Những người quen năm cũ

Thứ Bảy, 13/06/2020, 17:14
Kỷ niệm 73 năm truyền thống lực lượng Tình báo Quốc phòng (25/10/1945 – 25/10/2018), tôi nhận được thông báo của Trần Minh Tâm (Sáu Tâm) – thành viên Ban liên lạc Cựu chiến binh Đoàn Tình báo J22 (mật danh trong thời kháng chiến chống Mỹ) với nội dung: “Đồng chí Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Trưởng ban liên lạc mời anh vô dự.


Dù là năm lẻ, nhưng kỷ niệm năm nay mang ý nghĩa đặc biệt đối với đơn vị của anh em mình, vì được tổ chức tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre” (địa bàn bám trụ của đơn vị chúng tôi – Cụm Tình báo chiến lược H67, đơn vị Anh hùng lực lượng Tình báo Quốc phòng).

Nhận thông báo muộn nên phải đi gấp trong chuyến máy bay cuối chiều. Tới sân bay Tân Sơn Nhất, định đi ngay về Bến Tre cho kịp thời gian khai mạc vào 9h sáng hôm sau, đồng đội ra đón, trấn an “Yên tâm đi, đêm nay cứ ngon giấc tại thành phố, sớm mai ăn sáng đàng hoàng rồi về Bến Tre vẫn dư thời gian. Đường sá ngon lành, lại có cầu Rạch Miễu, chỉ hơn 1 tiếng là tới nơi, không nhiêu khê như ngày xưa đâu”.

Ngon giấc sao được, bởi đó là một đêm “thao thức năm canh” bởi bao gương mặt thân quen của đồng đội cũ cứ lần lượt trở về như cuốn phim hồi tưởng mà trong đó rất nhiều người trên 40 năm xa cách tôi chưa một lần gặp lại. Và, thậm chí có không ít người chỉ biết mật danh, gặp mặt chưa từng – đó là những giao thông viên, những điệp viên hoạt động bí mật trong thành.

Hai Vân (nhân vật trong Chuyện mùa dâu chín) và tác giả.

Không những thế, Sáu Tâm còn cho biết, tại cuộc hội ngộ lần này, Ban liên lạc mời cả những gia đình cơ sở cách mạng, những người mà trong kháng chiến chống Mỹ có thiện cảm với Cách mạng, đã từng giúp đỡ các cụm tình báo bám trụ tại chiến trường đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí đã bất chấp các đợt càn quét, bao vây phong tỏa kinh tế của địch đối với các địa bàn bám trụ của ta, đã giúp đỡ đơn vị mua sắm văn phòng phẩm phục vụ công tác tới thuốc men, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống cán bộ, chiến sĩ… dù nhiều hay ít, đó là “tấm lòng vàng” của quần chúng đối với Cách mạng. Cuộc gặp như thế quả là cơ hội hiếm hoi mà những người trong cuộc không thể không có mặt.

Tôi về tới hội trường thị trấn Châu Thành trước giờ khai mạc 15 phút. Thế là quá chuẩn về mặt thời gian. Bởi là người duy nhất từ phía Bắc vô nên Ban tổ chức dành cho một chỗ ngồi trên hàng ghế đầu cùng với Trưởng ban Tư Cang và còn ưu ái được thay mặt cán bộ, chiến sĩ H67 phát biểu ý kiến.

Thật bất ngờ, xúc động bởi trong hội trường đông nghẹt, có rất nhiều anh chị em H67, kết thúc chiến tranh tứ tán nhiều nơi, người chuyển ngành công tác, người về quê sinh sống. Người từ thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh… kéo về; người từ Mỹ Tho, Long An, Đồng Tháp… sang, anh chị em ở Cụm B54 từ Cần Thơ, H69 ở Giồng Trôm… tới, cán bộ, chiến sĩ H67 sống rải rác ở các huyện của Bến Tre đều có mặt.

