Những nhà văn chỉ một lần “lóe sáng”
- Họa sĩ Thành Chương vẽ minh họa cho ấn phẩm đặc biệt của nhà văn Kim Lân
- Thiếu tướng - Nhà văn Khổng Minh Dụ: Tết về lại nhớ chiến trường xưa
- Nhà văn Nguyên Hồng: Những cái Tết nơi núi rừng Yên Thế
Nhưng liệu chúng ta có thể nói rằng: những tác giả chỉ có một tác phẩm nổi tiếng trong sự nghiệp là kém tài hơn những người đồng nghiệp khác?! Hay đơn giản họ chỉ là những cây bút gặp may nhất thời?! Câu trả lời là: Không có một câu trả lời cố định!
Joseph Heller
Tiểu thuyết “Catch-22” của Joseph Heller được giảng dạy trong mọi trường trung học ở Mỹ. Đã có biết bao thế hệ học sinh Mỹ thuộc lòng câu chuyện của Đại uý John Yossarian đấu tranh để bảo vệ mạng sống và lương tri của mình giữa cuộc Đại chiến thế giới II. Tuy vậy, khi tờ The Chicago Heralds làm một cuộc khảo sát, không chỉ học sinh mà phần lớn giáo viên Mỹ đều không hề biết về sự nghiệp của Joseph Heller ngoài “Catch-22”.
Nhà văn Joseph Heller. |
Vì lý do tài chính, thời trẻ Joseph Heller phải bỏ dở giấc mơ làm nhà văn để kiếm sống bằng nhiều công việc khác nhau. Đại chiến thế giới II nổ ra và Joseph được gọi vào phục vụ trong Không quân Mỹ tại chiến trường châu Âu. Sau khi trở về nước và học xong đại học, Joseph được nhận vào một công ty quảng cáo nhỏ.
Một bạn đồng nghiệp của Joseph là Mary Higgins Clark - người sau này sẽ trở thành “bà hoàng tiểu thuyết trinh thám” của Mỹ - đã động viên ông lấy lại thú vui sáng tác từ lâu đã bỏ quên. Và dựa trên những trải nghiệm của mình trong cuộc chiến để viết truyện ngắn. Vài năm sau đó, Joseph khởi thảo “Catch-22”.
Sau khi gõ cửa không biết bao nhiêu nhà xuất bản, cuối cùng “Catch-22” cũng ra mắt độc giả và ngay lập tức trở thành “hiện tượng” trên văn đàn nước Mỹ. Trong khi giới phê bình ca ngợi tác phẩm trên mặt báo, người dân đổ xô đến các hiệu sách để tìm mua “Catch-22”.
Kể từ đây, cuộc đời của Joseph chính thức bước sang trang mới. Ông trở thành giáo sư giảng dạy tại Trường Đại học Yale, đồng thời là phóng viên kiêm biên tập viên của một số tạp chí văn học có tiếng.
Ngoài “Catch-22”, Joseph Heller còn sáng tác 5 quyển tiểu thuyết nữa. Nhưng rốt cuộc, tất cả đều không thể bì được với sự nổi tiếng của tác phẩm đầu tay. Vấn đề ở đây không phải chất lượng, mà là vì tính thể nghiệm của Joseph. Ngay cả với “Catch-22”, ông đã tỏ ra là người luôn luôn tìm kiếm cái mới trong phong cách viết.
Lấy tiểu thuyết “Something Happened”, phần hai của “Catch-22” làm ví dụ. Toàn bộ câu truyện từ đầu đến cuối đều là một đoạn độc thoại nội tâm không có ngắt quãng của nhân vật chính. Mở rộng ra, tác phẩm kịch nói “We Bombed in New Haven” của ông từ kịch bản đến bối cảnh đều được dựng làm sao để gợi ý cho khán giả rằng họ chỉ đang xem một vở kịch, và quan trọng hơn là chiến tranh cũng chỉ là một “trò hề” như vở kịch vậy.
Lối viết phá cách đấy có thể lấy lòng giới phê bình, nhưng quả thật rất khó để những độc giả bình thường chú tâm theo dõi. Đây là lý do mà chủ yếu chỉ có những nhà văn khác hay người làm nghiên cứu mới đọc các tác phẩm về sau của Joseph Heller.
