Kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2007):

Những ngôi sao xa mà rất sáng

Thứ Tư, 14/11/2007, 20:45
Thơ Raxun Gamzatốp mà tiêu biểu là tập “Những ngôi sao xa” đúng là xa với chúng ta không chỉ về khoảng cách từ đất nước Nga ngàn vạn dặm, xa nhau về ngôn ngữ, về phong tục và tư duy của người miền núi cao... Nhưng vượt qua tất cả, “Những ngôi sao xa” của miền Đaghextan của R.Gamzatốp đã được yêu mến và đón chào ở Việt Nam. Chắc ai đã thấy ánh sáng của nó rồi thì sẽ không thể quên đi…

Trong các nhà thơ Xôviết (1917-1991), Raxun Gamzatốp là một trong hai nhà thơ mà tôi yêu thích nhất. Do không biết tiếng Nga, tôi biết đến R.Gamzatốp hơi muộn. Sau khi đọc tập văn xuôi đầy hấp dẫn “Đaghextan của tôi” do nhà văn, Tiến sĩ Phan Hồng Giang dịch, NXB Tác phẩm mới in năm 1977, tôi mới tìm đọc thơ R.Gamzatốp.

Đến năm 1983, tôi tương đối hiểu thơ R.Gamzatốp qua tập “Những ngôi sao xa” do Thái Bá Tân dịch, NXB Lao động ấn hành. Đối với tôi, thơ R.Gamztốp giống như nấm hương của rừng sâu, chậm được thưởng thức, nhưng đã biết rồi thì lưu luyến mãi, không quên được.

Điều trước hết có thể thấy là thơ của R.Gamzatốp giản dị, tự nhiên như những đức tính của người miền núi ở quê hương nhà thơ. Thơ R.Gamzatốp nói về tất cả những gì mình cảm xúc và suy nghĩ trước những sự vật và hiện tượng diễn ra quanh  mình, trong sinh hoạt đời sống hàng ngày của dân tộc mình, nếu chỉ đọc qua có thể cho là bình thường và vụn vặn, chẳng hạn:

Mùa đông đang đến gần
Các loài chim bắt đầu thấy lạnh
Rủ nhau bay về nam lẩn tránh
Dù suốt mùa hè ca ngợi quê hương.
Chỉ đại bàng vẫn ngồi im
Lặng lẽ nhìn những vườn cây trụi lá
Khi quê hương gặp những ngày băng giá
Đại bàng không bỏ bay đi...

Giản dị thế thôi mà là một tứ thơ lớn, chứa đựng tư tưởng lớn và tình cảm lớn, toát lên lặng lẽ từ hình tượng thơ. Phải chăng đây là thơ đích thực ở độ chín?

Thơ R.Gamzatốp không hề nói đến bóng dáng của người công nhân, người nông dân, người chiến sĩ... nhưng những phẩm chất cao đẹp của người Nga cần cù, dũng cảm, thủy chung, giàu tình nghĩa... lại thấm đậm trong từng bài thơ. Ở R.Gamzatốp, thơ thật sự là rượu, qua đó ta thấy đầy đủ hương vị của cánh đồng, chứ không cần nhiều lời:

Nếu anh là đàn ông, hãy tin
Và giúp mọi người cũng tin như thế
Rằng trái tim đàn ông rất khỏe
Như băng đồi, con tuấn mã đang phi
Còn em, phụ nữ hãy chứng minh
Sao cho mọi người phải thấy
Rằng trong ngực em, quả vậy
Một chiếc nôi đang đung đưa...

Nói vậy không có nghĩa là thơ R.Gamzatốp ít gắn với nhịp sống nóng hổi của thời đại. Có điều tính thời sự ấy không lộ liễu, mà được toát ra bằng hình tượng dễ đi vào lòng người, như khi tác giả kể lại một phong tục miền núi khi đàn ông đánh nhau thì phụ nữ rút khăn ném xuống chân đàn ông để tỏ thái độ phản đối và kêu gọi phụ nữ ngày nay khắp năm châu hãy làm như vậy trước nguy cơ chiến tranh thế giới. Và đây là thế giới và thời đại chúng ta được nói đến bằng một hình ảnh quen thuộc với nhà thơ:

Thế giới này tôi đã đi nhiều nơi
Thấy nhiều sách truyện hay, hoàn hảo
Nhưng cuốn sách vĩ đại của cuộc đời
Là trái đất, mới chỉ là bản thảo.
Nhiều lỗi sai trong cuốn sách địa cầu
Nhiều vết bẩn, nhiều chương cay đắng...
Ôi giá gì được chữa gọt từng câu
Được chép lại hoàn toàn trên giấy trắng.

