Những tác phẩm nghệ thuật bằng tăm

Thứ Sáu, 08/01/2021, 11:11
Chỉ bằng những chiếc tăm bé nhỏ, kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long đã tái hiện các di sản văn hóa thế giới và sáng tạo loạt tuyệt tác nghệ thuật. Với ông, những chiếc tăm được vót từ cây giang không đơn giản chỉ là chất liệu, mà còn gửi gắm hồn dân tộc, chuyên chở tài hoa Việt ra biển lớn.


Đã từ lâu, giới yêu nghệ thuật tăm giang luôn mong mỏi một buổi triển lãm quy mô để giới thiệu loại hình nghệ thuật hấp dẫn nhưng còn mới mẻ này đến công chúng. Thế nên khi thông tin buổi triển lãm cá nhân của kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long vừa mới “nhá hàng” trên mạng xã hội, lập tức đã gây xôn xao, chú ý. Bởi từ lâu, Tuấn Long nổi tiếng là tay “phù thủy” trong làng nghệ thuật tăm giang, là bậc đàn anh luôn được tôn ngồi ở “chiếu trên”.

Không uổng công mong mỏi, dự triển lãm mới đây tại TP Hồ Chí Minh, khách tham quan không khỏi trầm trồ kinh ngạc khi trực tiếp chiêm ngưỡng bộ sưu tập độc đáo làm từ tăm của kiến trúc sư Tuấn Long.

 Những chiếc tăm bé nhỏ, mỏng mảnh đan dệt vào nhau, khéo léo tạo nên các mô hình kiến trúc nổi tiếng Việt Nam và thế giới như: Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, chợ Bến Thành, Nhà thờ tại Minsk (Belarus), tòa nhà Quốc hội Mỹ, Nhà Trắng, đền Taj Mahal (Ấn Độ), Tháp đồng hồ Big Ben (Anh)… Các mô hình này được thể hiện rất công phu và tỉ mỉ, đem đến cảm giác chân thực. Người xem như hóa thành người khổng lồ để quan sát các kiến trúc từ trên cao. 

Ngoài công trình kiến trúc, ông còn sáng tạo nhiều tác phẩm đẹp mắt khác như hoa sen, đài hoa, đồng hồ, cây thánh giá, các biểu tượng tôn giáo, những món đồ trang trí… Đặc biệt, bản đồ đất nước Việt Nam làm từ tăm nhận được sự chú ý, xuýt xoa của người xem.

Kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long vinh dự đón nhận Kỷ lục thế giới cho các công trình bằng tăm.

Tuấn Long bắt đầu tập tành làm mô hình từ cách đây tám năm. Ngày ấy, ông thử áp dụng một số loại vật liệu như dây đàn, cây chân nhang kết hợp với miếng formex nhưng không mấy thành công. Phải đến năm 2016, ông mới tìm được vật liệu ưng ý là tăm giang kết hợp với mica khi làm những chiếc đài sen đặt tượng Phật tặng mẹ. Từ những tác phẩm nho nhỏ, ông bắt đầu thử sức với công trình hoành tráng. Đó là tòa nhà quốc hội Mỹ.

Lúc mới hoàn thành mái vòm mô hình, nhân chuyến du lịch sang Mỹ, ông khoe với bạn bè. Không ngờ mô hình lọt vào mắt xanh của một thượng nghị sĩ Mỹ. Ông ấy đưa hình chụp mô hình lên Twitter và hết lời khen tặng kiến trúc sư người Việt: “Anh này chưa bao giờ tới nhà quốc hội Mỹ nhưng làm nhà quốc hội Mỹ rất đẹp!”. Vài hôm sau, tờ Washington Post đăng tin. 

Hôm đại diện của Bảo tàng “Ripleys Believe It or Not” liên lạc để đến xem tận mắt mô hình, Tuấn Long không khỏi ngạc nhiên lẫn vinh dự. Sao không vinh dự cho được khi Bảo tàng “Ripleys Believe It or Not” của Mỹ vốn nổi tiếng là chuỗi 30 bảo tàng trên khắp thế giới chuyên trưng bày vật dụng, hình ảnh thuộc dạng “kỳ nhân, quái sự”, độc lạ ít ai ngờ. Các hiện vật nổi tiếng của Bảo tàng có cục gạch của bức tường Berlin, cục than vớt từ xác tàu Titanic, mẩu tóc của George Washington…

Ngay khi chứng kiến tận mắt mô hình tòa nhà quốc hội Mỹ của Hoàng Tuấn Long, người của Bảo tàng lập tức đặt mua dù nó vẫn chưa hoàn thiện. Tin vui này khiến ông như muốn nhảy cẫng mà reo to. Đại diện Bảo tàng thú thật, dù đã biết đến nhiều mô hình bằng tăm nhưng họ thực sự ngỡ ngàng và bị khuất phục trước vẻ đẹp kỳ vĩ mà mô hình tăm của kiến trúc sư Tuấn Long mang lại. 

