói đến. Khi bị bắt, Thông tuyên bố không dứt khoát.

Mùa thu 1954, khi về Hà Nội tiếp quản, tôi nghĩ rằng Thông cũng sẽ về miền Bắc.  Nhưng rồi đến cuối 1954, chỉ được dịp đón tiếp anh Tôn Thất Hoạt và chị Vũ Thị Hiển, là những trí thức đã lựa chọn chế độ ta sau hiệp định Genève.

Sang năm 1955, cũng mãi không thấy Phạm Huy Thông đâu. Rồi đến cuối năm mới thấy về. Anh em bảo tôi rằng Kháng chiến ta ở Nam Bộ, sau ngày ngừng bắn, đã mời Phạm Huy Thông ra vùng tự do cùng với anh Nguyễn Hữu Thọ. Nhưng Thông từ chối. Ngày ấy bọn thực dân đương cần bù nhìn mới. Thông chùng chiềng đến hạn cuối cùng ở Sài Gòn rồi mới về Hà Nội. Anh em ở Hà Nội không tổ chức đón tiếp gì” (trang 28).

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Giáo sư Phạm Huy Thông và Luật sư Hoàng Quốc Tân trong những ngày bị an trí ở Hải Phòng (1955).

Viết về Giáo sư Phạm Huy Thông như vậy có đúng không? Là người đồng biên soạn cuốn “Phạm Huy Thông – Thơ” cùng TS Trương Tuyết Minh (Học viện Báo chí Tuyên truyền), trong đó phần biên niên tiểu sử của Giáo sư Phạm Huy Thông do tôi thực hiện, với việc tham chiếu nhiều nguồn tư liệu tin cậy khác nhau từ gia đình và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tôi thấy NXB Đại học Huế và người sưu tầm - biên soạn cuốn sách “Triết gia Trần Đức Thảo – Di cảo, Khảo luận, Kỷ niệm” đã thiếu thận trọng khi công bố tư liệu nói trên mà không có bất cứ chú thích hay phản biện tư liệu nào.

Về tiểu sử Giáo sư Phạm Huy Thông, tôi xin dẫn 10 năm hoạt động từ năm 1946 đến năm 1956 như sau: Thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phái đoàn ngoại giao Việt Nam tại Hội nghị Fontainebleau (1946); tham gia Ban lãnh đạo Tổng hội Việt kiều yêu nước tại Pháp (do ông Trần Ngọc Danh làm Tổng hội trưởng) cùng các ông Trần Đức Thảo, Nguyễn Khắc Viện, Võ Văn Lạc, Trần Thanh Xuân. Tổng hội trưởng Tổng hội Việt kiều yêu nước tại Pháp thay ông Trần Ngọc Danh (1950-1952).

Năm 1952: Đế quốc Pháp đưa Phạm Huy Thông về quản chế ở Ô Cấp (nay là Vũng Tàu), ở nhà giam Chí Hòa, rồi Bà Chiểu và trung tâm huấn chỉnh Biên Hòa. Trong hai năm 1954 – 1955, Phạm Huy Thông là sáng lập và làm Tổng thư ký phong trào hòa bình miền Nam cùng luật sư Trịnh Đình Thảo, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, dược sư Trần Kim Quan, kỹ sư Từ Bá Đước, Giáo sư Nguyễn Văn Dưỡng,…

Vì tham gia phong trào hòa bình miền Nam, chính quyền Sài Gòn trục xuất Phạm Huy Thông ra Hải Phòng (vùng đất do chính quyền Sài Gòn quản lý). Cùng bị trục xuất khỏi Sài Gòn với ông còn có luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Hoàng Quốc Tân, Giáo sư Nguyễn Văn Dưỡng…  Phải đến tháng 5/1955, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam mới tổ chức giải thoát thành công cho Giáo sư Phạm Huy Thông khỏi Hải Phòng. Người tổ chức cuộc giải thoát đó là ông Nguyễn Bá Đoán – Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Sở Nông nghiệp Hà Nội sau này.

