Những nhà văn - "viện sĩ"
- Nhà văn Nguyễn Thế Quang: "Cây to mọc chậm"
- Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Viết cho lứa tuổi càng nhỏ càng khó
- Thơ của... nhà văn
- Nhà văn Đỗ Tiến Thụy: Tự “làm mịn” mình trong tiểu thuyết mới
Trong số các nhà văn hội viên, có nhiều nhà văn đã từng công tác ở Viện, người ít thì dăm ba năm, người nhiều thì suốt từ khi ra trường cho đến lúc nghỉ hưu. Nhiều người đã nói đến nhà số 4 Lý Nam Đế (trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội) như một địa chỉ thân thuộc của giới sáng tác, nhưng ít ai nhớ rằng, 20 Lý Thái Tổ cũng là một địa chỉ rất quen thuộc của giới nhà văn chuyên ngành lý luận phê bình. Nếu thành lập một Chi hội Nhà văn tại Viện Văn học, tôi nghĩ, quân số chắc không thiếu.
Ngoài những nhà văn đã mất, trong đó có một số nhà văn từng công tác tại Viện nhưng sau đó chuyển sang cơ quan khác, như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Hằng Phương, Hoàng Trung Thông, Hoàng Trinh, Vũ Đức Phúc, Đỗ Đức Dục, Hoàng Ngọc Phách, Trần Thanh Mại, Cao Huy Đỉnh,Nguyễn Minh Tấn, Nam Mộc, Trường Lưu, Nguyễn Đức Đàn, Bùi Công Hùng, Thiếu Mai, Đào Thái Tôn, Phạm Tú Châu…(các nhà văn như Đặng Thai Mai, Hoàng Ngọc Phách, Trần Thanh Mại, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông là những hội viên tham dự kỳ Đại hội đầu tiên).
Dịch giả Nam Trân là người sau đó ít lâu được điều từ Ủy ban Kháng chiến liên khu V về phụ trách tiểu ban dịch tập thơ chữ Hán "Ngục trung nhật ký" của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Việt. Nhiều người trong số này có mặt từ khi Viện Văn học mới thành lập.
Nhà văn hội viên từng công tác ở Viện nhưng sau do yêu cầu công việc chuyển sang làm việc ở cơ quan khác và đều có những đóng góp cho chuyên ngành của mình còn có Mai Quốc Liên, Lê Sơn, Dương Tất Từ, Ngô Thảo, Lê Thành Nghị. Ngày ấy, là những sinh viên tốt nghiệp vào loại giỏi, được phân về công tác tại Viện Văn, nhưng "ngồi chưa ấm chỗ", các anh Ngô Thảo, Nguyễn Ngọc Thiện, Lê Thành Nghị đã trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và lên đường nhập ngũ.
Từ trên xuống: Các nhà văn Đặng Thai Mai, Hoàng Ngọc Phách, Trần Thanh Mại, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông là những hội viên Sáng lập Hội nhà văn Việt Nam. |
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, Nguyễn Ngọc Thiện trở về cơ quan và năm 1978-1980 lại được cấp trên điều đi tăng cường biên giới phía Bắc, trở về, được đi nghiên cứu sinh ở Đức. Ngô Thảo và Lê Thành Nghị thì về Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Sau này cả ba anh đều tham gia công việc quản lý ở cơ quan mới.
Tất cả các đời lãnh đạo của Viện Văn học đều là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Từ Viện trưởng đầu tiên Đặng Thai Mai đến nhà thơ Hoàng Trung Thông, Viện sỹ (Viện hàn lâm Khoa học Hunggari) Hồ Tôn Trinh (Hoàng Trinh), đến các Giáo sư Phong Lê, Hà Minh Đức, các Phó Giáo sư - Tiến sỹ Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Đăng Điệp, các Viện phó Trương Đăng Dung, Nguyễn Hữu Sơn.
Còn nhớ trước đây, có lẽ khoảng thời gian trước khi đất nước thống nhất, mối quan hệ giữa giới sáng tác và phê bình không thật được mặn mà, thân thiết. Thời bấy giờ, quan niệm về mối quan hệ giữa văn học và tuyên truyền có phần bị đẩy đến cực đoan nên giới phê bình bị giới sáng tác "coi" là "gác cổng", vì trong thẩm bình giá trị của văn chương, chức năng thẩm mỹ không được chú ý đúng mức trong khi chức năng giáo dục - hiểu theo nghĩa giáo dục nghĩa vụ công dân - lại quá chú trọng.
Cho nên có giai thoại rằng: Một nhà văn khá nổi tiếng có bảo với bạn bè: khi nào tao chết, nhớ chôn theo một thằng phê bình để xuống đấy cãi nhau cho vui! Lứa chúng tôi về nhận công tác ở Viện vào đầu những năm bảy mươi trở lại đây, nghe nhiều giai thoại về mối quan hệ đó và cũng chịu theo hệ lụy của mối quan hệ này.