Điều đặc biệt, cuộc hội ngộ hôm ấy của chúng tôi có cả đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy và Phó Chủ tịch huyện Châu Thành tham dự. Điều bất ngờ hơn nữa đối với tôi là sự xuất hiện của Thiếu tướng Trương Giang Long, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị CAND. Tới hôm đó tôi mới hiểu rõ ngọn ngành, thì ra trước năm 1975, Trương Giang Long có thời gian công tác tại Đoàn J22.

Được lãnh phần vinh dự thay mặt anh chị em Cụm H67 phát biểu, tôi dành tới phân nửa thời gian giới thiệu tóm tắt về đơn vị mình – truyền thống gần 7 năm gắn bó với chiến trường sông nước Châu Thành, Bến Tre, đặc biệt là địa bàn An Phước, nơi có 6 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị hy sinh. Quá đột xuất bất ngờ, không có thời gian chuẩn bị, thôi đành… nhớ sao nói vậy.

Nhân vật đầu tiên tôi giới thiệu là người có mái tóc bạc phơ, ngồi hàng ghế đầu cùng ông Tư Cang, đó là Cụm phó Năm Tuyến, 86 tuổi, quê ở Hưng Nhượng, Giồng Trôm, Bến Tre; nhân vật thứ hai ngồi ở hàng ghế sau là Cụm phó Năm Phương, 79 tuổi, quê ở Châu Bình, Giồng Trôm. Hai người là “kiến trúc sư” trong phương án tìm và xây dựng căn cứ bám trụ của H67 tại An Phước; nhân vật tiếp theo là Nguyễn Thu Nguyệt – một nữ sinh Sài Gòn xếp bút nghiên theo cha mẹ tham gia kháng chiến từ lúc 16 tuổi, được đưa về “R” đào tạo khóa hiệu thính viên rồi trở lại nội thành đảm nhận đài phát sóng một chiều của H67, gọi là đài “Sài Gòn 2” phục vụ Chiến dịch Mậu Thân.

Cô có mặt hôm đó là đại diện cho gia đình có tới 5 người là cán bộ H67 – cha cô, Tướng Nguyễn Đức Trí (Sáu Trí), một Tổ trưởng điệp báo cự phách của đơn vị, sau này trở thành Cụm trưởng H67, rồi trở thành Đoàn trưởng Đoàn Tình báo chiến lược J22. Phu nhân của ông là một giao thông viên “gạo cội”. Em trai ông là Cụm phó H67 Tám Thanh (Nguyễn Thanh Nam) cùng phu nhân là giao thông viên của đơn vị.

Hai người là “linh hồn” của 2 đài phát sóng “Sài Gòn 1” và “Sài Gòn 2” của đơn vị tại nội thành. Công lao của họ là tìm kiếm, xây dựng được 2 gia đình cơ sở cách mạng tuyệt đối tin cậy để đặt đài phát sóng, sau bao năm vẫn đảm bảo an toàn. Sau Tết Mậu Thân, địch tăng cường truy lùng “Việt cộng” nằm vùng, ông được rút về căn cứ. Cuộc hội ngộ hôm ấy còn có hai chị em (chị Tư và cô Tám) đại diện một gia đình có tình cảm đặc biệt với H67. Đó là gia đình thầy Tám.

Nhà ở số 19 Trương Vĩnh Ký, thành phố Mỹ Tho (địa chỉ này thời đó, trừ Cụm phó phụ trách mạng lưới giao thông, bộ phận căn cứ chỉ mình tôi được Cụm trưởng Bảy Vĩnh cho biết). Thầy Tám từng là bạn học vói ông Trần Văn Hương – người mà sau này đã có lúc leo lên tới chức Phó Tổng thống rồi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH).

Thầy Tám theo ngành sư phạm và trở thành thầy giáo từ thời Đệ nhất VNCH. Gia đình có 10 người con, nhưng không một ai làm việc cho chế độ Sài Gòn. Trừ người nhỏ tuổi, còn tất cả đều gắn bó với cách mạng và đều có mối quan hệ với đơn vị chúng tôi. Địa chỉ 19 Trương Vĩnh Ký là “hộp thư sống” của H67. Người con thứ tám – Tám Thảo (Hằng Thu Thảo) và người con thứ mười – Mười Thủy (Hằng Thu Thủy) đều là giao thông viên của H67.