Về phần mình, Joseph Heller cũng hiểu rõ lý do vì sao mình không thể tiếp tục nổi tiếng. Joseph thậm chí còn viết tiểu thuyết “Portrait of an Artist, as an Old Man” như một lời chế giễu nhẹ nhàng tình cảnh của mình. Ngoài việc thỏa mãn trí tò mò, khám phá bản thân, Joseph tin rằng nhờ cách viết của mình, ông đã truyền tải được một thông điệp quan trọng: tính giả dối, nực cười và vô lý của chiến tranh.
Louisa May Alcott
Lịch sử văn chương thế giới cho thấy, chuyện nhà văn sáng tác vì tiền không có gì lạ. Mà nhiều khi các tác phẩm để đời của họ lại được viết trong khi tác giả đang chìm trong nợ nần, ví dụ như “Tấn trò đời” của Balzac chẳng hạn. Điều ít người ngờ đến là Louisa May Alcott cũng nằm trong số đó.
Với tiểu thuyết “Little Women”, bà không chỉ khắc họa thành công cuộc sống của bốn chị em gia đình nọ giữa thế kỷ thứ 19, mà còn cho cả nước Mỹ những hình tượng phụ nữ lý tưởng hoá. Làm sao một tác giả như thế lại dành cả sự nghiệp của mình để sáng tác vì tiền?
Nhà văn Louisa May Alcott. |
Vốn là con gái của một nhà triết học theo chủ nghĩa siêu việt nổi tiếng, niềm đam mê của Louisa May Alcott lại nằm ở tiểu thuyết ngôn tình. Trước khi tròn 20 tuổi, Louisa đã sáng tác tiểu thuyết ngôn tình dưới bút danh A.M.Barnard. Tiếc thay, không hề có tác phẩm nào của bà bán chạy hết.
Và nhà văn phải nhận nhiều công việc khác nhau như giáo viên, thợ may và người giúp việc. Sau khi trở thành y tá trong một bệnh viện dã chiến, bà đổ bệnh thương hàn và nằm liệt giường. Bà dành khoảng thời gian này để sáng tác “Little Women” dựa trên trải nghiệm của mình và của những người lính khác cũng nằm trên giường bệnh.
“Little Women” lúc đầu được in từng kỳ trên báo và thu hút bạn đọc còn hơn cả tin tức chiến tranh. Nhờ vào số tiền nhuận bút khổng lồ mà Louisa thoát được nghèo và có một cuộc sống thoải mái. Nhưng Louisa lại gặp phải hai vấn đề: thứ nhất, bà nghiện thuốc phiện. Thứ hai, Louisa muốn dành cả đời mình đấu tranh cho nữ quyền. Bà vừa muốn giáo dục phụ nữ, vừa tổ chức họ đấu tranh đòi quyền bình đẳng. Muốn làm cả hai việc này, bà cần có rất nhiều tiền.
Vậy là nữ nhà văn bắt đầu sáng tác vì tiền. Bà sáng tác ba quyển tiểu thuyết hậu “Little Women” cùng với một loạt tác phẩm khác với nội dung tương tự. Louisa tìm cách đặt tiểu thuyết của mình vào vị trí “tiếng nói của lương tri” đối với công chúng Mỹ. Bà cẩn thận bảo vệ hình ảnh này đến mức tìm mọi cách để che giấu mối liên hệ của mình với A. M. Barnard.
Tuy vậy, trong nhật ký và thư từ riêng của mình, Louisa tỏ ra không thích thú với chính “Little Women”. Mẫu phụ nữ ngoan hiền, răm rắp nghe theo lời đàn ông khắc họa trong “Little Women” trái ngược hoàn toàn với tư tưởng nữ quyền của tác giả.
Cho đến lúc qua đời, Louisa May Alcott vẫn được công chúng Mỹ coi như “người bạn thân” của trẻ em. Thế nhưng dần dần các tác phẩm bán chạy của bà, ngoài “Little Women” cũng “rơi rụng” dần trong tâm trí độc giả. Có lẽ họ đã cảm nhận một cái gì đó không thật sự thực tâm trong những bộ tiểu thuyết về sau của bà.