Trong bài viết “Phạm Huy Thông: Anh tôi” in trong Kỷ yếu “Hội thảo 80 năm ngày sinh của cố Giáo sư – Viện sĩ Phạm Huy Thông”, NXB Khoa học Xã hội (1996), Giáo sư Phạm Huy Dũng, em trai Giáo sư Phạm Huy Thông kể lại:

“Vì phong trào Việt kiều của ta ngày càng mạnh, hoạt động công khai của anh tôi bị nhà cầm quyền Pháp kết án trục xuất về Việt Nam. Được tin anh tôi bị giữ tại Ô Cấp, bố tôi vội vã vào thăm anh tôi. Chẳng bao lâu gia đình tôi nhận được tin của bố tôi cho biết anh tôi chắc sẽ bị chuyển về nhà giam Chí Hòa vì ông Nguyễn Văn Tâm đề nghị anh tôi làm Tổng trưởng Bộ Giáo dục nhưng anh tôi không nhận. B

ố tôi cũng cho biết là luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang theo dõi việc của anh tôi không để cho Pháp và tay sai hãm hại. Khi ông Bửu Lộc thay ông Nguyễn Văn Tâm làm Thủ tướng ngụy quyền thì luật sư Nguyễn Hữu Thọ cho gia đình tôi biết là ông Bửu Lộc muốn tha anh tôi với điều kiện phải chào cờ ba que. Anh tôi cũng không chịu. Ông Bửu Lộc lại giảm điều kiện tha anh tôi nếu anh tôi bắt tay ông để chụp ảnh. Anh tôi cũng không chịu. Sau này vì sự đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân nên ngụy quyền Sài Gòn mới thả anh tôi ra.

Anh tôi lại tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới cùng luật sư Trịnh Đình Thảo, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Giáo sư Nguyễn Văn Dưỡng… trong phong trào hòa bình. Phong trào ngày càng lớn mạnh. Ngụy quyền Sài Gòn run sợ đẩy anh tôi và những người bạn chiến đấu của anh tôi ra Hải Phòng.

Một hôm anh Nguyễn Bá Đoán đến nói với gia đình tôi, ngụy quyền Sài Gòn đang dự kiến đưa anh tôi trở lại miền Nam và chúng sẽ tìm cách ám sát anh tôi. Anh Đoán được lệnh của Trung ương đi Hải Phòng tìm cách giải thoát cho anh tôi. Gia đình tôi giới thiệu người em họ là anh Phạm Huy Kim ở Hải Phòng cộng tác với anh Đoán trong việc này.

Thế là anh tôi lại trở về Hà Nội sau gần hai chục năm xa cách. Bạn bè xa gần mới cũ đến thăm mừng tủi. Anh tôi làm việc ở Bộ Văn hóa ít lâu rồi chuyển về Bộ Giáo dục” (trang 95 – 96).

Điều này tiếp tục được Giáo sư Phạm Huy Dũng khẳng định lại trong Hội thảo Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Phạm Huy Thông do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 20 tháng 11 năm 2016.

Như vậy, không có chuyện khi bị bắt, Giáo sư Phạm Huy Thông tuyên bố không dứt khoát; hoặc sau ngày ngừng bắn, ta đã mời Giáo sư Phạm Huy Thông ra vùng tự do cùng với luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhưng Giáo sư Thông từ chối, như tài liệu Giáo sư Trần Đức Thảo viết. Ông có một quãng đời hoạt động và đấu tranh hết sức sôi nổi trong giai đoạn 1954 -1956, thậm chí từng bị quản thúc riêng tại Hải Phòng, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phải tổ chức giải thoát cho ông trở về Hà Nội, nếu không, có thể ông sẽ bị thủ tiêu hoặc bị đày đọa đến chết trong nhà tù như trường hợp Giáo sư Nguyễn Văn Dưỡng.

Còn khi về Hà Nội, không có chuyện “anh em ở Hà Nội không tổ chức đón tiếp gì” như Giáo sư Trần Đức Thảo đã viết. Nhà giáo Lê Gia Linh, sinh viên Văn khoa trường Đại học Sư phạm Văn khoa khóa đầu tiên sau ngày miền Bắc giải phóng (1954-1957) kể với người viết bài này: “Khi thầy Phạm Huy Thông trở về Hà Nội, sinh viên chúng tôi đi đón thầy như đón một người anh hùng trở về”. Điều này cũng được NGND Trần Văn Chút, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sỹ Liên (Bắc Giang) cùng nhiều bạn đồng môn khác xác nhận.  

Thiết nghĩ, NXB Đại học Huế và người sưu tầm – biên soạn sách “Triết gia Trần Đức Thảo – Di cảo, Khảo luận, Kỷ niệm” khi công bố tư liệu trong bài “Báo cáo bổ sung lý lịch” của Giáo sư Trần Đức Thảo viết năm 1987 đã thiếu thận trọng. Tư liệu có thể công bố nhưng cũng cần phản biện tư liệu lịch sử, nhất là khi cả hai nhà trí thức lớn là Giáo sư Trần Đức Thảo và Giáo sư Phạm Huy Thông đều đã không còn nữa, thì việc công bố những tư liệu có tính chất nhận định, đánh giá về đời riêng của mỗi nhân vật lịch sử là không dễ dàng.

Kiều Mai Sơn
.
.