Quan sát trong hội trường hôm ấy còn có hai cặp tình nhân thời chinh chiến mà tác giả bài viết này đều là chủ hôn cho đám cưới của họ. Cặp thứ nhất là Đài trưởng vô tuyến Vũ Minh Lĩnh (quê Kim Bảng, Hà Nam), cô dâu là Nguyễn Thị Hoa, nhân viên cơ công (sửa điện đài), quê Tân Trụ, Long An.

Đám cưới của họ được tổ chức dưới hầm tại mật khu Bời Lời, Trảng Bàng, Tây Ninh cuối năm 1969, hai ngày trước khi H67 chuyển căn cứ bám trụ về miền Tây Nam Bộ. Cặp thứ hai là trinh sát Hai Hiệp và cô giao thông viên Hai Bé được tổ chức tại căn cứ An Phước, Châu Thành, Bến Tre. Cả 2 đám cưới trên từ hơn 10 năm trước tôi đã có bài viết in trên ấn phẩm của Báo Công an nhân dân với tiêu đề “Đám cưới trong lòng đất” và “Đám cưới vùng ven”.

Có mặt trong cuộc hội ngộ hôm ấy còn có một nhân vật đặc biệt đó là Chín Thêm – nàng dâu của H67. Cô là con gái ông bà Mười Tầm. Nhà ở ấp 1, xã An Phước. Gia đình là chỗ dựa đầu tiên của đơn vị chúng tôi. Ông bà Mười có 7 người con – 3 gái, 4 trai để hình thành “gia đình xã đội” – Xã đội trưởng Ba Xước, chính trị viên xã đội Tư Ngưu, Xã đội phó Sáu Ngang và Ấp đội trưởng Năm Bang.

Vậy mà, chỉ trong vòng hơn 2 năm, cả 4 chàng trai đều anh dũng hy sinh tại quê dừa An Phước. Tới người con trai cuối cùng là Xã đội phó Sáu Ngang hy sinh, bà Mười lâm bệnh tâm thần, bà lội khắp kênh, mương tìm con. Trước tình cảnh đó, Bí thư chi bộ và Chủ tịch xã gặp tôi và nêu vấn đề: “Tình cảnh này, chúng tôi đề nghị anh Ba Dương (tên thường gọi của tôi ở chiến trường) nhận bà Mười làm má nuôi để an ủi bà, may ra có thể giải tỏa tâm lý hụt hẫng. Vì anh từ Bắc vô, xa quê hương gia đình, phù hợp hơn với anh em tôi”.

Tôi trở thành con nuôi bà Mười từ đó. Tình cảm bà dành cho tôi như một thành viên trong gia đình có thể nêu ra nhiều dẫn chứng. Song, có một sự kiện làm tôi vô cùng cảm động, đó là một trinh sát của đơn vị chúng tôi - Năm Chót, quê Giồng Trôm yêu Chín Thêm, cô bé hỏi ý kiến má, bà Mười phán một câu xanh rờn: "Việc này phải hỏi anh Ba bay. Thằng Ba Dương nó ưng ai thì má ưng người đó".

Đám cưới của họ được tổ chức vào mùa xuân năm 1972 tại căn cứ của H67. Đơn vị giao tôi làm chủ hôn và đại diện họ nhà gái. Chị Tư Chiến giao thông viên của H67, chị gái của chú rể, đại diện họ nhà trai. Năm ấy chiến trường đồng bằng sông Cửu Long còn dễ thở hơn miền Đông, nên đám cưới rất đông vui, có cả bà con ngoài ấp chiến lược vào dự. Nữ đoàn viên thanh niên có tới mười mấy cô trưng diện như ngày hội.