Một điều dễ nhận thấy là thơ R.Gamzatốp mang một triết lý khá sâu sắc ở tất cả các bài thơ. Tuyệt đại đa số những triết lý ấy được gửi gắm trong các hình tượng tương xứng. Tất nhiên, cũng có đôi khi triết lý còn hơi lộ liễu, không rõ do tác giả hay do bản dịch? Những triết lý thường thấm thía, bắt người đọc phải suy nghĩ tự lý giải. Những triết lý thường không dễ dãi không quen thuộc, mang những yếu tố “phi lý” để khẳng định chân lý. Đó là những khám phá, những sáng tạo của tác giả. Phải là một người có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghệ thuật cao mới đạt được cái sự triết lý, mà một số người sẽ sợ sệt, né tránh:

Trên đời này chỉ có ba bài hát
Đủ nói hết buồn vui thế giới tâm hồn
Hay hơn cả là bài ca thứ nhất
Bà mẹ dịu dàng khẽ hát ru con.
Bài thứ hai cũng là bài của mẹ
Khi con trai mẹ chết, cánh tay già
Ôm xác con, hát một mình lặng lẽ...
Những bài khác trên đời là bài hát thứ ba.

Mới thoạt nhìn thì thơ R.Gamzatốp không hiện đại, bởi hầu hết là những thể thơ có quy cách: 8 câu, 4 câu, xon-nê... Nhưng chất hiện đại đâu phải chỉ ở hình thức thơ như một số người làm thơ trẻ non nớt lầm tưởng. Chất thơ của muôn đời hoà nhập vào đại dương hiện đại bằng dòng suối nhỏ dân tộc của mình ở cả nội dung và hình thức. Đây là một bài thơ tác giả nói về tình yêu bằng thể thơ quen thuộc tám câu, với những hình ảnh đàn chim, tuyết tan ở miền núi gần gũi của dân tộc mình, nhưng sâu sắc, hiện đại biết bao:

Từ mây, như chim hàng đàn
Giữa tháng tư tuyết bay rất nhẹ
Nhưng thấy đất - tuyết tan
Thành nước rơi rất khẽ.
Từ xa, anh đến tìm em
Giận dữ buồn, im lặng
Nhưng anh tan như tuyết bên em
Giữa tháng tư trời nắng.

Trước đây, có một thời kỳ dài, nhiều người quan niệm phải tăng lượng thông tin trong thơ vì thời đại ngày nay lượng thông tin rất lớn. Nhưng thông tin đâu phải là một nhiệm vụ chính của thơ. Quan niệm đó nếu nhìn vào thơ R.Gamzatốp sẽ chẳng thấy được gì. Thơ R.Gamzatốp rất ngắn gọn và hàm súc:

Để mất kim, anh hãy đốt đèn lên
Ánh sáng giúp anh tìm, có thể
Nhưng anh mất bạn anh thì có đến trăm đèn
Cũng không dễ tìm như thế
(Thơ khắc trên giá nến)

Trong phần “Thơ đề thơ khắc”, tôi thích nhất hai bài: “Thơ khắc trên dao găm” và “Thơ khắc trên cốc rượu bằng sừng”:

Đừng tự hào có dao
Chàng trẻ
Nhớ nhiều người cũng có dao
Như thế!
(Thơ khắc trên dao găm)

Người thông minh thành thằng ngốc khi say
Ấy thế mà nhiều khi ngược lại
Người say rượu đã đang và sẽ chết
Nhưng không lẽ người không say bất diệt
(Thơ khắc trên cốc rượu bằng sừng)

Cuối đời, Raxun Gamzatốp có bài thơ “Không đề” đặt vấn đề về giá trị chân chính của con người:

Số phận hiền lành, tôi chẳng cuồng điên
Mắt vẫn sáng tôi vẫn còn mơ ước
Được nhìn thấy giá bánh mì hạ xuống
Và giá con người được nâng lên.

Bài thơ ngắn này đã mang được tư tưởng của thời đại, thể hiện được chủ nghĩa nhân đạo cao cả của tác giả và của các nhà thơ Nga nói chung. Giá trị của con người, với tư duy mới, vẫn là một vấn đề thời sự đối với tất cả các nhà nước trên thế giới.

Thơ Raxun Gamzatốp mà tiêu biểu là tập “Những ngôi sao xa” đúng là xa với chúng ta không chỉ về khoảng cách từ đất nước Nga ngàn vạn dặm, từ khi tác phẩm được giải thưởng Lênin về văn học nghệ thuật cách đây đã gần nửa thế kỷ, xa nhau về ngôn ngữ, về phong tục và tư duy của người miền núi cao... Nhưng vượt qua tất cả, “Những ngôi sao xa” của miền Đaghextan của R.Gamzatốp đã được yêu mến và đón chào ở Việt Nam. Chắc ai đã thấy ánh sáng của nó rồi thì sẽ không thể quên đi. Riêng tôi vẫn thường ngắm lại hoàn toàn vì tình cảm...

R.Gamzatốp - Nhà thơ người Ava ở Đaghenxtan (Nga), sinh năm 1923, bắt đầu in thơ từ 1937. Các tập thơ chính: ”Mùa xuân Đaghextan” (1955). “Năm tôi sinh” (1950 - giải thưởng Quốc gia), “Trái tim tôi trên núi” (1950)... “Những ngôi sao xa” (Giải thưởng Lênin, 1963). Ông cũng là tác giả tập văn xuôi nổi tiếng “Đaghextan của tôi” đã dịch ra tiếng Việt. Ông mất năm 2005.

.
.