Trái lại, di sản mà Louisa để lại cho phong trào nữ quyền như “Công đoàn vì Sự giáo dục phụ nữ lao động” ở thành phố Boston vẫn còn tồn tại và tỏ rõ giá trị của mình đến tận hôm nay.
Daniel Defoe
Cho đến khi ông bước sang tuổi 59 vẫn không có bất cứ một ai đặt danh hiệu “tiểu thuyết gia” trước tên Daniel Defoe cả. Ông là một nhà buôn thành công, một chính trị gia danh tiếng và một cây bút chuyên về chính trị trên các mặt báo. Nhiều truyền đơn, bài tiểu luận và sách của Daniel Defoe đến nay vẫn còn được các sử gia dùng làm tư liệu nghiên cứu.
Daniel Defoe viết tiểu thuyết đầu tay “Robinson Crusoe” như một cách giải lao trong khi đang viết một cuốn tự truyện. Cả ông lẫn những người khác đều không ngờ rằng “Robinson Crusoe” lại đạt được thành công lớn đến vậy khi xuất bản lần đầu. Các nhà in khi đó còn in không kịp sách để bán, đến mức trong nhiều tuần liền, trên cả nước Anh chỉ in đúng hai quyển sách: “Kinh Thánh” và “Robinson Crusoe”.
Vì sự thúc giục của độc giả và nhà xuất bản mà Daniel Defoe bắt đầu sáng tác phần hai của “Robinson Crusoe” dưới tên gọi “The Farther Adventures of Robinson Crusoe”. Tác phẩm vẫn bán chạy, nhưng cả người đọc lẫn giới phê bình cũng đã cảm nhận thấy một điều gì đó đặt tiểu thuyết này dưới tầm “Robinson Crusoe”. Biết bao nhiêu giấy mực đã được dùng để giải thích hiện tượng này. Nhưng tựu trung lại là: Daniel Defoe không thật sự hiểu được cái điều đã khiến “Robinson Crusoe” thành công rực rỡ.
“Robinson Crusoe” là câu chuyện về một người đàn ông mắc kẹt trên đảo hoang và phải tự mình tìm cách sinh tồn trước thiên nhiên và sự cô đơn. Từ nhân vật đến sự kiện đều được Daniel khắc họa một cách rất ngắn gọn, súc tích, và khiến người đọc dễ dàng tự đặt mình vào vị trí của Robinson.
Ngược lại, trong phần hai của tác phẩm, Robinson trở thành một nhân vật theo hình mẫu thuỷ thủ Sinbad. Những câu chuyện trong tiểu thuyết có thể kỳ thú hơn, nhưng độc giả không thực sự đồng cảm được với nhân vật chính như trong “Robinson Crusoe”.
Lý do thứ hai lại không phải là lỗi của Daniel Defoe. Sau khi “Robinson Crusoe” được xuất bản, một loạt các tiểu thuyết “ăn theo” khác cũng ra lò. Đến một thời điểm nào đó độc giả trở nên quá “bội thực” với những câu chuyện về người mắc kẹt trên hoang đảo. Phải mất nhiều năm sau này, khi những tiểu thuyết “ăn theo” nói trên bị thời gian quên lãng thì “Robinson Crusoe” và Daniel Defoe mới lấy lại “vầng hào quang” của mình.
Những tác phẩm của Daniel Defoe sau “The Farther Adventures of Robinson Crusoe” đều có chất lượng tốt vì ông đã biết tận dụng điểm mạnh của mình. Ấy là, viết tiểu thuyết lịch sử dựa trên chính những sự kiện mình đã trải qua và từng tường thuật, phân tích trên báo.
Độc giả đọc các tác phẩm này luôn cảm thấy như được đặt mình giữa các biến cố lịch sử lớn của nước Anh và châu Âu. Tiểu thuyết lịch sử đã không thể đem lại cho Daniel Defoe sự nổi tiếng như với “Robinson Crusoe”, nhưng không ai có thể chối từ giá trị mà các tác phẩm này mang lại cả.