Quan sát trong hội trường, tôi còn nhận ra nhiều gương mặt thân quen: Tư Cần cán bộ điện đài, trinh sát Tâm, Nguyện, giao thông viên Út Hiệp, Sáu Sóc, Bảy Nhen, y sĩ Tư Lợi, người bao năm chăm sóc sức khỏe cho toàn đơn vị...

Phần thứ hai, tôi giới thiệu tóm tắt thành tích của H67. Với hơn 13 năm (1962 - 1975) xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, trong đó có hơn 7 năm bám trụ tại Mật khu Bời Lời (thuộc miền Đông Nam Bộ), hơn 6 năm bám trụ tại địa bàn sông nước Bến Tre (thuộc miền Tây Nam Bộ), đương đầu với hàng chục cuộc càn của địch vào căn cứ, tiêu diệt hơn 300 tên (có trên 2/3 là lính Mỹ), phá hủy 23 xe tăng và xe bọc thép, bắn rơi 3 trực thăng.

Các lưới điệp báo nội thành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã xây dựng được nhiều cơ sở bí mật trong các mục tiêu quan trọng như: Ủy ban An ninh - Quốc phòng Hạ viện, Tổng nha Cảnh sát quốc gia, Nha cảnh sát Đô Thành Sài Gòn, Bộ Tổng tham mưu quân lực VNCH..., thu thập được nhiều tin tức tình báo quan trọng, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng.

Thành tích của H67 đã được Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang. Chiến công đó, ngoài sự chiến đấu hy sinh quên mình của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, sự chăm lo, chỉ đạo sát sao của Bộ chỉ huy Miền, đặc biệt là của lãnh đạo Đoàn Tình báo J22, còn có sự cưu mang, giúp đỡ, bảo vệ của bà con cô bác ở 2 địa bàn bám trụ của đơn vị là Trảng Bàng, Tây Ninh và Châu Thành, Bến Tre. Nghĩa tình ấy đã khắc ghi trong tâm khảm cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị chúng tôi.

Phần cuối, tôi bày tỏ tình cảm cá nhân với quê dừa Đồng Khởi, tình đất, tình người nơi đây đã trở thành miền quê văn học của tôi, để tôi trở thành nhà văn, nhà thơ. Nói tới đây, tôi quan sát phía cuối hội trường, bỗng phát hiện một gương mặt ngờ ngợ quen quen. Để chắc chắn, đành khéo léo thăm dò: "Tôi xin lỗi, hôm nay có cô Hai Vân, quê ấp 2, xã An Phước tham dự không ạ?".

Hằng Thu Thảo (trái) giao thông viên tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho, cụm H67 trong một lần ra thăm Hà Nội.

Gương mặt quen quen đứng dậy cùng tiếng ai đó cũng từ cuối hội trường đáp thay: "Có đó! Có mùa dâu chín đó!". Tôi thở phào nhẹ nhõm, bỗng chốc biến thành MC: "Thưa các đồng chí! Thưa bà con cô bác, người tôi vừa nhắc tới chính là cô Hai Vân, nhân vật trong bài thơ "Mùa dâu chín" của tôi, sáng tác đầu năm 1970 tại quê dừa An Phước.

Cuối năm đó, tôi gởi in trên Tạp chí Văn nghệ Đồ Chiểu Bến Tre và năm 1972 in trên Văn nghệ Khu 8. May mắn, bài thơ lọt vào mắt xanh của soạn giả Hồng Quân, ông đã chuyển thành bài ca vọng cổ với tên gọi "Chuyện mùa dâu chín", ngay sau ngày giải phóng miền Nam được 2 nghệ sĩ là Thanh Kim Huệ và Thanh Tuấn trình bày trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 2010, trong chương trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ 9, Đài Truyền hình tỉnh đã xuất bản 10 bản ca cổ, trong đó có "Chuyện mùa dâu chín" do ca sĩ Thiên Tứ và Thu Hồng trình bày”.