Các tác phẩm của ông không chỉ đơn giản là ghép nối các cây tăm lại với nhau mà là một bài toán ứng dụng công nghệ nghiêm túc và thổi hồn nghệ thuật đến từng chi tiết. Nó là điển hình của sự đam mê, sáng tạo và lòng kiên nhẫn. Một điều đặc biệt là phần lớn tác phẩm của Hoàng Tuấn Long đều có thể dùng đèn thắp sáng bên trong khiến công trình thêm phần lung linh, huyền ảo. Đây là điểm khác biệt giữa tác phẩm của ông với các mô hình bằng tăm khác.

Khi trưng bày ở Bảo tàng, khách tham quan thích thú đến nỗi Bảo tàng phải tiếp tục đặt hàng Tuấn Long thực hiện gấp công trình Nhà Trắng. “Tôi rất tự hào và hãnh diện vì mình có đến hai công trình được trưng bày ở Bảo tàng “Ripleys Believe It or Not”, một cái ở Mỹ, một cái ở Dubai. Đây là bước ngoặt to lớn giúp tôi tự tin bắt tay vào thực hiện nhiều công trình hoành tráng khác” - ông chia sẻ. 

Mô hình đền Taj Mahal (Ấn Độ) của Kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long.

Kiến trúc sư Tuấn Long không muốn giấu nghề. Ngược lại, ông mong mỏi các bạn trẻ tìm hiểu nghệ thuật tăm giang và sẵn sàng chia sẻ cách thức làm ra một tác phẩm. 

Để thực hiện một tác phẩm kiến trúc bằng tăm giang, ông lên mạng tìm tài liệu, hình ảnh để nghiên cứu bản vẽ công trình. Tác giả phải phân tích rất nhiều từ kết cấu đến vẻ ngoài thực tế của các công trình. 

Sau đó, ông thiết kế mô hình bằng 3D và tính toán để có thể cho ra các tấm mica làm trụ đỡ. Công đoạn này được coi là khó nhất vì phải vừa vẽ, vừa tưởng tượng chi tiết từng mảnh nhỏ nhất của công trình. Nếu sai một ly thì coi như đi một dặm, toàn bộ phải làm lại từ đầu. Công nghệ cắt laser tạo thành những điểm nối để xỏ tăm giang và hình thành từng bộ phận rồi ráp nối. 

Những công trình này thường mất rất nhiều thời gian, công sức để thực hiện vì nó ngốn đến hàng vạn cây tăm. Có tác phẩm phải mất nửa năm trời mới hoàn thành.

Với tài năng của mình, Tuấn Long đã đón nhận rất nhiều vinh danh và giải thưởng. Năm 2016, Chùa Một Cột phiên bản tăm giang được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục là mô hình Chùa Một Cột bằng tăm lớn nhất. 

Vừa qua, kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long đón một vinh dự mới. Ông được Liên minh Kỷ lục thế giới trao bằng, biểu tượng và huy hiệu Guinness thế giới với nội dung: Người đầu tiên sáng tạo và tái hiện các mô hình về nhiều công trình di sản kiến trúc nổi tiếng trên thế giới bằng nghệ thuật BoArc (kết hợp nguyên liệu tăm giang và công nghệ cắt laser trên các tấm acrylic)”.

Làm từ tăm giang nên tác phẩm của kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long không chỉ dừng lại ở sự kỳ công, mà còn mang đậm dấu ấn Việt. Ông chia sẻ: “Qua chất liệu đậm bản sắc Việt, tôi muốn bạn bè quốc tế không chỉ ngưỡng mộ tài năng của người Việt, mà còn hiểu hơn về bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó là một nền văn hóa hơn bốn ngàn năm đáng trầm trồ và ngưỡng vọng. Tôi muốn nâng tầm nó qua nghệ thuật BoArc”.

Chính vì tâm niệm này nên thời gian tới kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long sẽ nhanh chóng bắt tay thực hiện dự án mang tên “Lưu giữ những di sản Việt Nam”. Dự án sẽ quy tụ tất cả công trình, di sản nổi tiếng của Việt Nam được làm bằng tăm giang. 

Các tác phẩm sẽ trưng bày tại một địa điểm cố định, đặc biệt ưu tiên nơi công cộng, bảo tàng văn hóa để khách du lịch, các em nhỏ có thể tới tham quan, nghiên cứu học tập trực quan. Nhờ đó có thể hiểu hơn các giá trị di sản mà tiền nhân đã đổ bao công sức dựng xây và gìn giữ đến ngày nay. 

Hơn hết, ông mong muốn truyền lửa cho thế hệ sinh viên kiến trúc, để họ yêu và theo đuổi nghệ thuật tăm giang, cùng với ông bắt tay vào dự án để chuyên chở hồn dân tộc đến bốn phương…

Mai Quỳnh Hoa
.
.