Chỉ sau khi nhà thơ Hoàng Trung Thông được điều về làm Viện trưởng thì quan hệ giữa Viện và Hội mới dần dần được cải thiện. Đi hội nghị, hội thảo ở bên báo, bên Hội, thậm chí đi thực tế về các tỉnh, ông đưa chúng tôi đi cùng. Ông đưa chúng tôi đến thăm nhà các nhà văn, nhà thơ để tạo sự gần gũi trong giao tiếp. Là một trong số các nhà thơ tiêu biểu của thế hệ kháng chiến chống Pháp, trước đó, ông từng làm Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn liền mấy khóa, lại viết nghiên cứu, phê bình, với tác phong giản dị, dễ gần, Hoàng Trung Thông thực sự là người phá băng, tạo mối quan hệ thân tình giữa các cán bộ trong Viện và giới sáng tác.
Thỉnh thoảng, những cuộc giao lưu lại được Viện tổ chức. Dù không có thù lao nhưng khi được Viện mời, các nhà văn, nhà thơ vẫn đến nói chuyện rất nhiệt tình. Ngày khóa 1 Trường Viết văn Nguyễn Du khai giảng, chúng tôi cũng được sang dự, được chiêm ngưỡng các anh các chị, phần lớn từ chiến trường trở về, cũng không hơn tuổi chúng tôi bao nhiêu, nhưng danh đã nổi như cồn, vẻ ngoài đầy lãng tử.
Nhớ chị Mỹ Dạ mang theo con nhỏ ra học. Là những người đang nuôi con nhỏ, chúng tôi rất cảm thông với các chị khi đi học trong điều kiện lúc bấy giờ. Bình thường, nghe tên tuổi, đọc tác phẩm của các anh chị thì cảm giác là sự nghiêm cẩn, nhưng khi dự giờ cùng họ, nghe họ trò chuyện với nhau thì thấy họ cũng thật tếu táo, dễ gần.
Ngày ấy, viết ra một bài báo mà được in là một sự kiện, ra được một cuốn sách riêng thì còn là sự kiện động trời. Hai nhà thơ mới chung nhau ra được một tập thơ, như Ý Nhi - Lâm Thị Mỹ Dạ với "Trái tim - Nỗi nhớ"; Lưu Quang Vũ - Bằng Việt với "Hương cây - Bếp lửa", Vũ Quần Phương và Văn Thảo Nguyên với "Cỏ - Mùa xuân"…
Cánh phê bình bên Viện càng khó khăn hơn. Cho đến đầu những năm bảy mười, tám mươi, lần lượt những "cây đa cây đề" bên Viện được in sách rồi vào Hội: Vũ Đức Phúc, Phong Lê, Thành Duy, Nguyễn Minh Tấn, Huệ Chi, Đức Hạnh, Vân Thanh (Giáo sư Hà Minh Đức vào Hội từ năm 1967 khi ông còn là giảng viên bên khoa Văn Đại học Tổng hợp).
Từ thập niên tám mươi trở đi, cơ chế mở, lứa chúng tôi người được đào tạo nghiên cứu sinh ở nước ngoài, người làm luận án trong nước, sách chuyên luận và phê bình tiểu luận được in ra. Những Vũ Tuấn Anh, Phan Trọng Thưởng, Phạm Tú Châu, Trương Đăng Dung, Mai Hương, Bích Thu, Nguyễn Đăng Điệp, Tôn Phương Lan, Nguyễn Hữu Sơn, Trịnh Bá Đĩnh, Lê Phong Tuyết lần lượt vào Hội.
Nghiên cứu, phê bình là một công việc khó, dễ va chạm. Giới nhà văn - "viện sỹ" bài viết ít tính trực chiến, nặng chất hàn lâm, công trình nghiêng về nghiên cứu hơn là phê bình. Đó là một đặc điểm, có thể cũng là một hạn chế. Tuy nhiên, hầu hết các bài viết, công trình đều thể hiện được sự nghiêm túc và trách nhiệm của mình trước một tác phẩm, một tác giả, một vấn đề đang đặt ra trong đời sống văn học. Một số lý thuyết của phương Tây như kỹ thuật dòng ý thức, phân tâm học, chủ nghĩa hình thức, hậu hiện đại… đã được sử dụng trong tiếp cận tác phẩm văn chương và góp phần đưa lại cho đời sống văn đàn những sắc màu mới.
Nếu như giới sáng tác đang xuất hiện nhiều cây bút trẻ tiềm năng thì giới nghiên cứu trẻ trong Viện cũng có nhiều "nhân vật" tuổi đời cũng rất trẻ (trong đặc trưng nghề nghiệp) rất xứng đáng được hy vọng như Đoàn Ánh Dương, Trần Thiện Khanh, Đỗ Hải Ninh, Lê Hương Thủy, Cao Kim Lan, Đặng Thái Hà… Sức trẻ và học vấn, ngoại ngữ, thực tế đã cho thấy họ là những người sẽ góp phần làm mới gương mặt nghiên cứu phê bình thời hội nhập.