Pháo tay nổi lên thật dài. Dường như tất cả đều đứng dậy hướng về phía cuối hội trường kèm theo bao lời bàn tán: "Thiệt không ngờ bữa nay được gặp cả tác giả và nhân vật trong bản "Chuyện mùa dâu chín"", "Mời chị Hai Vân lên hàng ghế trên cho bà con chiêm ngưỡng"... Tôi rưng rưng trước tình cảnh ấy, thoáng chút mơ màng về cuộc gặp gỡ trên 40 năm trước...

Đó là ngày đầu tiên tổ tiền trạm chúng tôi từ Giồng Trôm về An Phước để liên hệ với cán bộ địa phương xin xây dựng căn cứ bám trụ của H67. Đường từ Giồng Trôm về Châu Thành chỉ đi một đêm là tới. Vậy mà, thời đó để tránh phục kích của địch, chúng tôi phải đi đường vòng và chờ đợi mất một tuần lễ. Từ Phước Thạnh vượt sông Ba Lai về đất An Phước khoảng 10h sáng. Chúng tôi ngồi nghỉ trên một chiếc cầu sạn (cầu xi măng).

Gọi là nghỉ mệt, thực ra cũng là chờ người qua lại để hỏi đường tới nhà Bí thư chi bộ. Đúng lúc đó, có 2 cô gái xuất hiện ở đầu cầu bên kia. Họ xuống rạch rửa chân tay. Tôi thầm nghĩ, ngưỡng non choẹt này có hỏi thăm tới Bí thư chi bộ cũng bằng thừa nên không đáng quan tâm. Tôi đang thả hồn trong tiếng gió reo của rừng dừa, bỗng giật mình bởi tiếng con gái ngọt ngào: "Tụi em đi hái dâu về, mời mấy anh ăn dâu, dâu vườn nhà em đó". Tôi ngước nhìn, hai cô gái đã đừng giữa cầu... Cô chị tuổi chừng 18 bưng chiếc nón lá trên tay. Cô em chừng 15, 16 tuổi. Cô chị đặt chiếc nón lá xuống sàn cầu, giao nhiệm vụ cho cô em: "Hồng ơi! Em chia dâu cho mấy anh đi".

Cô gái nhìn tôi, hỏi: "Mấy anh về đâu mà dừng nghỉ ở đây?". "Tụi tôi về An Phước". "Đây là An Phước rồi còn gì". "Dạ... tôi chờ hỏi thăm về nhà Bí thư chi bộ". "Chú Hai Công Chánh phải không? Đây là lộ giữa. Mấy anh đi xuôi về gần rạch Cầu Đình, phía bên trái là nhà chú Hai. Gần thôi mừa. Trưa rồi, tụi em về nghen, nhà tuốt trong ven đồng lận".

Cầm chùm dâu vàng ươm, chín mọng trong tay, tôi đã từng ăn nhiều dâu da rừng miền Bắc, những trái dâu da màu tím, nhưng dâu da vườn màu vàng thì lần đầu được thưởng thức. Cái hương thơm, vị ngọt trái dâu đã xua tan mỏi mệt sau mấy ngày hành quân vất vả. Hương thơm, vị ngọt trái dâu cùng lời mời của cô gái miệt vườn đã tạo thành cảm hứng trong tôi về một tứ thơ.

Tôi vội lấy giấy bút ghi lại: “Nhớ buổi gặp em/ giữa mùa dâu chín/ Đưa tôi chùm dâu em cười bẽn lẽn/ “Ăn đi anh chùm dâu ngọt quê nghèo”/ Tôi mải ngóng trông theo khi gánh dừa mươi đôi kẽo kẹt theo em về xóm nhỏ/ Rừng dừa reo trong gió/ Gợi lòng người nỗi niềm nhung nhớ/ Hương thơm vị ngọt chùm dâu chắc chưa bằng lời mời em gái…”.

Chuyến đi quá thuận lợi. Khi nghe chúng tôi nêu vấn đề xin xây dựng căn cứ bám trụ ở An Phước, Bí thư chi bộ tỏ ra rất vui và quyết định luôn: “Về đồng cam cộng khổ với tụi tôi thì tốt quá. Trước mắt, cho các anh mượn tạm một căn cứ cũ của chi bộ tá túc ít ngày rồi tôi sẽ dẫn đi tìm địa điểm xây dựng căn cứ mới. Tất cả đều là vườn cũ của dân. Bà con bị địch dồn vào ấp chiến lược và khu gom từ mấy năm nay”.

Mấy ngày dốc sức xây dựng căn cứ. Chiều cuối tuần, tôi cùng 2 trinh sát tranh thủ vào ven đồng gọi là khảo sát địa hình, đồng thời tìm mua lương thực, thực phẩm. Tại quán tạp hóa ven đồng, chúng tôi may mán gặp mấy anh em du kích địa phương. Tôi chủ động làm quen và giới thiệu: “Tôi là Ba Dương ở Đoàn nghiên cứu địa hình của tình (tên ngụy trang của đơn vị) về An Phước được mấy bữa nay”.

Người lớn tuổi nhất khẽ gật gật đầu, tự giới thiệu: “Tôi là Tư Ngưu, Chính trị viên xã đội. Chúng tôi đã được anh Hai Công Chánh giới thiệu về các anh”. Vừa lúc đó, có một cô gái từ trong quán đi ra: “Chào anh Tư và mấy anh”. Cô gái ngước nhìn tôi ngỡ ngàng rồi khẽ reo lên: “A… Chào anh. Zậy là mấy anh vẫn ở An Phước”. Tư Ngưu vỗ nhẹ vào vai tôi và chỉ cô gái: “Đây là Hai Vân, một đoàn viên thanh niên rất nhiệt tình với các phong trào ở địa phương, đặc biệt là với du kích tụi tôi.

Tạm biệt nghen, sẽ còn gặp nhau hoài hoài”. Cô gái mời chúng tôi vô quán. Vì đã từng gặp nhau nên cô nói chuyện với chúng tôi rất tự nhiên về phong trào địa phương chống gom dân lập ấp chiến lược, đặc biệt là tinh thần chiến đấu của anh em du kích quyết bám trụ chống địch càn quét lấn chiếm…

Cuộc gặp hôm ấy tạo thêm cảm xúc để tối về căn cứ tôi bổ sung vào bài thơ bỏ dở: “…Lần thứ hai gặp lại / Tôi trở thành quen thân/ Đến thăm em – em kể chuyện xa gần/ Chuyện quê hương An Phước/ Giặc vô là tan xác/ Chuyện ông già mù xóm trên và tiếng hú ven đồng/ Chuyện riêng bót Cầu Đình ta diệt tên giặc thứ một trăm/ Chuyện em đi dân công, làm liên lạc/ Đưa cuốn sổ hồng em bảo tôi ghi bài hát/ Chép thiệt nhiều nghen… em thích bài ca giọng có Bác Hồ…”.

Cứ theo cái mạch ấy, câu chữ trài dài hơn 3 trang giấy mới kết thúc bài thơ.

Sau mít-tinh là tới phần liên hoan. Chẳng cao lương mỹ vị gì nhưng đó là bữa ăn ngập tràn nghĩa tình đồng đội, đồng chí, tình quân dân cá nước. Tất cả đều hẹn gặp nhau vào ngày truyền thống năm sau. Năm 2019 được tổ chức ở Bình Dương, vì kẹt công việc nên tôi không vô được. Thực tình cũng có ý chờ dịp 30-4-2020 kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam sẽ vô. Vậy mà đại dịch COVID-19 bỗng thành vật cản. Thực hiện quy định giãn cách xã hội, những ngày “cấm cung tại gia” tôi ngồi ôn lại tình xưa trong đó có cuộc hội ngộ nhân ngày truyền thống tình báo Quốc phòng năm 2018 trở thành kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời binh nghiệp của tôi.

Ký của Khổng Minh Dụ
.
.